Covid-19: Tháp Eiffel chông chênh trên vực thẳm?

Tuấn Thảo

Tháp Eiffel nhìn từ quảng trường Nhân Quyền Trocadero, Paris, Pháp, ngày 19/05/2021. AFP – ANNE-CHRISTINE POUJOULAT

Trong những ngày gần đây, báo chí truyền thông cũng như các mạng xã hội đã nói rất nhiều về bức ảnh chụp khe núi của nghệ sĩ Pháp JR (Jean René). Tác phẩm này được đặt trên quảng trường Trocadéro, nằm đối diện Tháp Eiffel cách nhau khoảng 800 thước. Nhờ vào kỹ thuật phối cảnh, ghép phần dưới là bức nhiếp ảnh khổng lồ với phần trên là ngọn Tháp Eiffel bằng sắt thật, nghệ sĩ JR đã tạo ra một ”ảo ảnh” tuyệt vời trong mắt khách tham quan.

Khi nhìn từ xa, khán giả có cảm tưởng là Tháp Eiffel đang ”xoạc chân” đứng chông chênh trên ‘‘vực sâu”. Tư thế của ngọn tháp nhìn giống như chữ Y đảo ngược, không có chỗ dựa nào khác ngoài việc ”xuống tấn” để giữ thế trụ vững trên khe núi, điều đó gợi lên cái cảm giác bấp bênh nhiều hơn là vững chải. Được trưng bày kể từ ngày 19/05, tác phẩm sắp đặt của nghệ sĩ đường phố JR (chuyên tạo hình ở chốn thành thị) đã tạo cơn sốt trên các mạng Twitter, Facebook và Instagram nhờ vào tính ngoạn mục hùng vĩ.

Ảo ảnh nhờ phối cảnh : Tháp Eiffel bắc ngang vực sâu
Từ đây cho tới ngày 17/06/2021, Quảng trường Trocadéro và Tháp Eiffel trở thành hai tụ điểm thu hút nhiều lượt khách tham quan trong những ngày vừa qua. Đông đảo khách thăm viếng đến đây để thỏa mãn sự tò mò, cho dù họ phải chịu cảnh đứng xếp hàng rồng rắn và đồng thời phải tôn trọng các quy định giãn cách xã hội trong mùa dịch Covid-19. Làm như vậy để hy vọng chờ tới phiên mình thu vào ống kính chụp hình cái cảnh tượng hoành tráng ly kỳ của ngọn Tháp Eiffel bắc chân ngang khe núi.

Tuy nhiên có một điều mà ít ai để ý tới đó là tác phẩm có thể được đọc cả trong nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bức ảnh khổng lồ này chủ yếu được thực hiện theo đơn đặt hàng, để tránh làm mất tính thẩm mỹ trong cảnh quan của Bảo tàng và nhà hát Palais de Chaillot đang ở trong giai đoạn trùng tu đến năm 2022. Nhân dịp này, nghệ sĩ JR đã đưa ra một góc nhìn lạ kỳ gần giống với lối vẽ tranh minh họa trong thế giới khoa học viễn tưởng, nhưng thực trạng tài chính còn mạnh hơn cả vũ trụ hư cấu của nghệ sĩ giàu trí tưởng tượng. Vì có thể nói, chưa bao giờ Tháp Eiffel lại gặp nhiều khó khăn kinh tế đến như thế. Cú sốc kinh tế của dịch Covid-19 mở ra một giai đoạn đầy rủi ro và trái với dự kiến tình trạng bấp bênh này có nguy cơ kéo dài thêm vài năm trước khi tìm lại được mức sinh hoạt bình thường.

Kể từ ngày 19/05/2021 vừa qua, hầu hết các viện bảo tàng hay danh lam thắng cảnh của Pháp đều lần lượt mở cửa đón khách trở lại. Nhưng trong trường hợp của Tháp Eiffel, công trình kiến trúc nổi tiếng nhất Paris và cũng là biểu tượng của nước Pháp, thì thắng cảnh này chỉ được mở lại vào giữa tháng 07/2021.

Tháp Eiffel mất 100 triệu euro sau 7 tháng đóng cửa
Bị ngưng hoạt động trong hơn 7 tháng liền, kể từ tháng 10/2020, Tháp Eiffel vẫn còn vươn mình uể oải sau một giấc ngủ thật dài. Công trình kiến trúc này sẽ đón khách từ ngày 16/07/2021. Trên số 350 nhân viên, hơn hai phần ba sẽ làm việc trở lại sau một thời gian bị thất nghiệp bán phần. Nhưng cho dù có lạc quan cách mấy, họ vẫn không thể hy vọng tìm lại được 7 triệu lượt khách tham quan trước khi có dịch Covid-19. Trong nhiều thập niên liền, ban điều hành Tháp Eiffel đã không ngừng tìm cách tiếp đón một cách hiệu quả nhất và xử lý các lượt du khách quá đông đảo, giờ đây ban quản lý rơi vào tình huống ngược lại. Làm thế nào để thay thế nguồn du khách nước ngoài và xa hơn nữa bảo đảm doanh thu thường niên, trong khi nguồn vốn hoạt động đang cạn kiệt, sau khi bị thất thu hơn 100 triệu euro trong năm vừa qua.

