“Dân quân” Trung Quốc

Vũ Hiến

Với tham vọng trở thành siêu cường trên biển, Trung Quốc nay đã xây dựng được đội tàu đánh cá lớn nhất trên thế giới – và đồng thời đội tàu này cũng ngày càng trở nên hung hăng hơn, gây ra nhiều căng thẳng và tức giận khắp nơi.

Tàu dân quân giả dạng đánh cá của Trung Quốc đậu đông nghẹt tại bãi Đá Ba Đầu (Whitsun) vào hạ tuần tháng Ba – nguồn Maxar Technologies

Ðội tàu của họ mang về mỗi năm nhiều triệu tấn hải sản để cung cấp cho nhu cầu ăn uống của tầng lớp trung lưu ngày càng đông hơn ở Trung Quốc. Các chính phủ, ngư phủ ngoại quốc và các nhóm bảo tồn thiên nhiên đã lên tiếng cáo buộc đội tàu này đã cố tình đánh bắt cá trái phép, trong đó có việc sử dụng các thiết bị đánh bắt bị cấm và đồng thời còn ngang nhiên đi vào lãnh thổ của những quốc gia khác mà không thèm xin phép. Việc đánh bắt hải sản trái phép này đã gây ra thất thoát cho kinh tế tại địa phương và gây nguy hại cho hệ sinh thái biển, trong đó có quần đảo Galápagos thuộc nước Ecuador nơi có nhiều giống động vật hiếm.

Bên cạnh đó, đội tàu đánh cá của Trung Quốc còn giúp chính quyền Bắc Kinh làm công việc theo dõi các hoạt động trên biển của những quốc gia khác và xây dựng một mạng lưới bến cảng tại nhiều nơi trên thế giới. Những loại tàu này, được trang bị với cần trục và máy quay có khả năng kéo theo những tấm lưới khổng lồ, và kích thước có thể lớn gấp đôi các loại tàu tuần tra hải quân, với chiều dài trung bình gần 200 bộ Anh (60 mét).

Theo kết quả phân tích của tổ chức nghiên cứu Viện Phát triển Hải ngoại (ODI) dựa trên số liệu tàu đánh cá có đăng bạ toàn cầu cho thấy tàu Trung Quốc hoạt động tầm xa – nghĩa là đánh bắt cá bên ngoài hải phận quốc gia họ – tổng cộng lên đến khoảng 17,000 chiếc. Theo số liệu chính thức cũng như ước tính dựa trên phân tích cho thấy đối thủ cạnh tranh gần nhất của Trung Quốc trong ngành ngư nghiệp là Ðài Loan và Nam Hàn, cộng lại cũng chỉ được khoảng 2,500 tàu.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng số tàu đánh cá hợp pháp thấp hơn con số trên nhiều, với 2,701 tàu vào năm 2019. Trung Quốc đã đồng ý giới hạn số tàu đánh cá của họ ở mức 3,000 vào năm 2017, để đáp lại nỗ lực của Tổ chức Thương mại Thế giới nhằm cắt giảm các chương trình trợ cấp của chính phủ là một trong những nguyên do góp phần đưa đến tình trạng đánh bắt hải sản quá mức. Tuy nhiên, không ai tin được con số tàu đánh cá mà họ đưa ra, cũng như không ai tin con số người dân Trung Quốc bị thiệt mạng do Covid-19 chỉ có khoảng 4,600 người.

Năm ngoái, hai quốc gia Ecuador và Peru đã đặt hải quân của họ trong tình trạng báo động để theo dõi nhiều trăm tàu đánh cá Trung Quốc đã đi vào đông nghẹt gần khu vực đánh bắt cá Nam Mỹ. Tại châu Á, các chính phủ và ngành ngư nghiệp đã lên tiếng phàn nàn về hàng trăm cuộc xâm nhập của tàu Trung Quốc trong vùng biển nội địa của họ. Chính phủ Indonesia một đôi khi đã cho đặt chất nổ phá một số tàu đánh cá Trung Quốc bị họ bắt giữ với hy vọng việc làm này sẽ ngăn chặn các tàu Trung Quốc khác đến đánh bắt trộm trong vùng biển của họ.

Theo hồ sơ về các vụ đánh bắt cá trái phép được thu thập bởi tổ chức Spyglass có trụ sở tại Vancouver, từ năm 2010 đến 2019, tàu Trung Quốc chiếm tới 21% các vụ vi phạm đánh bắt cá trái phép trên toàn cầu, tăng từ 16% trong thập niên trước đó. Bảng xếp hạng toàn cầu năm 2019 của Global Initiative, một tổ chức giám sát tội phạm liên quốc gia, đã đặt Trung Quốc đứng đầu bảng trong số những quốc gia đánh bắt cá bất hợp pháp.

Không ảnh tại bãi Đá Ba Đầu (Whitsun) với hơn 200 tàu đánh cá Trung Quốc cắm neo – nguồn Maxar Technologies

Ðối với Trung Quốc, ngành ngư nghiệp có trách nhiệm phải nuôi ăn cho tầng lớp trung lưu ngày càng đông và tạo ra hàng chục triệu công ăn việc làm trong các lãnh vực đánh bắt cá, nuôi cá và chế biến hải sản. Ngành ngư nghiệp cũng phản ánh quyết tâm phát triển và mở rộng của Trung Quốc. Ðánh bắt cá ở vùng nước xa đã được ghi vào trong kế hoạch phát triển quốc gia của Tập Cận Bình và là một phần quan trọng của kế hoạch phát triển hạ tầng toàn cầu “Nhất đới, Nhất lộ” của họ Tập, trong đó bao gồm cả các tuyến đường trên biển.

