Mạn Vũ
Trên thế giới, Trung Quốc đang gây hấn khắp nơi. Thương chiến Mỹ – Trung chưa giảm nhiệt đã thấy đối đầu Úc – Trung nóng lên từng ngày. Gã khổng lồ Trung Quốc quen “lấy thịt đè người” tưởng chừng có thể mau chóng đánh gục chú chuột túi Úc. Song cục diện chừng như không giống với những toan tính của Bắc Kinh. Gió đang đổi chiều…
Và mọi chuyện đúng như Giáo sư Chương Thiên Lượng đã nhận xét: “Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khai mở chiến tranh thương mại với ai thì đều là ‘địch mất 800, ta mất 1000”, thực sự là ‘tốn công vô ích”. Vậy thì Úc đang có vũ khí bí mật nào khiến Trung Quốc phải nản lòng? Và Bắc Kinh liệu có còn đủ sức căng mình cho cuộc thương chiến vô nghĩa này?
Trung Quốc đắc tội tứ phương
Hiện tại ĐCSTQ đi đâu cũng đắc tội với người khác. Hoa Kỳ đã thông qua “Dự luật không biên giới”, chính là nói sẽ đối kháng với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực, không có giới hạn nào. Hoa Kỳ rõ ràng đang muốn quyết chiến với ĐCSTQ. Châu Âu đã hủy bỏ Hiệp định đầu tư Trung – Âu. Nhật Bản dưới thời tân Thủ tướng Yoshihide cũng ngày càng cứng rắn hơn với Trung Quốc. Giữa tháng 4 năm nay, ông Suga đã đến Toà Bạch Ốc gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden và không ngần ngại nói về một trong những điểm nhạy cảm nhất của Trung Quốc: vấn đề Đài Loan. Còn Úc đã đối đầu với Trung Quốc được một năm. Thậm chí có lúc quan chức quốc phòng, nguyên thủ của Úc đã cảnh báo về một cuộc chiến không thể tránh khỏi với Trung Quốc.
Bộ Tứ Mỹ, Nhật, Ấn, Úc về cơ bản đều đang sống mái một phen với Trung Quốc. Chiến tuyến đang mở rộng, đồng minh của Bộ Tứ ngày một nhiều hơn khi châu Âu đã tham chiến, các nước Đông Nam Á (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia…) cũng không muốn đứng nhìn Trung Quốc vơ vét tài nguyên biển Đông. Chúng ta đã thấy, trên bản đồ thế giới bây giờ, ngoại trừ một số quốc gia độc tài và nghèo đói còn đi lại gần gũi và kết minh với Trung Quốc, thì phần lớn các nước khác đều đã bị ĐCSTQ đắc tội rồi. Với những nước mà ĐCSTQ không dám đắc tội, ví như nước Nga, thì họ đã sớm bỏ rơi Trung Quốc rồi.
Mới đây, Ngoại trưởng New Zealand Mahuta đã cảnh báo các nhà sản xuất trong nước về “cơn bão thịnh nộ” từ Trung Quốc. Trong một thái độ lộ rõ sự bi quan, bà nói: “Chúng ta không thể phớt lờ những gì đang xảy ra trong quan hệ Úc – Trung. Úc đã tiến gần tâm bão thịnh nộ của Trung Quốc. Và một cơn bão như thế cũng có thể ảnh hưởng đến chúng ta. Đó chỉ là vấn đề thời gian”. Cơn bão thịnh nộ mà bà Mahuta nói đến chính là thương chiến Úc – Trung đang ngày một căng thẳng sau một năm đầy khói lửa. Giá trị hàng hóa xuất sang Trung Quốc chiếm gần 30% kim ngạch xuất khẩu của New Zealand. Đương nhiên, bà Mahuta có lý do để lo lắng.
Úc lật ngược thế cờ
Sự thực có vẻ như đang trái ngược lại với tất cả mọi dự đoán của những chuyên gia sừng sỏ nhất. Có một thống kê làm nhiều người sững sờ: Năm 2020, xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc đạt mức cao thứ hai trong lịch sử. Dù bị chế tài nhiều mặt hàng nhưng Úc vẫn xuất khẩu tới hơn 114 tỷ Mỹ kim sang Trung Quốc. So với năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Úc thậm chí còn lớn hơn tới 10%. Đây rõ ràng là một sự đả kích quá lớn đối với các nhà lãnh đạo ĐCSTQ. Khi quyết định trừng phạt Úc, Trung Quốc đã lộ ra điểm yếu cố hữu của mình: bề ngoài mạnh miệng, bên trong yếu đuối.
Khi áp chế tài lên Úc, Trung Quốc chỉ mong Úc mau chóng nhận thua và phục tùng mình. Nhưng Úc không phải là Pháp hay Hàn Quốc – những nước cũng từng chịu chế tài và cuối cùng đã phải lên tiếng xin lỗi Trung Quốc. Lần này, Trung Quốc cũng đợi Úc xin lỗi trước. Nhưng sau khi bất hoà nổ ra, Úc ngày càng kiên cường. Điều đó khiến ĐCSTQ thực sự bất ngờ và hoảng sợ.
Đến nay, Trung Quốc đã áp thuế nhập khẩu lên nhiều sản phẩm xuất khẩu của Úc như: than, thịt, tôm hùm, rượu… nhằm trả đũa việc Úc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch Covid-19 ở Vũ Hán. Tất nhiên, trong cuộc chiến này, Úc cũng phải gánh chịu thiệt hại. Ngành công nghiệp xuất khẩu rượu của Úc sụt giảm kim ngạch xuất khẩu lên tới 96% trong quý 1/2021. Bắc Kinh tiếp tục hả hê lấn tới khi tuyên bố tạm dừng “vô thời hạn” Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung Quốc – Úc.
