Căng thẳng leo thang giữa Israel và Palestine

NGUYỄN QUANG KHAI

Những ngày gần đây, xung đột giữa Israel và Palestine lại bùng nổ dữ dội. Đêm 7-8/5/2021, cảnh sát Israel đã mở một chiến dịch trên Núi Đền ở Đông Jerusalem để dẹp các cuộc biểu tình trong buổi cầu nguyện của người Hồi giáo Palestine. 

Bạo lực bùng nổ giữa hai phía. Các lực lượng an ninh Israel đã xông vào sân của nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa (thánh địa thứ ba của người Hồi giáo sau Mecca và Madina), sử dụng lựu đạn cay và đạn cao su bắn vào những người cầu nguyện, kể cả phụ nữ và trẻ em. Người Palestine dùng gạch, đá ném vào cảnh sát.

Đáp lại các hành động của Israel, hơn một nghìn quả rocket đã được bắn ào ạt vào Israel, trong đó có thủ đô Tel Aviv và nhiều thành phố khác. Israel đã dùng máy bay, tên lửa tấn công đáp trả vào hơn 600 mục tiêu ở Dải Gaza. Các cuộc đọ súng này đã gây thiệt hại lớn về người và của cho cả hai phía. 

Chưa có thống kê đầy đủ, nhưng theo các nguồn tin của Israel và Palestine, tính đến 13/5/2021, hơn một nghìn người bị thương vong của cả hai phía, trong đó có gần 100 người chết, phần lớn là người Palestine, có cả phụ nữ và trẻ em. 

Đây không còn là cuộc xung đột, mà thực sự đã trở thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn nhất kể từ 2014 đến nay. Israel đã đưa nhiều xe tăng và các phương tiện quân sự đến tập trung dọc biên giới với Gaza. Tình hình hết sức nghiêm trọng, không loại trữ một cuộc chiến tranh toàn diện.

Những hình ảnh tang thương sau cuộc đối đầu giữa Israel và Palestine. Ảnh: AP/Xinhua

Phản ứng quốc tế

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ thất vọng trước tình hình thương vong gia tăng, bao gồm nhiều trẻ em, trong các vụ không kích của Israel vào Dải Gaza, cũng như thiệt hại tại Israel do các vụ phóng rocket từ Gaza. Ông kêu gọi Israel chấm dứt việc trục xuất người Palestine.

Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập (AL) Ahmed Abu Al-Gheit kêu gọi chính quyền Israel giải trình về sự leo thang của xung đột Palestine-Israel. AL gọi tình hình hiện nay là hết sức trầm trọng và nguy hiểm.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong vòng 3 ngày đã họp 2 phiên khẩn cấp để thảo luận tình hình. Mặc dù tuyên bố do Tunisia cùng với một số thành viên châu Âu dự thảo với lời lẽ hết sức ôn hoà, chỉ kêu gọi Israel ngừng các cuộc tấn công nhằm vào người Palestine ở Sheikh Jarrah, tôn trọng nguyên tắc tự do hành đạo và thực hành các nghi thức tôn giáo của người Palestine tại nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, hoàn toàn không có lời nào lên án Israel, nhưng đã không được thông qua do Mỹ ngăn cản. Washington cho rằng, việc thông qua một tuyên bố chung công khai vào lúc này là “không phù hợp.” 

Các thành viên của Bộ Tứ Trung Đông gồm Nga, Mỹ, LHQ và Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi chính quyền Israel kiềm chế và từ bỏ các hành động có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình hình ở Đông Jerusalem. Các nước này coi việc trục xuất người Palestine khỏi Sheikh Jarrah là bất hợp pháp.

Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi cả Israel và Palestine tránh gây ra những cái chết “vô cùng đáng tiếc” cho dân thường. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi kiềm chế và bình tĩnh. Israel có quyền tự vệ và đáp trả những cuộc tấn công bằng tên lửa. Nhân dân Palestine cũng có quyền được hưởng sự bình an và an ninh như nhân dân Israel“.

Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố coi “việc tịch thu đất và tài sản của người Palestine ở Đông Jerusalem, cũng như việc Israel xây dựng các khu định cư tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, bao gồm cả Đông Jerusalem là bất hợp pháp”. 

Tuyên bố cũng lên án mạnh mẽ các vụ tấn công nhằm vào dân thường, đồng thời kêu gọi Israel và Palestine kiềm chế, tránh các bước có thể làm leo thang xung đột tại Đông Jerusalem và Dài Gaza. Nga sẽ hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới để tìm ra một giải pháp toàn diện và bền vững trên cơ sở cùng tồn tại 2 nhà nước Israel và Palestine.

