Tin thế giới sáng thứ Năm

Trung Quốc công bố hình ảnh tập trận chiếm đảo với mục tiêu là “Đài Loan”

Trọng Thành

Ảnh tư liệu ngày 10/02/2020 do bộ Quốc Phòng Đài Loan công bố: Một chiếc F-16 của Không Quân Đài Loan (phía dưới) áp sát một oanh tạc cơ H-6 của Không Quân Trung Quốc khi chiếc máy bay này đến gần Đài Loan. AP

Căng thẳng tại Biển Đông là một chủ đề chính trong cuộc điện đàm giữa thủ tướng Nhật Bản và chủ tịch nước Việt Nam hôm qua, 11/05/2021. Chính quyền Trung Quốc tiếp tục đưa thêm thông điệp, đe dọa dùng vũ lực tấn công Đài Loan. Một đoạn video được Hải Quân Trung Quốc công bố hôm thứ Hai, 10/05/2021, cho thấy các hình ảnh một cuộc tập trận đổ bộ chiếm đảo.

Theo báo Hồng Kông South China Morning Post, trong đoạn video nói trên, một số đơn vị lính thủy đánh bộ thuộc Bộ Tư Lệnh Chiến khu Đông Bộ đã tham gia vào cuộc tấn công chiếm đảo, với một tàu đổ bộ chở quân Type 071, và xe bọc thép. Không rõ cuộc diễn tập được tiến hành ở đâu và khi nào. Hồi tuần trước, Hải Quân Trung Quốc cũng công bố hình ảnh video tập trận chiếm đảo của một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ Trung Quốc, với cùng loại tàu chở quân Type 071, có sự tham gia của trực thăng.

Nhà bình luận quân sự Trung Quốc Song Zhongping cho báo South China Morning Post biết Quân Đội Trung Quốc thực hiện các huấn luyện để chuẩn bị cho một cuộc xung đột có thể xảy ra với Đài Loan, và các cuộc tập trận đổ bộ là một phần trong kế hoạch này. Về phía Đài Loan, Lu Li-shih, cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan ở Cao Hùng, thông báo, trong tháng này, sẽ có nhiều cuộc tập trận đổ bộ và các hoạt động tập trận phòng thủ đảo hơn, « hải quân ở hai bên bờ eo biển Đài Loan sẽ lập kế hoạch tập trận – đổ bộ đảo hay các hoạt động phòng thủ đảo – trước khi mùa bão bắt đầu (vào tháng 6) ».

Cũng về tình hình Biển Đông, thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga có cuộc điện đàm với chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Theo hãng tin Nhật Kyodo, trong cuộc điện đàm 20 phút nói trên, người đứng đầu chính phủ Nhật Bản đã « phản đối mạnh mẽ » thái độ quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc, « những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông », trong đó có việc Bắc Kinh quân sự hóa một số thực thể địa lý ở Biển Đông, mà Việt Nam và một số quốc gia láng giềng khác đòi hỏi chủ quyền, cũng như ra luật cho phép lực lượng tuần duyên nổ súng vào các tàu mà Trung Quốc cho là xâm phạm lãnh thổ.

Thủ tướng Nhật Bản khẳng định với chủ tịch Việt Nam là Hà Nội và Tokyo là các đối tác quan trọng trong việc thực thi chủ trương « Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở». Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia đầu tiên thủ tướng Nhật Suga công du, kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 9 năm ngoái.

Về nội dung Biển Đông trong cuộc trao đổi nói trên, báo chí chính thức Việt Nam chỉ nhắc đến thoáng qua. Báo Nhân Dân ghi nhận lãnh đạo hai nước « cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông ».

LHQ lo ngại xung đột Israel và Hamas thành « chiến tranh quy mô lớn »

Trọng Thành

Khói bốc lên từ dải Gaza, sau các vụ không kích của Israel ngày 12/05/2021. AP – Khalil Hamra

Hôm 12/05/2021, theo một số nguồn tin ngoại giao, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ họp khẩn, lần thứ hai trong vòng ba ngày, để bàn về xung đột gia tăng giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine. Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Cận Đông kêu gọi các bên chấm dứt « ngay lập tức » các hành động bạo lực.

Trong một thông điệp trên Twitter tối hôm qua, 11/05, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Tor Wennesland cảnh báo : « Leo thang xung đột này đang chuyển thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn… Một cuộc chiến tại dải Gaza sẽ mang tính hủy diệt, và người dân thường sẽ phải trả giá ». Dải Gaza, rộng khoảng 360 km², là nơi cư trú của khoảng 2 triệu người Palestine, đa số sống trong nghèo khổ, tỉ lệ thất nghiệp lên đến 50%. Cuộc họp đầu tiên về xung đột Israel và Palestine của Hội Đồng Bảo An hôm thứ Hai đã không ra được tuyên bố chung, do sự lưỡng lự của Hoa Kỳ.

