Mạn Vũ
“Người Trung Quốc nếu muốn tăng tỷ lệ sinh, thì họ phải giải quyết ba tầng diện là kinh tế, văn hoá và tín ngưỡng”…
Đây là nhận định của Giáo sư Chương Thiên Lượng trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 1/6 khi mạn đàm về chính sách ba con của ĐCSTQ.
Giáo sư Chương đi từ hiện tại, sau đó lùi về thời Đông Hán, trải qua 500 năm đến thời Tuỳ – Đường để cho chúng ta có cái nhìn rõ ràng về vấn đề suy giảm tỷ lệ sinh và tại sao người trẻ lại không muốn sinh con.
Trong bài phân tích còn đề cập đến những vấn đề như: Tại sao già hoá dân số ở Nhật Bản lại nghiêm trọng, tại sao người xưa lại không nghĩ quá nhiều về việc sinh con, cách kiếm tiền của giới tinh anh, hay như dù bạn có cố gắng thế nào cũng không khá hơn thì bạn có nỗ lực không… Tất cả sẽ được giải đáp trong bài đàm luận của Giáo sư Chương.
***
Dân chúng Trung Quốc không cần nói là sinh con thứ ba, hiện tại sinh con thứ hai hay thậm chí sinh con đầu lòng họ cũng không muốn sinh. Rất nhiều người khi đề cập đến vấn đề này đều đứng tại góc độ kinh tế mà suy xét.
Còn tôi đầu tiên nói về kinh tế, sau đó về văn hóa, rồi đến tín ngưỡng. Tôi từ ba tầng diện mà phân tích một chút vì sao người Trung Quốc không muốn sinh con.
Kinh tế
Đầu tiên nói về vấn đề sức ép kinh tế, chính là chi phí nuôi con ở Trung Quốc là quá cao. Bạn biết rằng ‘giai tầng phân hoá cố định’ là vấn đề rất nghiêm trọng. Nếu bạn là giai tầng tinh anh, thế thì con của bạn rất có khả năng vẫn là giai tầng tinh anh. Nếu con của bạn sinh ra ở tầng đáy xã hội, vậy thì tương lai nó có khả năng thuộc về tầng đáy của xã hội.
Do đó đối với đại đa số mọi người mà nói, nếu một đứa bé sinh ra đã biến thành một ‘đối tượng’ (1) bị quyền quý khinh rẻ và là một công cụ để bóc lột, như thế làm bậc cha mẹ sẽ cảm thấy rất có lỗi với đứa con ấy, đứa trẻ sau khi sinh ra phải chịu khổ như thế trong xã hội, vậy thì chi bằng không sinh nó ra thì tốt hơn.
Tôi muốn nói với mọi người một chút về vấn đề sinh con đẻ cái, nó không phải chỉ là vấn đề kinh tế. Ở Nhật Bản, mọi người biết đấy, dân số cảm giác như là rất nhiều. Chúng ta biết rằng Nhật Bản có 120 triệu dân, nhưng vấn đề già hóa dân số của Nhật Bản lại vô cùng nghiêm trọng. Nhật Bản vì để giải quyết vấn đề già hóa dân số, đã ban hành rất nhiều chính sách khuyến khích sinh sản, hầu như bạn sinh ra và nuôi dưỡng trẻ không tốn chi phí. Dù như thế nhưng tỷ lệ sinh của Nhật Bản vẫn rất thấp.
Hiện tại dân số của Nhật Bản là 120 triệu người, nhưng đến năm 2040, dự đoán dân số của Nhật Bản sẽ giảm xuống dưới 100 triệu người, nghĩa là giảm 20 triệu người. Đây là con số rất đáng sợ. Do đó chính phủ Nhật Bản rất lo lắng, và họ đã ban hành rất nhiều chính sách khuyến khích sinh sản.
6 hạng mục chính sách của Nhật Bản
Hạng mục chính sách đầu tiên là ‘kiểm tra sinh sản’ hầu như miễn phí. Nghĩa là bạn sinh con không cần tốn tiền, bạn sinh đứa con đầu tiên chính phủ sẽ cấp cho bạn hồi khoản trợ cấp 420.000 Yen Nhật, bạn sinh đôi sẽ là 840.000 Yen Nhật, tương đương với 4.200 đô-la Mỹ (khoảng 96 triệu đồng) và 8.400 đô-la Mỹ (khoảng 192 triệu đồng). Cho nên điều thứ nhất là bạn sinh con không tốn tiền hơn nữa còn lãnh được trợ cấp.
