Thời của xe điện

Huy Lâm

Khoảng đ hai ba năm trở lại đây, xe chạy điện bỗng dưng trở thành món hàng thời trang nóng hổi. Sở hữu một chiếc xe chạy điện hiệu Tesla hiện nay cũng giống như được sở hữu chiếc điện thoại iPhone cách đây hơn một thập niên khi nó vừa được tung ra thị trường – và xác định chủ nhân của những món đồ đó là người biết chơi và biết cập nhật cuộc sống theo đúng nhịp tiến bộ của kỹ thuật.

Giá cổ phiếu của công ty Tesla trong năm vừa qua tăng vùn vụt và đã có lúc đưa chủ nhân của Tesla là ông Elon Musk thành tỷ phú giàu nhất thế giới, là vì giới đầu tư nhìn thấy không bao lâu nữa xe chạy điện sẽ thay thế xe chạy xăng, đây là loại xe của tương lai và Tesla đang dẫn đầu về kỹ thuật này. Tuy nhiên, kỹ thuật xe chạy điện không hẳn là mới, nó đã có từ cả trăm năm trước nhưng đến bây giờ mới là lúc nó gặp đúng thời để bắt đầu có cơ hội tung hoành.

Có lẽ không mấy ai trong chúng ta biết rằng vào năm 1900 có nhiều xe chạy điện trên đường phố New York hơn là xe chạy xăng. Ông Thomas Edison đã bỏ rất nhiều tiền bạc và công sức, cộng thêm với uy tín cá nhân của chính ông, vào việc chế tạo xe chạy điện, nhưng chiếc Model T chạy xăng của ông Henry Ford đã thắng cuộc chạy đua.

Sau đó mất thêm khá nhiều thời gian để chiếc xe chạy điện xuất hiện trở lại. Đó là vào cuối thập niên 1990, công ty GM cho trình làng chiếc xe chạy điện mới, được đặt tên là EV1, mà chủ yếu là để đáp lại yêu cầu của tiểu bang California muốn có thêm các loại xe ít thải khói hơn. Chiếc xe chạy điện này, thường được gọi là “trái trứng trên bốn bánh xe” (egg-on-wheels) là vì hình dạng khác thường của nó, thất bại hoàn toàn về mặt thương mại vì chẳng ma nào thèm mua. Công ty GM chỉ sản xuất khoảng 800 chiếc EV1 và lỗ một tỷ đô la.

Năm 2003, một thanh niên rất đam mê xe chạy điện tên là J.B. Straubel gặp ông Elon Musk qua một bữa ăn trưa. Sau này, Straubel đã kể lại rằng trong bữa ăn hôm đó, hai người đã đưa ra một ý tưởng có vẻ hơi điên khùng rằng họ có thể sử dụng thứ bình điện giống như cục pin trong máy tính xách tay để đẩy cho chiếc xe chạy. Và đó là bữa ăn đã làm thay đổi lịch sử của ngành xe hơi. Chính Musk sau này cũng phải nhìn nhận rằng nếu không có bữa ăn trưa đó thì công ty Tesla cũng không có mặt trên thế gian này.

Được giới thiệu tới người tiêu thụ năm 2008, chiếc Tesla Roadster với mẫu mã kiểu thể thao thanh nhã, lịch lãm gây sự chú ý từ ngay lần đầu nhìn thấy. Nhiều người coi chiếc xe này như một sản phẩm mới lạ, hấp dẫn như chưa từng thấy bao giờ, giống như chiếc điện thoại iPhone ra đời một năm trước đó.

Tesla đã tìm ra chiếc chìa khoá mở được cánh cửa đã bị khoá kín lâu nay. Năm 2010, công ty GM cho ra đời chiếc xe chạy điện hiệu Volt của họ. Cùng năm đó, công ty Nisan giới thiệu chiếc leaf. Đến năm 2013, công ty GM, dưới quyền điều hành lúc đó là giám đốc nghiên cứu và phát triển và nay là tổng giám đốc Mary Barra, đã quyết định dồn hết nỗ lực cho chiếc xe chạy điện Bolt hoàn toàn mới này. Và năm nay, công ty Ford cũng vừa mới giới thiệu chiếc Mustang Mach-E chạy điện, đạt vận tốc từ zero tới 60 dặm một giờ chỉ trong 5.2 giây.

Trong năm 2020, xe chạy điện chỉ chiếm 3% trên tổng số xe được bán ra trên toàn thế giới, nhưng xu hướng chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe chạy điện đã được định hình. Các công ty chế tạo xe hơi nay đang đổ tiền đầu tư vào loại xe chạy điện tương lai. Xe chạy điện dễ chế tạo hơn xe chạy xăng, là vì xe chạy điện bớt phức tạp hơn và cần ít bộ phận hơn.

Nhưng không chỉ vì sự đơn giản tương đối trong việc chế tạo xe chạy điện thúc đẩy các công ty xe hơi đi về hướng mới. Lý do chính là vì họ không còn lựa chọn nào khác khi phải đối mặt với các chính sách về khí hậu của chính phủ, bao gồm các khoản tiền phạt có thể lên đến hàng tỷ đô la, và quyết tâm chính trị ngày càng tăng trong việc chấm dứt lượng khí thải CO2 thoát ra từ các ống khói xe – và cuối cùng là loại bỏ hoàn toàn tất cả các loại xe có ống xả khói.

Mặc dù vậy, xe chạy điện vẫn còn phải đối diện với một vài thử thách, trong đó là phải gây được sự tin tưởng và chấp nhận của số đông người tiêu thụ. Và một điều thực tế là xe chạy xăng sẽ không đơn giản biến mất trong nay mai. Trung bình một chiếc xe chạy trên đường phố ở Mỹ kéo dài khoảng 12 năm.

