Chính phủ Úc đối mặt với “Thế hệ bị đánh cắp”

Hoàng Hằng &Minh Anh

Các vũ công thổ dân thực hiện các nghi lễ truyền thống, Sydney ngày 26/01/2016. AP – Rob Griffith

Nước Úc phải đối mặt với « Thế hệ bị đánh cắp ». Tại châu Âu, hai nước Pháp và Ý tìm cách sang trang 43 năm tranh cãi pháp lý trong việc dẫn độ những thành viên Lữ đoàn đỏ từng một thời khuynh đảo nước Ý. Trên đây là những chủ đề chính trong mục Tạp chí Thế giới tuần này.

Những ai thuộc « Thế hệ bị đánh cắp » ?

Trong những ngày qua, các kênh truyền thông Úc cho hay, vào ngày 17/06, những người thuộc « Thế hệ bị đánh cắp » tại Bắc Úc (Northern Territory) sẽ phát động vụ kiện tập thể chính phủ liên bang. Họ đòi bồi thường những tổn thất mà họ phải gánh chịu trong việc bị cưỡng bách tách khỏi gia đình, cộng đồng thổ dân từ hơn 60 năm trước.

Thông tín viên Hoàng Hằng từ Sydney giải thích:

Thổ dân và cư dân đảo Torres Strait là những người bản địa của Úc, ước tính chừng 800.000 người (2016), chiếm 3,3% tổng dân số. Họ không phải là một nhóm, mà bao gồm hàng trăm nhóm có ngôn ngữ, lịch sử và truyền thống văn hóa riêng biệt. Họ không chỉ tập trung định cư trên các vùng đất truyền thống, mà phân bổ sinh sống ở hầu hết các khu thành thị và nông thôn của tiểu bang và vùng lãnh thổ Úc châu.

Theo đó, « Thế hệ bị đánh cắp » (Stolen Generations) là những người Thổ dân đã bị bắt đi khỏi gia đình lúc còn nhỏ theo chính sách chủng tộc của chính phủ liên bang, tiểu bang và vùng lãnh thổ từ năm 1910 đến 1970. Việc tách những trẻ em của thổ dân và cư dân đảo Torres Strait ra khỏi gia đình, cộng đồng là một phần trong chính sách đồng hóa. Trẻ em là nhóm xã hội vốn được tin là dễ thích nghi với xã hội da trắng hơn các nhóm xã hội khác.

Người ta dựa trên giả định, cuộc sống của người thổ dân và cư dân đảo sẽ được cải thiện nếu họ trở thành một phần của xã hội da trắng. Những đứa trẻ của « Thế hệ bị đánh cắp » được các gia đình da trắng nuôi dưỡng hoặc nhận làm con nuôi, hoặc được nuôi dạy trong các trại trẻ mồ côi, các gia đình hoặc các cơ sở khác do chính phủ, nhà thờ và các cơ quan phúc lợi xã hội điều hành. Từ đó, chúng được dạy từ chối nền văn hóa bản địa và tiếp nhận nền văn hóa của người da trắng.

Nếu dựa theo số liệu trong bản phúc trình « Hãy mang họ về nhà » (Bring Them Home), có ít nhất 100.000 trẻ em đã bị tách biệt khỏi gia đình, cộng đồng thổ dân. Tuy nhiên, theo nhận định, con số thực tế có lẽ cao hơn nhiều bởi rất khó xác lập một số liệu chính xác do sự khác nhau về dân số trong một khoảng thời gian dài; các chính sách cũng thay đổi theo từng thời điểm khác nhau, tại các tiểu bang, vùng lãnh thổ khác nhau; đồng thời hồ sơ các trường hợp được ghi lại cũng không đầy đủ. Tuy nhiên, dựa vào một nghiên cứu gần đây của Viện Y tế và Phúc lợi Úc, có hơn 17.000 người sống sót trong « Thế hệ bị đánh cắp » ở Úc.

Một mảng tối trong lịch sử và « Lời xin lỗi toàn quốc »

« Thế hệ bị đánh cắp » và các chính sách dựa trên chủng tộc khác được cho có tác động nghiêm trọng và lâu dài đối với sức khỏe, văn hóa, thể chất, tinh thần và tâm hồn của các cộng đồng bản địa, không chỉ đối với những người bị cưỡng bức rời gia đình khi còn nhỏ mà cả gia đình và con cháu của họ. Các nghiên cứu chỉ ra, nhiều người sống sót đã trải qua những chấn thương thời thơ ấu do bị buộc phải rời khỏi gia đình, cộng đồng, rời khỏi nguồn gốc văn hóa và ngôn ngữ của mình, và đôi khi họ bị ngược đãi, bị phân biệt đối xử trong suốt quãng đời bị chia cắt.

« Thế hệ bị đánh cắp » được cho là một mảng đen tối nhất trong bức tranh vốn dĩ đầy màu sắc tươi đẹp của lịch sử nước Úc. Chính vì vậy, năm 1995, chính phủ Úc đã tiến hành một cuộc điều tra quy mô về chính sách cưỡng bức trẻ em thổ dân rời bỏ gia đình trong khuôn khổ chính sách đồng hóa. Kết quả, một bản phúc trình mang tên « Hãy mang họ về nhà » được trình lên quốc hội vào năm 1997, bao gồm 54 đề nghị, trong đó có việc bồi thường về mặt tài chính, bảo đảm không tái phạm, hòa giải và phục hồi cho các nạn nhân.

Vào khoảng thời gian đó, trong khi chính phủ ông Paul Keating (1991 – 1996) ủy thác cuộc điều tra về các thế hệ bị đánh cắp, chính phủ của ông John Howard (1996 – 2007) đã lên nắm quyền vào thời điểm báo cáo được hoàn thiện và phần lớn phớt lờ 54 khuyến nghị của báo cáo. Mãi cho đến năm 2008, cách đây hơn 13 năm, thủ tướng Úc lúc bấy giờ là ông Kevin Rudd (06/2013 – 09/ 2013) mới thực hiện một trong 54 đề nghị, đó là nói « Lời xin lỗi toàn quốc ». Mặc dù, lời xin lỗi chỉ mang tính biểu tượng nhưng nó đã đánh dấu một kỷ nguyên mới về việc nhìn nhận và hòa giải với người Thổ dân.

Bên cạnh đó, việc bồi thường tài chính cho các nạn nhân của « Thế hệ bị đánh cắp » cả ở cấp liên bang và tiểu bang, vùng lãnh thổ là một trong những khuyến nghị quan trọng trong bản phúc trình. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có ba tiểu bang thực thi là Tasmania (2006), South Australia (2015) và New South Wales (2017). Ngoài ra, ở một số tiểu bang, vùng lãnh thổ khác cũng đã bồi thường cho một số nạn nhân đơn lẻ khi họ thắng kiện ở các tòa án.

Đó là nguyên nhân tại sao trong những năm qua, người thổ dân ở các tiểu bang, vùng lãnh thổ còn lại thuộc « Thế hệ bị đánh cắp » đã, đang và chuẩn bị kiện đòi bồi thường từ chính phủ để cho họ một cuộc sống công bằng và sung túc hơn. Thực tế, nhiều người trong số họ đã không hội đủ các tiêu chí của chương trình bồi thường từ cấp tiểu bang. Trong khi, những người khác cho rằng, không có số tiền nào có thể bù đắp hết những tổn thương mà các thế hệ đã trải qua.

Related posts