PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.
Tôi không có số sống ở nơi sinh quán và gần gia đình. Khi đệ nhị thế chiến chấm dứt, tôi chỉ là một cậu bé năm tuổi. Quê nội tôi bị thiêu hủy. Cha tôi bị bắt giải ra Lái Thiêu. Tôi về sống ở quê ngoại với bà ngoại giữa lúc mẹ tôi trốn tránh ở nơi nào tôi không rõ.
Khi cha tôi được Pháp trả tự do và trở lại cuộc đời công chức trong tỉnh Thủ Dầu Một, tức tỉnh Bình Dương sau nầy. Gia đình tôi được đoàn tụ ở Lái Thiêu. Cái khám mà người Pháp nhốt cha tôi trở thành nhà ở tạm của gia đình tôi ở Lái Thiêu. Tôi là người con sau cùng đến Lái Thiêu đoàn tụ với cha mẹ và các anh tôi. Tôi phải vất vả đi bộ từ Bình Chuẩn ra Thuận Giao để đến Búng. Tại đây tôi đi Lái Thiêu bằng xe ngựa.
Tôi là một đứa trẻ sinh và sống ở thôn quê. Lúc ấy tôi chưa đi học nên tạm xem là một đứa trẻ vừa quê mùa vừa dốt nát. Những ấn dấu ban đầu mà tôi ghi nhận về thành phố là: những đàn chim sẻ, mùi hôi xông lên từ các hệ thống cống rãnh trong thành phố, đèn điện, đèn dầu, đèn Hoa Kỳ, đèn măng-sông (manchon), phông tên (fontaine) nước mặc dù các giếng nước vẫn có đông đảo người đến để gánh nước.
Hai người anh lớn của tôi không có mặt ở Lái Thiêu. Hai người anh lớn khác sớm rời Lái Thiêu theo đuổi việc học hành ở Sài Gòn. Trong nhà chỉ còn cha, mẹ, tôi và một đứa em nhỏ. Không bao lâu tôi phải rời Lái Thiêu xuống Sài Gòn học. Hàng tuần đến chiều thứ bảy tôi đạp xe đạp về thăm gia đình, đồng thời giúp cho cha tôi vài công việc mà tôi có thể làm được.
Tôi không đến nỗi lạc lõng ở Sài Gòn. Tôi quen thuộc với Thủ Dầu Một và Sài Gòn khi đi lên hướng bắc để thu tiền bán thuốc lá của mẹ tôi và đi về hướng nam để đem tiền cho các anh tôi hàng tháng. Lúc bấy giờ việc di chuyển từ vùng nầy đến vùng khác bằng xe đò rất nguy hiểm vì phải đợi các xe thiết giáp mở đường xe mới dám chạy. Dọc đường có thể bị Việt Minh chận bắt nên người lớn hạn chế việc đi lại tối đa để tránh hiểm họa. Vì vậy tôi sớm có vai trò quan trọng trong nhà. Tôi luôn luôn có bạc ngàn trong chiếc nón cối màu trắng mà tôi đội trên đầu.
Ngày mới đến Lái Thiêu, tôi thấy nước uống ở đó không hợp khẩu vị bằng nước mạch quê ngoại Bình Chuẩn hay quê nội ở An Phú. Ngày sống ở Sài Gòn tôi thấy nước uống ở Sài Gòn không bằng nước uống ở Lái Thiêu. Con người như một cây trồng. Trồng ở đâu thì quen đất và quen nước ở đó.
Cha tôi mất sớm vì hoài hương, vì tiêu tan sự nghiệp do chiến tranh và vì sự xâu xé của hai bên lâm chiến. Việt Minh xem cha tôi là người hợp tác với Pháp. Chánh quyền thuộc địa xem cha tôi có liên hệ với Việt Minh! Vài ngày sau khi cha tôi mất, mẹ tôi sanh em gái út của tôi. Căn nhà rộng lớn ở Lái Thiêu bây giờ đặt dưới sự điều khiển của mẹ tôi và hai em còn nhỏ, một đứa sáu tuổi và một đứa vừa mới sanh. Tôi vẫn về Lái Thiêu hàng tuần để an ủi mẹ tôi.
Việc học của tôi không bị gián đoạn sau cái chết của cha tôi. Tôi chân thành biết ơn các anh và các chị dâu của tôi. Tôi sống rất tự do và hay ngao du sơn thủy suốt thời niên thiếu. May mắn là tôi đạt được kết quả tốt trong các kỳ thi Brevet, Bac I và Bac II, được đậu và tốt nghiệp đại học một cách suôn sẻ.
Tôi chọn ngành sư phạm, một ngành mà nhiều người không để ý vì không uy quyền và không tạo nhiều tiền bạc. Tôi xin ghi lại vài ý tưởng xem thường ngành sư phạm qua những câu sau đây:
Dưa leo chấm với cá kèo,
Học trò nghèo đi học “nột-man” (1).
*
Học trò đi mò cá sặc
Thầy giáo ở nhà c… c… nấu canh.
Tôi không để ý đến sự khinh dễ của người đời về ngành học của tôi mà mải mê nghĩ đến tương lai của thế hệ mai hậu, tương lai của một quê hương oằn oại trong sự chậm tiến. Không có một nền giáo dục tốt thì đất nước không có tương lai tốt. Trước mắt tôi suy nghĩ nhiều về em trai của tôi.
