Thanh Hải
Cổ phiếu của các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục Trung Quốc đã lao dốc sau khi Bắc Kinh tuyên bố rằng các trường tư thục phải tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng theo luật mới. Các chuyên gia cho rằng chế độ này có kế hoạch làm xói mòn thêm tính độc lập trong hoạt động của hệ thống giáo dục, theo Epoch Times.
Luật Khuyến khích Giáo dục Tư nhân sửa đổi nêu bật vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), yêu cầu các đảng viên tham gia vào quá trình ra quyết định và giám sát, cũng như các hoạt động giáo dục cụ thể tại các trường tư thục.
Quốc vụ viện Trung Quốc trong một thông cáo vào ngày 14/5 cho biết: “Cơ quan giám sát nên bao gồm đại diện của các tổ chức cơ sở của Đảng”.
“[Các trường tư thục nên] tuân theo định hướng của chủ nghĩa xã hội,… để tăng cường giáo dục các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi cho người được giáo dục”. Các quy định mới sẽ có hiệu lực vào ngày 1/9.
Chính sách chỉ ra rằng các tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài hoặc do nước ngoài kiểm soát không được tham gia vào các cơ sở giáo dục do tư nhân điều hành.
Các điều khoản tương tự cũng nhắm vào công nghệ Internet, tài liệu giảng dạy và giáo viên, những người được cho là được “đào tạo chính trị và tư tưởng thích hợp”.
Thông báo này khiến thị trường chứng khoán giáo dục Trung Quốc lao dốc trong ngày.
New Oriental Education & Technology, một nhà cung cấp dịch vụ giáo dục tư nhân hàng đầu ở Trung Quốc, thường được gọi là New Oriental, đã giảm hơn 14%, chạm mức thấp mới kể từ khi niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông. Nền tảng giảng dạy trực tuyến New Oriental Online, đã giảm hơn 4%.
Một công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông là China Chuanglian Education Financial cũng giảm 20%.
Ge Bidong, học giả độc lập và nhà bình luận về Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng sự sụt giảm của cổ phiếu ngành giáo dục là “phản ứng bản năng” của thị trường, phản ánh lịch sử của việc ĐCSTQ cắt giảm các quyền cơ bản đối với tài sản tư nhân và doanh nghiệp.
Ông nói: “Mọi người đã thấy sự trở lại của sự kiểm soát tư tưởng cực đoan của Cách mạng Văn hóa… trong đó ĐCSTQ đã cướp và loại bỏ tư bản tư nhân”.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết các trường tư thục ngày càng phát triển đã chiếm một phần ba số cơ sở giáo dục trong nước, gần một phần năm tổng số học sinh ở Trung Quốc vào năm 2020.
Về điều này học giả Ge cho biết, các cơ sở giáo dục tư nhân phổ biến vì đã giới thiệu các mô hình giáo dục quốc tế tiên tiến, mô hình này có thể đi ngược lại hệ tư tưởng của ĐCSTQ và không sớm thì muộn sẽ bị loại bỏ.
Đại học được đổi tên
Sau thông báo này, Đại học Hupan, một trường kinh doanh ưu tú do Jack Ma, cựu Giám đốc điều hành của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Trung Quốc Alibaba, thành lập, đã được xác nhận đổi tên thành “Trung tâm Nghiên cứu Doanh nhân Chiết Giang Hupan”.
Trường đại học đã trả lời vào ngày 17 tháng 5 rằng việc thay đổi tên là để tránh bị hiểu nhầm là một tổ chức không thể cung cấp chứng chỉ được ủy quyền cho sinh viên tốt nghiệp.
Tạ Điền, một giáo sư tại Đại học Nam Carolina Aiken, nói rằng Bắc Kinh sẽ không buồn vì sự thua lỗ của thị trường chứng khoán, cũng như sự phát triển của ngành giáo dục, mà làm sao để duy trì sự cai trị của họ.
Giáo sư này nói: “Các cơ sở này sẽ dạy gì, dạy loại sách giáo khoa nào, loại giáo viên nào sẽ được thuê, và việc giảng dạy có được chấp thuận và dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ hay không, đó là những vấn đề quan trọng nhất”.
Ông nghi ngờ rằng các trường tư thục độc lập sẽ biến mất ở Trung Quốc.”Về cơ bản, họ đã trở thành trường học do ĐCSTQ điều hành, thậm chí không phải trường học của nhà nước”.