“Liêm sỉ gì tầm này”

Du Uyên

Câu nói “Liêm sỉ gì tầm này” được rất nhiều cư dân mạng (đa số giới trẻ) dùng hơn hai năm nay, được hiểu theo cách tự mỉa mai hoặc tự bao biện cho bản thân khi họ biết điều gì đó là không đúng, đáng hổ thẹn nhưng vẫn làm. Ví dụ như Du Uyên hay khoe mình đảm đang, xinh đẹp, thông minh, tài giỏi, siêng năng, dịu dàng, ngọt ngào, đáng yêu, hoang tưởng…

“Tầm này rồi, liêm sỉ gì nữa!”, bài báo tại giaoduc.net.vn

Câu nói trên được cho là xuất phát từ bài báo tựa đề “Tầm này rồi, liêm sỉ gì nữa!” đăng ngày 20-4-2019 trên trang giaoduc.net.vn, có lẽ tác giả là người Bắc hoặc các nhân vật trong bài là người Bắc, vì người Nam không có nói chữ “tầm này”.

Bài báo nói về thực trạng thiếu tự trọng của người thi lẫn người coi thi trong các cuộc thi chứng chỉ (ví dụ chứng chỉ Tin học và Anh ngữ…) tại Việt Nam – bước đệm cho những người muốn vào “biên chế” nhà nước hoặc cần lên chức cao hơn. Và người dự thi (theo bài báo) là những cán bộ, công an, nhà giáo, bác sĩ…

Không những tựa đề mà cả trong bài viết đều nhiều lần nhắc tới cụm từ “liêm sỉ”, “liêm sỉ gì tầm này” để nói về sự thiếu… liêm sỉ của những người liên quan đến cuộc thi trên:

* Giám thị coi thi (để mặc cho thí sinh “cọp dê” bài từ điện thoại, cố tình ra ngoài khi gần hết giờ để thí sinh “tự nhiên” mà làm bài theo kết quả có sẵn hoặc trên mạng).

* Người in đề thi (đề thi bị in ngược. Thay vì theo số thứ tự 1,2,3,4,5 thì tờ lại in thành 1,2,4,3,5).

* Các thí sinh: “Anh T. – 50 tuổi, đang là một cán bộ trong cơ quan nhà nước ở Yên Bái xuống thi với những người đáng tuổi con cháu. Trong phòng thi anh T. cũng chép bài như ai.”
*Người chấm thi: Nói đi thi cho sang chứ theo bài báo thì những người này đi thi với tâm trạng rất… hư không, chỉ cần có tiền còn lại không cần biết gì, vì “Em thi tiếng Anh ở trung tâm này rồi, hôm nay đi thi tin học. Ðảm bảo thi đỗ mọi người yên tâm. Mình đóng gói chống trượt rồi mà”. – Một giáo viên nói.

Cả xã hội “dậy sóng” bởi một cái cúi chào lễ phép, là một xã hội ra sao? – Ảnh: baomoi.com

Phòng thi bát nháo, giám thị, thí sinh không ai “vừa mắt” ai: “Thí sinh mỉa mai giám thị: ‘Thi cử kiểu gì mà giấy thi còn in ngược như thế này’.”
“Giám thị cũng chẳng vừa mỉa mai thí sinh: ‘Thôi nào mọi người tập trung làm đi. Toàn những viên chức chứ không phải học sinh đâu mà không làm được’.”

Từ đó, câu nói trên được lan truyền nhanh chóng và trở thành câu cửa miệng nhờ sự quen thuộc, dễ hiểu của nó. Cũng là nguồn cảm hứng bất tận để chế ảnh của cư dân mạng. Có cả một bài hát phổ nhạc câu nói này (nhưng có lẽ dành cho những người trẻ hơn tôi, vì tôi nghe không nổi).Xem thêm:   Nữ Đại Tá Danielle Ngô

* Mạnh dạn tỏ tình đi, ế bỏ mẹ, liêm sỉ gì tầm này nữa…

* Mạnh dạn ăn cắp đi, đói bỏ mẹ, liêm sỉ gì tầm này nữa…

* Mạnh dạn ăn hối lộ đi, ai cũng ăn, mày không ăn là khuyết tật, liêm sỉ gì tầm này nữa…