Hôm nay, quốc vụ khanh đặc trách các vấn đề châu Âu của chính phủ Pháp, ông Clément Beaune, khẳng định đích thân tổng thống Mỹ cần can thiệp để chấm dứt xu thế bạo lực leo thang hiện nay giữa Israel và Palestine. Ông Beaune nhấn mạnh là Liên Âu và Hoa Kỳ cần phải cố gắng cùng với Israel và chính quyền Palestine « tìm ra một giải pháp trong những ngày tới ». Nhiều nguồn tin ngoại giao cho AFP hay, kể từ thứ Hai vừa qua, Liên Hiệp Quốc với trung gian của Qatar và Ai Cập đang vận động « các bên liên quan » gặp gỡ đàm phán xuống thang xung đột.

Về triển vọng can thiệp của Mỹ, trả lời AFP, ông Aaron David Miller, vốn là một nhà đàm phán Mỹ về Cận Đông, cho rằng chính quyền Biden sẽ rất thận trong khi đưa ra quyết định, bởi « không hề có triển vọng nào » cho hồ sơ Israel – Palestine nhạy cảm này. Điều tốt nhất mà tổng thống Biden có thể làm được chỉ là góp phần làm « giảm bớt mức độ bạo lực ». Theo AFP, cánh tả trong đảng Dân Chủ cầm quyền muốn tổng thống Joe Biden có chính sách giữ khoảng cách rõ ràng với Israel, sau thời kỳ bốn năm cầm quyền của Donald Trump, vốn thiên hẳn về phía Israel.

Ít nhất 40 người chết

Theo Hamas, việc các lực lượng vũ trang của phong trào này pháo kích Israel kể từ tối thứ Hai là nhằm thể hiện « tình đoàn kết » đối với hơn 700 người Palestine bị thương trong các đụng độ cuối tuần qua, với cảnh sát Israel tại thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa ở đông Jerusalem (Israel sát nhập từ năm 1967), cơ sở được coi là thánh địa thứ ba của đạo Hồi.

Về tình hình tại chỗ, sáng hôm nay, quân đội Israel tiến hành không kích nhắm vào nhiều mục tiêu tại dải Gaza, khiến 35 người chết, trong đó có 12 em nhỏ. Tối hôm qua, không quân Israel đã phá hủy một tòa nhà 12 tầng, một trụ sở chính của phong trào Hamas, và một tòa nhà 9 tầng khác, với văn phòng của một đài truyền hình địa phương, nhiều căn hộ và cửa hàng. Bộ trưởng Quốc Phòng Israel, Benny Gantz, cảnh báo : đây mới chỉ là đợt tấn công đầu tiên, « còn nhiều mục tiêu khác trong tầm ngắm ». Ông Benny Gantz từng là chỉ huy quân đội Israel vào thời điểm chiến tranh Gaza năm 2014.

Đêm hôm qua, lực lượng Hamas tiếp tục bắn vào nhiều thành phố, thị trấn trên lãnh thổ Israel, bao gồm cả Tel-Aviv, khiến ít nhất 5 người chết và khoảng 100 người bị thương. Tổng cộng hơn 1.000 đạn pháo bắn vào Israel, kể từ tối thứ Hai. Theo AFP, mức độ trả đũa lẫn nhau giữa hai bên có thể so với cuộc chiến tranh tại Gaza năm 2014. 

Miến Điện: EU dọa trừng phạt mạnh nếu giới quân sự không có “giải pháp hòa bình”

Trọng Thành

Ảnh minh họa: Biểu tượng của phong trào phản kháng Miến Điện, tại thị trấn Kamayut gần Rangoon, ngày 11/04/2021. AP

Hôm 11/05/2021, một quan chức cao cấp trong chính phủ Pháp thông báo Liên Hiệp Châu Âu sẽ có thêm một loạt trừng phạt thứ ba nhắm vào chính quyền quân sự Miến Điện, nếu giới tướng lãnh không tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột hiện nay, bùng lên sau cuộc đảo chính ngày 01/02.

