Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu bảo vệ thỏa thuận đầu tư với Bắc Kinh
Trọng Nghĩa
Vào lúc Nghị Viện Châu Âu bắt đầu họp tại trụ sở chính ở Strasbourg, Pháp, với sự hiện diện của các nghị sĩ sau hơn 15 tháng phải họp trực tuyến vì dịch Covid-19, và Liên Hiệp Châu Âu (EU) chuẩn bị đón tiếp tổng thống Mỹ Joe Biden, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel hôm thứ Hai 07/06/2021 (giờ Âu Châu), đã lên tiếng bảo vệ thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc đầy tranh cãi mà hai bên đã ký kết vào cuối năm ngoái 2020.
Theo hãng tin Pháp AFP, trong một cuộc phỏng vấn dành cho một số nhà báo, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu không ngần ngại cho rằng thỏa thỏa thuận đầu tư được đúc kết giữa Bruxelles và Bắc Kinh là “một bước tiến lớn đi theo đúng hướng”.
Đối với nhân vật có vai trò giống như tổng thống của khối 27 nước Liên Âu, trong quan hệ với Trung Quốc, EU “sẽ không thỏa hiệp về những vấn đề giá trị cơ bản và quyền tự do, cũng như vấn đề nhân quyền”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Liên Âu phải biết “tái cân bằng mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.”
Ông Charles Michel giải thích: “Trong những năm gần đây, Liên Âu đã quyết định tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường chung của mình” nhưng lại để xẩy ra tình trạng “thiếu có đi có lại”. Do đó, theo ông, Liên Âu vào năm ngoái “đã quyết định đẩy nhanh các cuộc đàm phán” với Trung Quốc nhằm hướng tới thỏa thuận đầu tư.
Ủy Ban Châu Âu, định chế đặc trách chính sách thương mại của 27 thành viên EU, đã ký một thỏa thuận bất ngờ với Bắc Kinh về đầu tư vào cuối năm 2020, sau nhiều năm bế tắc. Đức là một trong những nước ủng hộ nhiệt tình nhất văn bản này.
Ngay từ đầu, thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc đã bị nhiều giới tại Liên Âu phản đối, trong đó đặc biệt có một số nghị sĩ châu Âu. Thỏa thuận cần phải được Nghị Viện Châu Âu cũng như các nước thành viên phê chuẩn, nhưng tiến trình này mới đây đã bị đình chỉ, sau khi Liên Âu quyết định trừng phạt nhiều quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, kéo theo các biện pháp đáp trả của Bắc Kinh, đặc biệt nhằm vào các nghị sĩ và học giả châu Âu.
Thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc cũng khiến Washington bất ngờ, trong bối cảnh Hoa Kỳ từ thời Donald Trump cho đến Joe Biden đều muốn đồng minh Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ chính sách cứng rắn đối với Bắc Kinh. Một ví dụ điển hình là mới tuần trước, chính quyền Biden đã mở rộng danh sách đen các công ty Trung Quốc bị Mỹ cấm đầu tư.
Hoa Kỳ sớm đàm phán một thỏa thuận thương mại với Đài Loan
Minh Anh
Trong phiên điều trần trước Quốc Hội, ngày 07/06/2021, ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết Hoa Kỳ sẽ sớm đàm phán một thỏa thuận thương mại với Đài Loan.
Lãnh đạo ngoại giao Mỹ khẳng định là Hoa Kỳ và Đài Loan đã có những cuộc thảo luận, « sắp tới đôi bên sẽ tiến hành đàm phán về một thỏa thuận khung ». Nội dung chi tiết của những cuộc đàm phán sẽ do đại diện Thương Mại Mỹ, bà Kathrine Tai công bố.
Hãng tin AFP nhận định, việc Washington và Đài Bắc đàm phán một thỏa thuận thương mại có nguy cơ khiến Bắc Kinh tức giận, vì Trung Quốc vẫn luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của nước này. Trung Quốc không ngừng đe dọa dùng vũ lực trong trường hợp hòn đảo tuyên bố độc lập hay có sự can thiệp từ nước ngoài.
Washington đã ngưng các mối quan hệ ngoại giao với Đài Bắc từ năm 1979 khi công nhận Bắc Kinh như là đại diện chính thức duy nhất của Trung Quốc. Nhưng Hoa Kỳ vẫn là đồng minh mạnh mẽ nhất của Đài Loan và là quốc gia cung cấp vũ khí hàng đầu cho đảo.
