Tin trong nước sáng thứ Tư: Thêm 53 ca COVID-19; Bệnh nhân COVID-19 thứ 48 tử vong

Hiểu Minh

Thêm 53 ca COVID-19

VnExpress – Bộ Y tế sáng 2/6 ghi nhận 53 ca dương tính trong nước, gồm tại Bắc Giang 48, Bắc Ninh 3, Hà Nội 2.

53 ca mới được ghi nhận từ số 7573-7625, nâng tổng số ca nhiễm tại Bắc Giang lên 2.424, Bắc Ninh 879, Hà Nội 416 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 93 ca, 50 ca ở Bệnh viện K).

Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 4.549, ghi nhận ở 37 tỉnh thành.

Bệnh nhân COVID-19 thứ 48 tử vong

Cafef – Việt Nam tối 1/6 đã ghi nhận ca tử vong thứ 48 do Covid-19. Đó là bệnh nhân số 3354 (nam, 76 tuổi, có địa chỉ tại huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn).

Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính ngày 7/5, được Bộ Y tế công bố ngày 10/5, chuyển vào Trung tâm y tế huyện Hữu Lũng điều trị.

Do bệnh tình nặng lên, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh điều trị với chẩn đoán viêm phổi do nhiễm virus Vũ Hán, được điều trị tại khoa cấp cứu, quá trình điều trị bệnh nhân sốt liên tục, tức ngực khó thở, suy hô hấp tăng dần.

Ngày 23/5, bệnh nhân xuất hiện suy hô hấp nặng, tụt huyết áp, được chỉ định đặt ống nội khí quản, thở máy, duy trì vận mạch. Ngày 31/5, bệnh nhân có tình trạng chảy máu phổi, suy đa tạng tăng, toan chuyển hóa ngày càng nặng. Đến tối 31/5 thì bệnh nhân tử vong.

Đây là bệnh nhân tử vong thứ 13 của đợt dịch này và là thứ 48 kể từ đầu dịch.

Bắc Ninh nói gì về việc 91 công nhân khai là F1 bỏ trốn về quê?

Dantri – Ngày 1/6, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Ninh thông tin, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, cơ quan xác minh, làm rõ phản ánh trên một số báo về việc lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai phát hiện 91 công nhân khai là F1, làm việc tại các khu công nghiệp của Bắc Giang và Bắc Ninh, tự ý bỏ về địa phương.

Cơ quan phát ngôn khẳng định, ngay từ khi ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên vào ngày 5/5/2021, tỉnh Bắc Ninh đã tập kịp thời áp dụng biện pháp cách ly xã hội.

Toàn bộ các trường hợp F1 buộc phải đi cách ly y tế tập trung. Các cơ sở cách ly tập trung đều bố trí lực lượng y tế, công an, quân sự ứng trực 24/7, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào khu cách ly theo quy định.

Đặc biệt, theo Ban chỉ đạo, Bắc Ninh đã triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh tại tất cả các điểm cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh. Xác minh tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh, cơ quan này khẳng định, không có đối tượng F1 nào trốn cách ly.

“Như vậy, việc một số báo đưa thông tin 91 công nhân là F1 làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang bỏ về quê là không chính xác. Đây là những công nhân tự ý bỏ về quê, bất chấp quy định trong công tác phòng chống dịch Covid” – thông cáo Ban chỉ đạo chống dịch tỉnh Bắc Ninh nêu rõ.

Gần 5.000m2 rừng phòng hộ bị ‘xẻ thịt’, mở đường thi công thủy điện

Vtc – Gần 5 nghìn mét vuông rừng phòng hộ ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi bị doanh nghiệp tàn phá để mở đường vào dự án thủy điện.

VTC News ngày ⅙ cho biết Công ty Cổ phần xây lắp điện Đức Bảo – Kon Tum (chủ đầu tư dự án Thủy điện Nước Long) thừa nhận, diện tích rừng nêu trên là do họ xâm lấn với mục đích thi công tuyến đường công vụ vào hầm bổ sung nước 2 của dự án Thủy điện Nước Long.

Chính quyền địa phương nói gì?

Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh cho hay, các hợp phần của dự án Thủy điện Nước Long nằm trên địa bàn xã Ba Tiêu và Ba Ngạc. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, cho chủ đầu tư dự án thuê đất tại địa bàn xã Ba Tiêu. Riêng phần diện tích thuộc đất rừng phòng hộ ở xã Ba Ngạc, chủ đầu tư chưa hoàn tất các thủ tục liên quan.

Ông Vinh nói: “Huyện đã yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công. Sai phạm của chủ đầu tư dự án khi xâm lấn rừng phòng hộ mà chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý là quá rõ ràng.” Ông này cũng cho biết sẽ báo lên tỉnh sau khi xác định cụ thể mức độ xâm lấn rừng phòng hộ.

Về phía Kiểm lâm huyện Ba Tơ, cơ quan này nói họ đã phát hiện vụ việc cách đây hơn 10 ngày. Tại hiện trường nhiều cây bị cưa hạ với dấu tích còn rất mới.