Một kỹ thuật khác cũng sẽ góp một phần không nhỏ để thay đổi diện mạo của thị trường xe hơi trong tương lai: kỹ thuật xe tự động lái. Năm 2005 và 2007, Darpa, nhóm nghiên cứu trực thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, bảo trợ hai cuộc đua về loại xe tự động lái – một, trên một sa mạc gồ ghề tại tiểu bang Nevada, và một cuộc đua khác, trên một căn cứ không quân bỏ hoang tại tiểu bang California. Đọc thêm

Nay các cuộc thử nghiệm xe tự động lái đang được thực hiện tại nhiều tiểu bang, và Nuro, một công ty mới thành lập tại vùng thung lũng điện tử Silicon Valley, đã được giấy phép của tiểu bang California để đưa vào hoạt động loại xe giao hàng tự động lái và cùng lúc bắt đầu thử nghiệm xe tự động đi giao pizza tại thành phố Houston. Mục tiêu chính của xe tự động lái là để giảm thiểu tai nạn và chính phủ Hoa Kỳ đang soạn thảo kế hoạch trong khuôn khổ liên bang cho loại kỹ thuật mới này để bảo đảm cho sự hoạt động hữu hiệu trong tương lai.

Một thử thách khác cho loại xe tự động lái này là vấn đề tâm lý. Chắc chắn sẽ còn phải mất nhiều năm thử thách nữa trước khi người tiêu thụ có được cảm giác hoàn toàn thoải mái khi bước vào một chiếc xe không có tay lái hay bàn đạp thắng. Người ngồi trên xe phải hoàn toàn tin tưởng vào hệ thống máy vi tính và nhu liệu được cài đặt trong xe có khả năng hoạt động chính xác không một sai sót nào thì tới lúc đó kỹ thuật này mới thật sự thành công.

Thế giới của xe chạy điện và tự động lái đang hình thành, tuy nhiên, tiến trình này có lẽ phải mất một, hai thập niên nữa và một điều rõ ràng là nó sẽ ảnh hưởng sâu đậm tới cuộc sống cá nhân của mỗi chúng ta.

Đối với nhiều người sống ở các khu vực đô thị, chiếc xe trong tương lai sẽ chỉ còn là một thứ tiện nghi để đưa người ta di chuyển từ điểm này tới điểm kia chứ không còn xem như một món hàng trang sức như trước kia hoặc ngay thời hiện tại này nữa. Thời đại của chiếc xe được xem như chiếc thẻ căn cước định danh phận của một cá nhân sẽ từ từ phai mờ dần đi, ngoại trừ chỉ một thiểu số rất nhỏ là còn tỏ ra đam mê xe như một món đồ chơi đắt giá, còn lại phần đông coi xe như một thứ tiện nghi trong cuộc sống, như chiếc máy tivi hay chiếc điện thoại thông minh, không hơn không kém.

Đối với lớp thế hệ trẻ sau này, bằng lái xe là thứ không còn cần thiết vì họ đâu cần phải giữ tay lái để điều khiển chiếc xe nữa. Những người trẻ này có thể thấy công việc ngồi trong một chiếc xe cũng không khác gì ngồi trong văn phòng làm việc hay trong một phòng nghỉ đợi chiếc xe tự động đưa họ tới nơi mà họ cần tới. Kỹ thuật tự động lái sẽ làm công việc hoạch định tuyến đường để đi, lái xe và đậu xe sau khi đã thả chủ nhân của chiếc xe xuống chỗ cần đến.

Và rất có thể trong tương lai, những người trẻ không sở hữu xe mà xe được quản lý và điều hành bởi các công ty. Người ta chỉ cần trả lệ phí mỗi tháng và khi cần thì xe sẽ tự động đưa họ đi. Điều này có nghĩa là xe được sử dụng gần như liên tục và như vậy sẽ có lợi về mặt kinh tế vì được sử dụng tối đa. Hầu hết xe hiện nay chỉ đậu một chỗ hết 90% thời gian hoặc hơn.

Hoặc có lẽ thị trường xe trong tương lai sẽ chia thành hai phần, với một thị trường xe tư nhân nhỏ hơn dành cho những người cần hoặc muốn được lái xe hay những người sống ở vùng nông thôn, và một thị trường thương mại hoá lớn hơn dành cho các phương tiện cung cấp dịch vụ di chuyển, đưa người ta tới bất cứ nơi đâu họ muốn tới.

Thế giới của xe tương lai mới chỉ bắt đầu lấp ló và cho tới nay vẫn còn khá nhiều câu hỏi về mặt kỹ thuật và kinh tế vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng. Nhưng một khi tất cả các mảnh nhỏ nói trên được ráp lại thành một bức tranh hoàn chỉnh thì ảnh hưởng của nó rất sâu rộng – không thua gì ảnh hưởng của cuộc cách mạng xe hơi hơn một thế kỷ trước.

Khi chiếc xe hơi đầu tiên của công ty GM hiệu Chevrolet Classic 6 bắt đầu xuất hiện trên đường phố Detroit vào năm 1912, nó chạy bằng xăng. Hơn một thế kỷ sau, năm 2034, chiếc xe cuối cùng chạy bằng xăng của GM được dự kiến sẽ được đẩy ra khỏi hệ thống lắp ráp dây chuyền của công ty. Bắt đầu từ năm 2035, GM sẽ chỉ sản xuất xe chạy điện, và những công ty sản xuất xe lớn khác, từ Ford và Toyota đến Volkswagen và Volvo, cũng đang đi về cùng hướng đó. Nếu tất cả mọi dự kiến trên đều đúng, thời đại của xe chạy xăng kéo dài đúng 122 năm thì chấm dứt để nhường chỗ cho thời đại của xe chạy điện.

Huy Lâm

Related posts