Đăng thơ ‘nói kháy’ Tập Cận Bình, CEO Trung Quốc mất tỷ đô trong nháy mắt

Mạn Vũ

Vì sao đăng bài thơ cách đây hơn 1000 năm, CEO Meituan 'bốc hơi' 2,5 tỷ đô tài sản?

“Bạn nghĩ như thế nào cái đó không quan trọng, Tập Cận Bình nghĩ như thế nào, đó mới là điều quan trọng”. 

Đây là nhận định trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 11/5 về sự việc gần đây của nhà sử học đồng thời cũng là chuyên gia bình luận các vấn đề thời sự – Giáo sư Chương Thiên Lượng.

Chuyện là CEO Meituan – Vương Hưng đăng bài thơ “Phần thư khanh” hôm 6/5 khiến vốn hoá thị trường của công ty giảm 26 tỷ đô-la Mỹ (gần 600 nghìn tỷ VND), đồng thời giá trị cổ phiếu của ông nắm giữ giảm 2,5 tỷ đô (57 nghìn tỷ VND). 

Theo kiến giải của Giáo sư Chương, bài thơ này có ngụ ý châm biếm Tần Thuỷ Hoàng. Mà Mao Trạch Đông tự nhận mình là sự kết hợp giữa Marx và Tần Thuỷ Hoàng, còn nhà lãnh đạo hiện nay là Tập Cận Bình lại học theo Mao Trạch Đông. Do đó, người đăng bài thơ này dù có giải thích thế nào thì vẫn bị gán nhãn là có ý trào phúng Tập Cận Bình.

Trong bài phân tích còn nói thêm: tại sao chữ ‘thuý’ trong ‘ngọc phỉ thuý’ lại nhạy cảm ở Trung Quốc, những lời giải thích của CEO Vương Hưng liệu có đủ sức thuyết phục, hay câu chuyện về danh tướng thời Tây Hán là Chu Á Phu muốn nhắn nhủ điều gì cho hậu thế… Tất cả sẽ có trong phần bài bình luận dưới đây của Giáo sư Chương. 

Sự thâm sâu của thơ cổ và sự ‘nhạy cảm’ của Tập Cận Bình

Hiện tại mọi người biết rằng trên mạng Internet ở Đại lục, ngôn luận không ngừng bị giám sát quản lý, hơn nữa lại liên tục leo thang. Dưới bối cảnh đó, CEO Vương Hưng của tập đoàn giao đồ ăn Meituan (Mỹ Đoàn) vào hôm thứ Năm tuần trước (ngày 6/5) đã đăng một bài thơ cuối thời Đường có tên là “Phần thư khanh” (焚書坑) trên nền tảng mạng xã hội Fanfou. 

“Phần thư khanh” do thi nhân thời Đường là Chương Kiệt viết. Bài thơ này từ niêm luật cho đến ý vị không những rất cao, mà còn có tính cảnh báo, có đầy đủ tính triết lý, do đó bài thơ này rất thịnh hành. 

Bài thơ có nội dung như sau: 

Phần thư khanh

Trúc bạch yên tiêu đế nghiệp hư
Quan Hà không tiêu tổ long cư.
Khanh khôi vị lãnh Sơn Đông loạn
Lưu Hạng nguyên lai bất độc thư.

Dịch thơ:

Hố đốt sách

Sách vở thành tro đế nghiệp tàn
Núi sông một phút bỗng tan hoang.
Hố tro chưa nguội Sơn Đông biến
Lưu – Hạng đọc thơ được mấy hàng.

(Theo bản dịch của Trương Việt Linh trên trang Thi Viện)

Tôi sẽ giải thích một chút. Câu đầu tiên “Trúc bạch yên tiêu đế nghiệp hư”, chúng ta biết rằng, Tần Thuỷ Hoàng đã từng làm một việc là ‘đốt sách’ (phần thư), khói của việc đốt sách vừa mới tan thì đế nghiệp của Đại Tần thống nhất thiên hạ đã kết thúc. Đây chính là ý nghĩa đại khái trong câu đầu tiên.

