Trong Đất Trời Nhau… Thanh Tâm Tuyền


Thanh Tâm Tuyền

Ảnh: Ngọc Dũng - Mai Thảo - Đinh Cường - Thanh Tâm Tuyền (ảnh của hs Phan Nguyên)

Trong đất trời nhau mình vẫn gần (Mai Thảo)

Khu lều bạt Thăng Long, nơi tạm trú sinh viên Hà Nội di cư nằm ngay trung tâm thành phố trên đất Khám Lớn Sài Gòn cũ tháo dẹp. Sinh viên chuyển vào Đại Học Xá Minh Mạng, dù công trình xây cất chưa hoàn tất. Đặc san Lửa Việt của Hội Sinh Viên Đại Học Hà Nội, do anh Trần Thanh Hiệp làm chủ nhiệm, anh Nguyễn Sỹ Tế làm chủ bút, sau số Xuân Chuyển Hướng, cũng ngưng xuất bản. 

Bấy giờ là năm 1955. Di cư đã đến hồi vãn cuộc. Hà Nội khuất biệt từ tháng Mười năm trước. Sài Gòn vẫn còn xô bồ những mới mẻ những hứa hẹn trong con mắt người di cư. 

Chúng tôi – các anh Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, và tôi – gặp nhau, cùng làm việc, quen dần nhau qua mấy số Lửa Việt – nơi đã in vở kịch Trắng Chiều của anh Tế viết khi còn ở Hà Nội, các truyện ngắn Chàng Nhạc Sỹ, Gìn Vàng Giữ Ngọc của anh Sỹ và một vài bài thơ của tôi – , đồng ý cần có tờ báo của mình để viết cho sướng tay, để may ra đóng góp được cái gì cho công cuộc chung. 

Trong khi chờ anh Hiệp tìm kiếm nguồn tài trợ, chúng tôi nhận hợp tác với nhật báo Hòa Bình của anh Vũ Ngọc Các, làm trang Văn Nghệ hàng tuần cho tờ báo. Tôi được giao phó công việc đầu bếp việc sắp xếp bài vở cho trang báo vì rảnh thì giờ nhất và được nết chịu khó đọc.

Nhờ trang báo chúng tôi gặp thêm bạn: Giao Thanh và Mai Thảo.

*

Giao Thanh, một nhà giáo bị gọi vào khoá 2 Thủ Đức, chết năm 79 hoặc 80 tại K5, trại Tân Lập, Vĩnh Phú. Những năm còn ở Sài Gòn, Anh và Chị thỉnh thoảng cùng nhau thả bộ từ nhà ở chung cư Sĩ Quan trên đường Trần Hưng Đạo gần Đồng Khánh sang nhà tôi chơi Bà Chiểu; năm 70, khi tôi lên Trường Võ Bị Đà Lạt, chúng tôi gần nhau hơn: anh chỉ ao ước làm sao in được tập truyện viết từ nhiều năm của anh mà không được.

Nhớ một truyện ngắn của anh gửi đến chúng tôi kể về một đôi vợ chồng trẻ di cư ở trên một nhà – thuyền, đêm thao thức, cùng nhau nỉ mon tâm sự, cùng mơ ngày có căn nhà trên đất liền cho con cái ở; để ở cảnh sông nước Hậu Giang, anh cho nhân vật ra đứng trên mũi thuyền tiểu tiện xuống sông. Nhớ, sau khi đăng truyện, gặp anh Vũ Khắc Khoan đã bị trách: mấy cậu avant-gardiste này nhảm quá…”

*

Mai Thảo gửi tới chúng tôi Đêm Giã Từ Hànội.

Tôi nhận được một bao thư dầy cộm, không địa chỉ người gửi, trong đựng xấp bản thảo đánh máy. Bút hiệu Mai Thảo hoàn toàn xa lạ với tôi.

Liếc nhìn dòng chữ đầu tiên của bài gửi, tôi giật mình kinh ngạc: 

“Phượng nhìn xuống vực thẳm: Hànội ở dưới ấy.”

Câu trích đề của truyện đột ngột khác thường. Nó không trích ra từ một tác phẩm khác đã có. Nó như tự trên trời rớt xuống, hay nói như Mai Thảo là câu “bắt được của trời”. Cái chiều sâu của nó làm chóng mặt.

