Câu chuyện nữ sinh Việt có nên lấy nông dân Hàn ‘ế vợ’?

BBC

Khuyến khích nông dân lấy nữ sinh Việt Nam của giới chức thành phố Mungyeong, Hàn Quốc bị chỉ trích dữ dội.

Sự việc xảy ra vào giữa Tháng Tư 2021 vừa mới được các tổ chức dân sự và báo chí Hàn Quốc đề cập.

Đáng chú ý là họ không khuyến khích những nông dân trẻ. Họ muốn những người nông dân đã quá lứa lấy vợ trẻ là du học sinh Việt Nam.

Tờ Korea Herald, trích dữ liệu của Cơ quan Nhập cư Hàn Quốc, cho biết số học sinh nước ngoài tại Hàn Quốc đến từ Việt Nam và Trung Quốc chiếm tỷ lệ vượt trội, 69,8% của tổng số 158.923 tính đến tháng Ba năm nay. Trong số này, 59.876 là người Việt Nam và 51.094 là người Trung Quốc.

Trước đó, theo VN Express, học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc là nhóm du sinh gia tăng nhanh nhất tại nước này, với 15.000 học sinh trong năm 2018, tăng gấp ba so với một năm trước đó.

Quan chức thành phố ở khu vực North Gyeongsang của Hàn Quốc cho rằng họ chỉ mong muốn chống lại sự suy giảm dân số địa phương cũng như sự già hóa của xã hội Hàn Quốc.

Việc làm của quan chức Mungyeong đã dấy lên phản đối mạnh mẽ từ nhiều phía. Nhiều người cho rằng nó phản ánh sự kỳ thị, phân biệt đối xử.

BBC News Tiếng Việt phỏng vấn phụ nữ Việt Nam và Hàn Quốc đang sống và làm việc tại nhiều nước.

Cảm giác đầu tiên khi biết tin

Thạc sĩ Khoa học Chính trị, New York University, Bà Đỗ Hảo Như, không giấu cảm xúc của mình:

”Tôi rất bực mình. Chính phủ Hàn Quốc nghĩ sao khi định gán ghép mấy cô du sinh còn trẻ, có học với những nông dân ế vợ?”

Từng nhiều năm làm việc cho chính phủ Mỹ, bà Hảo Như đặt câu hỏi với giới chức Hàn Quốc: “Họ nghĩ sao nếu một nước Á Châu khác, Nhật chẳng hạn, khuyến khích nông dân ế vợ Nhật cưới nữ sinh Hàn?”.

Bà Lee Sang Hee, đang sống tại Việt Nam, Giám đốc Đối ngoại Công ty Vinco nói:

“Theo tôi nghĩ thì hôn nhân nên dựa trên tình yêu, vậy nên tôi khá buồn khi nghe về thông tin này.”

Bà tiếp: ”Tôi tự hỏi tại sao hôn nhân lại phải dựa trên nền tảng bằng tiền bạc và phải kết hôn theo những văn hóa hủ tục xấu xưa nay của đất nước. Tôi cảm thấy rất buồn về vấn đề này.”.

Nhà thơ MQA, muốn ẩn danh, sống và làm việc ở Đức, trả lời: “Tôi bị xúc phạm”.

Ngưng một lúc bà mới tiếp tục: “Tôi thấy rõ sự coi thường của người bản xứ với người Việt, mặc dù đối tượng là du học sinh, một tầng lớp gọi là có học trong xã hội.”

Đám cưới nữ sinh Việt với thanh niên Hàn (hình minh họa)
Chụp lại hình ảnh, Đám cưới nữ sinh Việt với thanh niên Hàn (hình minh họa)

Người nước ngoài đánh giá người Việt ra sao?

Ai đã sống và/hoặc làm việc ở các nước khác thì không khó để biết họ đánh giá người Việt Nam ra sao. Chỉ cần chú ý quan sát và so sánh cách họ đối xử với nhau và với người Việt Nam.

Theo bà Hảo Như: “Điều nầy chứng tỏ những người này đánh giá phụ nữ Việt Nam rất thấp, kể cả phụ nữ có học.”

Nhà thơ MQA thì lý giải rằng: “Người Việt Nam ra nước ngoài thường bị đánh giá thấp trước tiên cũng phải hiểu một phần do mình.”

“Vì nghèo, học xong không muốn về nước, bằng mọi hình thức ở lại nước ngoài, kể cả sinh con”, bà nói.

Nhắc đến bộ phim “Nông dân hiện đại’ của Hàn Quốc, bà MQA kể:

Bộ phim có đoạn người mẹ thấy con trai mình say, nằm ngủ vất vưởng trong nông trại, bà lay con dậy và nói: “Con muốn kết hôn thì cai rượu đi. Uống thế này, sang Việt Nam cũng không tìm được vợ đâu”.

Các nước khác sẽ phản ứng ra sao?

Câu hỏi chúng tôi nêu là người Mỹ, người Đức sẽ phản ứng ra sao nếu nữ sinh của nước họ cũng bị rơi vào hoàn cảnh tương tự?

“Tôi nghĩ rằng chuyện này không xảy ra với các du sinh Mỹ. Phụ nữ Mỹ tính độc lập, rất ghét cảnh làm mối làm mai” bà Hảo Như trả lời.

Vẫn theo bà Hảo Như: “Những cô tính lãng mạn, thích phiêu lưu có thể cưới một chàng nông dân Hàn Quốc. Tôi biết một cô Mỹ về Việt Nam gặp một nông dân Việt Nam rồi kết hôn. Bây giờ họ có con, rất hạnh phúc.”

Nhà thơ MQA cho rằng: “Ở Đức hơn 20 năm, tôi nghĩ sẽ không có chuyện này trên đất nước tự do nếu không muốn bị kiện ra toà vì xúc phạm danh dự.”

“Theo tôi nghĩ thì hôn nhân nên dựa trên tình yêu, vậy nên tôi khá buồn khi nghe về thông tin này. Tôi tự hỏi tại sao hôn nhân lại phải dựa trên nền tảng bằng tiền bạc và phải kết hôn theo những văn hóa hủ tục xấu xưa nay của đất nước. Tôi cảm thấy rất buồn về vấn đề này” là ý kiến của bà Lee Sang Hee.

Được biết, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc và sáu mươi ba nhóm công dân, bao gồm Đường dây nóng Phụ nữ Hàn Quốc, cùng với 144 cá nhân, đã tham gia vào việc gửi đơn thỉnh cầu chống lại chính quyền thành phố.

Những người này nói họ tin rằng chiến dịch của chính quyền thành phố Mungyeong đã vi phạm quyền bình đẳng của phụ nữ nhập cư cũng như quyền mưu cầu hạnh phúc của họ ở Hàn Quốc.

Một sinh viên Việt Nam tham gia cuộc họp báo diễn ra trước ủy ban cho biết vụ việc là kết quả của những định kiến và định kiến tiêu cực cho rằng phụ nữ Việt Nam đến Hàn Quốc chỉ để cố gắng kết hôn với người Hàn Quốc.

Đến nay, chưa thấy Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cũng như Toài Đại sứ Việt Nam lên tiếng.

Related posts