Về điểm này, ngoại trưởng Mỹ, hôm qua, khi bày tỏ « những mối quan ngại thật sự về hành động hung hăng ngày càng nhiều của Bắc Kinh », một lần nữa khẳng định : « Đài Loan phải có phương tiện để tự vệ », và Hoa Kỳ « tiếp tục cung cấp trang thiết bị đáng kể cho Đài Loan cho mục đích này ».
Đài Loan: Dịch tái bùng phát có nguy cơ gây khan hiếm chip bán dẫn
Minh Anh
Tại Đài Loan, dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát đang có những tác động đến ngành công nghiệp điện tử của đảo. Những ngày gần đây, nhiều ổ dịch lẻ tẻ được phát hiện trong số các lao động nhập cư. Tình trạng này có thể làm trầm trọng thêm nạn khan hiếm chíp bán dẫn, một linh kiện thiết yếu cho ngành công nghiệp điện tử thế giới mà Đài Loan đang nắm giữ bí mật.
Từ Đài Bắc, thông tín viên Adrien Simorre giải thích: Bà Wu Jing Ru, giám đốc Hiệp hội những người lao động nước ngoài của Đài Loan (TIWA) tỏ ra tức giận. Từ nhiều tháng nay, bà báo động về điều kiện sinh sống của các công nhân ngành công nghiệp Đài Loan, mà phần đông đến từ các nước Đông Nam Á đang phát triển.
Bà nói : « Chúng tôi đã thấy các khu túc xá mỗi tầng có hơn 100 người tá túc. Với điều kiện này, thật khó mà tuân thủ giãn cách an toàn. Dịch bệnh đã bùng lên cách nay hơn một năm, vậy mà bộ Lao Động chẳng có lấy một biện pháp phòng ngừa nào về vấn đề này. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục, chắc chắn đây sẽ là một thảm họa ».
KYEC, doanh nghiệp đầu tiên bị tác động, hôm qua đã cách ly khoảng 2.000 lao động nhập cư sau khi phát hiện một ổ dịch tại một khu túc xá. Ít nhất có 200 người trong số toàn bộ lao động xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Doanh nghiệp này đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất chíp bán dẫn quý giá của Đài Loan. Ngành công nghiệp này hiện đang bị quá tải do nhu cầu tăng vọt. Pascal Viaud, giám đốc công ty tư vấn UBIK giải thích :
« Ngành sản xuất linh kiện bán dẫn và điện tử của Đài Loan chủ yếu dựa vào nguồn nhân công nước ngoài. Không có nguồn lao động này, công nghiệp bán dẫn của đảo không thể vận hành. Việc cung cấp chip bán dẫn vốn đã căng thẳng (do nhu cầu tăng đột biến), giờ tình hình dịch bệnh này sẽ còn gây thêm khó khăn cho một số lĩnh vực chẳng hạn như ngành lắp ráp xe ô tô. Điều này sẽ kềm hãm toàn bộ dây chuyền sản xuất ».
Tình hình còn trở nên nghiêm trọng hơn khi mà Đài Loan thiếu vac-xin để đối phó với việc dịch bệnh tái bùng phát. Những ngày gần đây, ít nhất có hai nhà máy khác cho biết phát hiện thêm nhiều ổ dịch trong số công nhân của họ.
Covid: WHO kêu gọi các hãng dược chia sẻ 50% vac-xin cho Covax
Thụy My
Liệu có thể buộc các hãng Pfizer/BionNTech, Moderna hay AstraZeneca dành vac-xin cho những nước cần nhất ? Về mặt luật pháp thì có vẻ khó thực hiện. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua, 07/06/2021, vẫn đề nghị các nhà sản xuất vac-xin Covid từ chối các đơn đặt hàng mới, hoặc tặng 50% sản lượng cho cơ chế Covax – hệ thống phân bổ vac-xin quốc tế.
Theo thông tín viên Jérémie Lanche tại Genève, đây lại là lời kêu gọi tương trợ khá tuyệt vọng của Tổ chức Y tế Thế giới, đang trông cậy vào một hành động mới của các nước G7 vào cuối tuần này:
« Hiện nay Covax đã phân phối 80 triệu liều cho gần 130 nước, thấp hơn từ hai đến ba lần so với hy vọng của Tổ chức Y tế Thế giới vào giai đoạn này. Tổng giám đốc Tedros Ghebreyesus không ngừng nhắc lại rằng các nước nghèo chỉ mới nhận được 0,4% vac-xin trên thế giới, trong khi các nước giàu đã có được gần phân nửa.