Ɖó là một đứa trẻ có gương mặt sáng sủa, trán cao, ngôn ngữ đối đáp rất thông minh và dễ thương. Cha tôi rất thương yêu nó. Khi còn học tiểu học, tôi vẫn thường cõng nó đi vòng quanh xã Tân Thới và Phú Long. Nó có vài đặc điểm kỳ lạ. Mỗi khi có tiếng súng nổ, nó la thét lên vì bị bắt chun dưới bộ ván gỗ. Mỗi lần chị Hai giúp việc ẵm nó đi dưới sào phơi quần áo thì nó bị bịnh ngay. Có lần nó bắt chước thằng Hùng, con anh Henri, cạo đầu để tiết kiệm tiền hớt tóc thì nó bị bịnh vùi cả tháng. Khi tóc mọc lại, nó khỏe mạnh bình thường! Qua kinh nghiệm nầy tôi thấy chuyện Samson không đến nỗi là chuyện vô lý.
Tôi đau lòng khi thấy em tôi học sa sút ở trường Trịnh Hoài Ɖức. Tôi bàn với anh cả tôi để đem đứa em mới sáu tuổi đã sớm mồ côi cha về học ở Sài Gòn. Tôi bàn với anh Hưng xin cho em chuyển trường từ Trịnh Hoài Ɖức xuống bất cứ trường trung học nào trong vùng Gia Ɖịnh-Sài Gòn. Trường Võ Trường Toản nhận em tôi một cách miễn cưỡng vì thành tích học hành nghèo nàn của em. Mùa hè năm 1961 tôi bắt đầu thi thố khả năng sư phạm của tôi khi dạy em tôi trước khi nhập học trường mới. Năm học đệ lục trường Võ Trường Toản em tôi đứng đầu lớp. Một vài bạn học hỏi em tôi: “Mầy học dở ở trường Trịnh Hoài Ɖức. Xuống đây mầy dẫn đầu lớp. Vậy mấy thằng học giỏi ở trường Trịnh Hoài Ɖức ghê gớm lắm sao?” Từ đó về sau em tôi đạt nhiều thành tích vẻ vang trong các kỳ thi Trung Học Ɖệ Nhất Cấp, Tú Tài I, Tú Tài II, Cử Nhân Luật, Cao Học Hành Chánh (thủ khoa).
Tôi là thầy giáo khi chiến tranh Việt Nam II bắt đầu. Tôi không bị kỳ thị nhưng tôi sống trong biển kỳ thị địa phương, tôn giáo và sự nghi ngờ lẫn nhau. Tôi sống trong một xã hội ồn ào và phức tạp dựa trên những nhận xét chánh trị căn bản như: người đen đúa, ốm gầy là Cộng Sản; người có đạo mới chống Cộng; kẻ đi lang thang là điệp viên, tình báo; người nói ngoại ngữ là tay sai của ngoại bang v.v. Tôi không hình dung vóc dáng của tôi như thế nào mà thời Quốc Gia thì có người nói tôi giống ông Hồ Chí Minh. Thời miền Trung biến động có người nói tôi giống ông Thích Trí Quang. Ɖến thời Cộng Sản thì có người nói tôi giống ông Nguyễn Văn Thiệu. Làm sao tôi có chỗ sống yên ổn với những sự ví von kỳ lạ nầy? Nhưng tôi giữ im lặng và cầu xin những “ ác ý” trên lắng dịu và chìm trong quên lãng. Thâm tâm tôi muốn xa lánh và đứng ngoài các vấn đề tôn giáo, chánh trị và địa phương, ý thức rằng đó là những mầm mống chia rẽ giữa người đồng chủng và đồng văn, tai hại cho tương lai tươi sáng và sự phát triển của đất nước cho dù phe nào thắng thế trong cuộc nội chiến.
Tôi đã thành nhân và có gia đình. Tôi trở về Lái Thiêu và hàng ngày vẫn đi dạy hoặc ở Hóc Môn, Gia Ɖịnh, hoặc ở các tư thục ở Sài Gòn và Bình Dương. Khi có con, tôi bắt đầu nghĩ đến việc về sống ở Sài Gòn. Tôi đã thực hiện điều nầy với sự khuyến khích của anh Hưng, người anh kế tôi có nhiều liên hệ mật thiết với tôi.
Một hôm anh Henri từ Phú Giáo về thăm tôi và đề nghị cho tôi một miếng đất trên Quốc Lộ 13 Lái Thiêu để cất nhà. Tôi không nhận lời đề nghị ngay mà nói là sẽ trả lời với anh sau vì tôi đã đặt tiền cọc để mua một căn nhà ở Gò Vấp. Khi đến trả nốt số tiền còn lại để nhận nhà thì người chủ nhà xin lỗi tôi bằng cách trả lại tiền đặt cọc. Thế là tôi và em tôi lên Phú Giáo để trả lời với anh Henri về miếng đất của anh trên Quốc Lộ 13 Lái Thiêu. Tôi lại trở về Lái Thiêu, nơi tôi sống gần 40 năm kể từ khi cuộc chiến tranh Ɖông Dương bùng nổ. Anh Hưng cũng như anh Henri đều muốn tôi sống gần hai anh vì cả hai đều muốn trò chuyện với tôi mỗi khi có chuyện vui buồn hay khó khăn cần sự góp ý của tôi. Anh Hưng muốn tôi ở Sài Gòn. Anh Henri muốn tôi trở về Lái Thiêu.