Phát biểu trước Quốc Hội Pháp, quốc vụ khanh bộ Ngoại Giao, ông Jean-Baptiste Lemoyne, cho biết : « Trong nội bộ của khối ASEAN (tức Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á), đã có một số bước tiến, đối thoại có thể được khởi sự, giờ đây phải tiến hành thương lượng thực sự ». Quan chức ngoại giao Pháp cảnh báo : « Nếu về mặt này, không có nỗ lực, các thảo luận không tiến triển, Liên Âu sẽ không ngồi yên. Trong trường hợp đó, chúng tôi sẽ xem xét loạt trừng phạt thứ ba ».

Trước đó, hồi tháng 4, Liên Âu trừng phạt 10 thành viên của tập đoàn quân sự, và hai tổ chức bảo đảm tài chính cho chế độ, vì các đàn áp đối với người biểu tình đòi dân chủ. Ngày 22/03, Liên Âu cũng trừng phạt 11 nhân vật, trong đó có tướng Min Aung Hlaing, thủ lĩnh tập đoàn quân sự. Lần này, quốc vụ khanh bên cạnh bộ Ngoại Giao Pháp nhấn mạnh Liên Hiệp Châu Âu có khả năng đi xa hơn, với việc xem xét khả năng « cắt đứt thực sự các nguồn nhu yếu phẩm đối với chính quyền này ».

Ngày 24/04, các thành viên ASEAN thông qua một kế hoạch 5 điểm nhằm hướng đến « việc chấm dứt ngay lập tức bạo lực tại Miến Điện ». Định chế khu vực này dự kiến bổ nhiệm một đặc phái viên làm nhiệm vụ « trung gian đàm phán » giữa tất cả các bên liên quan.

Tuy nhiên, ít hôm sau, tập đoàn quân sự đã dội một gáo nước lạnh vào hy vọng vừa nhen nhóm, khi tuyên bố kế hoạch của ASEAN là « những gợi ý », sẽ chỉ được xem xét một khi « tình hình bình ổn trở lại ».

Liên quan đến các trừng phạt quốc tế, một đại diện của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (NUG), lực lượng đối lập với tập đoàn quân sự Miến Điện, thông báo « sẽ phối hợp với các nước trong việc thực thi và mở rộng các trừng phạt nhắm vào thân nhân của giới tướng lãnh Miến Điện, sống ở nước ngoài ». Thông tin được đăng tải trên trang mạng đối lập Myanmar Now hôm qua, 11/05.

Ba nhà báo Miến Điện chạy sang Thái Lan bị đưa ra trình diện tòa

Anh Vũ

Các nhà báo làm việc cho Đài Tiếng Nói Dân Chủ Miến Điện, chuẩn bị lên xe tù sau khi bị bắt tại Quận San Sai, tỉnh Chiang Mai, phía bắc Thái Lan, ngày 09/05/2021. Ảnh do văn phòng hành chính Quận San Sai cung cấp. AP

Theo AFP, hôm 11/05/2021, ba nhà báo Miến Điện đã bị đưa ra trình diện trước Tòa án Thái Lan sau khi chạy sang nước láng giềng lánh nạn và bị bắt trước đó hai hôm.

Ba nhà báo cùng 2 nhà đấu tranh của Miến Điện bị bắt tại Chiang Mai, phía bắc Thái Lan, hôm Chủ Nhật vừa qua (09/05). Họ bị cáo buộc tội xâm nhập trái phép lãnh thổ Thái Lan. Phát ngôn viên của cảnh sát Thái Lan cho biết những công dân Miến Điện này bị tạm giam cho đến khi có phán quyết của tòa có trả họ về Miến Điện hay không.

Trong khi đó Democratic Voice of Burma (DVB), tổ chức truyền thông của người Miến Điện ở nước ngoài, trụ sở tại Oslo Na Uy và đã có mặt tại Miến Điện từ năm 2012, đồng thời là chủ lao động của các nhà báo trên, đã « khẩn khoản đề nghị Thái Lan không trục xuất họ về Miến Điện, vì nếu trở về cuộc sống của họ sẽ bị đe dọa nghiêm trọng ».

Tổ chức này cũng cho biết đã liên lạc đề nghị Phủ Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn can thiệp nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho những người bị bắt nói trên.

Qua lời phát ngôn viên Ngoại Giao, Thái Lan đã thông báo vụ bắt giữ nói trên đồng thời cho biết Bangkok sẽ xử lý vấn đề trên tinh thần nhân đạo.

