Hình như người Việt mình hầu hết ai cũng có vài kỷ niệm khó quên về ‘ma’. Hồi còn nhỏ, nhất là vào mùa đông giá rét ở một làng miền trung, vào những đêm không trăng không sao, bên ngoài thì gió hú đồi ma, trong mái nhà tranh thì thật lạnh, bên cạnh bóng đèn dầu, nằm đắp mền thật kín cạnh bà nội… rồi mắt lim dim, đầu óc tràn đầy những tưởng tượng… lắng nghe bà kể chuyện ma, vừa sợ, vừa thích thú, rồi thiếp đi lúc nào không biết.
Bây giờ ‘già’ rồi, cái ngày mình ‘núp sau nải chuối ngắm gà khỏa thân’ trên bàn thờ cũng không còn quá xa, nên chuyện sợ ma chẳng còn xa xôi nữa, cũng giống như Nguyên Sa tưởng tượng về thế giới huyền bí này:
Ở trên ấy mây mùa thu có lạnh
Anh nhìn lên mái cỏ kín chân trời
Em có ngồi mà nghe gió thu phai
Và em có thắp hương bằng mắt sáng?
Từ hồi nhỏ, một điều mà tôi thắc mắc là mình hay gọi ‘con ma’ thay vì ‘thằng ma’. Chả lẽ chỉ có ‘ma đàn bà’ thôi sao? Những chuyện ma mà bà nội kể cho tôi nghe thường là hình ảnh người đàn bà, vú dài, tóc xỏa như liễu rũ, mắt sâu, aó trắng dài, ngồi ru con trên ngọn cây cao, thỉnh thoảng hú lên hay cười the thé trách móc oán đời. Hình ảnh mấy ‘bà ma’ thì lưỡi dài, tay nhọn, với tiếng hát chắt chiu, chỉ liếm mặt hay vuốt mình một cái thì chao ơi, thân thể người gặp ma ‘run cầm cập’ và biến thành cọng bún trắng hãi hùng…
Thú thật, dù rất sợ ma, nhưng khi trong gia đình có người thân của tôi mất, tôi lại muốn lặng đứng bên ‘người’ đang êm ái nằm trong chiếc hòm, với một cảm giác thương nhớ vô bờ, không đến nỗi phải chịu cảnh “đột nhiên buồn chạy đến đứng trên mi” như Nguyên Sa diễn tả:
Ðôi mắt ấy đột nhiên buồn không nói
Ðột nhiên buồn chạy đến đứng trên mi
Anh chợt nghe mưa gió ở trên kia
Thân thể lạnh thu mình trong gỗ mục.
Hôm qua, lúc ngồi uống café với một anh bạn bên dòng sông Maribyrnong gần nhà, tôi có thú nhận là khi nhìn dòng sông tôi rất sợ ma. Bạn tôi mỉm cười: “Tôi thì sợ ma sống hơn là linh hồn người đã ra đi.”
Tôi nhíu mày không hiểu, nhưng hình như khi mình nói đến ‘ma’, thì chuyện đời trong thế giới hiện tại hay sau này đều chập chờn mơ hồ… như nhau.