Hoàng Nguyễn
Theo báo cáo Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) công bố hôm 20/04/2021, tình hình tự do báo chí ở Hungary tiếp tục trở nên tồi tệ hơn trong năm 2020 : Hungary đứng thứ 92 trong số các quốc gia trên thế giới, tụt thêm 3 hạng so với 1 năm trước đó.
Đây là kết quả của một quá trình suy thoái liên tục kể từ khi liên minh cầm quyền cánh hữu của thủ tướng Orbán Viktor lên nắm quyền từ năm 2010, và trải qua 3 nhiệm kỳ với số ghế tuyệt đối hơn 2/3 trong Quốc Hội, tạo điều kiện để phe cầm quyền có thể làm bất cứ điều gì để “bê-tông hóa” quyền lực, kể cả việc liên tục tu chính Hiến pháp mới.
Báo cáo của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới có nội dung ra sao đối với Hungary ?
Trong tờ trình 2021, với thứ hạng 92 trên tổng số 180 quốc gia, Hungary đứng áp chót trong Liên Âu trên bình diện tự do báo chí: trong số các thành viên của Liên Âu, chỉ có Bulgari là có tình hình báo chí tồi tệ hơn, trong khi các quốc gia khác như Albania, Moldova hay Bắc Macedonia còn được coi là tự do hơn Hungary trong bản danh sách này.
Theo báo cáo nói trên, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, chính phủ cánh hữu của thủ tướng Orbán Viktor đã gia tăng thêm ảnh hưởng và áp lực đối với các phương tiện truyền thông tại Hungary. Khi đại dịch bắt đầu bùng nổ, chính quyền Hung đã thông qua một số quy định nhằm đe dọa và có thể truy tố các nhà báo với lý do “tung tin giả”.
Trong hơn 1 năm qua, chính quyền Hungary luôn gây khó khăn trong việc truy cập và tìm hiểu những dữ liệu dịch bệnh mà công chúng quan tâm. (Cần nói thêm là các cơ quan truyền thông Hungary không hề có điều kiện tác nghiệp độc lập tại những cơ sở y tế trong nước, mà hoàn toàn chỉ có thể dựa vào thông tin hạn hẹp do chính phủ cung cấp).
Việc chính quyền Hungary cho sửa đổi đạo luật về quay các đoạn ghi hình bằng drone, theo đánh giá của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, sẽ thu hẹp phạm vi báo chí. Tính đa dạng của các phương tiện truyền thông cũng bị ảnh hưởng, với việc vô hiệu hóa hoạt động, hoặc có những can thiệp như trường hợp của đài phát thanh Klubrádió và báo mạng Index.
Từ nhiều năm nay, xếp hạng của Phóng Viên Không Biên Giới về tình hình tự do báo chí ở Hungary không khiến các nhà quan sát ngạc nhiên. Việc nước này trở thành một quốc gia thuộc hàng “có vấn đề” trên thế giới xét về khía cạnh truyền thông, được Hội Nhà Báo Hungary (MÚOSZ) cho rằng hoàn toàn là lỗi và trách nhiệm của chính phủ.
MÚOSZ gọi sự “xuống cấp” của tự do thông tin ở Hungary là “bi thảm”, và cho rằng việc phục hồi tự do báo chí là nhiệm vụ khẩn thiết và cấp bách của các định chế, cơ quan độc lập với chính quyền, có bổn phận bảo vệ Hiến pháp – như Cơ quan Quản lý Truyền thông, Thanh tra giám sát các quyền cơ bản trực thuộc Quốc Hội, hay Tòa Bảo Hiến.
Đặc biệt, bên cạnh việc những tiếng nói phản biện và độc lập bị dập tắt, MÚOSZ nhấn mạnh: chính phủ dùng chi phí quảng cáo từ ngân sách nhà nước để ủng hộ và “nuôi” những cơ quan ngôn luận ủng hộ “đường lối chính sách trung ương”, nhằm phục vụ các mục tiêu tuyên truyền thô bạo của phe cầm quyền, thâu tóm báo chí trong tay để điều khiển.