***
Gần Tết năm 1975, trên đường đến trường Bồ Ɖề Bình Dương tôi nói với em tôi rằng tôi sẽ gặp mười năm gần như đói kém. Em tôi có vẻ không để ý đến lời nói kỳ lạ của tôi mặc dù biết rõ tôi không cường điệu bất cứ chuyện gì, tốt cũng như xấu.
Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc ngày 30-04-1975, đúng 35 năm sau ngày Berlin thất thủ. Chuyện mười năm đói kém của tôi bắt đầu được kiểm chứng. Tôi được tân chế độ cám ơn và là đối tượng bị Công An Bảo Vệ Chánh Trị điều tra theo dõi. Tôi nhận sự kỳ thị từ bên thắng cuộc với tư cách là phần tử của phe chiến bại. Gia đình tôi, con cái tôi đều bị phân biệt đối xử.
Tôi đau lòng nhìn đại gia đình sụp đổ. Tôi thất nghiệp và bị theo dõi điều tra. Anh tôi bị cải tạo ở miền Bắc. Em tôi bị tố giác là “đại tá” Cảnh Sát và bị bắt giam trước khi đưa lên trại học tập cải tạo Nhà Ɖỏ gần Phú Giáo. Sau khi tốt nghiệp Cao Học Hành Chánh, em tôi làm việc cho Bộ Tài Chánh và có dạy vài giờ ở Học Viện Cảnh Sát, hai trường tư thục ở Gò Vấp và Bình Dương do chính tôi giới thiệu.
Tôi chua xót nhìn vợ con ăn uống thiếu thốn và bị liệt vào công dân thứ 13 trong tân chế độ. Các con tôi không có quyền học đại học hay chọn ngành nghề mà mình ưa thích, cũng không xin được bất cứ công việc làm nào trong xã hội vừa đổi mới. Con gái út của tôi luôn luôn than phiền với mẹ về cách sắp hạng của cô giáo. Cháu đưa cho mẹ xem cháu luôn luôn được 10/10 cho tất cả các môn học. Nhưng lúc nào cháu cũng được xếp hạng 20 trở xuống! Thấy con đau khổ vì sự bất công trong học đường, tôi đành phải viết thơ nêu thắc mắc: Một học sinh được 10/10 cho tất cả các môn học và được xếp từ hạng 20 trở xuống. Vậy người học sinh đứng nhất lớp được bao nhiêu điểm? Tôi không nhận được sự hồi âm nhưng sau đó thấy con tôi được xếp hạng ba, hạng tư. Như vậy phải hiểu rằng có kỳ thị trong việc sắp hạng trong lớp. Con cái gia đình hạng 13 trong thang xã hội Cộng Sản không thể được xem là người giỏi được.
Tính theo cách tính tuổi của người Mỹ thì trưởng nam của tôi tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông năm 16 tuổi. Ɖường học vấn của cháu đến đó bị tắc nghẽn. Cháu học Kế Toán nhưng không nơi nào nhận cháu làm việc cả.
Trong hoàn cảnh đen tối và tuyệt vọng vì không thấy ánh sáng tương lai, tôi vẫn cương quyết không bán một vật gì trong nhà. Thực tế vợ tôi âm thầm bán sạch vàng vòng sắm được khi tôi còn dạy học ở các trường công và tư. Ɖó là cách tôi dùng chút của cải vật chất để nuôi dưỡng niềm tin vào cuộc sống đầy cam go thử thách. Tôi cho các con tôi học đàn để tạo chút âm thanh dễ nghe thay cho những lời mắng nhiếc, nguyền rủa và ngạo nghễ của người ở thế thượng phong. Tôi dạy sinh ngữ để tạo nguồn sống và châm cứu miễn phí để giúp cho những người đồng cảnh ngộ. Chính hoạt động vô vị lợi nầy đã nuôi dưỡng sự yên tĩnh trong tâm hồn và làm giàu sự hiểu biết của tôi về những điều mà trước kia tôi không một thoáng nghĩ đến. Nhưng nó làm gia tăng sự nghi ngờ của chánh quyền địa phương đối với tôi. Một điều lạ đáng ghi nhận là trong cảnh nghèo đói trầm trọng, cây cối quanh nhà tôi vẫn tốt tươi và có nhiều trái đến nỗi người đi đường nào cũng dừng lại để xem. Chim sẻ về ngủ trong các cây quanh nhà. Các cán bộ Cộng Sản dùng súng bắn chim để có thịt bồi dưỡng. Ɖàn chim sẻ rời các cây quanh nhà để tránh sự giết chóc.
Niềm vui của tôi chỉ là niềm vui tinh thần. Tôi sung sướng khi thấy một người bịnh do tôi chữa đã bình phục. Tôi không đến nỗi bị xã hội cô lập hay xỉa xói khinh khi. Thỉnh thoảng vài học sinh cũ từ Hóc Môn, Gò Vấp sang thăm và ở lại trò chuyện đến chiều tối mới về. Hàng ngày có ba học sinh gốc Hoa luân phiên nhau đến chở tôi đi uống cà phê sáng, trưa và tối. Các viên chức địa phương không ghét bỏ, cũng không hạ nhục tôi. Một cán bộ tập kết luôn luôn gọi tôi là giáo sư. Có lần tôi vác cuốc để đi lao động, một thanh niên không quen biết nói với tôi: “Thầy về đi! Thầy mà lao động sao nổi?” Thế là tôi khỏi lao động. Cho đến bây giờ tôi cũng không biết người thanh niên nầy là ai? Nhưng do đâu anh ấy biết tôi? Một cán bộ tập kết khác làm việc trong xã tỏ ra có cảm tình với tôi sau khi nghe tôi nói chuyện về Châm Cứu, Thuốc Nam và xác định vị trí xã sinh quán của nhà thơ Ɖồ Chiểu tức Nguyễn Ɖình Chiểu, tác giả của Lục Vân Tiên.