Thứ hai chính là đứa trẻ từ khi sinh ra đến 15 tuổi, mỗi tháng có thể nhận được một phần tiền sữa bột. Tiền nhiều hay ít căn cứ vào thu nhập của cha mẹ mà quyết định, thu nhập của cha mẹ càng thấp, thì tiền sữa bột lãnh được càng nhiều. Cho nên tương đương với việc đứa trẻ từ lúc sinh ra cho đến 15 tuổi, chính phủ giúp bạn nuôi con.
Thứ ba là trị bệnh cho trẻ là miễn phí.
Thứ tư là trẻ em đi học là miễn phí, từ tiểu học đến trung học cơ sở, đến trung học phổ thông đều miễn phí.
Thứ năm, nếu bạn sinh con nhiều, diện tích chỗ ở cho ở gia đình không đủ, bạn có thể đăng ký nhà ở giá rẻ của chính phủ hoặc là chính phủ sẽ trợ cấp cho bạn.
Thứ sáu, nếu cha mẹ làm việc 5 năm trở lên, họ có thể mua nhà với khoản trả trước bằng 0, sau đó là một khoản vay với lãi suất thấp.
Từ 6 chính sách trên của Nhật Bản, bạn cảm thấy dường như nuôi dạy trẻ không tốn chi phí. Tất nhiên không tốn chi phí ở đây là chi phí kinh tế, còn tình cảm và công lao của cha mẹ bỏ ra để nuôi dưỡng và yêu thương con cái là vô giá. Vậy mà tỷ lệ sinh của Nhật Bản vẫn không tăng…
Sự phân hoá cố định của giai tầng
Con cái của giai tầng tinh anh được học ở trường tư thục, nhận được giáo dục tốt nhất, thường ra nước ngoài, mở mang tầm mắt, kết giao với giai tầng tinh anh. Vậy thì theo cách nói của người Trung Quốc chính là ‘con cái của gia đình phổ thông từ khi sinh ra đã thua ở vạch xuất phát’.
Ngoài ra, Nhật Bản vô cùng coi trọng giáo dục, cho nên con cái của giai tầng tinh anh cũng vô cùng tốt, họ cũng là nỗ lực học tập, chăm chỉ làm việc. Do đó tương đương với việc: điều kiện gia đình của họ tốt hơn bạn, kiến thức rộng hơn bạn, học tập cũng nỗ lực như bạn, công tác cũng chăm chỉ như bạn; vậy thì con cái giai tầng phổ thông làm sao có thể cạnh tranh vượt qua họ được đây?
Đây là giải thích về tỷ sinh thấp ở Nhật Bản của một số người trên mạng. Tâm lý của người Nhật như thế nào, thực tế thì tôi cũng không biết, tôi chỉ ở Nhật Bản khoảng 10 ngày, giống như ‘cưỡi ngựa xem hoa’, chứ không thâm nhập vào cuộc sống người dân bản địa. Nhưng đối với người Trung Quốc mà nói, ‘giai tầng phân hoá cố định’ là một vấn đề vô cùng quan trọng.
Hôm 31/5 tôi có làm một chương trình trên trang hội viên “Thành trì hy vọng”, nói về việc gần đây có một phụ nữ 29 tuổi tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, đề nghị mức lương hàng tháng là 35.000 NDT (gần 126 triệu đồng) một tháng cho công việc bảo mẫu.
Đây là bảo mẫu cao cấp của Trung Quốc, người đó có trình độ học vấn cao, chỉ số EQ (trí tuệ cảm xúc) cao, thậm chí tinh thông các loại nhạc cụ, họ ra vào trong những dinh thự hàng đầu, đi những chiếc xe hạng sang, hưởng thụ những dịch vụ cao cấp dành cho họ. Công việc của họ chính là… đồng hành cùng với những đứa trẻ – con của những nhà cự phú hàng đầu, lớn lên cùng chúng, sau đó huấn luyện chúng để trở thành nhân tài.
Con của những gia đình làm công ăn lương bình thường, dù thế nào cũng không có những nguồn lực để cạnh tranh với những đứa trẻ con của giới tinh anh.
Giới tinh anh kiếm tiền dễ dàng hơn người làm công
Cùng theo việc chúng ta lớn lên, đối với lý giải xã hội này, bạn sẽ biết rằng giới tinh anh kiếm tiền so với người làm công bình thường như chúng ta kiếm tiền, nó hoàn toàn không phải cùng một khái niệm.
