Người đưa tin buồn – Tamar Lê
Hồi mới lên 14 tuổi, lúc đang học lớp đệ tứ trung học ở Quảng Ngãi, tôi có một người bạn tên là Nam. Anh bạn này rất khôi ngô, nhanh nhẹn, đẹp trai, chỉ có một ‘cái tội’ là rất nghèo. Có lẽ vì chung số phận nghèo nên chúng tôi rất tâm giao. Nam là con một của một gia đình làm nông ở một làng nhỏ và nghèo xơ xác, cách thành phố khoảng 12km. Nam lên tỉnh học và cuối tuần thì về với cha mẹ.
Tình bạn học kéo dài vài năm thì Nam theo một gia đình ra Huế sống và học ở đó. Thỉnh thoảng tôi có tin tức với nhau, nhưng hồi đó không có Internet như bây giờ, nên sự thắm thiết cũng phai dần theo ngày tháng.
Một hôm vào giữa trưa trong ba tháng hè, khi tôi đang ngồi nghe nhạc trong nhà, một người quen đến báo cho tôi biết một tin như sét đánh. Tôi kinh hoàng, cứ lập đi lập lại câu nói: “Sao lại vậy, sao lại vậy.” Nam bị tai nạn xe cộ và đã mất hôm qua. Gia đình ở Huế muốn nhờ tôi báo tin buồn này cho cha mẹ anh ấy.
Tôi đâu phải là một nhà tâm lý học biết chia sẻ nỗi đau của tha nhân. Tôi chỉ là một học sinh mới lớn, còn non nớt với đời, không có kinh nghiệm giao tế, ăn nói thì quờ quạng, nói hưu ra vượn … làm sao tôi có thể báo hung tin này cho ông bà cụ già sống lam lũ qua ngày trên đồng ruộng khô để nuôi con ăn học. Nhưng nếu tôi từ chối, thì ai sẽ đưa tin này cho ông bà. “Thôi thì cố ráng vậy, Thảo”, tôi tự nhủ với lòng mình.
Con đường làng gập ghềnh quanh co nên cũng mất nhiều thời gian và sức lực để đi. Khổ nỗi, chiếc xe đạp của tôi cũng ‘tàn tạ’, nên con đường làng hun hút càng dài thêm… Cuối cùng, trước mắt tôi là túp lều tranh lụp xụp, có bà cụ đang hái rau nấu cơm chiều. Khi bà thấy tôi, mặt bà tươi lên với nụ cười bình thản đón tôi vào nhà.
Tôi như người câm khi nhìn thấy bà trong nghịch cảnh này, nhưng vì quá xúc động, tim tôi nghẹn đi với nhiều nỗi đau và tiếng khóc còn ấp ủ trong lòng. Bà rót cho tôi chén trà xanh nóng và cố ngồi đợi ba của Nam về thì tôi mới dám đưa tin… vì tôi đoán biết bà sẽ trở nên điên dại, không cầm lòng được khi nghe tin con mình đã ra đi…
Khoảng nửa tiếng sau, khi hoàng hôn rơi xuống, một người đàn ông tuổi già sức yếu, vác trên vai cái cuốc nặng, tay cầm cái rựa, từ đồng ruộng bao la, xuất hiện trước sân nhà. Tôi bước ra phía ông, hai tay run run cố nắm chặt tay ông, không biết sao, tôi òa khóc như đứa trẻ thơ…