Được biết, dự án Thuỷ điện Nước Long nằm trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Dự án được cấp quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 5/2018 với tổng vốn đầu tư gần 910 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng hơn 18ha. 

Giáo viên trường Việt Úc mắc Covid-19, 106 học sinh thành F1

Zing – Cũng trong tối qua, đại diện trường Quốc tế Việt Úc xác nhận một giáo viên người nước ngoài của trường mắc Covid-19. Người này giảng dạy chương trình Cambridge tại cơ sở 3/2 (quận 10, TP.HCM), ở cùng tầng tại tòa nhà Riviera Point (quận 7) với ca nhiễm được công bố ngày 29/5.

Đại diện nhà trường giải thích trường đã chuyển hoạt động dạy học sang hình thức trực tuyến từ ngày 10/5. Tuy nhiên, ngày 19/5, 21/5 và 26/5, kỳ thi chứng chỉ trung học đại cương quốc tế diễn ra tại cơ sở đường 3 tháng 2 của trường theo lịch của Hội đồng khảo thí quốc tế Đại học Cambridge.

Ngày 19/5, giáo viên mắc Covid-19 làm nhiệm vụ coi thi nên tiếp xúc học sinh và đồng nghiệp. Trong thời gian coi thi, giáo viên này không đeo khẩu trang nghiêm ngặt.

Phía nhà trường cho biết đang làm việc với cơ quan chức năng để có thể sắp xếp cho học sinh thuộc diện F1 đi cách ly tại khách sạn. Nhà trường sẽ chi trả toàn bộ chi phí cách ly, ngoại trừ chi phí cá nhân phát sinh.

Xử phạt người phụ nữ không đeo khẩu trang vì cho rằng không có dịch ở TP.HCM

Nld – Ngày 1/6, Công an phường 13, quận 4 TP.HCM đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 triệu đồng đối với hành vi không đeo khẩu trang, phạt 350.000 đồng với hành vi gây rối trật tự công cộng, không xuất trình giấy tờ tùy thân đối với bà N.T.N. (SN 1988, ngụ phường 10, quận 4). 

Bà N. là nhân vật gây xôn xao dư luận khi vào cửa hàng tiện lợi Circle K trên đường Tôn Đản, phường 13, quận 4 mua đồ vào tối 31/5 nhưng không đeo khẩu trang.

Thấy bà N. không đeo khẩu trang nên nhân viên cửa hàng nhắc nhở, yêu cầu thực hiện việc đeo khẩu trang nơi công cộng nhưng bà N. không chấp hành.

Sau đó, lực lượng công an phường đến nhắc nhở nhưng bà N. bất chấp và nhất định không đeo khẩu trang. Bà N. la lớn “Tôi nói không có dịch là không có dịch. Không có dịch tại sao tôi phải đeo khẩu trang”. Thuyết phục không được, lực lượng công an đã khống chế bà N. về trụ sở xử lý.

Đắk Lắk: Tài xế trả tiền xăng bằng cách vứt xuống đất gây xôn xao mạng xã hội

Nld – Đoạn clip ghi lại cảnh tài xế chạy xe con, được xác định là của nguyên hiệu trưởng, đã vứt tiền xuống đất khi trả tiền đổ xăng gây xôn xao cộng đồng mạng.

Chiều 1/6, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk cho biết vừa xem đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội ghi lại cảnh người đi chiếc xe con vứt tiền xuống đất khi đổ xăng. Theo vị này, chiếc xe con trong đoạn clip trước đây là của ông P.V.A, nguyên hiệu trưởng của một trường THCS trên địa bàn huyện nhưng đã nghỉ hưu mấy tháng nay. Do ông A. đã nghỉ hưu nên không biết chiếc xe đó còn đứng tên ông A. hay không và đoạn clip cũng không xác định được ai là người điều khiển chiếc xe rồi vứt tiền xuống đất.

Tuy nhiên, vị này cho rằng do việc đăng tải có liên quan đến ngành nên đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để nắm bắt thông tin cụ thể.

Trước đó, rạng sáng cùng ngày, trên một trang Facebook đăng tải đoạn clip dài khoảng 1 phút ghi lại cảnh chiếc xe con nói trên vào một cây xăng. Trong lúc nhân viên cây xăng đang đổ xăng cho chiếc xe thì tài xế thò tay ra khỏi cửa kính vứt tiền xuống đất. Khi nhân viên cây xăng đang ngỡ ngàng thì tài xế nhanh chóng kéo cửa kính lên, sau đó rời đi.

Đến chiều cùng ngày, đoạn clip được đăng tải trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Sau khi có người cho rằng chiếc xe này của nguyên 1 hiệu trưởng trường cấp 2 trên địa bàn huyện Ea H’leo thì rất nhiều ý kiến bình luận tỏ ra bức xúc về hành vi của người vứt tiền.

