Hoàng Hoành Sơn (VOA)
Một vài biến cố thảm sát, khủng bố và nhục hình…
Rạng sáng ngày 09/01/2020, cụ Lê Đình Kình bị bắn chết trong phòng ngủ tại nhà riêng ở thôn Hoành. Và những phiên tòa sau đó đã tuyên thêm án tử hình hai con trai cụ. Và 27 người dân thôn Hoành còn lại, trong đấy có cháu nội cụ Kình, lãnh các mức án từ 15 tháng tù treo đến chung thân (1).
Ngày 24/06/2020, ba mẹ con chị Cấn Thị Thêu, chị Nguyễn Thị Tâm bị bắt giam (2). Vì họ dám công khai đấu tranh giữ đất Dương Nội, bị chính quyền tịch thu cho dự án phát triển đô thị; vì phía chính quyền và nhà đầu tư bồi thường không thỏa đáng. Thế là cả 4 người này trở thành những nông dân bất đồng chính kiến và cứ thế bị chụp mũ cho tội danh “tuyên truyền chống phá Nhà nước”; để rồi bị tống giam một thời gian dài, đầu tháng 5 này mới đưa ra xét xử.
Ngày 07/10/2020, nhà báo Phạm Đoan Trang bị công an bắt giữ (3). Trước đó, công an cũng đã bắt giữ các nhà báo: Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, là các thành viên Hội Nhà báo độc lập. Tiếp theo là hàng loạt cuộc bắt giam: Nguyễn Thúy Hạnh, Trương Châu Hữu Danh, nhóm Báo sạch (gồm các nhà báo Nguyễn Thanh Nhã, Nguyễn Phước Trung Bảo và Đoàn Kiên Giang); rồi những anh em đấu tranh biến mất vài ngày như: Đồng Chuông Tử, Nguyễn Văn Sơn Trung; hoặc lãnh các án nặng nề, như nhà báo Trần Thị Tuyết Diệu mới bị kêu án 08 năm tù; và nhà báo Lê Anh Hùng, Trịnh Bá Phương bị buộc vào trại tâm thần v.v…
Danh sách người dân chịu đàn áp còn rất nhiều không thể kể hết, nhưng nó cho chúng ta thấy một thời điểm của nhục hình và khủng bố đang đè nặng lên người dân Việt Nam. Bên cạnh những con người can đảm lên tiếng cho sự thật bị giết, chịu án tử hoặc phải tống giam; còn rất nhiều người bị công an dùng vợ con, gia đình… để đánh đổi và khủng bố tinh thần buộc họ im tiếng; ta còn thấy biết bao cảnh công an thẳng tay đánh đập dân chúng như ở Cồn Dầu, Tiên Lãng… hoặc trong những cuộc biểu tình ôn hòa chống Formosa gây ô nhiễm, hoặc chống Trung Quốc chiếm Hoàng Sa…
Trên đây là tình trạng đau thương của những người yêu nước, dám xông pha nói lên sự thật, công lý và tranh đấu cho các quyền lợi bị đánh cắp. Nhưng vẫn còn nhiều vấn nạn khác cho thấy đất nước này không còn là nơi an toàn về môi trường, thực phẩm, nợ công quốc gia và đủ mọi tệ nạn xã hội tràn lan.
Formosa hiện nay vẫn tiếp tục âm thầm xả chất thải thẳng ra biển hoặc thuê các công ty Việt Nam thanh lý các chất thải rắn suốt thời gian qua. Formosa vẫn đứng đầu trong danh sách các vụ gây ô nhiễm môi trường từ năm 2016 cho đến nay. Hiện tại, Formosa vẫn tồn đọng khoảng 900.000 tấn phế thải độc hại, và mỗi năm phát sinh hơn 3 triệu tấn chất thải rắn. Thay vì phải đóng của vĩnh viễn thì Formosa vẫn ngạo nghễ tồn tại trên đất nước Việt Nam (4).