Cho dù phong tỏa được dỡ bỏ trên toàn nước Pháp vào ngày 30/06 nhưng nhiều cơ sở văn hóa vẫn còn áp dụng giãn cách xã hội. Vấn đề đối với Tháp Eiffel là khách thường dùng thang máy để lên tham quan các tầng trên. Ban quản lý phải thiết lập một khoảng cách an toàn cho khách trong hai thang máy phục vụ. Điều đó hạn chế ngay tức khắc số khách thăm viếng. Theo ông Jean-François Martins, giám đốc Société d’Exploitation de la Tour Eiffel (Sete), cơ quan khai thác Tháp Eiffel, mỗi thang máy chỉ có thể đón 25 khách mỗi lượt thay vì 50 người như trước đây.

Một vấn đề khác nữa là ít nhất trong thời gian đầu, Tháp Eiffel phải tạo nỗ lực thu hút thêm thành phần khách hàng người Pháp, vì khách du lịch quốc tế vẫn chưa trở lại ồ ạt trong năm nay. Theo ông Jean-François Martins, ban quản lý hy vọng tìm lại mức hoạt động bình thường trước năm 2024, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có vấn đề chính ngừa, tự do lưu thông và giá cả ngành hàng không quốc tế.

Tình hình trước mắt vẫn còn nhiều rủi ro
Theo kịch bản tốt nhất, vào mùa hè này, Tháp Eiffel dự kiến tiếp đón 10.000 khách mỗi ngày, so với 25.000 khách vào năm 2019 (trong đó có 2.500 khách sẽ dùng cầu thang đi bộ, để tránh thang máy bị quá tải). Cả hai nhà hàng ”Jules Vernes” và ”Brasserie 58”, do hai đầu bếp nhiều sao Thierry Marx và Frédéric Anton đảm nhiệm, chỉ mở cửa trở lại vào giữa tháng 8 hay đầu tháng 9, thời gian cần thiết cho việc nâng cấp, thiết kế lại sau khi đổi hợp đồng khai thác.

Dịch Covid-19 làm xáo trộn toàn bộ các hoạt động của Tháp Eiffel, vốn đã gặp một số khó khăn từ trước. Theo cơ quan Sete, trong năm 2020, doanh thu của Tháp Eiffel đã giảm hơn 75% từ gần 110 triệu euro vào năm 2019, xuống còn 25 triệu euro mà thôi. 80% thu nhập của Tháp Eiffel đến từ việc bán vé, cơ quan Sete lệ thuộc rất nhiều vào nguồn khách du lịch, việc đóng cửa biên giới đã khiến cho Tháp Eiffel bị thất thu nghiêm trọng. Tình trạng của năm 2021 chưa chắc gì đã sáng sủa hơn, theo dự phóng khi mở lại vào giữa tháng 7, Tháp Eiffel hy vọng bán vé ở mức 30 triệu euro, nhưng vẫn phải chịu thất thu khoảng 70 triệu euro so với năm 2019.

Tuy cơ quan Sete đã nhận được một khoản vay ưu đãi 25 triệu euro với sự bảo lãnh của chính phủ Pháp, nhưng do mô hình khai thác tư nhân, cơ quan Sete lại không được giúp đỡ nhiều như các cơ quan văn hóa nhà nước trong đó có các bảo tàng quốc gia hay là các lâu đài dinh thự lớn. Trong vòng một năm qua, ban quản lý Tháp Eiffel đã cố gắng giảm các chi phí cố định, nhưng vẫn không đủ vốn để nâng cấp các thang máy và tiếp tục tài trợ các chi phí trùng tu. Kể từ năm 2017, Tháp Eiffel có kế hoạch nâng cấp trong 10 năm, với chi phí tổng cộng lên tới 300 triệu euro. Một số dự án có thể tạm thời được gác lại nhưng việc tân trang bằng cách sơn quét lại (chi phí 50 triệu euro) toàn bộ cơ cấu của ngọn tháp không thể bị trì hoãn thêm, do Tháp Eiffel phải được chuẩn bị xong cho kỳ Thế vận hội mùa hè Paris 2024.

Sau khi tạm ngưng một thời gian, công việc sơn quét Tháp Eiffel sẽ được khởi động lại vào mùa thu. Theo ông Jean-François Martins, cơ quan Sete do bị cạn vốn sẽ phải nhờ đến sự giúp đỡ của Hội đồng Thành phố Paris và Hội đồng cấp vùng Île de France để có thể tiếp tục tài trợ các dự án sửa chữa. Do là biểu tượng của nước Pháp trong mắt khách du lịch trên toàn thế giới, cho nên dù có gặp khó khăn tài chính cách mấy, vẫn sẽ không có chuyện Tháp Eiffel bị bỏ rơi. Bằng cách này hay cách khác, nước Pháp vẫn phải duy trì các hoạt động của công trình lịch sử này. Nhưng do tình trạng vắng khách kéo dài, Tháp Eiffel sẽ trải qua một giai đoạn bấp bênh ít nhất trong ba năm. Vô tình hay cố ý, tác phẩm khổng lồ của nghệ sĩ JR nhắc lại một thực tế phũ phàng : một con virus cực nhỏ lại có đủ quyền năng đẩy một ngọn tháp nặng mười ngàn tấn đến ‘‘bên bờ vực thẳm”.

Related posts