Không chánh sách Cộng Sản nào không khắc nghiệt. Người hiển danh trong xã hội Cộng Sản không thể là người giàu lòng nhân ái được. Những người có cảm tình hay thương hại tôi đều không thể là những người hanh thông trên đường quan lộc trong xã hội Cộng Sản tuy rằng họ không bao giờ dám công khai bày tỏ cảm tình hay thương hại đối với người không cùng chiến tuyến với họ như tôi.
Sau gần mười năm theo dõi và điều tra tôi, tân chế độ thấy tôi là một người nghèo đói và cam phận. Cả nước xôn xao về chuyện vượt biên. Tâm tôi vắng lặng trước trào lưu nầy vì còn tiền đâu mà nghĩ đến chuyện xa vời đầy nguy hiểm. Tôi là người đứng ngoài cuộc chơi. Tôi xem đời tôi như đã hết rồi. Người công an bảo vệ chánh trị cũng có cảm giác như thế. Chánh quyền địa phương cũng thấy như vậy. Gia đình tôi luôn luôn đứng hàng 13 trong bậc thang xã hội Cộng Sản theo đúng chánh sách và đường lối của đảng và nhà nước.
Chuyện tôi không nghĩ đến là chuyện tôi phải làm. Ɖó là một nghịch lý ngộ nghĩnh.
Lớp dạy của tôi càng ngày càng ít học viên vì tất cả tuần tự rời khỏi Việt Nam để đoàn tụ với gia đình ở Hoa Kỳ, Úc Ɖại Lợi, Canada, Tây Ɖức.
Các thầy học cũ mà tôi thường thăm viếng lần lượt qua đời.
Trưởng nam của tôi sống ủ dột với cây đàn guitar sau hai năm tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông.
Tôi như bị bao vây bởi những cảnh đen tối và buồn bã không cách nào thoát khỏi. Trong giấc ngủ nhập nhằn có lắm chiêm bao và tiếng gọi đến nỗi vợ tôi cho rằng tôi quá mơ tưởng chuyện vượt biên nên mới có những giấc chiêm bao và nghe những tiếng gọi như vậy. Tôi không nghĩ như vậy mà cho rằng tôi bị dồn vào thế phải thay đổi ý tưởng về việc ở lại quê hương hay đi tìm lẽ sống cho tương lai con cái. Giữ vững ý tưởng cũ là không rời bỏ Việt Nam dầu thiên nan vạn nan. Bây giờ nghèo xác xơ muốn vượt biên, nghĩa là rời bỏ Việt Nam, để đi tìm nguồn sống và chút ánh sáng cho tương lai con trẻ cũng không có tiền để thực hiện ước muốn của mình. Có ngờ đâu tôi là người tôn vinh câu “Ai không tin vào phép lạ là thiếu thực tế” (Celui qui ne croît pas aux miracles est irréaliste) của người Do Thái lại bị rơi vào thế cùng đường. Phép lạ bắt đầu đến với tôi sau những giấc mơ và lời kêu gọi.
Thấy con tôi buồn vì không có ánh sáng tương lai, một người dì họ của cháu sẵn sàng cho cháu tiền để vượt biên. Liền sau đó có người quen bên chị dâu tôi gặp tôi giữa đường và khuyên tôi nên vượt biên. Chị cho biết có một “đường dây” khả tín sắp “ra khơi”. Ɖây là chuyện không tìm mà gặp. Tôi bàn với chị dâu tôi về việc cho con trường của tôi vượt biên. Chi dâu tôi hỏi:
“Sao chú không đi?”
Tôi đáp:
“Tôi cho cháu đi vì một người dì họ của cháu cho cháu tiền. Tôi có tiền đâu mà đi.”
“Chú phải đi. Trong chuyến đi nầy bên phía tôi có chín người đi. Tôi muốn chú đi. Chú gặp khó khăn gì nói cho tôi biết xem có thể giải quyết được không?” Chị dâu tôi nói.
“Khó khăn duy nhất tôi vừa nói qua.”
“Chú Năm vừa bán nhà. Ɖể tôi nói chú Năm cho chú mượn.” Chị dâu tôi đề nghị.
“Giải pháp nầy không ổn chị ạ! Anh Năm đi học tập về đã cạn mạch sống đến nỗi phải bán nhà. Tôi nỡ lòng nào mượn tiền bán nhà của anh để vượt biên. Số của tôi bây giờ đen lắm. Nếu thất bại thì tiền đâu tôi trả cho anh.” Tôi nói.
“Chú để tôi nói với chú Năm.” Chị dâu tôi nói.
Chị dâu tôi nói với anh Hưng cho tôi mượn hai lượng vàng để vượt biên. Anh Hưng đồng ý ngay và có ý muốn vượt biên với tôi. Sự quyết định của anh rất đột ngột đến nỗi vợ con anh đều không hay biết.