Theo CNN, về vụ chính quyền Thái Lan bắt giữ ba nhà báo và hai nhà tranh đấu Miến Điện, Câu lạc bộ các Phóng viên Nước ngoài ở Thái Lan (FCCT) đã ra một thông cáo cho biết « lo ngại sâu sắc ». FCCT cảnh báo là « quốc tế đang theo dõi sát » chính quyền Thái Lan hành xử ra sao trong vụ này. FCCT khẳng định vụ việc này « có ý nghĩa quan trọng đối với tự do báo chí ở Miến Điện và khu vực », « đối với việc bảo vệ những người chạy trốn các đàn áp tàn bạo của quân đội đối với truyền thông độc lập và xã hội dân sự ».

Từ sau cuộc đảo chính quân sự ngày 01/02 và đặc biệt khi tập đoàn quân sự tiến hành các cuộc đàn áp phong trào chống đảo chính một cách khốc liệt, nhiều nhà hoạt động trong phong trào đã chạy sang Thái Lan để lánh nạn và cũng để lập cứ địa, tổ chức lại lực lượng kháng chiến chống lại tập đoàn quân sự.

Hôm qua đánh dấu 100 ngày tập đoàn quân sự làm đảo chính tại Miến Điện. Bất chấp bạo lực trấn áp, nhiều cuộc biểu tình chống đảo chính tiếp tục diễn ra ở các thành phố lớn của nước này.

Ukraina: Hai dân biểu tài phiệt thân Nga bị truy tố vì tội “phản quốc”

Anh Vũ

Nhà tài phiệt và dân biểu Ukraina Viktor Medvedchouk (T) cùng tổng thống Nga Putin tại St Petersbourg, Nga, ngày 18/07/2019. AP – Mikhail Klimentyev

Hôm 11/05/2021, chính quyền Kiev thông báo truy tố hai dân biểu là những nhà tài phiệt thân Nga. Trong đó đặc biệt có Viktor Medvedtchouk, một nhân vật có thế lực của các tổ chức chính trị tại Ukraina có quan hệ thân thiện với Kremlin và cũng là một nhân vật thân cận với tổng thống Nga Vladimir Putin. Medvedtchouk và đồng sự Taras Kozak bị cáo buộc phản bội tổ quốc. Được chỉ đạo từ Washington, chính quyền của tổng thống Zelensky bắt đầu đưa các nhà tài phiệt vào tầm ngắm.

Thông tín viên Stéphane Siohan tại Kiev :

Tuần trước trong chuyến thăm Kiev, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cảnh báo các đồng nghiệp Ukraina về giới tài phiệt ở nước này rằng đó là những người đặt « lợi ích riêng lên trên lơi ích của nhân dân Ukraina ». Rõ ràng đó là cách đánh tín hiệu rằng viện trợ Mỹ  sẽ có điều kiện, phải quét sạch tham nhũng.

Chính quyền Ukraina đã nhớ lời của lãnh đạo ngoại giao Mỹ. Viện Công Tố Kiev đã mở thủ tục tố tụng nhằm vào Viktor Medvedtchouk và Taras Kozak, người cung cấp tiền của đảng đối lập, thân Nga, chiếm 44 ghế trong Quốc Hội.

Hai nhân vật này bị cáo buộc tội phản bội quốc gia, theo các nguồn thạo tin, Viện Công Tố quy kết họ sở hữu các bất động sản tại Crimée. Trong trường hợp của Medvedtchouk, nhân vật này năm 2014 đã đầu tư vào một nhà máy lọc dầu của Nga. Cơ sở này đã cung cấp nhiên liệu cho lực lượng ly khai ở vùng Donbass.

Nhưng thông điệp đưa ra chủ yếu mang tính chính trị bởi vì Vladimir Putin chính là người đỡ đầu con gái của Medvedtchouk. Xử lý nhân vật này, Kiev muốn gửi một thông điệp đến chủ nhân điện Kremlin: « Đừng đụng đến Ukraina ».

Ngoài ra người ta được biết, hôm qua Nghị Viện Ukraina đã công bố dự luật nhằm hạn chế ảnh hưởng của các nhà tài phiệt trong chính trị và trên truyền thông. Một danh sách 13 cái tên được công bố, ngoài Medvedtchouk, người ta thấy có tên cựu tổng thống Petro Porochenko, hay Ihor Kolomoisky, tỷ phú đã giúp đưa Zelensky lên làm tổng thống.

Covid-19: Hạ Viện Pháp thông qua dự luật ra khỏi khủng hoảng dịch tễ

Thu Hằng

Chính phủ Pháp ấn định ngày 19/05/2021 để dần trở lại cuộc sống bình thường. Ảnh nhà hàng đóng cửa ở Paris, ngày 01/04/2021. AP – Francois Mori

Chính phủ Pháp ấn định ngày 19/05/2021 để dần trở lại cuộc sống bình thường. Trong đêm 11-12/05, Hạ Viện Pháp đã thông qua dự thảo luật từng bước ra khỏi tình trạng dịch tễ khẩn cấp, với 208 phiếu thuận, sau khi bác ở lần bỏ phiếu thứ nhất diễn ra cùng ngày. Thượng Viện Pháp sẽ bỏ phiếu vào ngày 18/05.

