Xin tạ ơn Thầy. Tamar Lê
Lúc mới tập tễnh qua Monash làm nghiên cứu sinh về âm ngữ học, tôi như con nai vàng ngơ ngác lang thang trên lá vàng khô, cứ tưởng mình biết nhiều nhưng thật ra ‘anh thì không’. Giáo sư hướng dẫn của tôi khuyên tôi ‘network’ với học giả ở những đại học khác. Thế là tôi bắt đầu tìm thầy học đạo.
Lúc đó Professor Arthur Delbridge là ngọn đuốc lớn ở Úc trong ngành ngữ học tại Macquarie University. Giáo Sư là người sáng lập ra Macquarie Dictionary 1981, và đã nổi tiếng về nghiên cứu Australian English phonology. Theo giáo sư, Australian English không ‘phân biệt rõ’ từng miền (distinctive dialect) như ở Anh hay Việt Nam mình, trái lại sự khác biệt được thấy rõ theo khía cạnh xã hội (sociolect, social background).
Theo Giáo Sư, Aussie English có ba loại sociolects: Broad, common, và cultivated. Khi mình nghe người Úc phát âm ‘how’ như là ‘heo’, thì người đó nói “Broad Aussie English”, hay “oi kum hia tu đai” (I come here today).
Sau khi uống một ly rượu mạnh, tôi lấy đủ can đảm viết thư cho GS Delbridge, tỏ ý muốn lên thăm ‘ngài’ để học hỏi thêm về nghiên cứu ngữ học. Viết thì viết, chứ không dám nuôi hy vọng nhận được thơ trả lời vì mình chỉ là một hạt cát nhỏ của biển khơi. Nhưng may là tôi cũng rất dị đoan, tin ở ‘chó ngáp phải ruồi’.
Wow, tôi không ngờ cái ngáp của tôi thần diệu thật. Chỉ vài ngày sau, tôi nhận được thơ trả lời của Thầy, lời lẽ rất thân mật như kiểu “Lưu Bình, Dương Lễ”. Thầy nói tôi lên thăm Macquarie bao giờ cũng được, bao lâu cũng được, và muốn nghiên cứu chung với ai cũng được. Nghe chữ ‘được’ tôi khoái chí và tự đãi mình thêm hai chai bia.
Khi tôi đến Macquarie, Thầy và phu nhân (một giáo sư âm nhạc) đã đợi sẵn, rót trà nóng và đem bánh ngọt cho tôi, xem tôi như đứa con mới của gia đình Macquarie. Tôi rất xúc động vì mình thực sự quá nhỏ nhoi, không xứng đáng sự chăm sóc của thầy. Rồi vài năm sau, từ Tasmania, tôi lên Macquarie làm việc sáu tháng, như là visiting lecturer, trước khi thầy về hưu.
Thật sự ra, bằng biếu, tiền bạc, chức vị dù quan trọng trong xã hội, nhưng tình người vẫn luôn là báu vật vô giá. Như Prof Philip Newal đã viết ghi nhớ Professor Delbridge: “Trên tất cả, chính phong cách hài hước hay của Arthur đã tạo ra một môi trường chuyên nghiệp vui vẻ và hiệu quả, nơi tạo nên tình bạn bền vững. Tất cả chúng ta đều là những người thụ hưởng di sản này.”
(Above all it was Arthur’s good humoured style that created such a happy and productive professional environment, where sustained friendships were made. We are all beneficiaries of this legacy.)
Vào ngày sinh nhật của tôi năm 2014, tôi bay lên Sydney một tuần và có ý định tìm thăm thầy, buồn thay một đồng nghiệp đặt tay lên vai tôi . . . rồi thở dài: “Arthur đã lià đời ngày hôm qua”.
Tôi không kèm được giọt nước mắt. Tôi nghe tim mình thổn thức: “xin tạ ơn Thầy”.