Trung Quốc rõ ràng đang nhằm vào những mục tiêu khác ngoài rượu và thịt bò, cụ thể là xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Úc. Một báo cáo của Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết: hai đơn vị nhập khẩu khí đốt cấp 2 của Trung Quốc đã được chỉ thị không nhập hàng từ Úc trong vòng 1 năm. Nhưng có một điều Trung Quốc chưa tính đến là các tập đoàn năng lượng lớn của họ như: CNOOC, Sinopec và PetroChina đều có cổ phần ở 3 dự án khí đốt tại Queensland (Úc). Bởi vậy, Trung Quốc khó có thể buộc các công ty nhà nước dừng nhập hàng từ Úc, trừ khi họ muốn mua khí đốt với giá đắt hơn. Nên nhớ, Úc hiện là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Trung Quốc.
Và hàng hoá của Úc vẫn ùn ùn kéo vào thị trường Trung Quốc. Năm nay, 43 thùng hàng mà Úc vận chuyển tới Trung Quốc trong tháng 4 đã đạt gần với mức kỉ lục. Còn Trung Quốc vẫn tiếp tục tự đả thương mình khi ngoảnh mặt với than đá Úc và chấp nhận chi trả gấp đôi để mua than từ Nga hoặc mua than giá rẻ, chất lượng kém từ Indonesia. Úc cũng không chịu đầu hàng khi nỗ lực chuyển hướng đa dạng hoá thị trường. Họ đã tìm được một bạn hàng lớn là Ấn Độ, nước nhập khẩu than lớn thứ 2 thế giới. Úc đã xuất khẩu tới 1,87 triệu tấn than sang Ấn Độ vào tháng 12/2020, tăng 450% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc có thể cấm thịt, rượu và than của Úc nhưng có một thứ họ không thể nào chế tài dù rất căm phẫn: đó là quặng sắt. Những ngôn từ ngoại giao kiểu “sói chiến” không thể khoả lấp đi những nhược điểm cố hữu của nền kinh tế Trung Quốc. Và điều làm Trung Quốc “khổ không nói nên lời” chính là: chỉ trong vòng 1 năm, giá quặng sắt Úc đã tăng hơn gấp 3 lần, từ 60 Mỹ kim lên tới 200 Mỹ kim mỗi tấn. Đáng nói, quặng sắt chính là mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất của Úc. Hơn thế, Trung Quốc “thèm khát” tài nguyên, thèm khát quặng sắt vô cùng tận. Chính điều này khiến họ đã phải tổn phí mất không biết bao nhiêu tiền trong cuộc thương chiến này.
Địch mất 800, ta mất 1000
Dân số Úc là bao nhiêu? Tổng cộng chỉ có hơn 25 triệu người. Với 25 triệu nhân khẩu thì dân số Úc chỉ tương đương với dân số của thành phố Trùng Khánh của Trung Quốc mà thôi! Trung Quốc chế tài Úc, tựa như gã khổng lồ đấu với bé hạt tiêu vậy, ai cũng nghĩ Úc sẽ sớm chịu không nổi. Nhưng chẳng ngờ, người chịu không nổi lại chính là ĐCSTQ.
Trung Quốc chế tài than của Úc, kết quả là giá than nhập khẩu tăng vọt. Trung Quốc không đủ than đốt cho mùa đông, rất nhiều địa phương phải cắt điện. Trung Quốc chế tài rượu nho của Úc, Úc căn bản không quan tâm. Úc không bán cho Trung Quốc thì bán cho người khác. Sau đó, Trung Quốc còn phải “cắn răng” mua quặng sắt của Úc với cái giá không hề dễ chịu.
Trung Quốc muốn đánh Úc nhưng chẳng ngờ đã nhận đòn “hồi mã thương”, tự đả thương chính mình. Và điều quan trọng nhất là rất nhiều quốc gia đều đã phát hiện rằng bị ĐCSTQ chế tài không có gì là đáng sợ cả. Trong một nền kinh tế mở toàn cầu, Trung Quốc đang phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu thô của Úc. Cho nên khi khai mở thương chiến, Trung Quốc chính là lâm vào thế ‘địch mất 800, ta mất 1000”, thực sự là tốn công vô ích.
Có thể thấy sự lo lắng của Ngoại trưởng New Zealand, như ở phần đầu chương trình chúng ta đã đề cập, là hơi thái quá. Cộng đồng quốc tế đang ngày càng đòi hỏi New Zealand phải có chính kiến và lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Tân Cương và Hong Kong. Nhưng New Zealand vẫn đang tiến thoái lưỡng nan vì kinh tế phụ thuộc Trung Quốc quá nhiều. Bài học từ nước Úc có thể là một tham chiếu đầy khích lệ cho New Zealand để nước này tự tin đứng trong hàng ngũ Liên minh Ngũ Nhãn cùng với Anh, Mỹ, Canada và Úc.
Thương chiến Mỹ – Trung hãy còn nóng hổi, Trung Quốc có vẻ như lại đang sa lầy vào một cuộc chiến cầm chắc phần bại nữa với Úc. Câu chuyện sẽ đi về đâu? Liệu Úc – Trung có sớm tiến hành một hoà đàm về thương mại? Hay Trung Quốc sẽ tiếp tục siết chặt gọng kìm với kinh tế Úc, điều cũng sẽ khiến chính họ ngày một khó thở hơn? Người Trung Quốc vẫn nói “kết thêm bạn bè chứ đừng tạo thêm kẻ thù”. Bây giờ là lúc họ phải lựa chọn kết thêm bạn hay gây thêm thù. Chúng ta hãy cùng chờ xem!
Mạn Vũ