Trung Quốc, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 5/2021 cho biết đã thúc giục HĐBA hành động nhanh chóng để giảm leo thang căng thẳng và tái khẳng định cam kết đối với nguyên tắc giải pháp hai nhà nước Palestine và Israel.

Tại Thủ đô Amman của Jordan, hàng trăm người đã tập trung biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Israel ở Amman. Các nhà hoạt động cánh tả và các tổ chức Hồi giáo lên án hành động của Israel đối với người Palestine ở Đông Jerusalem và đòi trục xuất Đại sứ Israel.

Các nước Ả Rập, kể cả một số nước Ả Rập vừa ký thoả thuận bình thường hoá quan hệ với Israel như Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Morocco đều cho rằng, Israel đã vi phạm luật pháp quốc tế. Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (ICO), Liên minh châu Phi (AU),Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Indonesia, Pakistan… ủng hộ Palestine, lên án mạnh mẽ Israel. 

Nguyên nhân bùng nổ xung đột

Nguyên nhân sâu xa: Cuộc xung đột Israel-Palestine kéo dài hơn 70 năm đến nay vẫn không được giải quyết. Jerusalem là một trong những vấn đề cốt lõi của cuộc xung đột. 

Cả Israel và Palestine đều tuyên bố Jerusalem là Thủ đô của mình. Tuy nhiên, toàn bộ thành phố hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Israel. Tình trạng pháp lý quốc tế của Jerusalem chưa được xác định rõ ràng. Nếu theo Nghị quyết 181 cùa Liên hợp quốc năm 1947 về chia cắt Palestine thành hai quốc gia-Do Thái và Ả Rập, thì thành phố này phải được phi quân sự hoá và do LHQ quản lý. 

Trong cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1948, Jerusalem bị chia cắt thành hai phần: Phía Đông do Jordan kiểm soát và phía Tây do Israel kiểm soát. LHQ đã thừa nhận thực trạng này.

Trong cuộc chiến tranh năm 1967, Israel đã chiếm cả phía Đông thành phố do Jordan kiểm soát. Năm 1980, Quốc hội Israel (Knesset) tuyên bố sáp nhập Đông Jerusalem thành Thủ đô của Israel. HĐBA/LHQ ra Nghị quyết 478, coi việc sáp nhập này là không hợp lệ và kể từ đó đã nhiều lần khẳng định lại lập trường này.

Năm 1988, Nhà nước Palestine tuyên bố thành lập lấy Jerusalem làm Thủ đô.

Hiệp ước hòa bình Oslo ký năm 1993 giữa Palestine và Israel quy định hai bên sẽ đàm phán và ký kết một thỏa thuận về quy chế của thành phố Jerusalem. 136 trong số 193 quốc gia thành viên LHQ công nhận nhà nước Palestine với thủ đô là Jerusalem.

Theo thỏa thuận năm 1994 giữa Israel và Jordan, tất cả các đền thờ Hồi giáo ở Jerusalem, bao gồm cả nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, đều nằm dưới sự quản lý và giám sát của Jordan.

Ngày 6/12/2017, Tổng thống Mỹ bấy giờ là ông Donld Trump tuyên bố công nhận toàn bộ thành phố Jerusalem là Thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ về đây. Quyết định này của ông Trump đã và đang làm trầm trọng thêm cuộc xung đột giữa Palestine và Israel. 

Nguyên nhân trực tiếp: Đụng độ giữa người Palestine và các lực lượng an ninh Israel ở Đông Jerusalem bùng phát từ đầu tháng Ramadan của đạo Hồi, tức khoảng giữa tháng 4/2021 khi toà án Israel quyết định trục xuất một số gia đình Ả Rập khoảng 70 người đang sinh sống tại Sheikh Jarrah thuộc Đông Jerusalem với lý do các gia đình Do Thái đã sống ở đó trước chiến tranh 1948, tức là trước khi thành lập Nhà nước Israel. Trong khi đó, người Palestine coi các ngồi nhà nay là tài sản riêng vì họ đã mua lại từ chính quyền Jordan, là người được giao kiểm soát các vùng đất này trước cuộc chiến tranh năm 1967. 

Đầu tháng 5/2021, thực hiện lệnh của toà án, cảnh sát Israel đã triển khai việc trục xuất những người Palestine khỏi nơi ở của họ, đồng thời ngăn người Hồi giáo vào khu vực Núi Đền trong “Ngày Jerusalem” được tổ chức hàng năm. Hành động này đã dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ dẫn đến đụng độ đẫm máu giữa người Palestine và các lực lượng an ninh Israel.

