Vũ Dương
Tình hình eo biển Đài Loan tiếp tục căng thẳng, một khi quân đội Mỹ can thiệp vào cuộc chiến ở eo biển Đài Loan thì Nhật Bản có thể đóng vai trò gì? Sau đây là một phần báo cáo phân tích loại hỗ trợ mà Nhật Bản có thể cung cấp cho quân đội Mỹ theo chiến lược “ngọn giáo và lá chắn” của Mỹ-Nhật khi mà một cuộc chiến ở eo biển Đài Loan có thể nổ ra, cho biết liệu nước này có thể gửi quân đến chiến đấu hay không, cũng như các vấn đề pháp lý và chính trị liên quan.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan” trong một tuyên bố chung sau Hội nghị Thượng đỉnh ngày 16/4. Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật đề cập đến Đài Loan trong tuyên bố từ năm 1969 đến nay. Điều này đã làm dấy lên nhiều cuộc thảo luận về việc hai đồng minh sẽ hợp tác như thế nào nếu hòa bình ở eo biển Đài Loan bị phá vỡ.
Jeffrey Hornung, chuyên gia chính trị của tổ chức Rand Corp – Viện chính sách của Hoa Kỳ, cho biết trong cuộc xung đột tiềm tàng với ĐCSTQ, việc kiểm soát các vị trí hiểm yếu trên biển có thể là một trong những đóng góp quan trọng nhất của Nhật Bản.
Chiến lược “Ngọn giáo và lá chắn” của Mỹ-Nhật
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã đặc biệt thuê Jeffrey W. Hornung viết một bài báo cáo có tựa đề “Những đóng góp tiềm năng của Nhật Bản trong dự phòng ở Biển Hoa Đông”. Báo cáo dài 160 trang này chỉ ra rằng sau Chiến tranh Lạnh, các mục tiêu phòng thủ trọng yếu của quân đội Nhật Bản đã chuyển từ Liên Xô sang ĐCSTQ, đặc biệt là quần đảo Lưu Cầu (Ryukyu) gần với Trung Quốc và Đài Loan, cả ba nhánh quân tự vệ – hải quân, không quân, lục quân- của Nhật Bản đều đang tăng cường lực lượng ở nơi này.
Ví dụ, Lực lượng Phòng vệ trên bộ đã thiết lập thêm nhiều tháp pháo tên lửa ở quần đảo Lưu Cầu và triển khai thiết bị điện từ gây nhiễu liên lạc của ĐCSTQ. Lực lượng Phòng hộ trên không đã thành lập Quân chủng Phòng không mới ở khu vực Tây Nam và triển khai thêm một trung đoàn tên lửa phòng không. Lực lượng Phòng vệ trên biển có khả năng chống lại tàu ngầm và chống lại các chiến hạm một cách mạnh mẽ, có thể phục kích các tàu ngầm Trung Quốc cố gắng thoát ra khỏi chuỗi đảo đầu tiên và tiến vào Thái Bình Dương. Trong thời chiến, cả ba Lực lượng Phòng vệ đều có thể giúp đỡ quân đội Hoa Kỳ và bao vây các “vị trí hiểm yếu” ra vào Thái Bình Dương của quân đội ĐCSTQ.
Báo cáo lần đầu tiên chỉ ra rằng ĐCSTQ đã được coi là “mối đe dọa an ninh chủ yếu” trong tư duy chiến lược quân sự của Nhật Bản.
Báo cáo cũng phân tích những lợi thế sâu rộng của Lực lượng Phòng vệ, bao gồm sự hợp tác cao độ với quân đội Hoa Kỳ, từ trang bị, chiến thuật, thuật ngữ và huấn luyện đều nhất trí với quân đội Hoa Kỳ. Lực lượng này có khả năng phòng thủ tên lửa Aegis và Patriot mạnh mẽ, hơn nữa các lĩnh vực tác chiến mới như chiến tranh vũ trụ, chiến tranh không gian mạng và chiến tranh điện tử đang được phát triển.