“Quan Hà không tiêu tổ long cư”. ‘Quan Hà’ là chỉ Hàm Cốc Quan (ải Hàm Cốc) và Hoàng Hà, chính là nói Hàm Cốc Quan và Hoàng Hà bảo vệ cho đô thành Hàm Dương của nước Tần. Chúng ta đọc “Quá Tần luận” của Giả Nghị đều biết có một câu như thế này, nói Tần Thuỷ Hoàng “Lấy Hoa làm thành, dựa Hà làm trì”, tức là lấy Hoa Sơn làm tường thành, lấy Hoàng Hà làm ‘trì’ (ao) để bảo vệ thành. Tiếp đó trong “Quá Tần luận” viết thêm: “Tâm của Thuỷ Hoàng, sẽ lấy Quan Trung làm thành kiên cố, tường thành bằng vàng dài vạn lý, sẽ là nghiệp báu đời đời của tử tôn Hoàng đế”. Do đó Hoàng Hà là dòng sông bảo vệ đô thành, còn Hoa Sơn là tường thành. 

Vậy thì theo lời của nhà thơ, lúc này không còn quan ải, không còn Hoàng Hà, do đó không còn cách nào bảo vệ ‘tổ long’. ‘Tổ long’ chỉ Tần Thuỷ Hoàng. Trong “Sử ký” có một dự ngôn là: Kim niên tổ long tử (Năm nay Thuỷ Hoàng mất). Năm đó Tần Thuỷ Hoàng phái một sứ thần đi sứ. Khi đêm đến sứ thần ấy trở về, tại một con đường nhỏ trên núi Hoa Sơn, sứ thần bị một người chặn đường, sau đó người ấy đưa cho sứ thần một dự ngôn trong đó viết rằng ‘kim niên tổ long tử’. Do đó ‘tổ long’ chính là chỉ Tần Thuỷ Hoàng. 

Khi ấy Tần Thuỷ Hoàng muốn tránh số mệnh như thế, sau đó ông đi tuần hành thiên hạ, kết quả ông mất ở Sa Khâu. Cho nên ‘Quan Hà không tiêu tổ long cư’ có ý nghĩa như vậy, cũng chính là khi ấy ông đốt sách nhưng vẫn không gìn giữ được giang sơn Đại Tần. 

“Khanh khôi vị lãnh Sơn Đông loạn / Lưu – Hạng nguyên lai bất độc thư”. Hai câu này từ bề mặt chữ nghĩa thì giải thích rất đơn giản. Chính là nói, tro trong hố đốt sách còn chưa nguội lạnh, Sơn Đông đã xảy ra biến loạn rồi. Sơn Đông ở đây không phải là tỉnh Sơn Đông, mà chính là Hào Sơn dĩ đông (phía đông núi Hào Sơn) hoặc là nói Thái Hành Sơn dĩ đông (phía đông Thái Hành Sơn). Lúc tro trong hố đốt sách còn chưa nguội lạnh, Sơn Đông đã loạn rồi, tức là phía đông núi Hào Sơn hay phía đông ải Hàm Cốc đã loạn rồi. 

Tại sao lại như vậy? Bởi vì khi ấy Tần Thuỷ Hoàng đốt sách, là bởi vì người trong thiên hạ đều ‘mượn chuyện xưa để châm biếm chuyện nay’, chính là cảm thấy điều ngày xưa nói là đúng, do đó bất mãn với chính sách hiện tại. Nói tới nói lui, dẫn đến sự hoài nghi và không trung thành đối với Đại Tần trong quảng đại quần chúng, do đó Tần Thuỷ Hoàng đốt sách để giải quyết vấn đề hoài nghi ấy. Nhưng không ngờ bọn tạo phản là Lưu Bang và Hạng Vũ tức Lưu – Hạng vốn dĩ là hạng không đọc sách. Do đó nói rằng, bạn đốt sách thì không ảnh hưởng gì đối với tư tưởng của họ. 

