Bùi Kiều Trang
Thời phong kiến có Mã Giám Sinh khi ngã giá mua Kiều được đại thi hào Nguyễn Du miêu tả “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng/ Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”… Nhưng như chúng ta biết đấy, chỗ thích hợp cho kẻ “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” ấy là Lầu Ngưng Bích chứ không phải trên sóng truyền hình quốc gia.
Shark Phú gây tranh cãi với màn “xuống tiền” trên sóng truyền hình. Ảnh BTC. |
“Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ” là một chương trình truyền cảm hứng cho các người chơi là doanh nhân khởi nghiệp thực hiện các bài thuyết trình về những sản phẩm độc đáo của họ trước một hội đồng các nhà đầu tư, tường thuật lại quá trình thương thuyết để thuyết phục các nhà đầu tư quyết định đầu tư vào dự án kinh doanh của mình. Thế nhưng mới đây, thương vụ trình bày ý tưởng kêu gọi đầu tư đã trở thành một thương vụ “xuống tiền” vì nhan sắc phụ nữ vô cùng phản cảm, dư luận bức xúc.
Cụ thể, trong tập 2, phát sóng tối 9-5 trên VTV3, ông Nguyễn Xuân Phú (Shark Phú), Chủ tịch HĐQT tập đoàn SUNHOUSE, chấp nhận đầu tư vì nữ CEO xinh đẹp, ông nói: “Anh chỉ mãi nhìn em nên chẳng thấy gì đặc biệt ở chiếc xe cả”; “Anh đã nói ngay từ đầu, anh không quan tâm đến business, không quan tâm đến sản phẩm, mà đang quan tâm đến mỗi em thôi”…
Tôi đọc Hồ Biểu Chánh, Ngô Tất Tố vẫn hay thấy hình ảnh bọn địa chủ, cường hào, lý trưởng thời trước vẫn cậy mình có chút tiền, có chút quyền thì không xem ai ra gì, ra đường thì ngang nhiên trêu chọc vợ của tá điền ở khắp mọi nơi. Hình ảnh ít nhiều trong ấy vẫn thấy được sự phản kháng dẫu yếu ớt, để giữ gìn nhân phẩm của những người yếu thế.
Vậy mà trong bối cảnh xã hội kêu gọi giữ gìn, phát huy, lan toả các giá trị văn hoá và đạo đức tốt đẹp từ gia đình ra xã hội thì VTV lại phát sóng một chương trình như Shark Tank, qua đó cho khán giả thấy hầu người có tiền thì có thể tuỳ tiện nhận xét, bình phẩm ngoại hình của phụ nữ, có thể cợt nhả đưa ra một quyết định không vì sản phẩm, chỉ vì quan tâm đến nữ nhân vật. Họ ngẫu hứng trêu chọc, họ ra giá công khai, vừa dung tục, vừa phản cảm.
Cá nhân tôi nghĩ, khi chúng ta mặc nhiên xem hoài bão và trí tuệ của một phụ nữ không bằng việc trông thấy người phụ nữ ấy “vừa mắt” của mình, điều ấy cũng đồng nghĩa với văn hoá và đạo đức đang dần dần xuống cấp. Người ta không còn biết đến phép lịch sự tối thiểu ở chốn đông người, người ta không còn biết phép tôn trọng phụ nữ, nhất là khi người phụ nữ ấy đang có chồng.
Rồi chúng ta sẽ dạy những người trẻ tôn trọng phụ nữ như thế nào? Rồi những người đang ấp ủ hoài bão startup sẽ rút ra được bài học gì về khát vọng kinh doanh, đầu tư trí tuệ, khi mà họ chốt deal “Xanh, sạch, xinh là xong…”. Và, thương vụ mà Shark Phú vừa dốc tiền xuống mang lại thông điệp gì cho những người đang khởi nghiệp?. Không, không hề có một giá trị hay thông điệp nào ngoài sự sỗ sàng và khiếm nhã.
Thời phong kiến có Mã Giám Sinh khi ngã giá mua Kiều được đại thi hào Nguyễn Du miêu tả “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng/ Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”. Nhưng như ta biết đấy, chỗ thích hợp cho kẻ “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” ấy là Lầu Ngưng Bích chứ không phải trên sóng truyền hình quốc gia.