Ngoài ra, báo cáo cũng phân tích rằng một khi nổ ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan, theo luật mới được sửa đổi vào năm 2015, trong tình huống nếu không bị tấn công trên chính đất nước của mình, Nhật Bản có thể chiểu theo “khi xảy ra một cuộc tấn công vũ trang chống lại một quốc gia nước ngoài có liên quan chặt chẽ với Nhật Bản, và do đó đe dọa sự tồn vong của Nhật Bản” mà hỗ trợ quân đội Mỹ về hậu cần, tình báo, phong tỏa và các hỗ trợ khác, và thậm chí trực tiếp điều động Lực lượng Phòng vệ, chống lại tàu chiến của ĐCSTQ.
Kể từ khi thành lập Lực lượng Phòng vệ vào năm 1954 đến nay, Nhật Bản đã không gửi bất kỳ quân đội nào tham gia chiến đấu. Quân đội Hoa Kỳ đổ máu và quân đội Nhật Bản đổ mồ hôi, chiến lược này thường được mô tả là “lá chắn và ngọn giáo”. Trách nhiệm của Lực lượng Phòng vệ là bảo vệ Nhật Bản và quân đội Hoa Kỳ đóng tại Nhật Bản như một lá chắn, trong khi quân đội Hoa Kỳ hoạt động như một mũi giáo để tấn công địa phương bên ngoài Nhật Bản. Ngày nay, nếu một cuộc chiến thực sự nổ ra và đe dọa sự tồn vong của Nhật Bản, thì trên thực tế, Nhật Bản e rằng vừa phải đổ mồ hôi, và cũng phải đổ máu.
Phần đầu của báo cáo này giới thiệu về vũ khí trang bị của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và những ưu điểm của lực lượng này, bao gồm cả những ưu điểm của lực lượng Nhật Bản và Hoa Kỳ khi hợp tác.
1. Tư duy chiến lược quân sự của Nhật Bản, ĐCSTQ được coi là “mối đe dọa an ninh lớn”
Theo Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản, Nhật Bản sẽ vĩnh viễn từ bỏ việc đe dọa sử dụng chiến tranh và sử dụng dọa vũ lực, hoặc sử dụng vũ lực như một phương tiện giải quyết các tranh chấp quốc tế, và tuyên bố rằng họ sẽ không duy trì khả năng chiến tranh của mình. Chính vì lý do này mà ba binh chủng của Nhật Bản không được gọi là Lục quân, Hải quân và Không quân mà sử dụng tên gọi là Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (GSDF), Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (MSDF) và Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản (ASDF).
Khái niệm “phòng thủ đặc biệt” có nguồn gốc từ Điều 9, tức là tất cả lực lượng đều bị giới hạn ở “mức cần thiết tối thiểu” để tự vệ. Do đó, Nhật Bản không sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoặc tên lửa đạn đạo tầm trung, máy bay ném bom tầm xa và hàng không mẫu hạm, những cái này đều được coi là vượt quá “mức cần thiết tối thiểu” để tự vệ.
Theo mô tả trong “Chiến lược An ninh Quốc gia” duy nhất do Nhật Bản ban hành vào năm 2013, Triều Tiên được Nhật Bản coi là một mối đe dọa lớn trong tương lai gần; Nga là một cường quốc đang suy yếu, là một mối đe dọa đối với châu Âu, nhưng không phải là một mối đe dọa khẩn cấp đối với châu Á-Thái Bình Dương, mà chính ĐCSTQ mới là mối đe dọa an ninh chủ yếu và lâu dài.
2. Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản gia tăng sức mạnh quân sự của quần đảo Lưu Cầu
Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản là lực lượng lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, trước khi Liên Xô tan rã, trọng tâm là ngăn chặn cuộc xâm lược trên bộ của Liên Xô ở miền Bắc Nhật Bản, do đó, các sư đoàn thiết giáp hạng nặng đều được trang bị xe tăng. Sau khi Liên Xô tan rã, Lực lượng Phòng vệ này đã mất phương hướng và bắt đầu chú ý đến các hoạt động ngoài chiến tranh như gìn giữ hòa bình và cứu hộ,…
Khi các hành động khiêu khích của ĐCSTQ ở Biển Hoa Đông gia tăng, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất đã điều chỉnh hướng đi của mình, chủ yếu là ứng phó với các sự cố ở Tây Nam Nhật Bản.
Trước đây, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất chỉ có Lữ đoàn 15 ở phía Tây Nam và một đơn vị đồn trú quy mô nhỏ trên đảo Tsushima ở phía Bắc Kyushu thì nay, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất đã tăng cường triển khai toàn bộ quần đảo Lưu Cầu: Thành lập Lực lượng Quan sát Bờ biển trên đảo Yonaguni vào năm 2016 và các cơ sở hậu cần được biên chế với khoảng 160 nhân viên, chịu trách nhiệm thu thập thông tin tình báo và liên tục theo dõi các hoạt động của ĐCSTQ ở Biển Hoa Đông. Vào tháng 3/2019, hai căn cứ khác đã được thành lập trên Amami Oshima và Miyakojima, nơi triển khai các tên lửa đất đối không và tên lửa chống tàu.
Lực lượng Phòng vệ Mặt đất cũng đang tích cực tăng cường khả năng thu thập và quản lý thông tin tình báo điện từ của tàu và máy bay đối phương, đồng thời tăng cường thiết bị gây nhiễu điện từ để làm gián đoạn radar và thông tin liên lạc của đối phương. Bao gồm việc phát triển và sản xuất thiết bị gây nhiễu năng lượng cao gây nhiễu cho Phương tiện bay không người lái và Hệ thống cảnh báo sớm và kiểm soát trên không của đối phương, cho phép tác chiến điện tử tầm gần trong vòng 5 km. Lực lượng Phòng vệ Mặt đất cũng đang phát triển hệ thống vũ khí điện tử mạng để phân tích sóng điện tử và tiến hành chiến tranh điện tử. Hệ thống này được thiết kế để phòng thủ đảo, bao gồm một số phương tiện chiến tranh điện tử được trang bị đặc biệt để tiến hành trinh sát điện tử đồng thời làm suy yếu mạng lưới chỉ huy, kiểm soát và liên lạc của đối phương.
Để cải thiện khả năng tác chiến trên các đảo xa của quần đảo Lưu Cầu, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất đã bắt đầu cắt giảm một số thiết bị không dễ vận chuyển, chẳng hạn như xe tăng và pháo hạng nặng, đồng thời chuyển sang các thiết bị cơ động hơn.
3. Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản thành lập Lực lượng Phòng không Tây Nam mới
Lực lượng Phòng vệ Trên không là lực lượng lớn thứ hai của Lực lượng Phòng vệ, lợi thế của lực lượng này nằm ở các máy bay chiến đấu tiên tiến và các phi công lành nghề. Trong suốt Chiến tranh Lạnh, nó chủ yếu đối phó với các máy bay của Liên Xô cũ. Nhưng trong 20 năm qua, trọng tâm đã chuyển sang ứng phó với những thách thức ngày càng tăng của ĐCSTQ ở Biển Hoa Đông. Để đạt được mục tiêu này, Nhật Bản có kế hoạch mua tổng cộng 105 chiếc F-35A và 42 chiếc F-35B để thay thế phi đội F-4EJ đã nghỉ hưu của mình.
