Bùi Thư (BBC)
Doanh nhân Nguyễn Phương Hằng trở thành tâm điểm trên mạng xã hội khi livestream của bà thu hút gần nửa triệu người xem trực tiếp đồng thời trên các nền tảng YouTube và Facebook.
“Hôm nay chị Hằng sẽ tiết lộ điều gì?”
“Một mình chị Hằng cân hết cả làng báo Việt Nam!”
“Không thể tin được! Hàng triệu người xúm xít xem một bà giàu có chửi. Thật ngán với dân trí Việt Nam!”
Những ngày này, lưới qua các mạng xã hội, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp những bài bình luận, câu cảm thán, hình ảnh gây cười liên quan tới những buổi livestream (phát hình trực tiếp trên mạng) của một người phụ nữ giàu có.
Người thì thích, người thì chỉ trích, nhưng tựu trung, tất cả đều quan tâm tới nữ doanh nhân này.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long đánh giá với BBC News Tiếng Việt ngày 26/5 rằng đây là một buổi livestream “vô tiền khoảng hậu, xô đổ mọi kỷ lục” và dưới con mắt của ông, những bước bà Hằng làm là “bậc thầy cao thủ về truyền thông”.
Bà Nguyễn Phương Hằng là Tổng Giám đốc và Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đại Nam và là vợ của ông Huỳnh Uy Dũng, hay còn gọi là Dũng “lò vôi”, một doanh nhân giàu có nổi tiếng tại Việt Nam.
Nữ đại gia này thời gian gần đây đã gây xôn dao dư luận khi thực hiện hàng loạt buổi livestream “bóc phốt” ông Võ Hoàng Yên cùng nhiều nghệ sĩ trong showbiz Việt.
Đỉnh điểm là tối 25/5, livestream của bà Hằng được chia sẻ trên các kênh: Facebook CEO Nguyễn Phương Hằng, Nguyễn Phương Hằng Official, tài khoản Facebook của Trường Đua Đại Nam và kênh YouTube Trường Đua Đại Nam. Tổng số người xem trực tiếp đồng thời trên các kênh này đạt gần nửa triệu. Riêng trang fanpage CEO Nguyễn Phương Hằng đã đạt số người xem kỷ lục hơn 230.000 người xem trực tiếp.
Hiện video livestream trên trang fanpage của bà Hằng đã đạt hơn 4,6 triệu lượt xem, 265 ngàn lượt thích, hơn 450 ngàn lượt bình luận và hơn 55 ngàn lượt chia sẻ.
Giải mã hiện tượng ‘Nguyễn Phương Hằng’
Nói về nữ đại gia trên, phải quay lại thời điểm bà tố cáo ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh lừa đảo. Theo ông Nguyễn Ngọc Long, nhà sáng lập Truyền thông Trăng Đen, bà Hằng hiểu rõ cuộc chiến này không chỉ ở mặt pháp lý mà còn ở truyền thông nên đã chuẩn bị đầy đủ:
“Trong truyền thông, vũ khí tối thượng là bạn phải có kênh riêng. Khi bắt đầu, bà Hằng không có kênh trong tay nên nếu xác định đây là cuộc chiến lâu dài thì bà phải xây dựng kênh, chứ không chỉ có tiền là được. Để làm được điều này, phát súng đầu tiên là bà Hằng mở họp báo kiện ông Võ Hoàng Yên lừa 200 tỷ đồng. Đây là sự kiện đầu tiên và duy nhất bà dùng báo chí. Vì khi bạn khởi phát chiến dịch truyền thông thì phải có được ấn tượng đầu tiên, thu hút sự chú ý của mọi người. Sau đó, bà bắt đầu nói về những vấn đề vốn không dễ dàng đưa trên báo chí như khoe tài sản, bóc phốt, kể chuyện bí mật…”
Ông Long phân tích thêm để một kênh truyền thông lớn mạnh cần hội đủ ba yếu tố: độ phủ sóng, độ tin cậy và biến mình thành nguồn tin.
Theo đó, bà Hằng tăng độ phủ sóng của mình bằng cách mời nhiều YouTuber đến để livestream các cuộc nói chuyện của bà.
“Việc khoe sổ đỏ, hột xoàn cân thành ký đều tràn ngập trên các kênh YouTube mà bà mời đến. Đây là bước bà thu hút người xem về kênh của riêng bà, gia tăng độ phủ của bà. Đồng thời, bà gia tăng uy tín bằng cách cho thấy những gì bà nói là đáng tin, như việc làm từ thiện hiến đất trị giá 1.000 tỷ đồng để tỉnh Bình Dương bán đấu giá lấy kinh phí chống dịch… Dần dà, mọi người thấy bà Hằng nói được làm được và giúp gia tăng độ tin cậy.”
