Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác – Tamar Lê

Đã sống ở Tasmania rất lâu, nên QH và tôi ít có cơ hội tiếp xúc với người Việt Nam, trong số gần 300 sinh viên trong chương trình cử nhân (B.Ed) mà tôi dạy, không có một sinh viên Việt; những năm sau này thì đỡ hơn. Mỗi lần ai đi qua Melbourne mang về vài ổ bánh mì Như Lan, tụi tui mừng ơi là mừng, còn quý hơn yến xào.

Từ khi qua Melbourne sống, chúng tôi bắt đầu đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Một trong những ngạc nhiên mà tôi rất tự hào là rất nhiều người Việt mình thành công trong sự học cũng như việc làm. Có một lần bác sĩ gia đình GP của tôi đề nghị tôi đi gặp một chuyên gia về huyết học, Professor H.Q. Ông GP rất khâm phục kiến thức và tư cách của bà giáo sư chuyên khoa này; bà đang làm ở một bịnh viên lớn của Melbourne và giới thiệu tôi đến. Tôi rất mong mỏi được gặp vị bác sĩ chuyên khoa này. Ngày hẹn đã đến, khi bước vào phòng khám bệnh của bà, tôi thấy bỡ ngỡ và bàng hoàng. Ngoài sức tưởng tượng của tôi, ‘bà’ professor này rất trẻ, ăn nói vừa hoạt bát, nhanh nhẹn, vừa khiêm nhường, mà lại là người Việt; rồi bà mỉm cười nhẹ nhàng nói: “Chú muốn cháu nói tiếng Việt hay tiếng Anh với chú?”

Một thí dụ khác là hôm nói chuyện với một gia đình Việt Nam, tôi tò mò hỏi: “Cháu Th nay làm gì”… Wow, tôi lắc đầu vì quá ngạc nhiên vì ‘cháu gái này’ đã học xong tiến sĩ vật lý ở the Australian National University (ANU), được ANU cho học bổng xuất sắc high achiever, học từ năm đầu cử nhân đến hết tiến sĩ, và đã từng được NASA của Mỹ mời sang nghiên cứu về vật lý lượng tử (quantum physics). Cháu và international team được giải thưởng cả triệu US dollars cho một chương trình nghiên cứu về lãnh vực này.

Tưởng chỉ là chuyện hy hữu trong cộng đồng người Việt ở Úc, nhưng đây chỉ là ‘chuyện nhỏ’, sau khi tiếp xúc được với nhiều người Việt ở Melbourne, tôi mới sáng mắt ra với sự tự hào và khâm phục thế hệ con em mình.  

Tôi định viết một cuốn sách về ánh bình minh mà các em đã mang đến cho cộng đồng người Việt mình ở Melbourne, như cuốn ‘Melbourne Với Vườn Hoa Văn Nghệ’ mà chúng tôi xuất bản năm ngoái, để cùng nhau chung vui, chỉ vậy thôi; nhưng có người thầm thì: “Thôi đừng nữa anh, hãy ‘tha’ cho các cháu. Mấy cháu không thích vậy đâu, nhất là khi nổi tiếng, thì dễ trở thành mục tiêu tấn công vì sự đố kỵ nạn nhân của Tall Poppy Syndrome (TPS)”

Tôi không hiểu người bạn muốn nói gì, nhưng cũng lich sự mỉm cười.

Related posts