Ngày 10/5, Israel cũng kỷ niệm “Ngày Jerusalem”, ngày sáp nhập phía Đông của thành phố sau chiến tran 1967. Người Israel coi Jerusalem là “Thủ đô vĩnh viễn và không thể chia cắt của họ.” Đồng thời, nhà nước Palestine cũng tuyên bố Đông Jerusalem là Thủ đô của mình. Vào ngày này, người Israel thường diễu hành qua các khu vực của người Hồi giáo. Người Palestine coi đó là một hành động khiêu khích. Năm nay, các cuộc tuần hành trùng với những ngày cuối cùng của tháng Ramadan của người Hồi giáo. Tình hình trở nên phức tạp hơn khi những người Israel cực hữu diễu hành qua trung tâm Jerusalem, lại hô vang “người Ả Rập chết đi”, đồng thời chính quyền Tel Aviv cũng cấm tụ tập tại Cổng Damascus trong thành cổ, nơi người Hồi giáo thường đến đây vào các buổi tối trong tháng Ramadan. Người Palestine coi việc trục xuất và ngăn cản tụ tập là một hình thức phân biệt chủng tộc.

Tại sao căng thẳng leo thang với Palestine lại diễn ra vào thời điểm này?

Cuộc xung đột giữa Israel và Palestine vừa qua hoàn toàn có thể tránh được. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích chính trị, ông Thủ tướng Netanyahu quyết dùng vũ lực, đẩy căng thẳng lên đỉnh điểm với người Palestine vào thời điểm này với nhiều lý do, trong đó có việc sử dụng cuộc xung đột này để đạt được các mục tiêu chính trị.

Cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có ở Israel đến nay vẫn bế tắc. Trong 2 năm qua với 4 cuộc bầu cử, Israel vẫn không có được một chính phủ ổn định. Nội bộ đảng Likud cầm quyền chia rẽ nghiêm trọng sau khi Gideon Sa’ar, nhân vật thứ hai sau ông Netanyahu từ bỏ đảng và thành lập một đảng mới lấy tên là Takfah Hadasha (Niềm hy vọng mới). 

Các đảng cánh hữu, cấp tiến từ bỏ liên minh với Likud, đang tìm cách tranh cử riêng rẽ. Chia rẽ nội bộ Likud, sự tan rã của mặt trận cánh hữu đã dẫn đến việc ông Netanyahu không giành được 61 ghế trong Quốc hội (Knesset) để có thể đứng ra thành lập chính phủ liên hiệp.

Về phần mình, Thủ tướng Netanyahu đang phải đối mặt với hai thách thức lớn. Thứ nhất, ngày 5/4/2021 phiên tòa xét xử ông về các cáo buộc tham nhũng và lạm quyền đã được nối lại và không loại trừ khả năng ông phải ngồi tù. Thứ hai, các cuộc đàm phán để thành lập chính phủ liên hiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, có khả năng thất bại và sẽ phải tổ chức cuộc bầu cử lần năm vào tháng 9 tới.

Trong tình hình như vậy, việc ông Netanyahu làm nóng tình hình với người Palestine là nhằm khẳng định quyền lực của mình, đồng thời đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận vào những vấn đề nội bộ của Israel nói chung và của cá nhân ông nói riêng, từ đó tranh thủ sự ủng hộ của các đảng cánh hữu.

Mặt khác, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang có những bước đi nhằm thay đổi chính sách Trung Đông của người tiền nhiệm Trump. Washington đang tìm cách quay trở lại thoả thuận hạt nhân JCPOA và bình thường hoá quan hệ với Iran, đối thủ chính của Israel. 

Ông Biden cũng đang cố gắng nối lại quan hệ với Palestine và không ủng hộ chính sách xây dựng các khu định cư Do Thái tại các vùng đất Palestine bị chiếm đóng. Trong tình hình như vậy, việc ông Netanyahu đẩy cuộc xung đột leo thang với Palestine được coi là phép thử đối với quan điểm của chính quyền Biden, tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ, đồng thời ngăn cản những bước đi quá nhanh của Washington lật lại chính sách Trung Đông của cựu Tổng thống Trump.

Có thể nói, cuộc xung đột Israel-Palestine là cuộc xung đột kéo dài và phức tạp nhất trong lịch sử cận đại, với nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu, nhưng vẫn chưa có hồi kết. Con đường duy nhất để đem lại hoà bình cho cả Israel và Palestine là các bên ngừng bắn, trở lại bàn đàm phán trên cơ sở các nghị quyết của Liên hợp quốc, các thoả thuận đã đạt được giữa hai phía và giải pháp “hai Nhà nước” được quốc tế ủng hộ, đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan.

NGUYỄN QUANG KHAI

Related posts