“Tiếp theo là bà Hằng bóc phốt nghệ sĩ, đây là cách bà gia tăng không chỉ số lượng người theo dõi mà còn tăng niềm tin. Vì nghệ sĩ bị bà bóc phốt một là sửa bài, hai là xóa bài, ba là im lặng, bốn là phủ nhận. Như vậy dư luận nghĩ bà nói đúng và dành niềm tin cho kênh của bà”.
“Cấp độ cao nhất của truyền thông là biến mình trở thành nguồn tin, là nơi khởi phát thông tin. Bà Hằng khiến mọi người thấy bà nắm giữ rất nhiều bí mật và dư luận thèm khát tin tức từ bà. Như vậy, chỉ trong vòng vài tuần, bà Hằng đã sở hữu vũ khí tối thượng, thứ tên lửa đạn đạo bậc nhất trên mặt truyền thông hội đủ ba yếu tố kể trên.”
Theo blogger truyền thông xã hội, bên cạnh việc sở hữu kênh truyền thông ‘xịn xò’ thì còn cần có câu chuyện hay.
“Truyền thông Trăng Đen chúng tôi tập hợp trong 5 năm ra được 16 concept truyền thông bất biến. Bà Hằng sở hữu tới 4 ý tưởng: một là tài sản khủng; hai là người nổi tiếng; ba là kiện cáo – với việc bà Hằng kiện ông Yên và đe kiện nghệ sĩ, khán giả; thứ tư là ‘bóc phốt’. Trước đây có Thánh cô cô bóc cực kỳ nổi tiếng vì bóc phốt showbiz Việt thì giờ có ‘thánh cô cô’ Hằng khuấy đảo khi bà có nhiều bí mật và quan trọng là những gì bà nói làm cho người ta cảm giác đúng”.
“Như vậy, bà Hằng có đủ 4 concept cộng vào, thêm nữa là bà livestream rất định kỳ, cộng thêm chất lượng nội dung khiến cho livestream của bà bùng nổ,” ông Long phân tích.
Về việc đạt được lượt xem livestream kỷ lục, ông Long tin rằng sau bà Hằng là cả đội ngũ hùng hậu vì bà không livestream khơi khơi mà cầm hàng xấp tài liệu: “Đó là chất liệu ngoài đời, trên mạng, mọi nơi mà người ta bàn tán. Tôi cảm giác bà Hằng có dùng công cụ social listening, theo dõi, thu thập và chắt lọc thông tin và có cả hack tài khoản. Đấy là chất liệu cực khủng và người chế biến nó chính là bà Hằng và tôi phải dùng từ siêu ngưỡng mộ vì bà có trí thông minh ngôn ngữ tuyệt vời”.
Theo ông Long, những cái trend (xu hướng), câu nói, meme (biểu tượng hài hước) trên mạng thường đi ra từ bộ phim, âm nhạc và đó là sản phẩm của một đội ngũ gồm copywriter (người viết nội dung quảng cáo), đội truyền thông bơm lên và điều này không dễ. “Những một cuộc livestream của bà Hằng có tới gần 20 câu trend, lại hoàn toàn bộc phát nên có thể thấy sự lợi khẩu của bà là tuyệt vời. Từng ấy yếu tố cộng lại đã làm nổ mạng, lập kỷ lục”.
Bà Hằng còn dùng chiêu trò gì?
Theo phân tích của chuyên gia, bên cạnh các thủ thuật về mặt truyền thông nói trên, một điểm khiến nữ đại gia Nguyễn Phương Hằng hút được khán giả là bà đứng ở thế yếu và bà không dùng tiền để chạy quảng cáo dù bà rất giàu.
“Người yếu thế ở đây là người nghèo, không có tiếng nói, người bị lừa gạt… Một chi tiết cực kỳ đắt giá là bà Hằng dùng tiền để xây kênh chứ bà không chạy quảng cáo. Nếu chạy quảng cáo thì người ta sẽ thấy đây là cuộc chiến của người giàu dùng tiền để chiến đấu, bịt miệng người khác. Bà có thể dùng tiền để làm từ thiện, cho tiền những người vạch mặt kẻ xấu nhưng không dùng tiền chạy câu chuyện của mình.”