Ông nói : « Điều đáng buồn là các con số này từ nhiều tháng qua vẫn không thay đổi. Bất bình đẳng về vac-xin là mối đe dọa cho tất cả các quốc gia, chứ không riêng với những nước không có vac-xin. Tôi đề nghị các nước G7 không chỉ cam kết chia sẻ các liều vac-xin, mà hãy thực hiện kể từ bây giờ, trong tháng Sáu và tháng Bảy ».
Tổ chức Y tế Thế giới kỳ vọng các nước giàu sẽ theo chân Hoa Kỳ. Ông Joe Biden vừa hứa sẽ tặng 80 triệu liều vac-xin, trong đó 3/4 sẽ được chuyển cho Covax, món quà lớn nhất kể từ đầu đại dịch.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ còn ủng hộ đề nghị đình chỉ bảo hộ bằng sáng chế vac-xin cũng như thuốc điều trị, như đòi hỏi của khoảng 60 nước trong đó có Ấn Độ và Nam Phi. Chủ đề này một lần nữa sẽ được đề cập tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hôm nay. »
Biển Đông: Chuyên gia khuyên Philippines đặt tên các đảo nhỏ và xác định ranh giới biển
Thụy My
Nhân sắp đến dịp kỷ niệm 5 năm Tòa Trọng tài Thường trực La Haye ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, ba chuyên gia về luật hàng hải của Philippines khuyến cáo tổng thống Rodrigo Duterte nên « luật hóa » thắng lợi năm 2016, qua việc đặt tên cho các rạn san hô và đảo nhỏ ở Biển Đông, đồng thời xác định ranh giới trên biển.
Theo South China Morning Post hôm 08/06/2021, trong lá thư gởi cho ông Duterte ngày thứ Bảy 05/06, Francis Jardeleza, thẩm phán Tòa án Tối cao đã về hưu, cùng với hai chuyên gia khác, cho biết đã soạn thảo một dự luật nhằm giúp chính phủ khẳng định yêu sách chủ quyền đối với trên 100 thực thể ở Biển Đông.
Lá thư bày tỏ sự thất vọng, vì năm năm sau chiến thắng ở Tòa Trọng tài, Philippines vẫn chia rẽ về việc áp dụng phán quyết. Ông Jardeleza, người đã tham gia cuộc chiến pháp lý năm 2016, cho rằng việc ra luật là phương cách hiệu quả nhất.
Nhóm chuyên gia đề nghị một luật mới, khẩn cấp đặt tên cho ít nhất 128 thực thể trên Biển Đông, mà theo họ Philippines có « chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán » và 35 mỏm đá ngoài khơi hoặc đá nổi, vạch ra đường cơ sở xung quanh. Họ cho rằng, thay vì yêu sách cả quần đảo Trường Sa, tốt nhất nên đòi hỏi chủ quyền từng rạn san hô hay đảo nhỏ cùng với lãnh hải xung quanh.
Đề xuất này gây tranh cãi trong nội bộ Manila. Tổng lãnh sự Philippines tại San Francisco, Henry Bensurto phản đối ý định để cho các nhà lập pháp quyết định tư cách các thực thể. Chuyên gia luật biển quốc tế Jay Batongbacal tuyên bố dự luật này là vô ích, không cần phải luật hóa mỗi đảo trong số 7.641 hòn đảo ở Philippines để xác quyết chủ quyền. Theo ông, vấn đề không phải là việc nhận diện, mà là các hành động hung hăng của Trung Quốc nhắm vào ngư dân và các tàu Philippines.
Từ tháng Hai, khoảng 200 tàu dân quân Trung Quốc hiện diện thường xuyên tại Đá Ba Đầu, thuộc cụm Sinh Tồn ở Trường Sa, mà Việt Nam cũng đòi hỏi chủ quyền. Manila từ tháng Ba mỗi ngày đều gởi công hàm phản đối Trung Quốc. Hôm qua, phát ngôn viên tổng thống Philippines cho hãng tin Benanews biết đã nhận được lá thư trên, nhưng còn đang xem xét. Phía đại sứ quán Trung Quốc không trả lời câu hỏi của Benanews.