Tưởng nên nhắc nhớ rằng ẩn dụ “vực thẳm”, cứ theo chỗ tôi biết, cho đến lúc bấy giờ chưa thấy được dùng trong văn chương Việt Nam. Phải đợi vài năm sau, khi Phạm Công Thiện xuất hiện với ảnh hưởng của Nietzsche, văn từ “hố thẳm” mới tràn lan và trở thành sáo ngữ.

Đọc hết truyện thì rõ câu trích đề là một câu ở trong truyện. Phượng là tên nhân vật.

Đây là một truyện không cốt truyện.

Sự hấp dẫn bắt đọc là ở lời, giọng kể, ở ma lực của tiếng nói bất lắng nghe – theo bước di chuyển của nhân vật giữa thành phố bỏ ngỏ trong đêm, sự vật ẩn hiện nổi chìm trong giấc kín bưng triền miên của chúng -, ở sự dồn đẩy khôn nguôi của chữ nghĩa tưởng chừng không sao dứt tạo thành những vận tiết mê mải tới chốn nhòa tắt mọi tiếng. Gọi Đêm Giã Từ Hànội là truyện hay tùy bút đều được. Cứ theo ký ức cùng cảm thức của riêng tôi, trong và sau khi đọc, thì đó là một bài thơ. Thơ là thứ tiếng nói tàng ẩn trong quên lãng bất chợt vẳng dội, đòi được nghe lại (nghĩa là đọc lại, lập lại). Người ta nghĩ đến một truyện ngắn, một bài tùy bút, một quyển tiểu thuyết đã đọc, nhưng người ta nhớ đồng thời nghe và gặp lại một câu thơ, một bài thơ.

Đêm Giã Từ Hà Nội là một bài thơ thỉnh thoảng vẫn vẳng dội trong tôi mà tôi không thể nhớ toàn vẹn – tỷ như lúc này đang viết đây tôi không cách nào tìm đọc bài thơ ấy trừ cách tưởng tượng dựa vào ý ức và cảm thức còn sót đọng, trừ câu trích đề.

*

Nhớ trong buổi họp kiểm bài vở trước khi chuyển xuống nhà in tôi đã không thể ngăn nổi mình yêu cầu các anh Hiệp, Sỹ, Tế nghe tôi đọc Đêm Giã Từ Hànội đăng trọn trong một kỳ báo, không cần làm giới thiệu. Và tôi đọc say sưa, hùng hồn liên hồi. Và các anh chịu khó ngồi nghe trên căn gác lửng tối chật của tòa báo. Anh Tế kết thúc buổi họp nói đùa “Anh làm chúng tôi mất cái thú tự mình khám phá”. 

Năm di cư thứ hai mươi [1974], khi viết bài Tử Địa, nghĩ đến những đứa con tư sinh của đất Bắc ở cả hai miền lúc ấy, tôi đã mở bài bằng câu trích đề của Anh, tuyên xưng nó là câu văn bất hủ. [Người ta có thể nghĩ tôi quá lời, sử dụng “ngoa ngôn”. Nabokov còn “ngoa” hơn nhiều khi ông bảo: “Cả sự nghiệp của triều đại Sa Hoàng Đại Đế sánh không bằng nửa vần thơ của Pushkin.”]. 

Khi từ Phú Thọ ra, ghé lại Hànội chờ tầu về Nam, lúc chiều tối đứng trên ga Hàng Cỏ, trông xuống phố Hàng Lọng, phố Trần Hưng Đạo sâu hoắm bóng đêm rét lạnh của một ngày cuối năm, tôi thầm nhắc thành tiếng bên tai “… Nhìn xuống vực thẳm… dưới ấy..”, câu của anh vẳng ngân như là một câu thơ. [Câu văn là một câu gắn liền trong mạch văn, tách ra khỏi mạch không ít thì nhiều cũng bất toàn. Câu thơ tách ra khỏi mạch vẫn tự đầy đủ, tự lập trên cái nền thiếu vắng nó gợi nhắc].

Đăng bài Anh, tôi viết lời nhắn mời anh đến chơi tòa soạn. Mai Thảo đến.