“Tôi không biết vô tình hay cố ý nhưng tất cả livestream của bà Hằng đều có câu: Q uý dzị ơi, quý dzị có thương em hông, chúng nó ùa vào ăn hiếp em kìa…Và người ta đồng cảm điều đó. Tài ở chỗ, một người giàu như bà Hằng mà làm cho mọi người tin là bà đang bị ăn hiếp. Và đúng như thế thật vì bà đâu dùng tiền để bịt miệng người khác trong cuộc cãi vã mà bà dùng tiền để làm từ thiện nên truyền đi được thông điệp là bà đang ở phía người yếu thế.”
“Xưa nay, dư luận luôn đứng về người yếu thế, bà Hằng đứng về phía người yếu thế và làm cho người khác tin mình là người yếu thế. Yếu thế ở đây có cả người giàu mà không có quyền như ngôi sao showbiz đang giương oai kia, là người không có tiền, người không có tiếng nói và người bị lừa gạt… Như vậy, ai bênh người người yếu thế là có thể về với bà Hằng.”
“Concept tài sản khủng có thể sử dụng vì bà có thể tiếp tục treo thưởng như việc thưởng 1 tỷ đồng cho ai tìm được người đứng sau tài khoản Vo Thuong nói xấu bà. Còn concept người nổi tiếng sẽ khó sử dụng vì những nhân vật bà Hằng đã đụng vào quá nổi tiếng khó ai qua được. Concept kiện cáo sẽ dùng được trong thời gian tới nếu có những phiên tòa thực sự diễn ra. Cuối cùng là bật mí bí mật, theo lời bà Hằng, bà sẽ tiếp tục hầu chuyện mọi người và tôi nghĩ những gì bà dùng chiến thuật chương hồi, tức từ từ chứ không phải một phát hết. Thực chất mỗi cuộc livestream của bà 2-3 tiếng nhưng nội dung đinh rất ít,” ông Long lý giải.
Chính vì thế, kênh của bà được đánh giá sẽ vẫn tiếp tục ‘làm mưa làm gió’ trong thời gian tới.
Dư luận nói gì?
Facebook tên Nguyen Son (Na Sơn) với hơn 125.000 người theo dõi chia sẻ ảnh ghép bà Hằng livestream với đông đảo khán giả ngồi xem với bình luận: “Sự thất bại của một nền dân trí”. Theo đó, ông cho rằng chuyện thiên hạ mất thời gian vào việc “bà Hằng luyên thuyên này” quá nhiều.
Ông Phạm Trung Tuyến với hơn 21.000 người theo dõi trên trang Facebook chia sẻ quan điểm: “Chị Hằng hút vì content của chị chất! Chị nói về con người, về lẽ sống, về những điều mà nhiều người đang quan tâm khi chứng minh được mình không bị sức ép gì. Chị nói về những điều mà bản thân chị tin, và hiểu, và không vụ lợi. Đó là điều khác biệt hoàn toàn với hắc bạch truyền thông hiện nay.”
“Nội dung chị Hằng nói, có thể đúng, có thể sai, nhưng quan trọng là người nghe có lý do để tin chị nói thật điều mà chị nghĩ. Vì thế sẽ không phải nghe một cô ăn theo nói leo, không phải thấy nâng bi, không vòng vèo PR, quảng cáo… Đó thực sự là thứ mà hắc bạch truyền thông bây giờ không làm được. Chị Hằng thổi khúc Tiếu ngạo giang hồ thế làm gì chẳng hấp dẫn. Chị vả vào mặt cả làng truyền thông mà không ai đỡ nổi.”
Còn bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bình luận với BBC News Tiếng Việt rằng người dân Việt Nam vốn thích cái gì kịch tính, có người chửi thay cho mình thì sướng quá: “Tác hại ở đây là ai cũng có thể trở thành quan tòa hết. Hiệu ứng ở đây là việc bà Hằng tố ông Võ Hoàng Yên là chuyện đúng được lòng công chúng vì đối tượng bà Hằng nhắm đến chính là số đông đã từng lặn lội đi chữa bệnh. Chuyện Hoài Linh cũng vậy, việc giữ tiền từ thiện không minh bạch về lý chưa chắc bị pháp luật đụng tới nhưng về tình chắc chắn là sụp đổ hình tượng.”
“Dân mình thì giờ quay cuồng với dịch. Hỏi chính phủ tiền hỗ trợ gói 62.000 tỷ ở đâu mà chưa giải ngân tới tay dân thì chắc là không có kết quả, chửi chính phủ thì không dám nên có bà Hằng chửi Hoài Linh là đúng tâm lý đám đông, họ được giải tỏa ẩn ức. Nhà nước cũng coi đây là cơ hội để dân xả stress. Nó vô hại, chính phủ an tâm vì bà Hằng cũng kiêm luôn nhiệm vụ chống phản động,” bà Quỳnh nhận xét.