Để đối phó với hoạt động ngày càng tăng của ĐCSTQ, năm 2017, Khu vực Tây Nam được nâng cấp thành Khu vực Phòng thủ Tây Nam tương đương với ba khu vực phòng thủ còn lại và được trang bị lực lượng phòng không khu vực riêng, gọi là Lực lượng Phòng không Tây Nam. Lực lượng Phòng không Tây Nam ngày nay được tổ thành bởi 2 liên đội máy bay chiến đấu (Liên đội số 9) trong trung đội máy bay chiến đấu F-15, 1 liên đội điều khiến và cảnh báo máy bay cùng với 1 trung đoàn tên lửa tổ thành.
Do hạn chế về sân bay và cơ sở vật chất ở quần đảo Lưu Cầu, chính phủ Nhật Bản đã quyết định mua máy bay chiến đấu F-35B có thể cất và hạ cánh thẳng đứng, đồng thời chuyển đổi hai tàu khu trục chở trực thăng dòng Izumo thành tàu khu trục đa chức năng có thể thực hiện các chức năng của cánh cố định. hàng không mẫu hạm. Máy bay chiến đấu F-35B có thể cất cánh từ các sân bay bị hư hỏng hoặc các đường băng rất nhỏ, và khả năng giống hàng không mẫu hạm giúp cải thiện tính linh hoạt trong hoạt động của máy bay chiến đấu.
4. Khả năng chống tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản là thiên hạ vô song
Xét về số lượng, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản là lực lượng nhỏ nhất, nhưng nó lại là Lực lượng Phòng vệ Hàng hải đặc biệt nhất. Ưu điểm lớn nhất của lực lượng này là khả năng chống tàu ngầm được coi là “tốt nhất trong thế giới”, và nó có thể đối phó với các đường liên lạc hàng hải trong thời chiến. Trong thời gian Chiến tranh Lạnh, một trong những nhiệm vụ chính của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản là giám sát các tàu ngầm của Liên Xô và bảo vệ các tàu Mỹ. Các tàu ngầm này hoạt động ở vùng biển sâu của Thái Bình Dương và các tuyến đường thủy xung quanh Nhật Bản.
Do những thách thức hàng hải mà ĐCSTQ đặt ra ở khu vực quần đảo Lưu Cầu, chính phủ Nhật Bản đã dành nhiều nguồn lực để tăng cường năng lực chủ chốt của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải.
Cốt lõi là cho phép Lực lượng Phòng vệ Hàng hải có nhiều tàu khu trục và tàu ngầm tiên tiến hơn, để lực lượng này có thể tiến hành các hoạt động chống tàu ngầm và tình báo, giám sát và trinh sát, bao gồm trang bị tàu khu trục Aegis, vốn là trụ cột chính của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Nhật Bản. Mục tiêu của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải là có 54 tàu khu trục và 22 tàu ngầm vào khoảng năm 2024. Điều quan trọng là trong 10 năm tới, Nhật Bản sẽ thực hiện các biện pháp cho phép máy bay F-35B cất và hạ cánh thẳng đứng trên tàu nhằm nâng cao hơn nữa tính linh hoạt trong hoạt động của máy bay chiến đấu.
Các hạm đội trên mặt nước và dưới nước của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải hoàn toàn có đủ khả năng bảo vệ các tuyến đường liên lạc trên biển và “bóp nghẹt” các tuyến đường liên lạc trên biển trong khu vực. Ví dụ, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải có khả năng chống tàu ngầm và chống hạm mạnh mẽ, có thể phục kích các tàu ngầm Trung Quốc đang cố gắng thoát ra khỏi chuỗi đảo đầu tiên và tiến vào Thái Bình Dương.
Do Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ có rất ít tàu chống mìn, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản cũng có một hạm đội quét mìn ưu việt để hỗ trợ đắc lực cho quân đội Hoa Kỳ.
Trên đây là phần 1 giới thiệu về các lực lượng phòng vệ của Nhật Bản, phần tiếp theo chúng tôi sẽ thông tin chi tiết hơn về chiến thuật “mũi nhọn và lá chắn” của Liên minh Mỹ-Nhật.