Câu chuyện này đương nhiên là châm biếm Tần Thuỷ Hoàng. Bài thơ này đúng hay không thì chúng ta không thảo luận. Ở đây nói rõ một vấn đề, bài thơ mà Vương Hưng đăng, rất nhiều người hoài nghi anh ấy nhắm đến người nắm giữ chính quyền hiện tại là Tập Cận Bình. Bởi vì Tập Cận Bình học Mao Trạch Đông, theo lời Mao Trạch Đông thì ông lấy là sự kết hợp giữa Marx và Tần Thuỷ Hoàng. Tập Cận Bình học Mao Trạch Đông, vì thế khi bạn châm biếm Tần Thuỷ Hoàng thì giống như châm biếm Mao Trạch Đông, châm biếm Mao Trạch Đông thì chính là châm biếm Tập Cận Bình. 

Vậy nên bài thơ mà Vương Hưng đăng được cho là “thơ tạo phản” (phản thi), do đó có người trên mạng để lại bình luận là “Vương Hưng và Jack Ma đều là ‘hoạ từ miệng mà ra’”. 

Dưới áp lực của dư luận, Chủ nhật tuần rồi (9/5) Vương Hưng đã có lời giải thích. Anh ấy nói: “Tôi trích dẫn bài thơ này với hy vọng nhắc nhở bản thân rằng, kẻ địch lớn nhất không phải là đối thủ cạnh tranh mà chính là những công ty mới với mô thức mới”. Sau đó anh ta nói thêm rằng ngoại giới đã hiểu nhầm ý tứ của mình rồi. 

Ông Vương Hưng, CEO của Meituan đã cố gắng giải thích bài thơ cổ “Phần Thư Khanh” được đăng trước đó, nhưng rất khó để ngăn cổ phiếu của Meituan giảm mạnh (ảnh chụp màn hình trang web).

Đương nhiên Vương Hưng đã đưa ra rất nhiều giải thích, anh ấy nói: “Alibaba cứ nhìn chằm chằm vào Jingdong, nhưng kẻ địch thực sự của nó là Pinduoduo. Pinduoduo tăng trưởng không phanh, người dùng đã vượt quá Taobao”. Cho nên Vương Hưng cho rằng Meituan cũng nên có cảm giác về nguy cơ ấy, không được cứ dán mắt vào đối thủ hoặc kẻ địch nhìn thấy; đến một ngày bạn sẽ bị những công ty với mô thức bạn chưa từng nghĩ đến lật đổ. Anh ta nói về một cảm giác nguy cơ như vậy để giải thích bài thơ đã đăng. 

Loại giải thích này là biểu hiện của sự sợ hãi yếu ớt. Nhưng kỳ thực Tập Cận Bình không căn cứ vào thái độ của bạn để đối phó, mà là ông ấy căn cứ theo lý giải của ông ấy để đối phó với bạn.

Giống như chúng ta biết chữ ‘thuý’ – 翠, chính là chữ thuý trong ngọc phỉ thuý (ngọc lục bảo), từ ‘thuý’ này đột nhiên biến thành một từ rất mẫn cảm. Tại sao chữ ‘thuý’ – 翠 này lại trở nên nhạy cảm như vậy? Bởi vì cách viết của ‘thuý’ – 翠 là dùng hai chữ ‘tập’ – 习 (họ Tập) và một chữ ‘tốt’ – 卒 (nghĩa là quân lính, đầy tớ). Vậy thì ‘thuý’ – 翠 sẽ đọc là ‘tập tập tốt’ – 习习卒 (họ Tập họ Tập là đầy tớ). 