Nghệ An, Hà Tĩnh cách ly tập trung 21 ngày với người về từ vùng dịch

Ngày 1/6, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An cho hay, hiện nay dịch Covid-19 trên cả nước, đặc biệt tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM… đang diễn biến phức tạp. Số lượng người trở về/đi qua các địa phương có dịch trên cả nước đang tăng nhanh.

Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch Covid-19 xâm nhập, lây lan rộng tỉnh này yêu cầu người dân trở về từ các địa phương đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 phải cách ly tập trung ít nhất 21 ngày, kể từ ngày rời khỏi khu vực giãn cách, phong tỏa.

Đối với các trường hợp trở về từ các địa phương, khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 sẽ được cách ly tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày kể từ ngày rời khỏi khu vực giãn cách xã hội.

Ngoài ra, phải khai báo sức khỏe hàng ngày cho cán bộ y tế địa phương. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở, mệt mỏi, ớn lạnh, mất vị giác thì chuyển ngay đến cơ sở y tế để được hướng dẫn quản lý kịp thời theo quy định.

Còn tại Hà Tĩnh, Sở Y tế tỉnh này cũng có văn bản yêu cầu tất cả các trường hợp đến, về Hà Tĩnh từ các tỉnh, thành khác trong toàn quốc phải khai báo y tế bắt buộc tại trạm y tế nơi lưu trú để được quản lý, hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19.

Tỉnh này cũng áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung 21 ngày, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người đến, về Hà Tĩnh từ các khu vực, địa điểm có dịch và vùng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà 14 ngày đối với vùng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Theo dõi, quản lý sức khỏe tại nhà theo quy định đối với người đến, về Hà Tĩnh từ các khu vực còn lại của các tỉnh, thành phố có dịch.

Lấy mẫu xét nghiệm với các trường hợp từ TP.HCM và vùng có dịch về địa phương.

Tính đến ngày 1/6, Nghệ An không còn ca bệnh Covid-19. Hơn 100 F1 của bệnh nhân cộng đồng ở thị xã Hoàng Mai cũng đã kết thúc thời gian cách ly tập trung, nhiều lần xét nghiệm âm tính.

Hà Tĩnh hiện còn 3 ca dương tính với nCoV, hiện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn). Tỉnh này cũng thống kê có hơn 2.600 người về từ TP.HCM, gần 13.000 người về từ Hà Nội, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bắc Giang…

Đồng Nai lập 20 chốt, Vũng Tàu cấm tắm biển

VnExpress – Trước nguy cơ Covid-19 xâm nhập khi ổ dịch TP.HCM đang diễn biến phức tạp, chính quyền Đồng Nai lập 20 chốt kiểm dịch, Bà Rịa – Vũng Tàu cấm tắm biển.

Theo UBND Đồng Nai, từ 0h ngày 2/6, 8 chốt kiểm soát Covid-19 cấp tỉnh và 12 chốt cấp huyện tại các trục đường giao thông chính vào địa phương sẽ hoạt động.

Các chốt kiểm soát chính tập trung các hướng từ TP.HCM và Bình Dương đến tỉnh như: cầu Đồng Nai trên quốc lộ 1A, Hóa An trên quốc lộ 1K, Long Thành ở nút giao quốc lộ 51 với cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây… Lực lượng kiểm soát gồm công an, nhân viên y tế, thanh tra giao thông… đo thân nhiệt, kiểm tra dịch tễ người vào tỉnh.

Động thái được UBND Đồng Nai thực hiện sau khi hai địa phương lân cận là TP.HCM và Bình Dương liên tiếp ghi nhận các ca nhiễm Covid-19. Trước đó, tỉnh này dừng hoạt động các tuyến xe khách liên tỉnh, xe dịch vụ, taxi đi đến TP.HCM.

Trong khi đó, đến ngày 1/6, Bà Rịa – Vũng Tàu chưa ghi nhận ca lây nhiễm ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, nhận định nguy cơ dịch xâm nhập thời gian tới là rất lớn, tỉnh này quyết định cấm tắm biển từ 12h trưa nay (1/6).

Bà Rịa – Vũng Tàu đã ngưng hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thủy từ vùng dịch, đi qua vùng dịch đến tỉnh và ngược lại.

Tại Ninh Thuận, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch tỉnh này đã cho tạm dừng dịch vụ tắm nước ngọt, giữ xe, tập trung tắm biển tại bãi biển Bình Sơn – Ninh Chữ (Phan Rang và Ninh Hải) từ ngày 1/6 cho đến khi có thông báo mới. Đây là nơi thường thu hút đông du khách và dân địa phương ra tắm biển vào mùa hè.

Những ngày qua, dịch bệnh bùng phát ở các tỉnh phía Nam, đa số liên quan đến cụm dịch Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, ở quận Gò Vấp, TP.HCM. Ngoài 211 ca nhiễm ở TP HCM, 6 tỉnh thành gồm Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Trà Vinh, Đăk Lăk, Bạc Liêu đều có ca lây nhiễm liên quan đến ổ dịch này. TP.HCM đang giãn cách xã hội hai tuần.

Related posts