Theo điều 1 của dự thảo luật, giai đoạn chuyển tiếp kéo dài từ ngày 02/06 đến cuối tháng 9, thay vì vào cuối tháng 10 như trong dự thảo ban đầu bị Hạ Viện bác, trong đó có nhiều phiếu chống của dân biểu đảng cầm quyền LREM và đồng minh MoDem. Trong thời gian chuyển tiếp này, chính phủ có thể duy trì những biện pháp hạn chế tự do để chống dịch.

Ngoài ra, theo AFP, điều 1 của dự thảo luận cũng cho phép thủ tướng tiếp tục các biện pháp giới nghiêm cho đến hết ngày 30/06, từ 21 giờ (thay vì 19 giờ như hiện nay) đến 6 giờ sáng hôm sau.

Điểm thứ ba, dù được thông qua, nhưng tiếp tục gây tranh cãi, là “giấy thông hành dịch tễ”. Dù bị chỉ trích là phân biệt nhưng chỉ những người có giấy chứng nhận âm tính với Covid-19 hoặc giấy xác nhận đã tiêm chủng hoặc vừa mới điều trị xong Covid-19 mới được phép tham dự những sự kiện lớn hoặc vào một số địa điểm. Chính phủ từng nêu biện pháp khống chế tối đa 1.000 người tham dự các sự kiện, tuy nhiên điều này không được ghi trong dự thảo luật.

Trước đó, trả lời báo Le Parisien, thủ tướng Pháp Jean Castex trấn an : “Ra khỏi khủng hoảng sẽ được tiến hành từng bước, thận trọng và có theo dõi. Nhưng xu thế rất rõ ràng, chúng ta đang đạt đến đích và đó là một tin tốt”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dịch tễ vẫn lo dịch tái bùng phát.

Vac-xin Covid: Ủy Ban Châu Âu khởi kiện hãng dược AstraZeneca

Anh Vũ

Ảnh minh họa: Vac-xin ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca. AP – Vincent Thian

Các tranh chấp giữa Liên Hiệp Châu Âu và hãng dược AstraZeneca lại tích tụ thêm. Sau khi thông báo hôm Chủ Nhật về khả năng không tiếp tục kéo dài hợp đồng mua vac-xin đã ký giữa Liên Âu và hãng dược Anh-Thụy Điển, hôm 11/05/2021, Ủy Ban Châu Âu khởi kiện hãng dược này về cùng lúc hai vụ việc.

Thông tín viên Pierre Benazet tường trình từ Bruxelles :

Vụ kiện thứ nhất của Ủy Ban Châu Âu nhằm vào AstraZeneca là theo thủ tục tố tụng khẩn cấp. Tư pháp Bỉ là nơi có thẩm quyền phán xét vụ việc và ngày 26 tháng 5 tới, thẩm phán sẽ phải ra phán quyết. Thẩm phán phải trả lời câu hỏi liệu việc 27 nước Liên Hiệp Châu Âu có quyền được nhận vac-xin AstraZeneca hay không và có thực sự khẩn cấp.

Vụ kiện thứ hai liên quan đến phán xử  cốt lõi vấn đề. Ủy Ban Châu Âu cho rằng hãng dược đã phá vỡ hợp đồng mua trước đã ký với Liên Hiệp Châu Âu từ năm ngoái cho lô hàng đặt trước gồm 300 triệu liều vac-xin.

Hiện tại, AstraZeneca thực hiện giao hàng theo tiến độ 10 triệu liều mỗi tuần và và ước tính tổng số 100 triệu liều sẽ được giao cho các nước Châu Âu từ nay đến cuối tháng Sáu. Đó là một phần ba số dự trù, thiếu nhiều theo Ủy ban Châu Âu. Liên Âu đề nghị các thẩm phán áp đặt AstraZeneca phải giao thêm 90 triệu liều từ nay đến cuối quý 2.

Ủy Ban Châu Âu khẳng định Liên Hiệp đã đầu tư phần chính vào năng lực sản xuất của hãng dược Anh –Thụy Điển. Ủy ban đòi được bồi thường tài chính trên liều vac-xin không được giao và phạt vi chậm giao hàng.

Related posts