Phương pháp của họ cũng không giống chúng ta. Họ thông qua vận hành huy động nguồn vốn hoặc là thông qua việc nắm chắc những tài nguyên/nguồn lực quan trọng để kiếm tiền. Cho nên họ kiếm tiền dễ dàng hơn nhiều so với chúng ta. Đó chính là lý do vì sao bạn sẽ thấy khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng lớn. Bởi vì cách thức kiếm tiền của giai tầng tinh anh hoàn toàn khác với chúng ta.
Lấy ví dụ, như chúng tôi làm tiết mục trên Youtube, toàn bộ thu nhập quảng cáo của chúng tôi, sau khi bị Youtube lấy đi tất cả các chi phí, họ đưa lại cho người sáng tạo nội dung 55% lợi nhuận. Cũng chính là nói, chúng tôi làm tiết mục này tạo ra giá trị, Youtube sau khi chi trả tất cả chi phí, thì phần lợi nhuận còn lại đưa cho người sáng tạo 55%. Điều này có nghĩa 45% lợi nhuận bị Youtube lấy đi. Đây không phải là 45% ‘thu nhập’ – revenue, mà là 45% lợi nhuận.
Vậy như tôi đây, sau khi nhận được 55%, trên cơ bản phải đóng thuế 40% bởi vì bạn tương đương với Contractor (lao động tự do – freelacer), bạn phải đóng thuế thu nhập – Income Tax. Như vậy phần bạn có được chỉ còn 33% (đóng 0,4 bạn còn 0,6; 0,55×0,6 = 0,33). Vậy thì nếu bạn ‘nuôi sống’ team của bạn hoặc là quyên góp từ thiện, thì phần đến tay bạn chỉ khoảng 10% lợi nhuận bạn tạo ra.
Đây chính là kết quả bạn làm công. Nhưng Youtube lấy 45% thật là nhẹ nhàng. Dù là như thế, bạn phải cảm ơn Youtube, bởi vì họ cung cấp cho bạn một nơi có thể ‘lên tiếng’ và khuếch đại ảnh hưởng của bạn. Đấy cũng là cơ chế thị trường quyết định. Bạn không muốn thì bạn có thể không làm, cho nên bạn không thể đổ lỗi cho Youtube.
Nhưng ở đây phản ánh ra một vấn đề: bạn là người làm công, giống như tôi làm bình luận trên Youtube; dù bạn nỗ lực thế nào, vị trí của bạn trong ‘chuỗi thức ăn’ không có cách nào xê dịch.
Văn hoá: quan niệm ‘nối dõi tông đường’
Có một số người họ làm lao động tay chân, ví như công nhân xây dựng, công nhân vệ sinh, nhân viên chuyển phát, v.v… họ kiếm tiền còn khó khăn hơn nữa. Vấn đề ở đây chính là, nếu ‘giai tầng phân hoá cố định’ thì chúng ta liệu có nỗ lực không? Đây lại là vấn đề liên quan đến thái độ sống.
Chúng ta nói con người hiện tại tư tưởng của họ đã thay đổi rồi. Nếu ‘giai tầng phân hoá cố định’ thì tôi nỗ lực cũng không có tác dụng, vậy nên tôi sẽ không nỗ lực nữa. Đây là cách nghĩ của rất nhiều người hiện nay. Nhưng con người thời xưa kỳ thực có hai loại thái độ khác nhau.
Về thái độ đầu tiên, mọi người biết rằng chính là giữa và cuối thời Đông Hán, giai tầng xã hội cũng rất ‘phân hoá cố định’, thời ấy gọi là ‘kinh học chuyên gia’. Thời Đông Hán là ‘độc tôn Nho thuật’ (chỉ tôn kính Nho gia). Bạn muốn ra làm quan, bạn phải hiểu kinh điển Nho gia. Kinh điển Nho gia thông thường đều nằm trong tay một vài người có tri thức, hơn nữa những kiến giải độc đáo mà họ nắm vững chỉ được truyền lại trong gia tộc của họ.
Khi người này khi không làm quan nữa, họ lại tìm người hiểu được kinh điển đó, trên cơ bản chỉ có thể chọn người trong nhà của họ. Như thế vào giữa và cuối thời Đông Hán bắt đầu xuất hiện rất nhiều ‘tộc lớn làm quan’ (thế gia đại tộc). ‘Kinh học truyền đời’ biến thành ‘công khanh truyền đời’; chính là kinh học/học vấn của bạn truyền từng đời từng đời trong nhà, cuối cùng làm quan cũng là chọn người trong nhà để truyền từng đời từng đời.
