Vũ Dương
Trong một cuộc họp báo mới đây, phía quân đội Mỹ đã gián tiếp thừa nhận rằng họ cố gắng liên lạc với các quan chức cấp cao của quân đội Trung Quốc, nhưng không thành công. Tác giả Chu Hiểu Huy đã có bài phân tích về việc tại sao quân đội Trung Quốc từ chối đối thoại với Mỹ và hướng đi mới của quan hệ đối đầu Mỹ-Trung trong tương lai.
Dưới đây là nội dung bài viết của ông:
Vào ngày 25/5 theo giờ Mỹ, tại một cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ John F. Kirby một lần nữa được hỏi rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin có phải đã nhiều lần cố gắng nói chuyện với người đồng cấp của quân đội Trung Quốc, nhưng bên kia không trả lời cuộc gọi. Ông Kirby không trực tiếp thừa nhận hay phủ nhận điều đó, nhưng ông nói, “Tất nhiên chúng tôi hy vọng sẽ có một cuộc đối thoại với các quan chức đồng cấp ở Bắc Kinh và chúng tôi vẫn đang nỗ lực để xác nhận cuộc đối thoại sẽ diễn ra như thế nào”. Điều này trên thực tế cũng gián tiếp xác nhận rằng quân đội Mỹ đã cố gắng liên lạc với các quan chức cấp cao của quân đội Trung Quốc, nhưng không thành công.
Trước đó, vào ngày 21/5, một bản tin trên tờ Financial Times dẫn lời một số quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Bộ trưởng Austin đã ba lần mời đối thoại với Phó Chủ tịch Quân ủy ĐCSTQ, ủy viên Bộ Chính trị, và sĩ quan quân đội cấp cao nhất của ĐCSTQ Hứa Kỳ Lượng, nhưng đều bị từ chối. Không chỉ vậy. Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, đã không thể có bất kỳ cuộc điện đàm nào với người đồng cấp Trung Quốc kể từ đầu tháng Giêng đến nay.
Khi chính quyền Biden và một vài chính phủ phương Tây ngày càng cứng rắn với Bắc Kinh, tại sao quân đội Mỹ lại muốn liên lạc với quân đội Bắc Kinh? Hơn nữa còn cố gắng đến ba lần?
Theo truyền thông, lý do quân đội Mỹ đề nghị đối thoại là do căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương gần đây không ngừng leo thang, quân đội ĐCSTQ thường xuyên di chuyển đến gần Đài Loan. Đụng độ giữa quân đội Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng, đặc biệt là ở Biển Đông, và thậm chí có thể chạm vào lằn ranh đỏ của Hoa Kỳ, do đó, chính quyền Biden tin rằng cuộc đối thoại giữa quân đội Mỹ-Trung là cần thiết.
Vào tháng 3 năm nay, trang web Nikkei Asian Review đã đăng một bài phân tích của James Stavridis, một đô đốc Mỹ đã nghỉ hưu và từng là chỉ huy cao nhất của Lực lượng Đồng minh NATO, đã làm rõ những hành động nào của ĐCSTQ được coi là vượt quá lằn ranh đỏ và giải thích chiến lược tương lai của quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương để chống lại ĐCSTQ. Đây có thể coi là thái độ của quân đội Mỹ.
Các “lằn ranh đỏ” được liệt kê bao gồm: bất kỳ hành động vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc vũ khí hóa học do ĐCSTQ hoặc Triều Tiên thực hiện nhằm chống lại Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của họ; bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào do ĐCSTQ tiến hành nhằm vào Đài Loan hoặc các đảo ngoài khơi của nó, bao gồm phong tỏa kinh tế hoặc các cuộc tấn công mạng lớn nào nhằm vào cơ sở hạ tầng và cơ sở công cộng của Đài Loan; bất kỳ cuộc tấn công nào của ĐCSTQ nhằm vào quân đội Nhật Bản để bảo vệ chủ quyền của quần đảo Senkaku của Nhật Bản (mà phía TQ gọi là quần đảo Điếu Ngư) và vùng đặc quyền kinh tế xung quanh của nó ở Biển Hoa Đông; bất kỳ hành động thù địch nghiêm trọng nào nhằm chiếm đóng thêm các đảo xung quanh và quân sự hóa các đảo của ĐCSTQ ở Biển Đông, sử dụng vũ lực để răn đe các nước láng giềng khác, hoặc ngăn cản quân đội Hoa Kỳ và các lực lượng đồng minh của họ tự do di chuyển trên biển; và bất kỳ cuộc tấn công nào của ĐCSTQ trên các lãnh thổ có chủ quyền hoặc các cơ sở quân sự của các đồng minh Hoa Kỳ.
Có thể nói, lằn ranh đỏ rõ ràng của Hoa Kỳ là để cảnh cáo Bắc Kinh không được hành động hấp tấp và đừng lấy trứng chọi đá, nếu không sẽ phải trả giá đắt. Các hành động gần đây của ĐCSTQ ở Ấn Độ, Biển Đông và xung quanh Đài Loan có thể đang chạm vào lằn ranh đỏ của Mỹ. Quân đội cấp cao của Mỹ đang cố gắng kêu gọi Bắc Kinh nên tuân theo nhịp điệu “tiên lễ hậu binh”, cũng chính là cảnh báo trước.