Ngược lại, đã từ lâu, chính phủ Hungary coi Phóng Viên Không Biên Giới là một tổ chức “dân sự giả mạo”, do tỷ phú gốc Hungary George Soros (Soros György) “giật dây và cung cấp tiền”, sở dĩ “chỉ trích Hungary và chính quyền nước này chống nhập cư bất hợp pháp”. Các vấn đề mà tổ chức có trụ sở ở Paris đặt ra đã không được Budapest hồi âm.
Chính quyền Hungary đã hạn chế quyền tự do báo chí trong nước như thế nào ?
Một cách ngắn gọn, Hungary đã tụt 68 hạng trong danh sách của Phóng Viên Không Biên Giới trong 11 năm qua, kể từ khi nội các Orbán Viktor lên nắm quyền. Những biện pháp bóp nghẹt tự do báo chí của Budapest thường xuyên được Liên Âu đặt vào tầm ngắm, và Ủy Ban Châu Âu đã phải liên tục lên tiếng cảnh cáo và phản đối trong hơn 1 thập niên qua.
Trước hết, giới ký giả bị hạn chế hoạt động bằng các biện pháp hành chính, các nhà báo giàu kinh nghiệm và chuyên môn dần dần bị sa thải, nhường chỗ cho các “cán bộ thông tin” trong bộ máy truyền thông thân chính quyền và bị mua chuộc. Một số tờ báo lớn – như “Tự do Nhân dân” (Népszabadság) hay “Hồi âm Tuần” (Heti Válasz) – đã bị đóng cửa.
Một số đài phát thanh độc lập (như Civil Rádió hay Klubrádió) vì tước quyền thuê làn sóng và như thế, bị vô hiệu hóa hoạt động. Chính quyền “bất hợp tác” với báo chí độc lập: thủ tướng Orbán Viktor từ 11 năm nay không trả lời phỏng vấn truyền thông có góc nhìn chỉ trích chính phủ và hàng năm chỉ họp báo 1 lần, nhưng chủ yếu chỉ trả lời báo chí “thân hữu”.
Đây cũng là điều thường xuyên diễn ra tại các cuộc họp báo định kỳ hàng tuần của chính phủ, khi báo chí độc lập có rất ít cơ hội được đặt câu hỏi. Trong thời kỳ dịch bệnh, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 chỉ họp trực tuyến viện cớ virus nguy hiểm, và khả năng chất vấn của truyền thông bị loại bỏ. Các bộ, ngành thường khước từ câu hỏi của báo chí.
Đặc biệt, thông tin thời Covid-19 bị kiểm duyệt chặt chẽ bởi các biện pháp hạn chế được đưa ra trong tình trạng khẩn cấp – khi trường học, bệnh viện… bị đặt dưới sự quản lý ngặt nghèo của nhà nước như thời chiến, giới giáo viên, nhân viên y tế… chỉ được trả lời phỏng vấn nếu được phép của “cấp trên”, điều hầu như không bao giờ có trong thực tế.
Trong Quốc Hội và Văn phòng Nghị sĩ, giới báo chí chỉ có thể đặt câu hỏi cho các dân biểu trong 1 hành lang hẹp, cũng như 1 tiền sảnh và nếu đặt diện một cơ quan truyền thông nào đó dám “phạm luật” khi tác nghiệp, cả tờ báo sẽ bị cấm đoán. Sự hạn chế này đã được đưa lên Tòa án Hiến pháp, nhưng cơ quan bảo hiến này cũng không có sự hỗ trợ gì.
Còn lại cách duy nhất là đệ đơn yêu cầu cung cấp các dữ liệu quan trọng cho công chúng, nhưng chính phủ cũng tìm cách “làm khó” cho báo chí bằng cách vin vào dịch bệnh để gia hạn thời hạn tiếp cận thông tin từ 15 ngày lên 45 ngày, và thậm chí 90 ngày. Nhiều khi, các cơ quan truyền thông còn phải kiện lên tòa án để buộc chính quyền phải “nhả” thông tin.