Những xúc xích thành phẩm được chế biến từ mề gà thối, cá thối, thịt ươn lan tràn thị trường, đầu độc các gia đình ngay trong bữa ăn hàng ngày. Ngay trong môi trường học đường, các học sinh thường xuyên bị nhiễm độc và ngộ độc như ở Hà Nội, hàng chục học sinh trường Isaac Newton ngộ độc thực phẩm; Đà Nẵng thì hàng chục học sinh bị ngộ độc phải nhập viện do mua những “đồ chơi giống miếng hạ sốt, ngâm nước thì nở như sứa”; và hơn 100 học sinh, giáo viên nhập viện ở Tp. HCM nghi ngộ độc khi du lịch… (5)
Chưa dừng lại ở đó, tình trạng an ninh ngày càng đáng báo động. Chẳng còn cảnh tối ngủ không cần đóng cửa, của rơi không ai thèm nhặt như thời nào; nhưng thay vào đó là các tội ác diễn ra ngay ở trong những khu phố “văn hóa”, trong những căn nhà kín cổng cao tường: Bé gái 5 tuổi bị bóp cổ đến chết và bị xâm hại tình dục ở Bà Rịa (6); hai cháu bé (4 tuổi) ngụ ở xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, ăn nhầm bả chó do kẻ trộm ném vào nhà, khiến một em tử vong, một em nguy kịch; rồi mới đây, ngày 24/04, ba bà bầu từ Nghệ An vượt biên sang Trung Quốc để bán bào thai… chưa hết, còn thảm nạn bắt cóc trẻ em tràn lan khiến chính quyền phải ra văn bản cảnh báo người dân.. (7).Xem thêm: Tại sao? Tại sao? Và tại sao?
Có thời nào mà sự an toàn của các em thiếu nhi ở mức báo động cao như thế chăng… cả những bào thai con người vô tội cũng trở thành những món hàng rao bán. Dân Trung Quốc có những ý niệm man rợ về dưỡng chất bồi bổ từ thai nhi… cả trong lịch sử của Trung Quốc không hề thiếu những chuyện kể người ăn thịt người. Và hiện nay, có cầu từ Trung Quốc ắt có cung từ Việt Nam đưa sang. Những tưởng thời thực dân, nhân vật chị Dậu trong tác phẩm Tắt Đèn của Ngô Tất Tố, cho con đi ở đợ, mang lũ chó con đi bán… đã là bi thương lắm rồi, không ngờ thời hiện tại còn nghèo khổ và suy đồi đạo đức đáng ghê tởm hơn nữa.
Một chính quyền không còn di sản nào để lại cho người trẻ ngoài lỗ và nợ. Rừng bị tàn phá trơ trụi do kiểm lâm và các thủy điện đua nhau chặt hạ. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trước khi chấm dứt nhiệm kỳ, đã ký cấp phép chuyển mục đích sử dụng 155.93 ha rừng thông cổ thụ, ở Đak Đoa – Gia Lai, cho tập đoàn FLC làm sân golf (8).
Bất cứ tập đoàn quốc doanh nào do đảng lãnh đạo đều báo lỗ… Đào than lên bán, lỗ; đào vàng lên bán, cũng lỗ sơ sơ 1000 tỷ (9); ngành điện lực độc quyền ở Việt Nam, lỗ hàng trăm ngàn tỷ đồng, nhưng vẫn có 42 ngàn tỷ đồng ký gởi không thời hạn ở ngân hàng (10); Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) lỗ, phần vì tham nhũng (vài trăm tỷ), phần thì mất vốn đầu tư nước ngoài (dự án dầu khí ở Venezuela, PVN mất hơn 1.8 tỷ USD) (11); rồi xăng mua về 4.500 đồng, bán ra 18.900 đồng vẫn cứ lỗ.. trong đấy còn có cơ man cây xăng trộn xăng giá rẻ với xăng giá cao rồi bán theo giá cao, tinh chỉnh chip cho máy bơm số xăng ra ít xăng hơn số bán thực… vẫn báo lỗ; nhà máy in tiền quốc gia lỗ ròng hơn 11 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019 (12)…Và nợ công Việt Nam năm 2021 sẽ vượt ngưỡng 4 triệu tỷ đồng, nghĩa là mỗi công dân, dẫu mới sinh hay sắp chầu trời, đều phải è cổ gánh khoản nợ gần 40 triệu đồng/1 người (13).
Chưa hết, những ngành nghề được xem là có đức độ, cứu người giúp đời cũng không thoát khỏi sự cám dỗ của đồng tiền và đã tra tay làm điều ác. Ngành y tế Việt Nam hiện nay đang bị nhiều tai tiếng về tham nhũng, từ những viên thuốc giả, kém chất lượng trên tay người bệnh cho đến những công trình bệnh viện xuống cấp do bị rút ruột, những thiết bị y tế nhập khẩu được lãnh đạo “phù phép” đội giá cao gấp nhiều lần. Tất cả đều được chất chồng lên vai người đau ốm, bắt họ phải gánh lấy mọi chi phí ngất ngưởng để lãnh đạo đút túi riêng.