Nhịp điệu này cũng đã từng xuất hiện vào năm 1999. Năm đó, Mỹ đã cho nổ đại sứ quán của ĐCSTQ ở Nam Tư, ĐCSTQ công bố có 3 phóng viên đã thiệt mạng, nhưng trên thực tế là hơn 10 chuyên gia quân sự của ĐCSTQ đã bỏ mạng, chính những người này đã giúp Serbia và Montenegro xây dựng hệ thống radar Viba và khiến quân đội Cộng hoà Liên bang Nam Tư đã bắn hạ thành công máy bay chiến đấu tàng hình F-117 tiên tiến nhất của Mỹ vào thời điểm đó, do đó đã khiến Mỹ và NATO tức giận.
Trước khi Hoa Kỳ ra lệnh ném bom, Hoa Kỳ đã nhiều lần yêu cầu ĐCSTQ từ bỏ sự hỗ trợ cho Nam Tư thông qua các kênh ngoại giao và đưa ra cảnh báo sớm “nếu không dừng lại sẽ cho nổ”. Khi đó, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đích thân gọi điện cho Tổng Bí thư ĐCSTQ khi đó là ông Giang Trạch Dân để ra tối hậu thư, nhưng họ Giang đã phớt lờ lời cảnh báo và kiên quyết ủng hộ Cộng hòa Liên bang Nam Tư. Cuối cùng, Hoa Kỳ phẫn nộ đã bắn tên lửa dẫn đường chính xác vào đại sứ quán sau khi một số cảnh báo không có hiệu lực, trực tiếp tận diệt các chuyên gia quân sự Trung Quốc. Bây giờ Hoa Kỳ lại đưa ra cảnh báo, liệu tình huống tương tự có xảy ra hay không?
Ông Hứa Kỳ Lượng và các quan chức quân sự cấp cao khác rất rõ ràng về các hoạt động quân sự của quân đội Trung Quốc ở Ấn Độ, Biển Đông và eo biển Đài Loan. Vậy tại sao họ lại từ chối nói chuyện với Mỹ? Lý do được cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ – Thời báo Hoàn cầu, đưa ra là: “Mỹ đã phá vỡ các nghi thức ngoại giao và đưa ra những yêu cầu quá mức đối với Trung Quốc”, đó là “một hiện thân khác cho thấy Hoa Kỳ muốn thay đổi các quy tắc”.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, chủ thể của cuộc đối thoại của ông Austin phải là Bộ trưởng Quốc phòng ĐCSTQ Ngụy Phụng Hòa, chứ không phải Hứa Kỳ Lượng, nếu không sẽ không cân xứng.
ĐCSTQ đã đưa ra lý do rất miễn cưỡng. Như chúng ta đã biết, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đứng thứ tư trong nội các, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng ĐCSTQ không có nhiều quyền lực trong hệ thống ĐCSTQ, cũng không có tên trong cơ quan quyền lực cao nhất của ĐCSTQ — 25 thành viên của Bộ Chính trị. Đối với Phó Chủ tịch Hứa Kỳ Lượng, người chỉ đứng sau Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình mà nói, vị trí của ông trong hệ thống chính trị và quân sự ĐCSTQ rõ ràng là cao hơn đáng kể so với Bộ trưởng Quốc phòng. ĐCSTQ thực sự cũng biết rõ điều này. Năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng của chính quyền Trump James Mattis, đã có cuộc gặp với ông Hứa Kỳ Lượng trong chuyến thăm Trung Quốc.
Đối với cái gọi là đổ lỗi cho ĐCSTQ và tạo ra “trách nhiệm về căng thẳng quân sự Trung-Mỹ thuộc về Trung Quốc”, ĐCSTQ thậm chí còn hung hăng hơn. Nếu ĐCSTQ không chạm vào lằn ranh đỏ của Hoa Kỳ, thì căng thẳng quân sự giữa Trung-Mỹ sẽ bắt đầu từ đâu?
Lời bào chữa của ĐCSTQ có thể nói còn rất vụng về, lý do thực sự khiến ông Hứa Kỳ Lượng và các nhà lãnh đạo quân sự khác không muốn đối mặt với quân đội Mỹ là điều đáng để suy ngẫm. Phải chăng ĐCSTQ bản thân cảm thấy đuối lý? Hay là không dám chấp nhận cảnh báo hoặc thông điệp từ Hoa Kỳ? Cũng có khả năng là ĐCSTQ mượn dùng điều này để ra oai phủ đầu với Mỹ, tạo thêm cho mình nhiều con bài mặc cả hơn cho các cuộc đàm phán trong tương lai?
Nhưng cho dù ĐCSTQ phản ứng như thế nào, thì việc quân đội Mỹ tiết lộ việc cấp cao của ĐCSTQ từ chối nói chuyện với thế giới bên ngoài đang cho người Mỹ và thế giới rằng Mỹ đã cố gắng hết sức để đưa ra lời cảnh báo sớm, một khi Mỹ thực hiện một số hành động, trách nhiệm thuộc về ĐCSTQ, hơn nữa phía quân đội Hoa Kỳ đã sẵn sàng tấn công ĐCSTQ.
Gần đây, có một tin xấu khác đối với Bắc Kinh: ngân sách quốc phòng mới của Mỹ có kế hoạch tăng chi tiêu răn đe chống lại ĐCSTQ, và cải thiện việc hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của Mỹ và khả năng tác chiến trong tương lai. Liệu Bắc Kinh còn muốn tiếp tục làm theo cách của mình?