Quay lại bài thơ trên, nếu Tập Cận Bình nghi ngờ bạn chửi rủa ông ấy, dù cho bạn không thật sự có ý đó, thì trên mạng cũng xác định đó là những từ mẫn cảm và không được tiếp tục nói. 

Do đó những gì bạn giảng không quan trọng, Tập Cận Bình nghĩ bạn như thế nào, đó mới là điều quan trọng. Vậy nên Vương Hưng có lẽ không minh bạch điều này. Chính là hiện tại bạn đang có phiền muộn trong lòng nhưng không nói ra, Tập Cận Bình vẫn có thể nghĩ bạn bất mãn với ông ta. Điều này tương đương với việc dù bạn tụng niệm không ra tiếng, ông ấy cũng cảm thấy bạn có bất mãn với ông ta, huống chi ở đây bạn còn đăng một bài thơ. 

‘Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau thì quả bồ hòn cũng vuông’

Chúng ta biết rằng thời Tây Hán có một câu chuyện rất nổi tiếng. Câu chuyện liên quan đến Chu Á Phu, một danh tướng rất tiếng thời Văn Đế – Cảnh Đế. Cha của ông là Thái uý Chu Bột. Chu Bột là đồng hương với Lưu Bang. Sau khi Lưu Bang mất, Lã Hậu nắm quyền 15 năm. Sau khi Lã Hậu mất, Chư Lã tác loạn. Sau đó Chu Bột phát động một cuộc binh biến bình định ‘loạn Chư Lã’. Chu Bột sau khi bình định được loạn Chư Lã trở thành đệ nhất công thần. 

Sau này Chu Bột phò tá Hán Văn Đế đăng cơ, sau đó giữ chức Thái uý. Chu Á Phu là con trai thứ của Chu Bột, ông từng giữ chức Thái thú Hà Nội. 

Chu Á Phu có một điển cố rất nổi tiếng là Tế Liễu Doanh (細聊營). Tế Liễu Doanh (trại Tế Liễu) là binh trạm được xây dựng thời Hán Văn Đế để chống lại Hung Nô. Chu Á Phu là Thống soái của Tế Liễu Doanh. Sau đó có một lần Hán Văn Đế đi thị sát Tế Liễu Doanh, phát hiện Chu Á Phu là một vị tướng quân vô cùng có trách nhiệm. Tinh thần cảnh giác trong doanh trại vô cùng cao, quân đội dưới trướng của ông ấy được huấn luyện rất tốt. 

Sau đó Hán Văn Đế nói: “Chu Á Phu là một tướng giỏi thật sự!”. Sau này, trước khi Hán Văn Đế băng hà, ông nói với con trai là Thái tử – người sau này là Hán Cảnh Đế rằng: “Nếu sau này quốc gia gặp chuyện, con hãy đến tìm Chu Á Phu, ông ta là một vị tướng chân chính. Ông ấy có thể gánh vác trọng trách và là người có thể tín nhiệm được”. 

Sau khi Hán Cảnh Đế đăng cơ được ba năm, vào năm 154 TCN đã bộc phát ‘loạn bảy nước Ngô Sở’. Tình huống lúc đó rất nghiêm trọng. Nước Ngô, nước Sở đã chiếm được một nửa vùng Giang Nam, giang sơn sắp mất, hơn nữa ở Sơn Đông có những nước như Tể Bắc, Truy Xuyên v.v. tổng cộng 7 quốc gia làm loạn. Tình huống khi ấy rất căng thẳng. Lúc đó Hán Cảnh Đế cho Chu Á Phu lãnh binh bình định phản loạn. Trong vòng 3 tháng, Chu Á Phu đã dẹp yên phản loạn. Chu Á Phu là một người rất xuất sắc. 

Sau này Chu Á Phu được phong Điều Hầu. Nhưng ông là người thô lậu cục mịch, không biết đọc sách như thế nào. Ông nói chuyện và làm việc đều khá thẳng thắn nên đã đắc tội với Hán Cảnh Đế. Chu Á Phu can gián Hán Cảnh Đế về việc phế trưởng lập thứ, sau đó ông còn đắc tội với Đậu Thái hậu và Lương vương v.v. rất nhiều sự tình. Cuối cùng mối quan hệ giữa Chu Á Phu và Hán Cảnh Đế rơi vào bế tắc. 