Bệnh viện Bạch Mai là một ví dụ điển hình: thiết bị robot Rosa từ 7,4 tỉ đồng nhưng đã bị lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS “thổi giá” thành 39 tỉ đồng để tăng chi phí khám chữa bệnh, móc túi bệnh nhân hơn 10 tỉ đồng; như thế, tiền phẫu thuật chỉ hơn 6,6 triệu đồng/ca nhưng BV Bạch Mai và Công ty BMS thu hơn 23 triệu đồng/ca; hưởng chênh lệch hơn 16,5 triệu đồng/ca (14).
Chưa kể đến các trường hợp đạo văn của các lãnh đạo ở Việt Nam. Mới đây, tiến sĩ Jim Macnamara, đại học Sydney, đã phản ánh đến đại học KHXH&NV Tp. HCM về việc tiến sĩ Hoàng Xuân Phương cùng giảng viên trường này, Vũ Mộng Lân, đã đạo văn của ông (hai người này đã sao chép 85% nội dung bài báo ông Jim đã đăng trên tạp chí quốc tế Journalism & Mass Communication Quarterly, năm 2016) (15).
Đây là một thí dụ điển hình trong vô vàn trường hợp đạo văn, chôm chỉa các công trình nghiên cứu khắp nơi. Chỉ tính riêng học sinh học văn mẫu, toán có đề giải sẵn là có thể hiểu tư duy sao chép lại thứ có sẵn, đã ăn sâu vào tiềm thức người đi học. Nó lý giải vì sao Việt Nam lại đầy dẫy chuyện tri thức thời xã hội chủ nghĩa chuyên môn đạo văn hay chôm bài người khác vô tội vạ như thế.
Như thế, Việt Nam có còn là chốn an toàn, là nơi đáng sống như báo chí của đảng tuyên truyền hay không. Đa phần lợi nhuận từ của công đều chạy vào túi riêng của lãnh đạo, và tất tần tật các chi phí, sưu cao thuế nặng đều do người dân gánh lấy. Nhưng rồi người dân vẫn không nhận được một thứ dân quyền nào cho ra hồn. Nhưng mỗi khi dân lên tiếng trước sai phạm, bất công lại bị chụp cho cái mũ là chống đối nhà nước, là phản động, là nghe theo xúi giục của các thế lực thù địch?
Như vụ bé gái bị sát hại và xâm hại tính dục, một tiến sĩ nhà sản lại lên tiếng theo kiểu: “bố mẹ không tin con mình bị người thân xâm hại… nhưng khi mách mẹ, mẹ lại không tin con… Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ không dạy con ý tứ, cẩn trọng trong hành vi. Trẻ con mà, cởi đồ, tốc áo, tốc váy cho… mát là bình thường” (16). Thay vì đi vào phân tích nguồn cơn tội ác đến từ đâu? Vì sao môi trường sống không còn an toàn với trẻ.. thì vị tiến sĩ này lại đưa ra đủ thứ lý thuyết lái dư luận sang hướng khác, hầu giảm nhẹ trách nhiệm của chính quyền, và quy chụp thêm tội lỗi cho cha mẹ đang đau khổ ấy. Con chưa kịp mách mẹ đã mất mạng rồi còn đâu!
Ơ! Hóa ra các sự ác ấy không liên can gì đến Nhà nước hay đảng cộng sản độc tài đang cai trị ư? Cái Bộ giáo dục của thể chế ấy trốn đâu mất rồi, sao không thấy lên tiếng cho thứ sản phẩm đúc khuôn, mà lỗi từ kiến thức cho đến đạo đức như vậy? Môi trường xã hội có bị nhiễm độc, bị phân hóa là do các giá trị đạo đức, luân lý tuột dốc không phanh, mới dẫn đến các sự vô luân và thảm trạng các em nhỏ bị xâm hại và phải chết như thế.