Và đây chính là điều mà nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia Ðông Nam Á, quan tâm và lo ngại về mưu đồ xâm chiếm lãnh thổ của Trung Quốc.

Ngành ngư nghiệp hỗ trợ một cách đắc lực cho chính quyền Bắc Kinh trong mưu đồ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, như việc gửi ngư phủ đến thành lập các khu định cư trên các đảo san hô không có người ở trước đây trong khu vực Biển Ðông. Ðổi lại, nhà nước Trung Quốc thường xuyên bảo vệ quyền lợi đánh bắt cá cho họ.

Hải quân và tuần duyên Trung Quốc thường xuyên tham gia cùng nhiều trăm ngư phủ trên các thuyền máy trong các vùng biển khu vực mà Trung Quốc đã cho xây dựng các đảo nhân tạo với đầy đủ cơ sở cho mục đích quân sự, bao gồm sân bay, nhà chứa chiến đấu cơ và căn cứ hải quân.

Ðiều đáng nói ở đây là không ít trong số những ngư phủ nói trên là dân quân biển do Bắc Kinh kiểm soát mà trong thời gian gần đây, các phân tích gia cho biết lực lượng này có thể lên đến nhiều ngàn thành viên với nhiều trăm tàu giả dạng đánh cá nhưng lại làm những công việc khác.

Trung Quốc không thừa nhận sự tồn tại của họ và khi bị hỏi dồn, họ chỉ lập lờ nói bóng nói gió là “cái gọi là lực lượng dân quân biển đó” rồi tảng lờ đi.

Nhưng các chuyên gia phương Tây cho biết nhóm dân quân biển đó là một phần không thể thiếu trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thực hiện mưu đồ tự nhận chủ quyền lãnh thổ của họ ở Biển Ðông và những nơi khác. Những chiếc tàu sơn xanh này và thuỷ thủ đoàn – được sự tài trợ và kiểm soát bởi Quân đội Giải phóng Nhân dân – có thể nhanh chóng đưa sự hiện diện của Trung Quốc với một con số đông đảo quanh các bãi đá ngầm và đảo có tranh chấp mà gần như không gặp sự chống cự nào từ các quốc gia khác nếu như lo ngại có thể gây ra một cuộc đối đầu quân sự.

6 tàu dân quân biển thuộc lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân tại bãi Đá Ba Đầu (Whitsun) – nguồn PHILIPPINE GOVERNMENT

Lực lượng dân quân này đã gây xôn xao dư luận hồi tháng Ba vừa qua khi có hơn 200 tàu đánh cá Trung Quốc tập trung xung quanh bãi đá ngầm Ðá Ba Ðầu (Whitsun) trong khu vực quần đảo Trường Sa ở Biển Ðông.

Các phân tích gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tại Singapore nói rằng họ chưa từng chứng kiến một hoạt động nào của Trung Quốc với quy mô như vậy trước đây.

Nhóm dân quân này được trà trộn với đội tàu đánh cá Trung Quốc, hiện nay được xem là lớn nhất thế giới với hơn 187,000 tàu đủ loại, nhưng con số thực sự những tàu có võ trang thì các chuyên gia phương Tây vẫn chưa biết rõ.

Nhưng cho dù họ thuộc vào diện nào trong lực lượng quân sự, các chuyên gia cho rằng họ có thể dẫn đầu đội tàu đánh cá lớn để thực hiện các hành động nhằm hỗ trợ cho các chính sách cũng như việc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của chính phủ Trung Quốc – trong đó có khu vực Biển Ðông.

Việc thành lập lực lượng dân quân biển này thực ra đã được bắt đầu từ ngay sau chiến thắng của cộng sản Trung Quốc năm 1949 khi chính phủ Mao Trạch Ðông đang tìm kiếm một lực lượng an ninh duyên phòng. Lúc đó chưa tổ chức được lực lượng hải quân nên Bắc Kinh đổ tiền và việc huấn luyện vào nhóm dân quân biển còn sót lại của chính phủ dân quốc vừa bị đánh bại. Ít năm sau đó, chính sách tập thể hóa nghề đánh cá địa phương đã đưa lực lượng dân quân mới thành lập này vào dưới sự kiểm soát của đảng cộng sản Trung Quốc.

Theo phân tích gia Derek Grossman của viện nghiên cứu RAND Corp, Trung Quốc đã từng sử dụng lực lượng dân quân biển cho hoạt động quân sự của họ trước đây, như cuộc đụng độ với hải quân Việt Nam Cộng Hoà khi họ tìm cách chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974. Hải quân Trung Quốc đã sử dụng hai tàu đánh cá giả dạng là tàu đánh cá dân sự đưa 500 binh lính vào trong khu vực đảo đang có tranh chấp khiến cho hải quân Việt Nam Cộng Hoà do dự không dám phản ứng cho đến khi sự việc đã rồi.

Ngày 9 tháng Ba năm 2009, hai tàu đánh cá dân quân Trung Quốc giả dạng đã cố tình ngừng lại phía trước một tàu hải quân Hoa Kỳ trong khu vực Biển Ðông khiến tàu hải quân này phải ngừng khẩn cấp để tránh va chạm. Vụ việc trên cho thấy Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể tiến gần đến một cuộc đối đầu thực sự như thế nào khi Bắc Kinh nhập nhằng sử dụng tàu đánh cá cho mục đích quân sự của họ. Và điều này cũng có nghĩa là cái gọi là dân quân biển sẽ là một lực lượng nguy hiểm cần phải được chú ý và làm sáng tỏ hơn trong những âm mưu đen tối của Bắc Kinh trong tương lai.

Related posts