Sau đó Chu Á Phu từ chức về quê. Con trai của ông cảm thấy rằng, ai dà, phụ thân của mình đã già rồi, không biết sẽ qua đời lúc nào nên len lén mua 500 tấm khiên để chuẩn bị, sau khi ông ấy mất sẽ chôn cùng ông ấy. Nhưng trong quốc gia lại nghiêm cấm việc mua bán khiên, vì dù sao nó cũng thuộc về vật phẩm quân sự. Sự việc này bị người khác phát giác, sau đó Hán Cảnh Đế kiểm tra rồi bắt Chu Á Phu tống vào ngục. 

Khi đó, vị Đình uý thẩm tra vụ án chỉ vào Chu Á Phu nói: “Ông muốn tạo phản chăng?”. Chu Á Phu nói: “Những cái tôi mua là để chuẩn bị chôn cùng tôi khi chết, làm sao nói là tạo phản được?”. Khi đó có một tên tiểu lại (chức quan nhỏ) đã nói một câu rất nổi tiếng: “Người có tước hầu như ông nếu thả ra, không tạo phản ở dương gian thì cũng tạo phản ở âm thế”. Chu Á Phu rất tức giận, ông tuyệt thực 5 ngày rồi chết. 

Tôi kể cho mọi người câu chuyện này là có mục đích gì? ‘Người có tước hầu như ông nếu thả ra, không tạo phản ở dương gian thì cũng tạo phản ở âm thế’, đây là loại cảm giác gì? Chính là anh ta thêm ‘tội suy nghĩ’ cho bạn. Anh ta đoán bạn muốn tạo phản, hơn nữa anh ta cho rằng bạn nhất định sẽ tạo phản, hiện nay bạn không tạo phản, tương lai bạn sẽ tạo phản, khi sống bạn không muốn tạo phản, chết rồi bạn sẽ tạo phản. Do đó nói rằng kỳ thực bạn không có đường sống, bạn có suy nghĩ thế nào cũng không thay đổi được anh ta. 

Cho nên chúng ta vừa mới nói chuyện về Meituan và Vương Hưng, kỳ thực chính là bạn nghĩ như thế nào cái đó không quan trọng, Tập Cận Bình nghĩ như thế nào, đó mới là điều quan trọng. 

Ảnh chụp màn hình AP.

Do đó Vương Hưng giải thích hay không giải thích cũng không khác nhau nhiều. Hiện tại về cơ bản, điều duy nhất mà anh ấy có thể làm là trông chờ thời gian qua đi, mọi người sẽ từ từ quên sự việc này. 

Jack Ma vừa mới xuất hiện hôm thứ Hai (10/5), anh ta đã tham gia ‘ngày hội của Alibaba’ được tổ chức mỗi năm một lần. ‘Ngày hội của Alibaba’ là ngày 10/5 hàng năm, nhân viên của Alibaba cùng với người nhà có thể đến công ty của họ để gặp gỡ giao lưu. Hôm đó Jack Ma lộ diện, anh ta mặc áo T-shirt màu lam, quần trắng và đôi giày vải mang phong cách Trung Quốc. Hôm đó anh ta còn ở ‘hội nghị với khách hàng’ và có bài phát biểu ở đó. 

Jack Ma đã xuất hiện lại, cảm giác sóng gió đã qua. Do đó tôi cho rằng cách làm tốt nhất của Vương Hưng lúc này là đừng nói gì cả, hãy chờ đợi, đợi sau nửa năm thì sóng yên biển lặng thì có thể xuất hiện lại.  

Theo Chính luận thiên hạ
Mạn Vũ biên dịch

Related posts