Anh đi chiếc xe đạp đầm sơn trắng, đầu còn đội mũ phớt kiểu Hà Thành Công Tử. Yên xe đạp được nâng lên cao hết cỡ vẫn chưa vừa với tầm chân của anh. Chúng tôi rủ nhau ra quán cà phê đầu hẻm gần ấy, ngồi trên ghế thấp trên lề đường Lê Lai trông sang bờ tường rào của nhà ga Sàigòn nói chuyện. Hồi ấy anh mới vào Nam, còn ở chung với gia đình anh Viên trong một căn phố đường Jacques Duclos, thuộc khu Tân Định (đường này song song với đường Trần Quang Khải, Trong khoảng từ nhà hát bội đến lối vào Xóm Chùa. Tôi nói lớn: “Anh ở trúng vào con đường mang tên một tay tổ Cộng Sản Pháp”).

Chuyện giữa hai chúng tôi xoay quanh văn chương, thi ca. Anh đọc và nhớ khá nhiều thơ Việt Nam thời hiện đại kể cả loại thơ ít người đọc như thơ Nguyễn Xuân Xanh trong Xuân Thu Nhã Tập. Anh rất chịu thơ Chế Lan Viên. Nhân đề cập đến thơ ở Hànội rồi Sàigòn lúc ấy, tôi nhắc đến một bài thơ gần đây tình cờ đọc trong một trang Văn Nghệ của một tờ báo mới xuất bản: một bài thơ mới, lạ, chững chạc, dưới ký tên lạ hoặc chưa từng thấy: Nhị; một bài thơ lạnh, tôi rất thích chất lạnh của thơ, và cách biểu hiện cảm thức bằng những hình ảnh dở dang, trở đi trở lại dưới những ánh rọi khác nhau, đồng thời với cái tiết điệu biến hoá được nối kết lại bằng những câu trùng, tôi đọc những câu thích nhất, có hơi thơ gần siêu thực:

Lại thấy con đường như lặng 

Những đỉnh cây xanh 

Và những ngón tay trên phím dương cầm 

Đôi guốc mộc trong căn phòng trừu tượng.

Cúi đầu xuống cúi đầu xuống.

Anh lặng nghe tôi bình phẩm, đọc thơ, rồi nói: Nhị là tôi. Chúng tôi thân thiết nhau ngay từ buổi gặp gỡ ấy.

Cúi Đầu 

Cúi đầu xuống cúi đầu xuống 

Mà đi vào chiều xanh đỉnh cây 

Một đẹp lên khối hai đẹp lên hình 

Người cúi đầu đi vào chiều mình

Thảm cỏ non cánh cổng thấp 

Lớp đá đường rồi thảm cỏ non 

Hướng chiều thăm thẳm phố hoang vu 

Người tuổi ấy hát chiều sao ấy 

Tiếng hát suối trong hàng mi liễu buồn 

Mắt tròn im lặng.

Tôi chọn tình yêu làm biển trời

Cúi đầu xuống cúi đầu xuống 

Mà thương trở lại nhớ nhung về 

Hàng hiên xưa, trang sách mở, cánh tay ngọc 

Chiếc dây chuyền và sợi len đỏ. 

Mái tóc dài của người trong vườn 

Cột điện đầu tường lá rụng 

Rào rào mái đựng mùa thu 

Phố đếm chân đi về mãi mãi 

Điếu thuốc lá, chiếc khăn quàng, vành mũ lệch 

Đổ xuống bờ vai bóng tối núi rừng 

Mưa phùn ngõ nhớ nghiêng lưng 

Lối đi là lối dương cầm 

Đôi guốc mộc căn phòng trừu tượng

Tôi chọn tình yêu làm biển trời

Cúi đầu xuống cúi đầu xuống 

Mà dựng tình yêu thành thế giới 

Cấy những chùm sao lên nền trời 

Hát nghìn năm biển đầy vĩnh viễn 

Lại thấy con đường im lặng 

Những đỉnh cây xanh

Và những ngón tay trên phím dương cầm  

Đôi guốc mộc căn phòng trừu tượng

Cúi đầu xuống cúi đầu xuống 

NHỊ

Trong nhiều năm anh viết văn, bằng lòng làm nhà văn, không làm thơ. Trên Sáng Tạo chỉ một lần anh đăng hai bài thơ ngắn – Nghe Đất, Ý Thức – cũng ký tên Nhị. Cả ba bài thơ của thời trẻ này được giữ lại Trong tập Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền gồm những bài thơ anh làm sau ngày anh bắt buộc phải lìa bỏ Sàigòn. Chẳng rõ anh Khánh có tìm thấy những trang thảo để lại trên bàn viết của Anh bài thơ nào sót không? Câu thơ trích làm nhan cho bài viết này lấy từ một bài thơ anh gửi tôi khi tôi còn ở nhà sau chuyến đi Bắc. 