Chị dâu tôi muốn tôi đi trong chuyến đi có nhiều thân nhân của chị tham dự với niềm tin rằng tôi mang lại sự may mắn cho chuyến đi. Chị cho rằng tôi là người may mắn chỉ vì tôi chưa bị tân chế độ cầm tù!!! Quả thật chị có suy nghĩ đúng. Chuyện vượt biên của chúng tôi, trong đó có chín người bên chị dâu tôi cộng với bốn người bên phía tôi (anh tôi, tôi, em tôi và con trưởng của tôi), được tàu Jean Charcot của Pháp cứu vớt sau khi rời khỏi bến nước Việt Nam ba mươi hai tiếng đồng hồ. Chúng tôi được vào trại tỵ nạn Palawan, Phi Luật Tân, trước khi được định cư ở đệ tam quốc gia.
Tôi không học về Thần học nên không định nghĩa rõ ràng thế nào là phép lạ. Tôi xin tóm lược lại vài điều lạ về:
– Các giấc chiêm bao và lời kêu gọi hoàn toàn ứng với những gì xảy ra sau đó.
– Việc tôi không bao giờ dám nghĩ đến chuyện vượt biên vì nghèo khó lại gặp được người chỉ đường vượt biên. Dì họ của con tôi cho cháu tiền. Anh Hưng bán nhà giữa lúc có lịnh cấm bán nhà. Tôi không mượn tiền anh mà chị dâu tôi mượn cho tôi. Trong cảnh nghèo anh Hưng không từ chối với những lý lẽ quanh co mà chấp nhận cho tôi mượn tiền một cách sốt sắng và vui vẻ.
– Người nghèo trong thế tuyệt vọng và không bao giờ nghĩ đến chuyện vượt biên như tôi lại vượt biên hai người.
Tôi và con tôi dự trù xuống Sài Gòn ngày 25-05-1985 để xuống miền Tây sáng ngày 26. Ɖêm 24 rạng 25 Lái Thiêu không có điện. Tôi và vợ tôi bàn tính chuyện tương lai nếu vượt biên thành công hay thất bại. Có tiếng đập mạnh vào cửa ngõ. Người trưởng khu truyền lịnh cho con tôi phải ra trình diện ở xã để khám sức khỏe thi hành nghĩa vụ quân sự. Thực tế không có việc khám sức khỏe gì cả. Con tôi về nhà và thi hành kế hoạch đã định. Con tôi đi Sài Gòn trước . Lối một giờ đồng hồ sau tôi cỡi xe đạp chạy theo sau. Con tôi ngủ ở nhà em tôi. Tôi ngủ ở nhà anh Hưng.
– Ɖêm 25 tôi ngủ ở nhà anh Hưng để chuẩn bị đi miền Tây vào lúc hai giờ sáng ngày 26. Lúc 12 giờ khuya, tức hai giờ trước khi chúng tôi được một người trong nhóm tổ chức vượt biên chở đi miền Tây theo kế hoạch đã định, công an phường xét nhà anh tôi. Họ xét tất cả các phòng trong nhà nhưng họ không xét phòng nơi tôi giả vờ ngủ. Hai ngày trước đó nhà anh tôi cũng bị xét vì sự có mặt của tôi nhưng họ không xét phòng tôi ngủ. Trong vòng hai ngày một căn nhà mang lý lịch “ngụy” có người lạ đến mà không trình báo bị xét hai lần nhưng công an không xét phòng nơi có người lạ ngủ. Ɖêm 25 là đêm cuối cùng anh Hưng sống trong nhà của anh trước khi trao cho chủ mới ngày hôm sau.
Người Tây Phương nói: L’homme propose, Dieu dispose.
Người ta nói: Mưu sự tại nhân thành sự tại Thiên.
Thú thật tôi không có MƯU gì cả. Vạn sự do sự sắp đặt và định đoạt từ Thiên.
Năm mười tuổi tôi bị đưa ra phòng khảo của Phòng Nhì Pháp ở Phú Long để điều tra về việc tôi dẫn hai người bạn (Nguyễn Văn Sâm và Nguyễn Văn Pièrre) đi chiến khu. Ɖến phiên tôi bị tra khảo thì có một ông ách (adjudant) người Việt Nam tên D. (sau nầy làm việc ở Sở Quan Thuế Sài Gòn) can thiệp cho tôi được tự do và tránh khỏi sự tra khảo.
Năm 1978 tôi bị giữ trong nhà bạn N.K.L. ở Thị Nghè. Tôi đến thăm bạn và bị giữ lại do vì bạn L. đã bị công an thành phố bắt giữ. Ɖêm đó tôi cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ lạ thường. Tôi ngủ say đến quên đi tôi là người mất tự do và ngủ ở nơi lạ, tay bị còng trên sofa trong phòng khách của anh N.K.L. Ɖây là lần thứ hai tôi được chúa Jesus cho tôi được gặp. Sáng hôm sau tôi được tự do nhưng tất cả giấy tờ của tôi đều bị công an giữ. Mỗi tuần tôi phải đi Sài Gòn trình diện vào ngày thứ tư trong suốt năm năm và không có một tờ giấy tùy thân trong người. Không ai biết chuyện nầy kể cả vợ và các anh tôi. Khi đến Palawan tôi mới cho anh Hưng biết chuyện nầy. Ɖiều đáng nói là suốt năm năm liền không ai hỏi tôi phải xuất trình chứng minh nhân dân. Cũng không có chuyện gì cần đến chứng minh nhân dân. Nếu Sở Công An thành phố liên lạc với Ty Công An Bình Dương thì cửa nhà tù rộng mở cho tôi. May mắn là điều nầy không xảy ra.