Hiện tượng tội ác lan tràn chính là cái biểu hiện có thể giúp lần ra cái gốc sự ác nằm ở đâu để còn biết cách mà chữa; chứ không phải ngồi đó, dùng các học thuyết tâm lý tây tầu áp đặt lên các gia đình Việt Nam. Đấy cũng là điều cần bàn kỹ, bởi lẽ bê nguyên xi các lý thuyết ấy cho Việt Nam chưa chắc đã đúng cả. Cha mẹ nạn nhân đang đau đớn vì mất đi đứa con thân yêu, lại còn bị đổ vấy cho cái tội không biết dạy con. Có phải bậc làm cha mẹ nào cũng siêu cỡ tiến sĩ ấy đâu chứ? Ai nỡ lòng nào cay nghiệt trong hoàn cảnh đau thương như thế…
Có thể sẽ có người cho rằng bài tôi viết đầy rẫy những tư duy tiêu cực, không biết sử dụng các ngôn ngữ tích cực để thay vì nói thẳng ruột ngựa gây bức bối; thì cần nói những lời nhẹ nhàng, đi vòng quanh và tránh dùng các ngôn ngữ gây đụng chạm như trên. Vì nó dễ dẫn đến tư duy tiêu cực và như thế sẽ không thể thúc đẩy sự thay đổi của xã hội theo chiều hướng tốt lên. Tôi cho rằng điều này đúng trong công việc giáo dục cho các trẻ ở độ tuổi đến trường. Riêng những cái đầu chai sạn với trái tim khô cứng vô hồn của những người lãnh đạo cộng sản hiện nay, rất cần những ngôn từ phản ánh đúng hiện thực cuộc sống và phải tránh làm giảm nhẹ đi những biến cố đau thương xảy đến cho người dân như cơm bữa.
Ai phải chịu trách nhiệm vì một xã hội hỗn loạn, đầy thứ văn hóa chết chóc và khủng bố ấy, nếu không phải là do chính quyền hèn với giặc ác với dân tạo nên? Edward Murrow, một nhà báo người Mỹ, từng nói: “Một dân tộc toàn cừu sẽ sinh ra một chính phủ toàn sói.” Thiết tưởng câu phát ngôn này rất đúng trong chiều hướng chung của các thể chế độc tài toàn trị còn sót lại trên thế giới.
Và một đại nạn gây mất an toàn nhất cho cả nước là giang hồ và ma túy lan tràn. Giang hồ thì quá nhiều người biết đến qua các nhân vật như Khá “bảnh”, Đường Nhuệ… theo đấy là những tổ chức tín dụng cho vay nặng lãi mọc lên như nấm sau mưa; và các nhóm đòi nợ thuê khiến xã hội ngày mỗi bất ổn. Riêng về ma túy thì Việt Nam hiện nay đang là một quốc nạn vô phương cứu chữa.
Ngày 22/2, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị vừa phối hợp Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, triệt phá ba đường dây vận chuyển, mua bán trái phép nhiều loại ma túy từ Campuchia về TP Hồ Chí Minh, bắt giữ bảy đối tượng, thu giữ khoảng 217 kg ma túy các loại (104 bánh heroin, 142 kg MA, 5 kg ketamin, 100 nghìn viên thuốc lắc) (17).
Ngày 05/4, công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ gần 350 ký ma túy các loại (18). Tiếp đó, ngày 13/4, công an Tp. HCM đã khám xét một nhà kho ở Lạc Long Quân, phường 5, quận 11. Vật chứng thu giữ là 49 bánh heroin, 13 kg ma túy tổng hợp dạng đá, 8 kg ma túy tổng hợp dạng ketamin, 11.000 viên ma túy tổng hợp, 1.000 lọ ma túy dạng nước, còn gọi là ma túy “nước biển”, 5.000 gói ma túy dạng bột (còn gọi là ma túy “trà ô long” và “đông trùng”) (19). Cá biệt năm 2019, có trường hợp công an còn bắt được hơn một tấn ma túy giấu trong loa kẹo kéo chở trên xe hàng đang lưu thông trên đường (20).
Tóm lại, nếu không do cái xã hội, cái đất nước ấy không còn chút an toàn nào để bảo bọc người dân, thêm vào đấy là cả một xã hội tuột dốc về đạo đức, cạn kiệt mọi nguồn tài nguyên, người trẻ đắm chìm trong ảo ảnh của “nàng tiên nâu” làm băng hoại tâm hồn, thì ta có thể đoán trước tương lai khốn cùng, èo uột nào đang sẵn chờ các thế hệ nối tiếp.
Một đất nước chẳng còn nơi an toàn bởi lẽ mọi vinh quang, lợi lộc vật chất đều thuộc về đảng, còn các thứ phí tổn, đau thương, tù ngục tối tăm thì người dân phải gánh chịu…
Đất nước 46 năm sau ngày “giải phóng” vậy đó.
Thế nên ở Việt Nam, cứ mãi vang lên câu hỏi: biết đâu địa ngục thiên đường là đâu?