Thụy My
Le Monde hôm nay 10/05/2021nhận định « Ở Kiribati, Trung Quốc đã đặt chân vào giữa Thái Bình Dương », qua việc tân trang một phi đạo cũ của Mỹ trên đảo Kanton. Hòn đảo nhỏ bé nằm lọt thỏm giữa Nam Thái Bình Dương mênh mông có vị trí chiến lược, vì ở giữa tuyến đường từ Hawai đến Úc.
Phi đạo Trung Quốc ở Kiribati, mắt xích Con đường tơ lụa ở Thái Bình Dương
Đảo san hô Kanto được Không quân Mỹ biết rất rõ, vì đã đồn trú tại đây từ 1942 đến 1943 để tấn công quân Nhật tại những hòn đảo lân cận. Hãng tin Reuters hôm 05/05 tiết lộ hòn đảo này sắp tới sẽ trở thành một căn cứ quân sự của Trung Quốc.
Kanto hầu như không có người ở và không có nước ngọt, thuộc sở hữu của tiểu quốc Kiribati chỉ có 120.000 dân, nằm trong khu vực được bảo vệ sinh thái. Nhưng Bắc Kinh muốn xây dựng một số cơ sở và tái thiết đường băng quý giá dài 2 kilomet, được thiết lập để tiếp nhiên liệu cho các chuyến bay đường dài và bị bỏ rơi vào thập niên 60 vì các phi cơ thương mại đã tự chủ hơn về xăng dầu. Cả Reuters lẫn Le Monde đều không được chính quyền Kiribati xác nhận chính thức về tin này.
Trong khu vực mang dấu ấn Mỹ, vụ này gây quan ngại vì nằm trong chiến lược tạo ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các tiểu quốc Thái Bình Dương, với việc đầu tư và cho vay. Trong số các dự án Trung Quốc ở Kiribati còn có một cảng container. Với vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn và tài nguyên biển, Kiribati năm 2019 đã quay sang phía Trung Quốc, tham gia « Con đường tơ lụa mới » của Tập Cận Bình dù cho đến lúc đó vẫn ủng hộ Đài Loan. Quần đảo Salomon cũng hành động tương tự. Còn tại Vanuatu, nằm xa hơn về phía nam, việc xây dựng một cầu cảng để đón các tàu quân sự Trung Quốc gây tranh cãi.
Các tiểu quốc Thái Bình Dương khác hiện thời vẫn có quan hệ ngoại giao và kinh tế ưu tiên với Đài Loan là quần đảo Marshall, Tuvalu, Palau. Tân tổng thống Palau, vừa thắng ứng cử viên thân Bắc Kinh, tuyên bố vẫn ủng hộ Đài Loan vì là nước lâu nay vẫn sát cánh với mình.
Bành trướng từ Đông Nam Á đến Địa Trung Hải
Trung Quốc đã mua một phần hoặc toàn bộ vài chục hải cảng, căn cứ ở vùng duyên hải trên thế giới từ cuối thập niên 90. Ưu tiên là Đông Nam Á với các hải cảng Gwadar ở Pakistan, Hambantota ở Sri Lanka, Kyaukpyu của Miến Điện, Tanjung Priok ở Indonesia. Các đảo Thái Bình Dương nằm trong tầm nhìn dài hạn của Bắc Kinh, nhưng những bước dấn tới của Trung Quốc đã gây lo lắng, nhất là các cơ sơ này đều lưỡng dụng – cả thương mại lẫn quân sự, dù Trung Quốc vẫn không nhìn nhận.
Chuyên gia Hugues Eudeline, cựu sĩ quan Pháp chuyên về hải quân Trung Quốc nhận xét, Bắc Kinh muốn có điểm trung chuyển và tiếp liệu cho các tàu lớn như hàng không mẫu hạm hay chiến hạm đổ bộ. Tướng Stephen Townsend, chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Phi bày tỏ lo lắng về cảng Trung Quốc ở Djibouti trước Thượng Viện Hoa Kỳ. Ông cảnh báo : « Họ đã hoàn thành một con đê rất lớn liền kề với căn cứ, có thể neo đậu những chiến hạm lớn nhất kể cả hàng không mẫu hạm và tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc ». Theo tướng Townsend, rõ ràng đây là dấu hiệu sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Ông Eudeline nhấn mạnh, Trung Quốc cũng cần chỗ đậu cho các phi cơ của mình ở khắp nơi. Ngoài các hải cảng, những căn cứ như Kanton ở Kiribati cho phép máy bay dân sự lẫn quân sự hạ cánh. Một nguồn tin Pháp khẳng định, Ấn Độ-Thái Bình Dương không chỉ là chủ đề của Hải quân mà Không quân cũng phải quan tâm hàng đầu, do các phi cơ Rafale của Pháp từ tháng Sáu đã bay thẳng đến Tahiti và Hawai.
Sự bành trướng của Trung Quốc mang lại những hệ quả địa chính trị. Trên toàn bộ chu vi châu Phi, Bắc Kinh đã đầu tư vào khoảng 15 cảng biển từ 10 năm qua. Tại Địa Trung Hải, nay dự án cảng nước sâu El Hamdania ở Algérie khiến các chiến lược gia phương Tây quan ngại. Ở Đại Tây Dương, cảng Sines ở Bồ Đào Nha đang tìm kiếm nhà đầu tư khác ngoài Trung Quốc vì áp lực từ Mỹ.