Bắc Kinh có thể đã nhận được những thông điệp pha trộn trong tuần này về việc quan hệ Đức – Trung Quốc sẽ phát triển ra sao sau cuộc bầu cử vào tháng 9 tới đây, khi đồng hồ đang điểm thời gian tại vị của bà Angela Merkel sắp kết thúc, theo trang SCMP.
Vào thứ Tư, ứng cử viên của đảng Liên minh xã hội Cơ đốc giáo (CDU) cho chức thủ tướng, ông Armin Laschet, đã có bài phát biểu về chính sách đối ngoại lớn đầu tiên trong chiến dịch tranh cử của mình. Ông hứa sẽ duy trì quan hệ thương mại bền chặt vốn đã chứng kiến Đức chiếm một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Liên minh châu Âu sang Trung Quốc.
Ông nói với một tổ chức tư vấn liên kết với CDU rằng, ông sẽ bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Đầu tư Toàn diện (CAI), một thỏa thuận giữa EU và Trung Quốc do bà Merkel bảo trợ, nhằm thu hút sự chú ý đến “các quan hệ kinh tế có liên quan nhiều đến chúng ta”.
Tuy nhiên, một ngày sau, trong cuộc bỏ phiếu của Nghị viện Châu Âu, thỏa thuận đã chìm nghỉm, bởi không có một thành viên Nghị viện nào từ đảng của bà Merkel hay ông Laschet bỏ phiếu để cứu thỏa thuận.
Các nhà phân tích chỉ ra một tình hình đang phát triển ở Đức, nơi quan hệ thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc trong nhiều năm được chấp thuận như lẽ thường tình trong các cuộc tranh luận chính trị chính thống, nhưng nó hiện đang được đánh giá chặt chẽ hơn.
Dưới áp lực của giới kinh doanh, các nhóm nhân quyền, cử tri và hiện tại là chính quyền Washington, các nhà lãnh đạo chính trị đang phải soạn thảo chính sách mới về vấn đề Trung Quốc. Một vài người coi lập trường của bà Merkel nay đã lạc lõng với xã hội Đức, khi mà ở Đức nhiều người thêm phần lo ngại về một Trung Quốc ngày càng cứng rắn.