* Mạnh dạn lừa gạt đi, giờ ai cũng lươn lẹo mà, liêm sỉ gì tầm này nữa…

* Mạnh dạn phá rừng làm sân Golf đi, liêm sỉ gì tầm này nữa…

Bỗng một bữa đẹp trời, đi đâu tôi cũng thấy câu nói trên. Tôi giật mình tự hỏi, có phải mình quá nhạy cảm hay không khi nhận ra: Ði kèm với độ quen thuộc của câu nói “liêm sỉ gì tầm này” là sự ngụy biện của xã hội này trước cái xấu, cái ác, cái sự vô liêm sỉ, thiếu tự trọng mà người ta tạo ra rồi lấp liếm nó? Khi đạo đức ở xã hội Việt Nam suy bại trầm trọng, đến nỗi chỉ cần bắt gặp cậu học trò lớp 4 (10-11 tuổi) khoanh tay, cúi đầu cảm ơn bác tài xế đã nhường đường đã đủ khiến “dư luận dậy sóng” xúc động, tung hô. Cậu bé làm một chuyện bình thường như hơi thở kia bỗng dưng được tặng quà, bằng khen lia lịa… Có phải, trẻ em Việt Nam mình đã “vô học” đến nỗi không biết nói lời cảm ơn? Hoặc vụ hai vị cảnh sát giao thông dẫn đường cho xe chở sản phụ đẻ rớt đến bệnh viện cũng được tung hô như thánh như thần, hai “đồng chí” cũng được khen thưởng, phỏng vấn tùm lum… Dẫu lời thề danh dự của người công an nhân dân VN là: “Sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân”… Có phải vì độ hiếm hoi của việc tốt mà lực lượng này làm so với những hạch sách, bắt nạt… diễn ra thường bữa với dân hay không?

Có tiền mua xe nhưng không biết có thời gian học cách đậu xe – Ảnh: Facebook

Một bữa đẹp trời nào đó, có lẽ bạn không nên ngạc nhiên nếu lỡ thấy Du Uyên bỗng thành… “ngôi sao” chỉ vì bỏ rác vào thùng rác mà không đem qua để trước cửa nhà hàng xóm, như cách hàng xóm tôi hay làm. Ðôi lúc, chính tôi cũng ngạc nhiên khi đi mua đồ ở đâu đó mà thấy người ta biết xếp hàng ngay ngắn, không ai chen lấn ai, không ai vượt lên trên đòi tính tiền trước. Hoặc gặp kẻ lái xe đụng người ta xong biết xin lỗi, không hỏi nạn nhân: “Biết bố mày là ai không?”

Sự suy bại của đạo đức không chỉ thể hiện ở những đợt tung hô của nhân loài dành cho những hành động bình thường mà còn ở lối sống của một phần lớn con người ở “thời kỳ đổi mới”, sau 46 năm được “bên thắng cuộc” gọi là “thống nhất đất nước” và “bên bỏ cuộc” gọi là “đồng hóa đất nước”. Mời các bạn đọc một phần bài viết mang tên “Vẩn vơ lắm chuyện” của tác giả Ðỗ Duy Ngọc, nói về những giả tạo của xã hội đương thời:

“Một thời người ta mong có miếng thịt mỡ để có chất béo, để rán, để chiên. Mong có miếng thịt nạc để có thêm chất đạm. Ðến khi mở cửa, thức ăn tràn trề, thích gì có đấy, chỉ sợ không có tiền thì lại rộ lên phong trào ăn chay. Doanh nhân bạc tỷ cũng ăn chay, nghệ sĩ, người mẫu cũng ăn chay, tu cũng chay mà không tu cũng chay. Tiệm cơm chay mở ra tràn ngập, bình dân có, sang chảnh có. Ði đâu cũng nghe bàn chuyện ăn rau cỏ. Vào nhà hàng sang trọng, giá cả trên trời cũng chỉ gọi món rau trộn. Ăn chay trở thành phong trào, trở thành mốt thời thượng. Ngược với ăn chay lại có một xu hướng kiếm ăn thịt thú rừng. Thú càng quý, càng được săn đuổi. Thưởng thức thịt rừng là một thú vui quý tộc. Ăn những món ăn bình thường là tầm thường, phải tay gấu, óc khỉ, mật rắn, chồn hương, tê tê… rồi sừng tê, mật gấu, cao hổ, nhung hươu mới là dân chơi thứ thiệt.

Từ chuyện ăn chay lại dẫn đến chuyện tu hành. Xã hội càng tàn bạo, khát máu, bạo lực, lừa lọc, dối trá, láo toét thì người nói chuyện tu hành, kinh kệ càng nhiều. Chùa chiền mọc lên như nấm. Thằng du đãng giết người cướp của, bà cho vay nặng lãi, chứa gái, buôn ma tuý, cán bộ tham nhũng, cướp đất của dân ngày rằm, mồng một, lễ, vọng… đều mang tiền, dâng hương, vàng mã cúng lạy Phật. Họ cầu chức, cầu tiền, làm ăn phát đạt. Họ cầu giàu càng giàu thêm, ghế càng cao thêm, chức tước bổng lộc càng nhiều hơn. Bởi có chức là có tiền, có nhà to, có đô la, hột xoàn, vàng kí.