Vậy nên chúng ta thấy trong ‘Tam quốc diễn nghĩa’ có Viên Thiệu (Viên Bản Sơ) có ‘bốn đời làm Tam công’, Dương Tu cũng ‘bốn đời làm Tam công’, kỳ thực thời ấy rất phổ biến. ‘Tứ đại Tam công’ chính là trong bốn đời đều làm Tam công (một trong ba chức qua cao nhất trong triều đình).
Tình huống này bắt đầu từ cuối thời Đông Hán kéo dài cho đến thời Tuỳ – Đường, khoảng 500 năm. Nghĩa là trong 500 năm ấy, dù là ‘Công khanh truyền đời’ thời Đông Hán hay là chế độ ‘Cửu phẩm trung chính’ thời Nguỵ – Tấn Nam Bắc triều, trên cơ bản đều là ‘thế gia đại tộc’ (tộc lớn làm quan). Vậy nên họ mới có thế chiếm giữ vị trí quan trọng trong triều đình, người bình thường không có hy vọng. Do đó thời ấy gọi là ‘Thượng phẩm không có dân hàn vi, hạ phẩm không có người tộc lớn’.
Giống như gia tộc Vương – Tạ ở phương nam là ‘thế gia đại tộc’ vô cùng lớn. Giống như Vương Hy là thuộc về họ Vương, giống như Tạ An – người đánh trận Phì Thuỷ là người họ Tạ. Phương nam khi ấy, bốn gia tộc lớn là Vương – Tạ – Hoàn – Du, phương bắc là Thôi – Lô – Lý – Trịnh, vùng Giang Nam còn có Chu – Trương – Cố – Lục, v.v. Họ lũng đoạn hầu như tất cả tư nguyên (tài nguyên) của xã hội, bao gồm cả chức quan trong chính phủ, người bình thường không có cách nào cạnh tranh với họ.
Với tình huống như vậy, phần tử trí thức phải làm thế nào? Có hai khả năng. Một là họ trở thành ẩn sĩ, tôn sùng ‘thanh đạm’. Họ tìm một nơi có phong cảnh ưu mỹ, sau đó mọi người ngồi đó nói chuyện tán gẫu, nói những vấn đề không quá liên quan đến hiện thực, đây gọi là phong cách Nguỵ – Tấn. Chính là nói khi xã hội không còn hy vọng, ‘giai tầng phân hoá cố định’, một số người chọn làm ẩn sĩ.
Đương nhiên còn có rất nhiều người là ‘cam chịu’, họ cho rằng người sống ở đời là phải sinh con, phải ‘nối dõi tông đường‘, vì thế cuộc sống dù có khốn khổ thế nào họ vẫn muốn sinh con. Cho nên nói người thời đó có hai phương thức khác nhau như vậy. Ẩn sĩ thường là học giả. Còn đại đa số người trong xã hội thì nói rằng họ muốn sinh và nuôi con. Như thế dù giai tầng có ‘phân hoá cố định’ như thế nào cũng không xuất hiện nguy cơ về dân số.
Hai nguyên nhân khiến ‘Tuỳ – Đường thịnh thế’: Quân điền chế và Khoa cử
Tình huống này kéo dài đến thời nhà Tuỳ. Mọi người biết rằng đến thời này là bắt đầu có khoa cử, cho người bình dân có cơ hội tiến thân. Lúc này còn có một biến hoá nữa, Hoàng đế khai quốc triều Tuỳ là Tuỳ Văn Đế ban hành một chế độ kinh tế gọi là ‘chế độ bình quân ruộng đất’ (Quân điền chế).
Quân điền chế chính là người nam khi 18 tuổi, quốc gia sẽ cấp cho bạn 80 mẫu đất (1 mẫu = 667 m2), còn người nữ khi đủ 18 tuổi sẽ nhận được 40 mẫu. Sau đó còn cấp cho người trai 20 mẫu ruộng dâu. Khi bạn sinh ra chính phủ cấp cho bạn 80 hoặc 40 mẫu đất – cái này sau phải trả lại; nhưng cấp cho bạn 20 mẫu ruộng dâu thì không cần phải trả. Cũng chính là nói khi một bé trai sinh ra, chính phủ cấp cho bạn 100 mẫu đất, để đảm bảo bạn có đủ tư nguyên để nuôi dưỡng con cái. Thậm chí phần 20 mẫu ruộng dâu sau khi bạn mất thì không cần hoàn trả.
