Hôm nay ghi nhận thêm 87 ca COVID-19
Bộ Y tế chiều 13/5 ghi nhận 31 ca dương tính nCoV, trong đó 19 ca trong nước ở khu vực đã được cách ly, 12 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
31 ca mới được ghi nhận từ số 3680-3710. Trong đó, 19 ca ghi nhận trong nước tại Đà Nẵng 10, Bắc Ninh 4, Vĩnh Phúc 3, Hà Nội và Bắc Giang đều một.
Như vậy, hôm nay ghi nhận thêm 87 ca mới, 21 người khỏi. Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 684, ghi nhận ở 26 tỉnh thành. Cụ thể, địa bàn Hà Nội 170 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 87 ca, 13 ca ở Bệnh viện K), Bắc Ninh 131, Đà Nẵng 112, Bắc Giang 91, Vĩnh Phúc 78, Hưng Yên 24, Hà Nam 18, Thái Bình 13, Hải Dương 7, Lạng Sơn 6, Hòa Bình 6, Thừa Thiên Huế 5, Quảng Nam 3, Quảng Trị 3, Nam Định 3, Đăk Lăk 2, Điện Biên 2, Phú Thọ 2, Đồng Nai, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP HCM, Yên Bái mỗi nơi một ca.
Trung Quốc tăng thêm tàu ra đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa
Người lao Động – Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 13/5, phóng viên đề nghị cho biết quan điểm về việc Trung Quốc đưa thêm tàu đến đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nâng tổng số tàu ở khu vực này lên thành gần 300 chiếc.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển của Việt Nam, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982).
Việt Nam một lần nữa khẳng định có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế
“Là quốc gia ven biển, và là thành viên UNCLOS 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982” – bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Đá Ba Đầu là một rạn san hô hình chữ V có tổng diện tích khoảng 10 km2, chỉ nổi lên khỏi mặt nước khi triều xuống thấp. Nó nằm trong vùng 12 hải lý của đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quyền quản lý và chủ quyền của Việt Nam.
Từ tháng 3/2021, Philippines cho biết khoảng 220 tàu dân binh và tàu cá Trung Quốc ở gần khu vực đá Ba Đầu và lên tiếng phản đối. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tập hợp một lực lượng tàu lớn tới như vậy xung quanh khu vực này.
Giám đốc Hacinco ‘trốn khai báo y tế’ bị đình chỉ chức vụ
Nld – Sáng 13/5, Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội (Handico) cho biết, qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Thanh có chứng minh đã tham gia khai báo thông tin y tế, khi bay từ Hà Nội đi Đà Nẵng ngày 30-4 trên chuyến bay VN6087, và từ Đà Nẵng ra Hà Nội vào ngày 2/5 trên chuyến bay VN 160; Công ty Hacinco đã tổ chức thực hiện chủ trương đi làm giãn cách 50% đối với các bộ phận văn phòng từ 9-5.
Tuy nhiên, việc ông Nguyễn Văn Thanh chưa thực hiện nghiêm các quy định trong phòng chống dịch, chưa ý thức được các triệu chứng bệnh lý, hạn chế tập trung đông người theo chỉ đạo trong thời gian cao điểm dịch bệnh có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong cộng đồng, cũng như khó khăn cho các cơ quan chức năng trong phòng chống dịch Covid-19. Đây là trách nhiệm cá nhân chính của ông Nguyễn Văn Thanh và trách nhiệm tập thể liên quan của Ban Giám đốc Công ty Hacinco, trong việc phân công điều hành công việc.
Theo thẩm quyền và quy định, Tổng Giám đốc Tổng công ty đã yêu cầu Ban Giám đốc Công ty Hacinco xem xét, tạm thời đình chỉ chức vụ Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội đối với ông Nguyễn Văn Thanh, để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, trong việc chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19, theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch UBND thành phố và của Tổng công ty.
Liên quan đến vụ hai vợ chồng Giám đốc công ty Hacinco không khai báo y tế khi đi du lịch về, có biểu hiện dịch tễ song vẫn ăn uống đông người… luật sư Hoàng Tùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cơ quan chức năng cần khởi tố vụ án.
