Tuấn Thảo
Logo của MGM tại trụ sở chính ở Beverly Hills, California, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 26/05/2021. REUTERS – MARIO ANZUONI
Sau vụ sáp nhập hãng phim 21th Century Fox vào tập đoàn giải trí Disney hồi tháng 03/2019, nay đến phiên tập đoàn Amazon thực hiện một vụ mua bán ngoạn mục, khi mua lại trong tuần qua hãng phim nổi tiếng MGM. Đối với giới chuyên ngành, thương vụ này đánh dấu một bước ngoặt mới trong lịch sử điện ảnh. Câu hỏi đặt ra là liệu Amazon sẽ làm gì với tủ phim MGM gồm gần 4.000 tác phẩm điện ảnh.
Tập đoàn thương mại điện tử Amazon đã thực hiện một cú đột phá cực kỳ ngoạn mục. Khi công bố hôm 26/05 vừa qua việc mua lại hãng phim nổi tiếng lâu đời Metro-Goldwyn-Mayer với giá gần 8 tỷ rưỡi đô la, Amazon đã gây tiếng vang lớn, đủ để làm tăng giá trị cổ phiếu của mình trên thị trường chứng khoán. Thương vụ này giúp cho Amazon gầy dựng thêm uy tín trong ngành công nghiệp điện ảnh, Amazon chỉ dấn thân vào lãnh vực này kể từ năm 2010 qua việc thành lập hãng phim Amazon Studios, và bắt đầu sản xuất phim mang thương hiệu của mình hầu cạnh tranh trực tiếp với mạng phim Netflix.
Bề dày lịch sử của hãng phim Metro-Goldwyn-Mayer
Đây là lần thứ nhì tập đoàn Amazon ký một tấm ‘‘ngân phiếu” khổng lồ để đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, lần trước Amazon đã chi 13,7 tỷ đô la vào năm 2017 để mua chuỗi siêu thị Whole Foods. Còn lần này, Amazon muốn củng cố vị trí của mình trong cả hai vế phân phối (Amazon Prime Video) và sản xuất điện ảnh (Amazon Studios) hầu chen chân vào một thị trường vốn đã có nhiều đối thủ cạnh tranh : HBO Max của nhóm Warner Bros, Disney+ của tập đoàn cùng tên và nặng ký nhất vẫn là Netflix Studio với chiến lược ”chiêu hiền đãi sĩ” tiếp tục lôi kéo nhiều tên tuổi lớn về hợp tác với mình như trường hợp gần đây của Zack Snyder ngưng hợp tác với Warner để chuyển qua làm phim ”Army of the Dead” (Đội quân thây ma) cho Netflix .
Được thành lập vào năm 1924, hãng phim MGM đánh dấu sự kết hợp của hãng phim Metro Pictures với hai nhà sản xuất nổi tiếng Samuel Goldwyn và Louis B. Mayer. Một cách nhanh chóng, Metro-Goldwyn-Mayer đã trở thành một trong những hãng phim quan trọng nhất tại Hollywood, nhờ vào một bộ vựng tập phong phú với nhiều tựa phim kinh điển quay với dàn diễn viên sáng giá nhất của từng thời. Thương hiệu và logo MGM có thể được khán giả nhận ra ngay, không thể nhầm lẫn vào đâu được. Một con sư tử bờm vàng lẫm liệt oai phong, hiên ngang tiếng rống.
Tiếng gầm của sư tử MGM đã mở đầu cho nhiều tác phẩm điện ảnh thành công nhất trong thời kỳ vàng son của Hollywood, điển hình là bộ phim ”Gone with the Wind” (Cuốn theo chiều gió) và sau đó nữa là ”The Wizard of Oz” (Phù thủy xứ Oz) hay là ”Singin’ in the Rain” (Hát đùa dưới mưa). Cả bộ phim này đều có ca khúc chủ đề đứng đầu danh sách 100 nhạc phim hay nhất theo cách xếp hạng của Viện phim ảnh Mỹ AFI. ”The Wizard of Oz” giành lấy hạng nhất nhờ ca khúc ”Over the Rainbow”, còn ”Singin’ in the Rain” đứng hạng 3 nhờ ca khúc chủ đề cùng tên với điệu múa nhuần nhuyễn của ngôi sao màn bạc Gene Kelly.
Tủ phim MGM sẽ được giữ nguyên hay bị xé vụn
Hãng phim MGM cũng chia sẻ quyền khai thác hai dòng phim mang thương hiệu cực kỳ nổi tiếng : đó là điệp viên 007 “James Bond” và võ sĩ quyền anh “Rocky” mà cho tới nay đã có 8 bộ phim, kể cả các tác phẩm reboot (tái khởi động) với các phần hậu truyện khai thác tuyến nhân vật Creed, ”đệ tử” của Rocky Balboa. Theo lời đạo diễn kỳ cựu người Pháp Claude Lelouch, từng hợp tác với United Artists, chi nhánh của MGM, hãng này có một catalogue phim cực kỳ đa dạng phong phú, hầu như mỗi thập niên đều có tác phẩm để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử điện ảnh. Hẳn chắc là các thước phim xưa thuộc vào hàng ”kinh điển” sẽ vẫn thu hút nhiều ”dân ghiền” nghệ thuật thứ bảy, mà cho tới giờ vẫn là điểm bất cập của các mạng phát hành phim trực tuyến.