Khi bước xuống thuyền đi vượt biên, tôi mê man bất tỉnh nên không biết gì để sợ khi thuyền lênh đênh ngoài khơi Thái Bình Dương. Thuyền vượt biên gần hết xăng dầu, gạo và nước ngọt. Anh tôi bắt đầu lo sợ. Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê tôi nói: “11 giờ có tàu vớt”. Anh tôi xem đồng hồ và nói: “Bây giờ mới bảy giờ sáng.”
Thuyền vượt biên kéo cờ trắng như một dấu hiệu kêu cứu. Một chiếc tàu đánh cá chạy lại. Thấy tên Tiền Giang, tất cả người trên thuyền đều hoảng hốt. May mắn thay, tàu Tiền Giang ra dấu cho thuyền vượt biên tiếp tục cuộc hải trình. Ɖúng 11 giờ thuyền vượt biên gặp tàu Jean Charcot. Lúc ấy tự nhiên tôi khỏe mạnh như chưa hề trải qua hàng chục tiếng đồng hồ mê man trên một chiếc thuyền dài chín mét với bốn mươi mốt người vượt biên. Việc cứu vớt kết thúc trong vòng ba mươi phút. Lúc 11:30 một chiếc tàu Cộng Sản chạy đến nhưng không thấy vết tích của chiếc thuyền vượt biên vì thủy thủ tàu Jean Charcot đã đánh chìm sau khi bốn mươi mốt người được đưa lên tàu Jean Charcot.
***
Thân xác tôi rời Việt Nam nhưng tâm hồn tôi vẫn còn gắn bó với mảnh đất già nua về tuổi tác nhưng ấu trĩ về nhiều mặt. Ɖó là nơi tôi sinh ra, lớn lên và chia sẻ với những người đồng chủng mọi đắng cay, chua chát của một quê hương đầy bất hạnh, nơi:
Tiếng chim sẻ dễ thương
Lặng chìm trong bom đạn
Bài ca dao dang dở
Trên môi trẻ lặng câm.
P. Ɖ. L.
Ɖó là nơi tổ tiên tôi nằm an giấc ngàn thu. Mẹ tôi, vợ tôi, con tôi và các thân thuộc của tôi vẫn còn sống ở đó. Mỗi buổi chiều tôi hướng về phương tây từ trại tỵ nạn Phi Luật Tân với tất cả nỗi niềm thương nhớ và chua sót lẫn lộn. Tôi không khóc nhưng nước mắt đổ dồn về tim. Trời mưa trong tim tôi.
Sau một tháng trong trại tỵ nạn Palawan chúng tôi được chọn định cư ở Paris. Vào giờ chót bốn người chúng tôi có lịnh đình hoãn chuyến bay đi Paris từ phi trường Puerto Princesa, Palawan (Puerto Princesa – Manila rồi Manila – Paris). Việc định cư ở Paris hủy bỏ. Chúng tôi được đưa lên trại Bataan để chuẩn bị định cư ở Hoa Kỳ.
Chúng tôi đến Hoa Kỳ vào đầu năm 1986. Cả thành phố bao trùm bởi màu tuyết trắng giá buốt. Chúng tôi không có chỗ ở nên đành tạm sống dưới basement của một nữ xã công làm việc cho Catholic Social Services. Có sáu người Lào âm thầm rời thành phố không biết vì lý do gì. Nhờ đó chúng tôi có một căn nhà lầu ba phòng có basement, tủ lạnh, bàn ghế, bếp điện, máy giặt và máy sấy đầy đủ. Mỗi tháng chỉ trả $100.
Một buổi sáng chúng tôi dùng xe bus ra văn phòng Catholic Social Services. Từ trạm xe bus chúng tôi đi trên một đống tuyết trắng dài cả trăm thước, cao từ 50 – 100 cm. Thình lình có tiếng la to: “Go home! Go home!” Tôi dừng bước để xem tiếng la ấy phát xuất từ đâu và nhắm vào ai. Thì ra đó là tiếng gào thét của một người có màu da sậm hơn da tôi. Và người anh ta kêu gọi “Go home” là bốn người trong gia đình chúng tôi. Chúng tôi lầm lũi bước đi trên tuyết như không quan tâm đến sự gào thét của người “đồng bào” chưa hề quen biết. Dưới mắt một số người nào đó, chúng tôi là kẻ xâm lăng âm thầm, chia xẻ công việc và phần ăn của họ.
Tôi gạt bỏ mọi chuyện ngoài tai để tìm công việc làm hầu bảo lãnh vợ và bốn đứa con còn ở Việt Nam.
Vừa đến xứ lạnh vào mùa đông, anh em chúng tôi sớm phân tán.
Anh tôi chịu lạnh không nổi nên sang California.
Tôi vừa mới đến Hoa Kỳ đã phiêu bạt nhiều nơi trên nước Mỹ cố tìm công việc làm mới hy vọng có ngày đoàn tụ với vợ con. Tôi để con tôi ở lại thành phố mà tôi được gọi đến để chờ ngày nhập đại học.