Chưa bao giờ mà câu A Di Ðà Phật lại xuất hiện trên cửa miệng dân gian nhiều đến thế. Nó tràn đầy trong các mạng xã hội, đầy dẫy trong các bình luận. Tự hỏi họ có hiểu câu ấy muốn nói điều gì, ẩn chứa tư tưởng gì, chắc hẳn chẳng mấy người hiểu. Họ bắt con chim đang sống tự do trên trời, con cá đang sống hạnh phúc dưới nước nhốt vào lồng, vào chậu, giam đói, chết khát rồi đúng giờ, đúng ngày đem thả ra gọi là phóng sinh. Sát sinh chứ phóng sinh nỗi gì. Tu theo phong trào, đọc kinh ê a theo phong trào, dạy người khác đạo lý, tín điều cũng theo phong trào. Trở thành một xã hội cuồng tín và mê muội. Một thời loạn tăng. Một số không ít thầy tu thuyết pháp toàn nói chuyện vớ vẩn, phản khoa học, công kích, nói xấu các tôn giáo khác. Xu nịnh người giàu, coi thường kẻ nghèo, cứ bước vào chùa là thấy rõ. Chùa thành doanh nghiệp, thầy tu thành doanh nhân, loạn xà ngầu cả lên.
Lại thêm phong trào từ thiện. Bản chất của việc từ thiện là tốt, là sự sẻ chia. Nhưng làm từ thiện mà khoe khoang cho tất thảy mọi người, mà tự hào xem đó là công trạng thì chưahiểu hết nghĩa bố thí của nhà Phật. Ðó chỉ là làm cho cái tôi của mình chứ chẳng phải vì tha nhân.

Khẩu hiệu, nguyên tắc, cam kết… tại Việt Nam cũng là một loại “bánh vẽ” – Ảnh: Facebook

Chơi lan, chơi bonsai là thú vui tao nhã. Nhưng rồi người ta không dừng lại đó, đưa tới chuyện phá rừng, cưa cây đem về trưng bày trong vườn nhà. Cây trăm năm trong rừng già biến thành chậu bonsai cho lớp người nhà giàu mới. Cây lan biến hóa thành giá cả trăm tỷ đồng. Những thú chơi thanh lịch ngàn năm biến thành những trò cờ bạc, lọc lừa.

Cũng một thời, người ta toàn nói chuyện yêu nước thương dân, tình ái quốc, nghĩa đồng bào. Những gia đình vượt biên bị niêm phong với dấu đỏ lòm là phản quốc. Giờ thì ngồi đâu cũng nói chuyện Mỹ, chuyện Pháp, Anh. Người Việt ngày xưa trốn chạy, vượt biên giờ trở thành khúc ruột ngàn dặm. Con cán bộ từ cấp trung đến cấp cao đều du học Mỹ. Nhiều cán bộ chưa về hưu đã có thẻ xanh lận túi, chờ đến giờ là “out”. Thế mới thấy trên đời này mọi giá trị chẳng có chi là vĩnh cửu.

Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra. Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện, trong điệu đi, cách nói, cách cười. Chẳng phải chơi golf mà sang. Cũng chẳng phải có cây hoa quý đắt tiền mà sang. Cũng chẳng phải tiền muôn, bạc tỷ mà sang. Chẳng phải có chút sắc đẹp , có chút địa vị xã hội, có hột xoàn cả kí, có nhiều người xu nịnh mà sang. Cũng không phải miệng toàn nói chuyện đạo, chuyện chay tịnh, kể lể, khoe khoang chuyện bỏ tiền làm từ thiện, miệng luôn nam mô mới là người có lòng nhân ái, sống có đạo lý. Chiếc áo không làm nên thầy tu thì những kẻ cứ suốt ngày mô Phật cũng chưa hẳn là người tốt. Phật tại tâm chứ không phải tại miệng.”

Người ta nói, thiếu gì thì càng phải đắp thứ ấy, nhưng khổ cái là, đồ dân mình đang cố “đắp lên” cũng toàn thứ bắt chước, mà bắt chước chẳng tới nơi, tới chốn. Bởi vậy, xã hội trở nên rách rưới một cách kỳ dị chứ không còn “giấy rách giữ lấy lề”, “nghèo cho sạch, rách cho thơm” như ông bà xưa đã dạy nữa…

Nói một hồi mới để ý, xã hội Việt Nam bây giờ, tiền cũng thiếu, liêm sỉ cũng thiếu, vậy chúng ta dư cái gì mà ngày nào cũng thấy có người nói: “tự hào là người Việt Nam”, “người Việt ngạo nghễ”? Chẳng lẽ dư… luận viên?

Related posts