Nguồn gốc Covid-19: Giới khoa học đòi WHO rọi sáng các vùng tối

Trọng Nghĩa

image.png
Bên ngoài khu vực phòng thí nghiệm P4 của Viện Virus Học Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 03/02/2021. AP – Ng Han Guan

Trong một lá thư ngỏ đề ngày 30/04/2021 gửi đến Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO/OMS), khoảng 30 nhà khoa học quốc tế thuộc nhiều lãnh vực khác nhau một lần nữa đã kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập trên một loạt các vấn đề cụ thể liên quan đến nguồn gốc con virus SARS-Cov-2, cho đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Theo những người đã ký tên vào bức thư, cuộc điều tra của một phái đoàn quốc tế được WHO cử đến Trung Quốc đã vấp phải những trở ngại về măt “cấu trúc, thủ tục và dữ liệu phân tích” khiến cho không thể làm rõ được nguồn gốc của đại dịch Covid-19 hiện nay để dự phòng những cuộc khủng hoảng khác trong tương lai.

Các nhà khoa học đã đưa ra lời kêu gọi dựa trên chính những tuyên bố dè dặt của tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới Tedros Adhanom Ghebreyesus vào cuối tháng 3 vừa qua, khi bản báo cáo kết quả cuộc điều tra chung WHO-Trung Quốc về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 được công bố.

Vào lúc ấy, ông Ghebreyesus đã xác định: “Tôi không nghĩ rằng đánh giá (của nhóm điều tra về khả năng một sự cố xảy ra trong phòng thí nghiệm) đã đủ thấu đáo”. Sẽ cần thêm nhiều dữ liệu và nghiên cứu hơn để đưa ra kết luận vững chắc hơn”.

Trong một bài phân tích ngày 30/04 về nội dung bức thư ngỏ của các nhà khoa học quốc tế, nhật báo Pháp Le Monde đã nêu bật những gì mà giới nghiên cứu yêu cầu, đối với Tổ Chức Y Tế Thế Giới, qua đó là đối với Trung Quốc, bị tình nghi là vẫn tìm cách cản trở cuộc điều tra rất cần thiết về nguồn gốc của con virus SARS-CoV-2.

Bắc kinh che giấu thông tin

Theo Le Monde, các tác giả bức thư ngỏ ngày 30/04/2021 gởi Tổ Chức Y Tế Thế Giới trước hết đã nhắc lại những phê phán mà họ đã từng nêu lên trong một bức thư trước đây, đã được cả tờ báo Pháp lẫn đồng nghiệp Mỹ The Wall Street Journal công bố hôm 04/03. Đó là tình trạng phái đoàn chuyên gia điều tra hỗn hợp WHO-Trung Quốc đã không được Bắc Kinh cung cấp thông tin một cách đầy đủ.

Theo những người đã ký tên vào thư ngỏ, thì các chuyên gia quốc tế, dù hoạt động dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, đã không thể yêu cầu được tiếp cận tất cả các thông tin sẵn có. Trong nhiều trường hợp, họ đã phải tự bằng lòng với những phân tích có sẵn do cơ quan y tế Trung Quốc cung cấp. Thậm chí, khi tìm lời giải cho những nghi ngờ đang đè nặng lên Viện Virus Học Vũ Hán (WIV), họ chỉ có được những phát biểu của nhân viên tại cơ sở này.

Tính chất thiếu độc lập của quá trình điều tra đó đã khiến cho nhiều nước quan ngại, và trong một tuyên bố chung ngày 30/03, chính phủ của mười bốn quốc gia (Hoa Kỳ, Úc, Canada, Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Na Uy, v.v.), đã kêu gọi mở lại một cuộc điều tra thực sự độc lập về nguồn gốc của virus gây dịch Covid-19.

Trong bức thư ngỏ mới của mình, giới khoa học lần này đưa ra những vấn đề rất chính xác, cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời, mà theo ho một cuộc điều tra độc lập sẽ phải ưu tiên tìm kiếm đáp án. Trong số này có yêu cầu được tham khảo dữ liệu về các bệnh nhân Covid-19 đầu tiên ở tỉnh Vũ Hán, cũng như tất cả các kết quả phân tích mẫu lấy từ động vật hoang dã và vật nuôi mà Bắc Kinh không chịu công bố.

Trong báo cáo của mình, phái bộ chung của WHO-Trung Quốc đã nói đến hàng chục nghìn mẫu được lấy ở nhiều vùng của Trung Quốc từ hàng chục loài động vật – không loài nào trong số đó có thể được xác định là vật chủ trung gian. Các nhà khoa học yêu cầu là các dữ liệu thô về các mẫu đã thu thập được phải được mở ra cho cộng đồng khoa học quốc tế tham khảo.

Cố tình xóa bỏ dấu vết cơ sở dữ liệu về virus corona?

Theo Le Monde, các nhà khoa học tác giả bức thư ngỏ rất chú ý đến các nghiên cứu của Viện Virus Học Vũ Hán và những gì mà họ coi là còn bị che giấu, không chính xác, mâu thuẫn hoặc công bố sai lạc.

1/ Vấn đề đầu tiên được nêu lên là tại sao cơ sở dữ liệu về virus corona do Viện Virus Học Vũ Hán duy trì, đã bị chuyển sang chế độ ngoại tuyến offline, tức là cắt rời khỏi mạng tin học, ngay từ tháng 9 năm 2019 trong khi các quan chức của viện này thì cho biết là nó chỉ bị ngắt kết nối từ lúc bắt đầu dịch, vào đầu năm 2020.