Em tôi cùng đi sang tiểu bang khác. Thế là con tôi làm chủ căn nhà vừa nói trên và tự túc sống trên vùng đất mới xa lạ.
Em tôi có một công việc ở miền Nam và gọi tôi xuống để xin một công việc trong Chương Trình Ɖịnh Cư Người Tỵ Nạn. Hai anh em ở chung trong một chung cư được hơn một năm thì em tôi sang Phi Luật Tân làm việc trong trại tỵ nạn Bataan.
Tôi sống một mình trong một apartment hai phòng. Chỉ mỗi một mình tôi không giống ai trong chung cư cả. Một đêm, trong lúc ngủ, tôi nghe có tiếng đập mạnh vào cửa, rồi có một vật gì đó ném vào cửa. Ɖến lần thứ ba tôi mở cửa và nắm giữ một đứa bé độ mười hai, mười ba tuổi ném trứng gà vào nhà tôi. Tôi la thét một cách giận dữ. Cả xóm thức dậy. Bằng chứng liệng trứng vào cửa apartment của tôi không thể chối cãi được. Những người hàng xóm bạch chủng bắt cậu bé ném trứng lau sạch cửa cho tôi. Từ đó về sau tôi sống yên ổn với mọi người trong chung cư.
Kỳ thị rất đa dạng nên có nhiều nguồn gốc khác nhau chớ không chỉ giới hạn trong việc kỳ thị chủng tộc. Hình như 7,5 tỷ nhân loại đều có mang một tỷ lệ máu kỳ thị nào đó trong người: kỳ thị sắc tộc, kỳ thị tôn giáo, kỳ thị chánh trị, kỳ thị địa phương, kỳ thị giai cấp, kỳ thị giàu-nghèo, kỳ thị học vấn, kỳ thị xấu-đẹp, kỳ thị dơ-sạch, kỳ thị khôn-ngu, kỳ thị mới cũ, kỳ thị giữa kẻ thắng và người bại, kỳ thị giữa những kẻ đô hộ và người bị đô hộ, kỳ thị nam-nữ, kỳ thị già-trẻ v.v. Kỳ thị được chẻ mỏng ra từ mặc cảm tự tôn , tự ty đến ganh tỵ suy bì.
Kỳ thị bộc lộ như chuyện cậu bé liệng trứng vào apartment nơi tôi ở. Chắc chắn cậu bé ấy được sự đồng tình ủng hộ của cha mẹ, thân nhân và người láng giềng của cậu. Nó đáng ghét nhưng không nguy hiểm bằng sự kỳ thị thầm lặng. Ɖó là sự biểu lộ kỳ thị bằng hành động nông nổi của thiểu số cực đoan. Dù người kỳ thị mang màu da gì, sự kỳ thị của họ được liệt vào KỲ THỊ CŨ-MỚI. Họ là người đến trước kỳ thị người đến sau và cứ thế luân chuyển dần trong thời gian vô định.
Kỳ thị thầm lặng là sự kỳ thị của đại đa số, kể cả những người tự cho mình không kỳ thị.
Hoa Kỳ là một nước hợp chủng. Sự kỳ thị lẫn nhau không thể tránh được. Nhưng nó bị ngăn chận bởi một hệ thống luật pháp dày đặt nhằm bảo vệ an ninh, an toàn và sinh kế cho mọi công dân. Cường độ kỳ thị nặng hay nhẹ tùy thuộc vào sự phán quyết công tâm và công bằng của công lý.
Giữa người và người thiếu thông cảm nhau vì thiếu hiểu biết văn hóa và hoàn cảnh của nhau. Vì vậy cần tìm hiểu nhau để tránh sự va chạm lẫn nhau, hiểu lầm nhau và tránh sự vi phạm luật pháp. Việc ăn cẩu nhục, tiết canh, làm gà, vịt, heo, thỏ trong nhà là chuyện bình thường ở Việt Nam. Chúng không bình thường ở Hoa Kỳ. Bị bắt và bị xử phạt vì vi phạm luật pháp không thể xem là bị kỳ thị.
Tôi từng đến trường học để giải thích cho một y tá về những vết bầm do việc cạo gió (coining therapy) gây ra. Người y tá cho rằng cậu học sinh bị cha mẹ đánh bầm cả lưng và cổ. Tôi yêu cầu mẹ cậu bé hứa sẽ không làm như vậy nữa để người y tá hủy bỏ báo cáo về viêc đánh đập, hành hạ trẻ em.
Một hôm bà giám đốc nhà trẻ gọi tôi với sự giận dữ về chuyện các bà mẹ Việt Nam đánh trẻ sơ sinh bầm mình. Tôi hỏi bà có bao nhiêu trẻ em bị đánh bầm mình? Bà trả lời nhanh nhẩu: “Tất cả!”. Tôi gác điện thoại và chạy đến nhà giữ trẻ. Tôi thấy các cháu nằm ngủ. Bà giám đốc lật lưng từng cháu cho tôi xem các vết bầm. Tôi cười và nói: “Nếu các cháu sáu tháng tuổi bị mẹ đánh thì làm sao các cháu ngủ yên được? Và do đâu các bà mẹ đánh con sáu, bảy tháng tuổi tập thể như vậy? Ɖây là vết chàm (Mongolian spot – Slate grey nevus – Congenital dermal melanocytosis) trên lưng, mông, tay, chân trẻ em Á Châu hoàng chủng mới sinh. Vết màu xanh nhạt nầy biến dần khi các cháu lên mười ba, mười bốn tuổi. “ Bà giám đốc cười xòa và cám ơn sự giải thích nhân chủng học của tôi.