Đà Nẵng: Khởi tố vụ án vi phạm chống dịch tại Thẩm mỹ viện quốc tế Amida
Thanhnien – Trưa 13/5, trao đổi với báo Thanh Niên, thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng cho biết, vừa khởi tố vụ án liên quan phòng chống dịch Covid-19 xảy ra tại Thẩm mỹ viện quốc tế Amida (222 Phan Châu Trinh, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng), theo điều 295 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.
Thẩm mỹ viện quốc tế Amida là một ổ dịch Covid-19 lớn tại TP. Đà Nẵng, với 41 ca dương tính trong những ngày qua. Không chỉ vậy, nhiều người làm việc tại nơi này còn di chuyển đi các tỉnh thành làm lây lan dịch Covid-19.
Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tối 12/5 của TP. Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã yêu cầu các lực lượng tập trung, làm rõ trách nhiệm tại Thẩm mỹ viện quốc tế Amida. Trong đó, có một clip liên quan đến Thẩm mỹ viện quốc tế Amida, rất nhiều người tập trung nhưng không mang khẩu trang, vi phạm các quy định phòng chống Covid-19.
Làm rõ việc hành khách hủy chuyến bay nhưng ‘trắng tay’ phí dịch vụ
Dantri – Mới đây, tình trạng hủy chuyến bay gia tăng do tình hình dịch Covid-19 tái bùng phát. Mặc dù các hãng hàng không đều có phương án hỗ trợ khách đổi/hoàn/hủy vé máy bay, trong quá trình giải quyết vẫn có một số vấn đề bất cập.
Cụ thể, nhiều hành khách thắc mắc khi hủy chuyến bay, thì các khoản phí như dịch vụ cảng và phí soi chiếu an ninh có được hoàn trả hay không.
Không ít khách phản ánh rằng, khi mua vé máy bay giá rẻ, vé có điều kiện không hoàn/hủy vé, đổi/trả nhưng phí dịch vụ sân bay họ vẫn nộp đầy đủ theo quy định. Tuy nhiên, khi hủy chuyến không đi nữa thì không được trả lại khoản phí dịch vụ.
Trong khi đó, khi mua cùng hạng vé của các hãng hàng không nước ngoài, hành khách vẫn được hãng hoàn trả lại các khoản phí đã thu hộ, vì chưa sử dụng dịch vụ tại sân bay.
Trên thực tế, lâu nay hãng hàng không và doanh nghiệp khai thác cảng đã phối hợp thực hiện các dịch vụ hàng không, trong đó có việc thu hộ phí dịch vụ cảng hàng không – sân bay đối với hành khách.
Trước tình hình trên, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam là đơn vị khai thác cảng và các hãng hàng không thực hiện việc thu hộ các loại phí dịch vụ nói trên nghiên cứu, làm rõ.
Cục Hàng không Việt Nam cũng được yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo về Bộ GTVT trước ngày 17/5.
Kiến nghị trung ương bổ sung 1.800 tỷ đồng làm cao tốc TP.HCM – Mộc Bài và vành đai 3
Tuoitre – TP.HCM vừa kiến nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư báo cáo Thủ tướng bố trí bổ sung vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 đối với dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (Tây Ninh) và dự án thành phần 1A đường vành đai 3 TP.HCM.
Dự án xây dựng cao tốc TP.HCM – Mộc Bài cần vốn ngân sách trung ương là 5.901 tỉ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng. Còn dự án thành phần 1A đường vành đai 3 (đoạn đường từ tỉnh lộ 25B đến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây) cần bổ sung ngân sách trung ương khoảng 1.800 tỉ đồng, do chi phí giải phóng mặt bằng đã tăng vượt so với cam kết trước đây của TP.
Trước đó, UB TP gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư về tổng mức đầu tư dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài là hơn 13.613,4 tỷ đồng, tức là tăng khoảng 2.527 tỷ đồng so với báo cáo thẩm định nghiên cứu tiền khả thi hồi cuối tháng 10/2019.