Khi mua lại hãng phim MGM với giá gần 8,5 tỷ đô la, Amazon dường như quan tâm đến những dự án hợp tác trong tương lai nhiều hơn là khai thác các tựa phim cũ. Bộ sưu tập 4.000 phim của MGM chưa chắc gì sẽ được đưa vào kho dữ liệu video của mạng Amazon Prime. Hãng MGM đã đóng góp nhiều tác phẩm điện ảnh có giá trị cho làng nghệ thuật thứ 7, nhưng kể từ khi tuyên bố phá sản vào năm 2010, danh mục phim của MGM không còn được giữ nguyên mà lại bị xé ra thành nhiều mảnh, bán lại cho các tập đoàn khác kể cả hãng phim Warner Bros. Hầu như tất cả các bộ phim Mỹ có từ trước những năm 1950 hiện thuộc quyền sở hữu của HBO Max, chi nhánh của tập đoàn Warner.
Thời đại sáp nhập công ty trong cuộc đua giành lấy thị phần
Theo ông Alain Le Diberder, một chuyên gia ngành truyền thông và từng là giám đốc chương trình đài truyền hình Canal+ (1994-2001) và đài Arte (2012-2017), ngày vươn lên của các mạng phim như Netflix hay Disney+ mở ra thời đại sáp nhập các công ty hầu tạo ra một vị trí vững chắc hơn trong cuộc chạy đua giành lấy thị phần. Sự kiện Amazon mua lại hãng phim MGM đã tạo ra một tiếng vang lớn nhưng trong thực tế, lợi ích vẫn còn bị hạn chế đối với tập đoàn của ông Jeff Bezos.
Doanh thu đến từ việc khai thác phim của MGM sẽ không có gì nhiều so với lợi nhuận hàng năm của Amazon từ các lãnh vực hoạt động khác. Nhưng xét về mặt uy tín, thì MGM sẽ giúp cho Amazon đánh bóng thương hiệu, tạo thêm bề dày và chiều sâu nhất là vào năm 2024, hãng phim MGM sẽ mừng sinh nhật 100 tuổi. Cũng theo ông Alain Le Diberder, chiến lược của Amazon hiện giờ vẫn chưa rõ ràng. Trước đây, khi tập đoàn Disney bỏ ra hàng chục tỷ đô la để mua lại các công ty như Lucasfilms, Marvel hay là Century Fox là để giành lấy thế thượng phong nếu không nói là nhắm tới thế bá quyền do nắm giữ hầu hết các dòng sản phẩm ăn khách nhất. Trái với các đối thủ, Amazon vẫn chưa có nhiều thương hiệu nổi tiếng, đủ để chống chọi lại Disney hay Netflix.
Thật vậy, liên quan tới dòng phim “James Bond”, hãng phim MGM nắm giữ quyền phân phối và khai thác các bộ phim với điệp viên 007, nhưng lại không có quyền quyết định về mặt chỉ đạo nghệ thuật hay chiến lược tiếp thị. Cả hai khâu này thuộc quyền quản lý của Eon Productions do hai chị em Barbara Broccoli và Michael G. Wilson điều hành. Tập phim thứ 25 của James Bond tuy đã nhiều lần bị hoãn lại trong một năm do dịch Covid-19, nhưng theo tuần báo Variety, ”No Time to Die” chưa có thể được chiếu ở rạp chừng nào chưa có sự đồng thuận của hãng phim Eon.
Theo đạo diễn Pháp Claude Lelouch, tình trạng hiện nay là do các mạng phim trực tuyến cũng như các tập đoàn thương mại điện tử thay vì đơn thuần giữ vai trò phân phối lại muốn kiểm soát thêm nhiều khâu quan trọng khác trong kỹ nghệ điện ảnh. Còn theo chuyên gia Alain Le Diberder, việc mua lại MGM chỉ là giai đoạn đầu trong kế hoạch nhiều bước của Amazon. Tập đoàn này đang có dự án mua lại chuỗi rạp phim AMC. Hãng phim Paramount nay đã hơn 100 tuổi (sáng lập vào năm 1912) cũng nằm trong tầm nhắm của giới đầu tư. Hiện tượng này không chỉ riêng gì tại Mỹ mà cũng đang xẩy ra ngay tại Pháp, hai kênh truyền hình tư nhân Pháp TF1 và M6 gần đây đã tuyên bố sáp nhập để tìm thế đối trọng với đà chinh phục của Netflix hay Amazon.