Vũ Dương
Chuyên gia bình luận các vấn đề thời sự Trần Phá Không đã có bài viết về tâm điểm đáng chú ý của chính quyền Trung Quốc thời điểm hiện tại. Sau đây là nguyên văn bài viết của ông:
Năm tới, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ tổ chức Đại hội Toàn quốc lần thứ 20. Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã nắm quyền hai nhiệm kỳ và hiện vẫn chưa có ý định thoái vị, trái lại còn quyết tâm theo đuổi việc tái cử, thậm chí còn mưu cầu nắm quyền trọn đời. Điều này đã trở thành tâm điểm lớn nhất của chính trường Trung Quốc hiện nay.
Nó vừa là tiêu điểm, lại càng là nỗi lo lắng. Các nguyên lão chính trị lo lắng ông Tập từ lúc lên nắm quyền đến này cứ mãi ở lì không chịu rời đi, các nguyên lão hiện giờ đã cảm thấy hối hận vì lúc đầu đã chọn ông ấy. Giới chức cấp cao của ĐCSTQ lo lắng rằng ông Tập hiện giờ đã hoàn toàn mất đi sự ước thúc, thích sao làm vậy, vô pháp vô thiên.
Mà ông Tập cũng lo lắng, dù bản thân tham luyến quyền vị chỉ muốn tái đắc cử để nắm quyền lâu dài, nhưng ông cũng biết rõ rằng với bao nhiêu sự chống đối, chế giễu từ trong đảng đến ngoài đảng, từ trong nước đến ngoài nước, những rủi ro trong tương lai lớn như thế nào, chính ông cũng không hình dung hết được.
Điểm mấu chốt của sự độc tôn, ham muốn quyền lực của ông Tập Cận Bình là chế độ ĐCSTQ đã mất đi sức mạnh ràng buộc đối với ông. Ông ấy có thể tùy ý sửa đổi hiến pháp, ví như ông đã ép buộc sửa đổi hiến pháp và bãi bỏ chế độ nhiệm kỳ của thủ tướng chính phủ. Ông ấy có thể tùy ý vi phạm hiến chương của đảng, ví như hiến chương của đảng quy định: “Đảng phản đối các hành vi sùng bái cá nhân dưới mọi hình thức”.
Nhưng ông Tập Cận Bình và đội quân của ông ta đã phô trương sùng bái cá nhân một cách trắng trợn, các kênh truyền thông đảng và báo đảng đều đưa ông Tập Cận Bình và “những câu nói vàng” của ông lên tiêu đề mỗi ngày để ca công tụng đức mà không hề cảm thấy xấu hổ.
Hiểu biết chung đã cho chúng ta biết rằng xã hội càng dân chủ thì quyền lực càng chịu sự hạn chế, từ đó khiến những ham muốn ích kỷ cá nhân của người lãnh đạo không thể vượt quá lợi ích của người dân; ngược lại xã hội càng độc tài thì quyền lực càng mất đi sự kiểm soát, từ đó khiến những ham muốn cá nhân ích kỷ của những người nắm quyền có thể tùy ý vượt quá lợi ích của người dân, tùy ý bắt trói người dân, tùy ý đạp lên ý chí của người dân.
Quyền lực giống như một liều thuốc kích thích, khiến con người ta bành trướng dục vọng, khiến con người bị nghiện, từ đó khiến con người ta sa đọa. Quyền lực mà mất đi quyền giám sát và hạn chế lại càng như thế. Quyền lực dẫn đến sự băng hoại, quyền lực tuyệt đối dẫn đến sự băng hoại tuyệt đối, chí mạng nhất chính là sự băng hoại về tâm hồn. Các nhà độc tài hầu hết đều đã rơi vào tình trạng băng hoại tâm hồn một cách nghiêm trọng.
Tập Cận Bình, người hứng đủ mọi lời chỉ trích, có thể cảm thấy không phục: Nói đến chuyện nắm quyền lâu dài hoặc trọn đời, tại sao Kim Jong Un được phép mà tôi lại không thể? Tại sao Putin có thể, còn tôi lại không?