Nguyên nhân tăng do chi phí giải phóng mặt bằng ban đầu dự kiến chỉ khoảng 2.918,7 tỷ đồng, nay tăng cho phù hợp thực tế là 5.117,7 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án còn bổ sung các nút giao giữa cao tốc với đường vành đai 3 (Hóc Môn) và tỉnh lộ 8 (huyện Củ Chi).
Tâm sự của chị cán bộ y tế ở Hà Nội về ‘truy vết, lấy mẫu xét nghiệm”
Tâm sự, không, phải gọi là thổn thức của chị Võ Thị Hoài Nam, cán bộ Trung tâm y tế quận Đống Đa trong một bài podcast trên Vnexpress. Chúng tôi xin trích đọc nguyên văn:
“Từ hôm dịch chưa từng nấu cho con được bữa cơm nào tử tế. Chúng nó bị nhốt suốt. Từ sáng đến 11h đêm. Em sốt, chị thay bố mẹ chăm em. Mà “nó mới chỉ học lớp 3”. Mà con nó hiểu em ạ, nó không trách móc hay đòi hỏi gì bố mẹ.
Nhớ tới chị Nam, tới những đứa bé lớp 3 đã phải quán xuyến tất cả việc nhà, kể cả chăm em nhỏ ốm sốt khi mà cả đêm qua hệ thống CDC và các cơ quan chức năng của Hà Nội đã trắng đêm để tổ chức truy vết, lấy mẫu xét nghiệm 150 ca F1, từ “ông giám đốc” – bệnh nhân COVID-19 thứ 3634.
Lấy mẫu là như thế nào?
Là từ sáng đến đêm. Cứ có ca F1 là lên đường. Không biết giờ về.
Là giữa thời tiết 35-37 độ sùm sụp trong bộ đồ quá nóng, hết khô lại ướt, ướt trên ướt dưới.
Là mệt quá thì tựa vào tường, nhắm mắt 5-10 phút.
Là những bữa cơm dang dở, nấu xong bỏ đó vì còn không kịp ăn.
Là mì tôm, bánh mì anh chị em ăn tạm.
Là nỗi lo toan đứa nhỏ sốt, đứa chị chăm, dù nó mới đang chỉ học lớp 3.
Và là sự sung sướng, cảm động nếu có ai đó nói một lời cảm ơn, thay vì “thái độ” hay trách móc vì bị làm phiền.
Đêm qua, đã có bao nhiêu người phải lăn lộn trắng đêm? Bao nhiêu mồ hôi đổ xuống? Bao nhiêu lo lắng. Và bao nhiêu đứa bé phải xa cha mẹ?
Và cả bộ máy chống dịch? Cả những người người tuyến đầu liệu có căng thẳng vất vả đến thế không, nếu một việc đơn giản là khai báo y tế của một cá nhân được thực hiện?
Mọi cái sai của ông giám đốc sẽ được xem xét xử lý- chắc chắn thế.
Nhưng câu chuyện của ông giám đốc, trong mối liên hệ với những người tuyến đầu không còn khái niệm ngày đêm, với những đứa trẻ lớp 3 đã phải thay mẹ chăm em… có lẽ nên được viết ra, để sự đồng cảm, trân trọng của chúng ta với những y bác sĩ được biến thành những hành động cụ thể.
Những hành động chỉ đơn giản, không tốn chút sức lực, tiền bạc hay thời gian nào nhưng góp phần cùng cả nước chống dịch, nhưng sẽ đỡ vất vả cho biết bao người.
Hôm qua, M.Raveendran, giám đốc Bệnh viện ESI Đại học Y khoa thành phố Coinbatote, bang Tamil Nadu, Ấn Độ đã vinh danh các nhân viên y tế của mình bằng cách quỳ trước mặt họ.
Quỳ xuống, một cách tôn vinh sự tận tâm, cống hiến của tuyến đầu, của những người đang ngày đêm đối mặt với dịch bệnh vì nhân loại.
Nhưng cũng có cách tôn vinh khác có khi hiệu quả hơn nhiều. Đơn giản, nó nằm trong mấy chữ 5K mà có lẽ ngay cả những đứa trẻ lớp 3 bây giờ cũng đã thuộc bài.