Bị ASEAN chỉ trích, quân đội Miến Điện biện minh cuộc đảo chính
Minh Anh
Tập đoàn quân sự Miến Điện ngày 08/06/2021 biện hộ cho kế hoạch khôi phục nền dân chủ, sau khi bị các đối tác Đông Nam Á thúc ép thực thi « Thỏa thuận 5 điểm » nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng.
Tại cuộc họp giữa ASEAN với Trung Quốc ở Trùng Khánh hôm qua, ngoại trưởng các nước Đông Nam Á đã bày tỏ sự thất vọng, cho rằng Miến Điện đã quá « chậm chạp » thực thi các đề xuất của ASEAN nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở trong nước.
Ngoại trưởng của chính phủ do tập đoàn quân sự lãnh đạo, ông Wunna Maung Lwin, thông qua cơ quan truyền thông Nhà nước tờ Global New Light of Myanmar, đã bác bỏ những chỉ trích trên, cho rằng « con đường duy nhất để bảo đảm hệ thống dân chủ thực sự, có kỷ luật, là thông qua chương trình 5 điểm tương lai được công bố hồi tháng 2/2021 ».
Cũng theo vị ngoại trưởng này, hầu hết những điểm trên đã được đáp ứng, bao gồm cả các biện pháp phòng chống Covid-19 và lập ra một ủy ban bầu cử mới để điều tra về tình trạng gian lận phiếu trong cuộcbầu cử tháng 11/2020, với kết quả là đảng bà Aung San Suu Kyi thắng lớn.
Quân đội Miến Điện biện minh cho việc giành chính quyền khi tố cáo ủy ban bầu cử cũ đã phớt lờ những khiếu nại về gian lận phiếu.
Còn theo hãng tin Pháp AFP, ba nhà báo Miến Điện chạy sang Thái Lan để trốn chế độ đã được một nước thứ ba chấp nhận cho tị nạn. Thông tin cụ thể về quốc gia hảo tâm này sẽ được nêu cụ thể sau đó, theo như thông cáo của những hãng truyền thông tuyển dụng họ.
Covid: Trung Quốc cam kết viện trợ thêm cho Đông Nam Á
Thụy My
Trung Quốc hôm thứ Ba 08/06/2021 cam kết hỗ trợ thêm cho các nước Đông Nam Á để đối phó với đại dịch Covid. Theo AP, Bắc Kinh muốn gia tăng ảnh hưởng tại khu vực mà đối thủ Mỹ đang siết chặt quan hệ.
Tại hội nghị kỷ niệm 30 năm quan hệ Trung Quốc-ASEAN tổ chức tại Trùng Khánh, ngoại trưởng Vương Nghị nói với các đồng nhiệm Đông Nam Á là Trung Quốc đã giao 100 triệu liều vac-xin Covid cho các nước thành viên trong khối, các vật liệu, thiết bị, cũng như hỗ trợ kỹ thuật để chống dịch.
So sánh với các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây trong đợt dịch SARS năm 2003 và trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004, ông Vương Nghị khẳng định « trong quá trình cùng vượt qua thử thách, chúng ta đã làm sâu sắc thêm tình hữu nghị, sự tin cậy lẫn nhau và các lợi ích chung ». Ông nhấn mạnh đến « các hành động thiết thực xuất phát từ tình cảm anh em, và sự quan tâm của các láng giềng chu đáo ».
Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng các bên cần thành lập một nhóm chuyên gia để tăng cường hợp tác xuyên suốt, từ nghiên cứu đến sử dụng vac-xin ; xây dựng các trung tâm sản xuất và phân phối để có được vac-xin với giá cả phải chăng, dễ tiếp cận trong khu vực. Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc sẽ « khẩn trương thực hiện » Sáng kiến Hợp tác Y tế công Trung Quốc-ASEAN, tiếp tục hỗ trợ dự án Dự trữ Thiết bị Y tế Khẩn cấp của ASEAN và củng cố năng lực y tế khu vực.
Trung Quốc đã sớm khắc phục được đại dịch Covid xuất phát từ Vũ Hán vào cuối năm 2019, nhưng bị cáo buộc thiếu minh bạch, che giấu nguồn gốc dịch bệnh.
Bắc Kinh không ngừng gia tăng ảnh hưởng với 10 nước ASEAN. Dù yêu sách chủ quyền và quân sự hóa Biển Đông gây bất bình cho một số quốc gia thành viên như Việt Nam, Philippines, nhưng ASEAN chưa bao giờ thống nhất được quan điểm, do sự phản đối của các đồng minh Trung Quốc, chủ yếu là Cam Bốt.
—