Vấn đề là ông Tập Cận Bình không thể so với Kim Jong Un, vì xét cho cùng, trường hợp của ông Kim Jong Un là cha truyền con nối ba đời và có sức ì chính trị riêng. Nền chính trị Bắc Triều Tiên là nền chính trị lạc hậu nhất và có sức ì lớn nhất trên thế giới, nhất thời không cách nào thay đổi được. Còn ĐCSTQ đã thực hiện cải cách và mở cửa, thử hỏi cần tham chiếu mô hình lạc hậu này để làm gì?
Ông Tập Cận Bình lại không thể so với Putin được, nước Nga ít nhất vẫn có bầu cử và bỏ phiếu. Ông Putin dù có ham muốn quyền lực đến đâu, dù có dùng đủ mọi cách để kéo dài thời gian nắm quyền thế nào, thì ông ấy cũng phải vượt qua thử thách bầu cử quốc gia và trưng cầu dân ý.
Nền chính trị hiện tại của Trung Quốc nằm giữa Triều Tiên và Nga, giữa chế độ chuyên quyền cực đoan và chế độ bán chuyên quyền, điều này có thể mang đến cho ông Tập Cận Bình cảm giác sống mà không gặp thời. Vậy nên, ông Tập Cận Bình có thể rất ghét cải cách và mở cửa. Ông ta có thể ảo tưởng rằng nếu không có cải cách và mở cửa, mà trực tiếp kế vị thì tốt biết mấy! Nếu không có hệ thống nhiệm kỳ của người lãnh đạo, người dân sẽ không được phép chỉ chỉ trỏ trỏ về người lãnh đạo, và ông ta có thể duy ngã độc tôn, nắm quyền cho đến lúc chết giống như ông Mao Trạch Đông.
Tuy nhiên, nếu không cải cách và mở cửa thì làm sao Trung Quốc có thể tích lũy sức mạnh quốc gia ngày nay để Tập phô trương? Nếu không có những thay đổi chính trị sau cái chết của Mao Trạch Đông, thì làm sao cha ông ta là ông Tập Trọng Huân và gia đình ông ta có thể trở mình được? Rốt cuộc, nếu không có cải cách mở cửa, làm sao ông Tập có thể đạt được vị trí như ngày hôm nay?
Từ quan điểm của ĐCSTQ, việc ông Tập Cận Bình trèo lên vị trí cao nhất là vận may vượt ngoài dự đoán, nhưng phúc phận này vốn không đến từ bản thân ông Mao Trạch Đông, mà đến từ ông Đặng Tiểu Bình. Nhưng ông Tập lại chán ghét Đặng mà chuyển sang yêu quý Mao.
Bản thân tác giả bài viết thường nói rằng ĐCSTQ lợi dụng lòng ích kỷ độc đảng để làm tổn hại lợi ích của đất nước; giờ đây, ông Tập không chỉ lấy tư lợi cá nhân khiến lợi ích quốc gia bị tổn hại, mà càng thông qua tư lợi cá nhân khiến lợi ích của ĐCSTQ bị tổn hại sâu sắc. Trên thực tế, bất cứ ai tinh ý cũng có thể thấy rằng sau gần 40 năm cải cách và mở cửa (tính cho đến khi Tập Cận Bình lên nắm quyền), ĐCSTQ đã xuất hiện tình huống gì. Dù nhìn từ góc độ chính trị dân chủ hay chính trị độc tài, ĐCSTQ đều gặp rắc rối.
Về chính trị dân chủ, ĐCSTQ không chỉ lạc hậu mà còn lạc hậu nghiêm trọng, thua xa thế giới văn minh của thế kỷ 21. Về chính trị độc tài, ĐCSTQ đã thoái lùi nghiêm trọng, đã thoái lùi về thời Mao Trạch Đông, về thời nhà Thanh của hơn 100 năm trước, thậm chí còn thoái lùi về thời nhà Tần hơn hai nghìn năm trước, ngay cả “khai sáng chế độ chuyên quyền” đều thua xa.
Đường lối lưỡng cực của ông Tập Cận Bình, cụ thể là đường lối cực tả và đường lối độc tài cực đoan, chắc chắn mang đến tổn hại cho Trung Quốc, kỳ thực nó cũng mang lại tổn hại cho chính ĐCSTQ. Đạo lý rất đơn giản, bởi con đường tự mình phản tỉnh, tự mình đổi mới và con đường cải cách chính trị của một đảng chính trị đã bị ông Tập Cận Bình và quân đội của ông phá hủy hoàn toàn.