Hiểu Minh
“Nhiều trường hợp đã được chụp X-quang phổi cũng không phát hiện ra virus. Đến khi được phát hiện thì dịch đã bùng”, giáo sư Nguyễn Văn Kính, Tổ hội chẩn bệnh nhân Covid-19, sáng nay (14/5) cho VnExpress biết.
Bộ Y tế sáng 14/5 ghi nhận 30 ca dương tính COVID-19. Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 713, ghi nhận ở 26 tỉnh thành.
Trước đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương giải trình tự gene virus 7 mẫu bệnh phẩm ở 7 tỉnh thành đều cho kết quả biến chủng Ấn Độ. Cụ thể, 7 mẫu từ các bệnh nhân ở Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Lạng Sơn và Nam Định, Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình.
Ngoài ra, kết quả giải trình tự gene bệnh nhân nhập cảnh từ Lào tại Hải Dương, thuộc biến chủng Anh. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết biến chủng virus của Anh lây lan nhanh gấp 170% (1,7 lần) nhưng biến chủng của Ấn Độ còn nhanh hơn.
Bộ Y tế nhận định diễn biến Covid-19 đang hết sức phức tạp, xuất hiện nhiều chùm ca nhiễm trong cộng đồng tại nhiều địa phương. Đặc biệt đã xuất hiện các biến chủng virus mới lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn và có khả năng làm tình trạng bệnh nặng lên.
Báo VnExpress cập nhật từ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay, thống kê trong đợt dịch này khoảng 60% bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng gây khó khăn cho truy vết, sàng lọc, thời gian ủ bệnh kéo dài 21 ngày.
Khoảng 1.000 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại 50 cơ sở y tế trên cả nước. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị đông bệnh nhân nhất, khoảng 300 ca, trong đó một nửa số bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng.
Giáo sư Nguyễn Văn Kính, Tổ hội chẩn bệnh nhân COVID-19, sáng nay cho biết các bệnh nhân không có triệu chứng gây khó khăn cho việc sàng lọc khi họ đến viện.
“Nhiều trường hợp đã được chụp X-quang phổi cũng không phát hiện ra virus. Đến khi được phát hiện thì dịch đã bùng”, giáo sư Kính nói.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho rằng, khó khăn nhất của công tác phòng chống Covid-19 hiện nay chính là rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh nhưng không có triệu chứng. Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm hiện hữu xung quanh, rất khó biết được ai là người mang mầm bệnh. Có những người xét nghiệm hai, ba lần đều âm tính COVID-19, song đến gần ngày hết cách ly thì mới dương tính COVID-19.
“Điều này khiến công tác truy vết vô cùng khó khăn”, ông Hà nói.
Bác sĩ Hà cho rằng việc rà soát, truy vết các đối tượng nguy cơ trong cộng đồng và làm xét nghiệm sàng lọc là rất quan trọng trong công tác phòng chống COVID-19. “Nếu cứ đợi bệnh nhân ho, sốt, khó thở thì chắc chắn sẽ bỏ sót ca bệnh”, ông nói.
Các nghiên cứu đánh giá trên một quần thể lớn người bệnh, thấy rằngthời gian ủ bệnh của Covid-19 kéo dài 21 ngày. Những ngày đầu, bệnh nhân thường không có triệu chứng, sau đó triệu chứng sẽ bắt đầu thấy rõ ở khoảng ngày thứ 5 đến ngày thứ 12 sau khi tiếp xúc với nCoV, rồi giảm dần. Từ khoảng ngày 15 đến ngày 21 rất ít có triệu chứng.
Các triệu chứng điển hình bắt đầu xuất hiện như ho khan và sốt nhẹ từ 38,1 độ C đến 39°C. Ở hầu hết các bệnh nhân, bệnh ở mức độ nhẹ hoặc trung bình và các triệu chứng sẽ khỏi trong khoảng một tuần. Nếu các triệu chứng càng kéo dài, nguy cơ tiến triển bệnh nặng càng cao hơn, đòi hỏi phải nhập viện, hồi sức tích cực và thở máy xâm lấn.
Tiến triển bệnh Covid-19 thường khó dự đoán được, đặc biệt là ở bệnh nhân lớn tuổi có bệnh nền đi kèm. Biểu hiện lâm sàng thay đổi từ hoàn toàn không có triệu chứng đến nhanh chóng chuyển nặng.
Trên thực tế, giới chức y tế vẫn chưa được hiểu rõ về mức độ lây nhiễm của người mắc bệnh nếu họ không xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Đợt dịch COVID-19 hồi tháng 2 tại Việt Nam, phân tích 240 bệnh nhân COVID-19, Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhận thấy có đến 80% bệnh nhân không có triệu chứng.
Các chuyên gia khuyến cáo, cách duy nhất phòng bệnh là phải cách ly tất cả mọi người tiếp xúc gần khi có người mắc COVID-19, khử khuẩn những nơi mà bệnh nhân đi qua. Mỗi người cần đeo khẩu trang, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, rửa tay thường xuyên với xà phòng và sử dụng dung dịch sát khuẩn tay; tránh dùng chung các vật dụng cá nhân; làm sạch các bề mặt tiếp xúc có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hàng ngày…
Bộ Y tế kéo dài thời gian cách ly tập trung từ 14 ngày lên 21 ngày. Ông Hà lưu ý tất cả người trong diện nguy cơ, không nên chủ quan khi thấy cơ thể không có triệu chứng. Tất cả vẫn cần tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Ông nhấn mạnh “quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân”.
Bộ Y tế Việt Nam cảnh báo nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài vào nước ta rất cao nếu không kiểm soát chặt đường biên giới. Người dân được khuyến cáo thực hiện nghiêm quy tắc 5K.
Dịch COVID-19 hay còn gọi là virus Vũ Hán khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) vào đầu tháng 12/2019. Chính quyền Bắc Kinh đã che giấu thông tin khiến dịch bệnh nhanh chóng lan khắp Trung Quốc và thế giới rồi biến thể. Đến nay, các biến thể virus Vũ Hán đã truyền trên 200 quốc gia, khiến hơn 160 triệu người nhiễm, trong đó hơn 3,3 triệu người đã tử vong. Trong đó có Việt Nam.