Như thế bạn sinh một đứa bé (trai) tương đương với việc gia tộc bạn có thêm 100 mẫu đất, vậy nên rất nhiều người nguyện ý sinh sản. Cho nên khi Tuỳ Văn Đế thống nhất thiên hạ, nhân khẩu toàn quốc là 4,6 triệu hộ, nhưng 20 năm sau, nhân khẩu đã tăng lên đến 8,9 triệu hộ. Diện tích đất ban đầu là 20 triệu ha, 20 năm sau đã lên đến 55 triệu ha, tương đương đất đai tăng 180%.
Vì vậy khi nhà Tuỳ khai quốc, thông qua ‘quân điền chế’ để hỗ trợ kinh tế góp phần gia tăng dân số, thông qua chế độ khoa cử để phá vỡ ‘giai tầng phân hoá cố định’, vì thế đã xuất hiện cục diện ‘dân số đông đúc, kinh tế phồn vinh’.
Tín ngưỡng: Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên…
Tôi cảm thấy sự gia tăng dân số thời Trung Quốc cổ đại quan hệ chặt chẽ với chính sách của chính phủ và quan niệm ‘nối dõi tông đường’. Còn một lý do rất quan trọng chính là con người cổ đại họ tin vào vận mệnh, chính là đời này không hạnh phúc, họ cho đó là vì đời trước không làm nhiều việc tốt, vậy nên họ không lấy ‘phấn đấu một đời’ và ‘vươn lên đứng đầu’ làm mục tiêu duy nhất của cuộc đời.
Mọi người biết rằng chủ nghĩa duy vật cho rằng không có Thần, cho rằng con người chỉ có một đời, đã là một đời ngắn ngủi cho nên phải ‘hưởng thụ hiện tại’. Nếu sống cuộc đời quá khổ, thuộc giai tầng thấp, bị người khác coi thường nhục mạ, phải kiếm tiền cho người khác, đổ máu và mồ hôi… họ cho rằng cuộc đời như thế không có ý nghĩa.
Cho nên chủ nghĩa duy vật coi ‘phấn đấu’ đời này và ‘vươn lên đứng đầu’ là mục tiêu duy nhất trong cuộc đời. Nhưng người thời xưa không nhìn nhận như vậy. Họ cho rằng đời này khổ một chút cũng không sao, tôi làm nhiều việc tốt hơn thì đời sau có thể làm thăng quan phát tài, hoặc là đời sau có thể rời khỏi thế gian để đến Thiên quốc, hoặc chuyển sinh thành sinh mệnh cao cấp hơn… Như thế người ấy cho rằng để đứa trẻ đến thế gian này không hoàn toàn là để chịu khổ, mà là cấp cho nó một cơ hội hành thiện để tương lai đắc phúc báo.
***
Do đó tôi muốn nói kỳ thực sự tăng giảm nhân khẩu có mấy nguyên nhân. Thứ nhất là nguyên nhân kinh tế. Thứ hai tôi cho rằng người Trung Quốc hiện nay đã không còn quan niệm muốn ‘nối dõi tông đường’. Thời xưa cho rằng ‘bất hiếu có ba điều, trong đó vô hậu (không có con) là tội lớn nhất’. Người ấy cảm thấy không sinh được con, họ xin lỗi thế giới này, xin lỗi bố mẹ, xin lỗi tổ tiên. Đây là nguyên nhân thứ hai. Nguyên nhân thứ ba chính là người Trung Quốc hiện nay không cam chịu, họ cho rằng người sống ở đời ‘vươn lên đứng đầu’ là điều quan trọng nhất. Nếu con đường này không có hy vọng thì cuộc đời không có ý nghĩa.
Do đó, người Trung Quốc nếu muốn tăng tỷ lệ sinh, thì họ phải giải quyết ba tầng diện là kinh tế, văn hoá và tín ngưỡng – như đã nói ở trên. Nếu không giải quyết được ba vấn đề này thì không chỉ là Trung Quốc, mà lệ sinh của toàn thế giới hầu như sẽ giảm.
Chú thích:
(1) Nguyên gốc là Cửu thái – 韭菜: rau hẹ, mọc nhiều và mỏng manh, dễ bị người ta ức hiếp.
Mạn Vũ