Ở Người Việt rồi Sáng Tạo, anh viết truyện ngắn, tùy bút, lý luận… Những bài tùy bút như Phương Sao, Tiếng Còi Trên Sông Hồng đánh dấu một bước mới mẻ của câu văn Việt. Tuy nhiên, đối với tôi, anh lúc nào cũng là một thi sĩ cho dù anh không làm thơ.

Đầu năm 78, ở Lao Kay lần đầu tiên nhận được thơ nhà, biết tin anh đi xa. (Vợ tôi viết: “Bố nuôi của Thái về quê ngoại sống, không ở Sàigòn nữa”) tôi như người chợt tỉnh sau giấc hôn thuỵ. Bài Nhớ Thi Sĩ (*) viết vào lúc ấy đề tặng một thi sĩ đã mất và gửi Anh, một thi sĩ lưu lạc khi chúng tôi nghĩ chắc không còn ngày gặp lại. Trong những lời thơ vẳng trong tôi bấy giờ có cả lời thơ của anh.

*

Như mọi thi sĩ của một thời điêu đứng, anh chạy trốn thơ cho đến lúc không thể trốn được nữa, bởi anh đã rõ: 

Cõi không là thơ, Không còn gì hết là Thơ. Nơi không còn gì nữa hết là Thơ. Một xóa bỏ tận cùng. Từ sự xoá bỏ chính nó. Tôi xoá bỏ xong tôi. Không còn gì nữa hết. Tôi thơ.

Và như thế…? 

Et le poète reconquiert son invisibilité. 

Jean Cocteau 

Good Night, Sweet Prince! 

Hamlet – Shakespeare. 

Chúc Người An Giấc, Công Tử của Lòng Ta.

Thanh Tâm Tuyền 2-98 

Tạp Chí Thơ, số Mùa Xuân 1998 

* Bài Nhớ Thi Sĩ

Nhớ Già Ung 

Gửi MT

Sáng nay thức giấc trong nhà giam

Anh nhớ những câu thơ viết thời trẻ

Bừng cháy trong lòng anh bấy lâu

u ám quạnh quẽ

Ánh lửa mênh mang buổi tình đầu

Mưa bụi rì rào

Gió náo nức mù tối

Trễ muộn mùa xuân trên miền cao

Đang lay thức rừng núi biên giới

Đã qua đã qua chuỗi ngày lạnh lẽo anh tự nhủ

Cũng qua cơn khô hạn khác thường

Tắt theo ngọn nắng chon von mê hoặc

đầu óc quái gở

Từng thiêu đốt anh trên đồi theo vào đêm

hành hạ anh đớn đau

Từ bao giờ anh đứng trân trối cô đơn

Hôn ám trời sơ khai nhìn qua song tù ngục

Hoang vu lời thơ ai reo hát cùng cỏ lá heo hút

Dẫn đưa anh về tận nẻo nguồn

chốn bình minh lẩn lút

(Bình minh bình minh anh kêu khẽ cảm động muốn khóc

Mai Mai xa Mai như hoa Mai về

tình thơ hôm nay)

Em, em có hay kẻ tội đồ biệt xứ

sớm nay về ngang cố quận

Xao xuyến ngây ngô hắn dọ hỏi bóng tối sâu thẳm

Đêm vây hãm lụn dần

Thủ thỉ mưa ru ngày khốn đốn

Em, soi bóng em hồn nhiên trên lối thời gian

Lặng lẽ anh gầy nhóm lửa tinh mơ đầm ấm.

Lào Kay 4/78

Vĩnh Phú 1/79

Thanh Tâm Tuyền 

(Ghi chú của tác giả: Già Ung: Giuseppe Ungaretti (1898-1970). Thi sĩ Ý.)

Related posts