Một buổi sáng có một phụ nữ Việt Nam có con lai đến nói với tôi: “Ông ơi! Ông làm ơn đến trường học giùm tôi. Tụi nó kỳ thị. Hôm nay con tôi bị đưa ra hội đồng kỷ luật để bị đuổi không đi học được.” Theo cách nói của người phụ nữ thì người ta sắp đuổi con bà ra khỏi trường vì kỳ thị chớ không phải con bà vi phạm điều gì cả. Tôi biết vì sao con bà bị đưa ra hội đồng kỷ luật và đoán biết cậu ấy chán học nên bị đuổi là điều cậu ước mong. Dù vậy tôi vẫn đi với bà đến trường học.
Ɖến trường, tôi thấy đông đảo thầy giáo ngồi trong phòng họp. Phiên họp bắt đầu. Mỗi thầy giáo đưa ra nhận xét về cậu học trò Việt Nam nầy. Người thì nói cậu lơ là trong việc học. Người thì nói cậu hay trốn học, nhất là sau giờ ăn. Người thì nói cậu không hiểu gì cả v.v.. Sau phần nhận xét và buộc tội của các thầy giáo, tôi xin có lời phát biểu. Tôi nói: “Tôi từng là thầy giáo ở Việt Nam. Trong các học trò của tôi có người hoạt động, có người thụ động. Có người thông minh, có người chậm chạp về trí tuệ. Cậu học trò nầy là người lai, mẹ Việt, cha Mỹ. Ở Việt Nam cậu không được đối xử tốt. Mẹ cậu sống trong cảnh thiếu hụt nên cậu không được đi học như những đứa trẻ khác. Cậu nói tiếng Việt nhưng cậu không biết đọc hay viết tiếng Việt. Sang Hoa Kỳ, cậu được đưa vào học lớp chín vì cậu mười lăm tuổi! Ngôn ngữ không biết. Chữ viết không thông Các môn học đều xa lạ khiến cậu ngao ngán khi bước chân đến trường học.Tất cả các nhận xét của quí vị về cậu học trò nầy đều không sai nhưng nguồn gốc của vấn đề chưa được thấu hiểu tường tận.” Ɖến đây phòng họp trở nên yên lặng khác thường. Một thầy giáo rời khỏi phòng họp. Tôi hỏi ông hiệu trưởng về kết quả của phiên họp. Ông trả lời: “Nó đi học như thường lệ.”
Rồi cậu bé tiếp tục trốn học. Ít lâu sau tôi nghe tin cậu và mẹ di chuyển sang tiểu bang khác ở miền Tây Hoa Kỳ.
Từ Georgia xuống các tiểu bang vùng Vịnh Mexico có nhiều người Á Châu như Triều Tiên, Phi Luật Tân và Việt Nam cư trú. Người Triều Tiên thành công trong việc kinh doanh ở Georgia. Mục sư Sun Myung Moon (1920 – 2012), một mục sư người Triều Tiên sáng lập một hệ phái tôn giáo riêng có nhiều tín đồ nhập đạo sau những đám cưới tập thể long trọng cử hành ở nam Triều Tiên hay trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Một nhóm tín đồ Moonist sống ở Bayou La Batre, điều hành một công ty hải sản đông lạnh. Ɖây là một thành phố nhỏ với 3.000 cư dân, trong đó trên 30% dân số là người Việt Nam và lối 2% tín hữu của mục sư Moon. Người Việt Nam ở vùng Vịnh sống bằng nghề chài lưới, làm việc trong các công ty may mặc, công ty sản xuất giày, công ty hải sản, xưởng đóng tàu và sửa chữa tàu.
Năm 1988 tờ The Atlanta Journal Constitution đăng một bài báo bài xích người Á Châu, đặc biệt nhắm vào người Triều Tiên, Việt Nam và Phi Luật Tân mà họ gọi bằng từ Gook. Không biết chuyện người Á Châu trong vùng có vấn đề gì nghiêm trọng đến nỗi có hai ký giả từ Paris và Tokyo đến Bayou La Batre để tìm hiểu sinh hoạt của người Á Châu sống trong ngư cảng chỉ vỏn vẹn có 3.000 cư dân nầy. Thành phố nhỏ nhưng đó là ngư cảng của Alabama và là nơi tỷ lệ người Á Châu cao (lối 32% dân số địa phương). Cuộc sống của những người Á Châu nầy rất ổn định. Có người có tàu đánh cá. Có người có quán tiệm. Tín đồ của mục sư Moon có công ty hải sản đông lạnh. Một thành viên của hội đồng thành phố khen người Á Châu và nói riêng người Việt Nam mới đến Hoa Kỳ nhưng sớm ổn định cuộc sống, có nhà cửa, tàu đánh cá và làm chủ quán tiệm. Tôi hiểu thâm ý của ông và chấp nhận lời khen của ông bằng một nụ cười xã giao thay cho lời cám ơn.
Tôi xin dừng bút tại đây mặc dù còn rất nhiều chuyện xảy ra trong cuộc sống không thể ghi chép đầy đủ trong khuôn khổ bài viết nầy. Vài ý mọn xin trao đổi cùng bạn đọc.
Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.
_____________
Chú thích:
(1) Nột-man: École Normale —