Tuy nhiên, trong những trường hợp ấy, nếu có được tòa xử thắng thì cũng mất cả năm trời, và thông tin mất đi tính thời sự phục vụ kịp thời cộng đồng. Hội Nhà báo Hungary khẳng định, chính quyền Hung tìm cách ngăn chặn những nội dung phản biện tới độc giả, nhưng lại vận dụng mọi cách để gia tăng và phát tán các thông điệp chính trị riêng của mình.
Chính quyền Hungary đã thâu tóm truyền thông trong tay như thế nào ?
Vào đại lễ 15/03/2021 – vốn là dịp kỷ niệm cuộc cách mạng và cuộc chiến tự do 1848-1849 của dân tộc Hungary, đồng thời cũng là Ngày Báo chí Tự do Hungary – mạng tin phản biện độc lập Telex đã có bài phân tích sâu và tỉ mỉ, kết luận rằng thủ tướng Orbán Viktor đã đạt được ảnh hưởng lớn tới báo chí Hung hơn bất cứ ai khác trong lịch sử nước này.
Khi bắt đầu lên nắm quyền vào năm 2010, ông Orbán Viktor đề ra 4 lĩnh vực mà ông muốn thị phần nằm trong tay Hungary phải vượt mức 50%, trong đó có truyền thông. Tháng 2/2021, thủ tướng Hungary tuyên bố từ 34% năm 2010, hiện tại 55% báo chí Hung đã thuộc “sở hữu Hung”, nhưng ông còn muốn hơn nữa, có thể là 80-90% theo nhận định của báo giới.
Bởi lẽ, ông cho rằng truyền thông “là một phần của chủ quyền quốc gia”, nên “đa phần hệ thống truyền thông hoạt động ở Hung phải nằm trong tay quốc gia này”. Và, cái gọi là “sở hữu Hung” được vị thủ tương hiểu và thực hiện theo hướng báo chí phải vào tay các “nhóm lợi ích” thân và trung thành với chính phủ, bất kể họ có xuất xứ Hungary hay ngoại quốc.
Để đạt được mục tiêu đó, ông Orbán Viktor kêu gọi các doanh nghiệp thân cận bỏ tiền đầu tư vào báo chí. Truyền thông trở thành một món hàng, và đa số quảng cáo từ ngân sách nhà nước được phân cho các sản phẩm truyền thông thân chính quyền. Mùa thu 2018, gần 500 ấn phẩm được quy tụ dưới Quỹ Báo chí và Truyền thông Trung Âu (KESMA) thân chính phủ.
Kể từ khi Hungary đoạn tuyệt với thể chế Cộng Sản năm 1989, chưa bao giờ xảy ra việc ngần ấy cơ quan ngôn luận được tập trung dưới sự quản lý của một cơ quan, và đây cũng là điều không thể có ở Liên Âu! Dần dần, rất nhiều sản phẩm báo chí được mua lại bởi các thương gia “tay trong” của phe cầm quyền, đa phần giàu lên nhờ trúng thầu các “mối” lớn từ nhà nước.
Tuy nhiên, sau khi đã thuộc sở hữu “tư bản thân hữu”, các sản phẩm báo chí này lại được… tặng lại cho Quỹ KESMA – vốn được coi là quỹ tư nhân nhưng hoạt động chủ yếu bằng ngân sách và phục vụ mục tiêu chính trị của chính phủ. Trước kỳ bầu cử Quốc Hội 2018, gần 500 tờ báo này đã nhất loạt đăng tải bài phỏng vấn ông Orbán Viktor có cùng một nội dung!
Điều thú vị là khi được chất vấn, thủ tướng Hungary trước sau vẫn khẳng định: truyền thông nước này rất đa dạng và hoạt động trên cơ sở thị trường, chứ chính phủ không có sự can thiệp vào báo chí trong tay tư nhân. Cho dù, có thể thấy, truyền thông Hung đa phần đã rơi vào tay các thủ hạ thân cận của chính phủ, và tuyên truyền lợi ích đảng phái bằng tiền thuế dân!
