Thanh Hải
Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh tại Toà Bạch Ốc vào thứ Sáu (21/5) để tiến hành các cuộc đàm phán song phương về các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.
Các chuyên gia Mỹ về các vấn đề Đông Á cho rằng, mục đích của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn là tái khẳng định mối quan hệ đồng minh giữa Washington và Seoul, và Seoul sẽ không vội cam kết tham gia vào hệ thống “đối thoại an ninh 4 bên” để đối đầu với Bắc Kinh, trang VOA cho hay.
Tổng thống Mỹ Biden nói với các phóng viên sau cuộc gặp với ông Moon Jae-in rằng hai nước sẽ nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan đến ổn định khu vực, chẳng hạn như duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông và duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
Trong khi đó, ông Moon Jae-in cho biết Hàn Quốc và Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ hơn để duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan. Ông cũng chỉ ra rằng lãnh đạo hai nước hứa sẽ hợp tác chặt chẽ để hiện thực hóa việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Vào tối 21/5, Toà Bạch Ốc đã ra một tuyên bố chung giữa hai nước, nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ và Hàn Quốc phản đối mọi hoạt động đe dọa hoặc phá vỡ trật tự quốc tế, và sẽ hợp tác để duy trì một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Seoul có thể không gia nhập “Bộ tứ” để chống lại Bắc Kinh
Tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Mỹ Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh, trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà ông Biden tiếp đón tại Toà Bạch Ốc. Sau khi ông Biden và ông Suga tổ chức hội nghị thượng đỉnh, Mỹ và Nhật Bản đã ra tuyên bố chung phản đối những đề xuất và hành động gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
Một thời gian sau đó, một số phân tích và bình luận cho rằng Washington đang cố gắng thúc đẩy Seoul tham gia hệ thống “Đối thoại An ninh Bộ tứ” (QUAD) do Mỹ đứng đầu, hoặc hợp tác với 4 nước trong hệ thống để chống lại Bắc Kinh.
Tiến sĩ Richard Weitz, giám đốc Trung tâm Phân tích Chính trị và Quân sự tại Viện Hudson, một tổ chức tư vấn ở Washington, nói với VOA rằng ông không tin rằng Hàn Quốc sẽ tiến tới gia nhập hoặc tăng cường hợp tác với “ Bộ Tứ” theo bất cứ hướng nào.
Ông nói: “Tôi nghĩ trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn là tái khẳng định quan hệ đồng minh truyền thống. Washington hứa sẽ bảo vệ Hàn Quốc mà không yêu cầu Seoul trả thêm tiền; Hàn Quốc hứa đầu tư vào các ngành công nghệ cao của Mỹ”.
Tiến sĩ Weitz cũng tin rằng mặc dù ông Biden và Moon Jae-in có thể thảo luận riêng về các chiến thuật bắt nạt của Trung Quốc trong khu vực, nhưng ông Moon “tránh các tuyên bố công khai và thực hiện bất kỳ hành động nào”.
Scott Harold, nhà nghiên cứu cấp cao tại RAND, một trung tâm nghiên cứu của Mỹ, cũng tin rằng Hàn Quốc khó có thể tham gia vào “Bộ Tứ” nhưng sẽ tham gia hợp tác trong các vấn đề cụ thể.
Ma Zhao, giáo sư Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Washington ở St. Louis, tin rằng khi cạnh tranh Mỹ-Trung bộc lộ, các đối tác của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể áp dụng thái độ trì hoãn, chờ đợi. Giáo sư Zhao nói: “Họ sẽ không phản ứng tích cực và tự đưa mình vào vòng xoáy của sự cạnh tranh quyền lực lớn.”
Vị giáo sư này cũng cho biết ông không mong đợi bất kỳ bước đột phá nào trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa ông Biden và Moon Jae-in; lý do là ông Moon hiện đã bước vào thời kỳ khó khăn của nhiệm kỳ tổng thống và ông ấy đang phải đối mặt với chiến dịch tái tranh cử vào năm 2022. Cách đây vài tháng, đảng của ông Moon đã thua trong một cuộc bầu cử quan trọng ở Seoul và Busan, hai thành phố lớn nhất Hàn Quốc.
Giáo sư Zhao tin rằng có thể hiểu được rằng khi ông Biden và Moon Jae-in gặp nhau, họ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề như thương mại Mỹ-Hàn, chia sẻ chi phí quốc phòng hay điều chỉnh khuôn khổ an ninh khu vực do Mỹ dẫn đầu.
Ông nói: “Trong thời chính quyền của Trump, tất cả những lĩnh vực này đã thay đổi.”
Bruce Klingner, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Di sản, một tổ chức tư vấn của Washington, từng là chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Ông Klinger nói với VOA rằng trước khi ông Moon Jae-in lên nắm quyền, Washington đã cố gắng thuyết phục Hàn Quốc chỉ trích Bắc Kinh một cách công khai hơn, nhưng vô ích bởi vì Seoul lo lắng về việc xúc phạm đối tác thương mại lớn nhất của mình.