2/ Tương tự như vậy, bức thư ngỏ nêu bật khả năng cố tình xóa bỏ mọi dấu vết của cơ sở dữ liệu nổi tiếng này, với việc bài báo khoa học mô tả ngắn gọn bản chất và nội dung của dữ liệu đã bị xóa khỏi tạp chí trực tuyến Dữ Liệu Khoa Học Trung Quốc (China Science Data).

Vào tháng 12 năm 2020, báo Le Monde đã ghi nhận việc bài báo đã bị xóa, nhưng các bài khác – đều mô tả các bộ dữ liệu – vẫn có thể truy cập được. Nhưng theo các nhà khoa học đã ký bức thư ngỏ thì đến khoảng hai tháng Ba và Tư năm 2021 này, toàn bộ tạp chí đã bị xóa khỏi Internet. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có sự biến mất như vậy.

Hạn chế thông tin về virus RaTG13, “tiền thân” của SARS-CoV-2?

3/ Các nhà khoa học cũng cho rằng điều kiện lấy mẫu và phân tích của loại virus gần nhất với SARS-CoV-2 được biết đến cho đến nay là điều tối quan trọng. Loại virus corona từ loài dơi, tên khoa học là “RaTG13”, đã được các nhà nghiên cứu của WIV thu thập vào năm 2013 từ một mỏ bỏ hoang ở Vân Nam và được lưu giữ trong nhiều năm trong phòng thí nghiệm của họ. Các tác giả bức thư nhắc lại rằng sáu công nhân làm việc trong mỏ này, nơi có nhiều đàn dơi thường xuyên lui tới, vào năm 2012, đã bị mắc một căn bệnh với triệu chứng tương tự như Covid-19 và ba người đã chết vì bệnh đó.

Câu hỏi đặt ra là các nhà nghiên cứu Trung Quốc có thông tin gì về bệnh lý của những công nhân này gần mười năm trước đây? RaTG13 được thu thập trong điều kiện nào và trình tự gen của nó ra sao? Các mẫu sinh học của virus có còn không? Tám virus corona loại SARS-CoV khác, mà các nhà nghiên cứu của WIV xác nhận là đã lấy từ cùng một mỏ đã bị bỏ hoang ở Vân Nam, đã được giải trình tự chưa? Và đã từng là chủ đề của các thí nghiệm chưa được công bố hay không? Đây là những câu hỏi này cần phải có câu trả lời.

Quốc Hội Mỹ lên tiếng

Đối với giới khoa học, vấn đề đáng quan tâm là bản chất chính xác của công việc được tiến hành ở Viện Virus Học Vũ Hán trong những tháng gần đây vẫn chưa được biết rõ hoàn toàn. Các nghị sĩ Mỹ đang đặt những câu hỏi tương tự, và một số câu trả lời có thể được tìm thấy không phải ở Vũ Hán mà là ở Hoa Kỳ.

Theo Le Monde, cho đến gần đây, Quốc Hội Hoa Kỳ thường rất kín đáo về giả thuyết virus “xổng chuồng” sau một tai nạn trong phòng thí nghiệm. Thế nhưng, trong hai tháng Ba và Tư vừa qua, các dân biểu đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện Mỹ đã yêu cầu Viện Y Tế Quốc Gia (National Institutes of Health NIH), và EcoHealth Alliance, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ chuyên về sức khỏe và môi trường, cung cấp các tài liệu làm sáng tỏ nội dung công việc mà giới khoa học Mỹ đã phối hợp với Viện Virus Vũ Hán để thực hiện.

Các nhà khoa học Mỹ đã hợp tác với Viện Virus Học Vũ Hán biết gì?

Theo Le Monde, kể từ năm 2008, EcoHealth Alliance đã nhận được gần 8 triệu đô la tài trợ từ NIH để thực hiện nghiên cứu về các loại virus mới ở dơi. Một phần ngân quỹ này được cho là đã được chuyển qua cho WIV để giúp các nhà khoa học Trung Quốc thu thập mẫu và tiến hành các thí nghiệm về virus corona. Công việc này đã dẫn đến việc công bố một số nghiên cứu mà hai lãnh đạo của EcoHealth Alliance, Peter Daszak và Jonathan Epstein, là đồng tác giả.

Các nhà lập pháp Mỹ đang muốn biết là các nhà khoa học Mỹ đã có quyền truy cập vào ngân hàng sinh học của WIV, nơi lưu giữ tất cả các mẫu thu thập từ dơi hay không? Các mẫu có được gửi đến Hoa Kỳ hay không? Các nhà nghiên cứu của EcoHealth Alliance có phê chuẩn các thí nghiệm hàm chưa các mối nguy hiểm hay không? Họ có lo ngại gì về sự an toàn của phòng thí nghiệm Vũ Hán không?

Đó là các câu hỏi mà các nghị sĩ Mỹ hy vọng sẽ tìm được lời giải đáp nơi MIH – vì Viện Y tế Quốc Gia Mỹ đã từng nhận được một loạt các báo cáo về nghiên cứu được EcoHealth Alliance thực hiện – và trực tiếp với các nhà khoa học tại tổ chức phi chính phủ.

Các nghị sĩ đặc biệt có ý định khôi phục thư từ giữa các bên khác nhau và các tài liệu nội bộ có khả năng cho họ thấy rõ về nghiên cứu do WIV thực hiện trên các loại virus corona gần với virus SARS-CoV-2.

Related posts