Hungary có báo chí đối lập hay không ?
Có tồn tại hay không những nỗ lực cân bằng với “vương quốc truyền thông” nằm trong tay chính phủ Hung và được vận hành chủ yếu bằng tiền ngân sách nhà nước ?
“Có, nhưng cần dùng kính lúp để tìm kiếm những sản phẩm báo chí đối lập” là phân tích của mạng Telex. Cần chú ý là phe cầm quyền Hung luôn nhấn mạnh là ở Hungary, báo chí cánh tả và cánh hữu, thân chính phủ và đối lập hiện “rất cân bằng”, bằng cách quy vào một mối, xếp tất cả các cơ quan ngôn luận không theo “lề phải”, là đối lập hoặc ủng hộ phe đối lập.
Điểm qua báo chí độc lập với chính phủ, có thể thấy con số những cơ quan ngôn luận thực sự đối lập – hoặc có liên quan về kinh tế và chính trị với các đảng đối lập – là rất ít ỏi và rời rạc, không có nhiều ảnh hưởng. Một số cơ sở báo chí uy tín, thì độc lập với cả chính phủ và phe đối lập, và thường có các nội dung phản biện, nhưng vẫn bị “chụp mũ” là của phe đối lập.
Sự chụp mũ này là có chủ ý, vì bằng cách đó, chính quyền muốn làm giảm độ tin cậy của truyền thông độc lập (khi gắn chúng với những lợi ích chính trị trực tiếp), đánh lạc hướng các cử tri thân chính quyền vốn đọc cả báo chí độc lập (vì khiến họ nghĩ rằng đó là sản phẩm của “địch”), đồng thời “hợp thức hóa” sự hiện diện và hoạt động của Quỹ KESMA với 500 ấn phẩm.
Tuy nhiên, mạng Telex lưu ý, không cần bàn nhiều về vài cơ quan ngôn luận có liên quan tới các đảng đối lập với độ “phủ sóng” rất thấp, được hoạt động với kinh phí chỉ vài chục triệu Forint, trong khi “vương quốc truyền thông” của Orbán Viktor hưởng vài chục tỷ Forint tiền công quỹ, với gần 500 sản phẩm được điều hành tập trung từ trung ương tới mọi địa phương.
Đó là còn chưa kể hệ thống truyền thông công cộng vận hành với kinh phí 120 tỷ Forint mỗi năm, nhưng chỉ nhằm tuyên truyền cho chính phủ và được xem là “cái loa” của đảng cầm quyền FIDESZ. Trong cuộc chiến báo chí, tương quan lực lượng như vậy là hoàn toàn không cân sức, nhất là khi cơ quan quản lý truyền thông “thét ra lửa” với toàn các thành viên thân FIDESZ!
Nắm trong tay vũ trí rất lợi hại là 2/3 ghế trong Quốc Hội, một trong những biện pháp hữu hiệu để bê-tông hóa quyền lực của nội các cánh hữu là ra các đạo luật, quy định theo hướng kiểm duyệt và hạn chế tự do báo chí, khiến một bộ phận đáng kể của nền truyền thông Hung buộc phải dần dần tuân phục và chuyển theo hướng phục vụ lợi ích của đảng cầm quyền.
“Nền dân chủ phi tự do” của Orbán Viktor đã khiến báo chí tự do Hungary cáo chung là ý kiến của nhiều quan sát viên, và các báo cáo thường niên của Phóng Viên Không Biên Giới cũng phản ánh điều đó. “Một quốc gia tự do phải có báo chí tự do”, khẩu hiệu luôn xuất hiện trong các cuộc biểu tình đòi tự do báo chí, cũng là ước nguyện của nhiều người dân nước này…
Chúng ta hãy chờ đợi xem những nỗ lực ấy sẽ ra sao, gần 1 năm trước cuộc bầu cử Quốc Hội vào mùa xuân 2021, mà theo nhiều phân tích, đây sẽ là dịp đầu tiên sau 11 năm liên minh đối lập có chút khả năng hiện thực để đối đầu với “đế chế Orbán Viktor”!