Tin VN sáng thứ Tư: Phát hiện đường dây mua bán trẻ sơ sinh

Đường dây mua bán trẻ sơ sinh giá từ 40-50 triệu đồng mỗi trẻ bị phát hiện

Đường dây mua bán trẻ sơ sinh giá từ 20-30 triệu đồng mỗi trẻ bị phát hiện. (Ảnh minh họa: Dmitry Naumov/shutterstock)

Những người môi giới mua mỗi bé với giá từ 20-30 triệu đồng rồi bán lại với giá từ 40-50 triệu đồng (khoảng 2500 đến 3000 Úc kim), đồng thời nhận làm giấy chứng sinh và các giấy tờ khác để hợp thức hóa hành vi mua bán.

Ngày 1/11, Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết lực lượng công an tỉnh kết hợp với nhiều đơn vị vừa phát hiện đường dây mua bán trẻ em dưới 16 tuổi với quy mô lớn.

Theo ông Chính, qua quá trình điều tra, cơ quan công an đã bắt giữ nhiều người liên quan đến đường dây này.

Hiện cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án “mua bán người dưới 16 tuổi” và “Làm giả giấy tờ của cơ quan tổ chức,” khởi tố các bị can để tiếp tục điều tra làm rõ.

Qua lời khai của những đối tượng bị bắt, đã có 31 vụ mua bán trẻ sơ sinh thực hiện trót lọt.

Tuy nhiên, do vụ án phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh thành trong cả nước, những người mua và người bán đều giấu thông tin nên đến nay cơ quan công an mới xác định được 7 vụ (7 bé sơ sinh bị bán).

Trong 7 bé sơ sinh, 6 bé đang được các gia đình nuôi dưỡng, một bé được gửi tạm thời vào cơ sở bảo trợ xã hội.

Những người môi giới mua mỗi bé với giá từ 20-30 triệu đồng rồi bán lại với giá từ 40-50 triệu đồng, đồng thời nhận làm giấy chứng sinh và các giấy tờ khác để hợp thức hóa hành vi mua bán.

Đường dây mua bán trẻ sơ sinh này thực chất là những người môi giới kết nối những người không muốn nuôi con và những người hiếm muộn hoặc có lý do khác để mua bán sang tay kiếm lời, ông Chính nói thêm.

Minh Long

Cựu Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM và 7 đồng phạm sắp hầu tòa

Bệnh viện Mắt TP.HCM. (Ảnh: google-maps)

Theo cáo trạng, cựu Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM cùng đồng phạm đã gây thiệt hại cho Quỹ Bảo hiểm y tế và người bệnh hơn 14,2 tỷ đồng.

Dự kiến ngày 28/11, TAND TP.HCM sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Minh Khải (cựu Giám đốc Bệnh viện mắt TP.HCM) và 7 thuộc cấp về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Phiên tòa sẽ diễn ra từ ngày 28/11 đến ngày 2/12, do thẩm phán Nguyễn Thị Hà làm chủ tọa.

7 thuộc cấp của ông Khải gồm:

– Võ Thị Chinh Nga, cựu Phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, Tổ trưởng tổ chuyên gia;
– Phí Duy Tiến, cựu Phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, Tổ trưởng tổ thẩm định;
– Nguyễn Quốc Toản, cựu Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức Bệnh viện Mắt TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng đánh giá hàng mẫu;
– Phan Thị Bích Hạnh, cựu Trưởng phòng tài chính – kế toán Bệnh viện Mắt TP.HCM, thành viên bên mời thầu;
– Nguyễn Đỗ Nguyên, cựu Trưởng khoa Tổng hợp Bệnh viện Mắt TP.HCM, Tổ phó tổ chuyên gia phụ trách chấm kỹ thuật, đồng thời là thành viên Hội đồng đánh giá hàng mẫu;
– Lương Ngọc Tuấn, cựu Phó trưởng khoa khám mắt, cựu Phó trưởng phòng vật tư thiết bị y tế;
– Nguyễn Trí Dũng, cựu Phó giám đốc, trưởng khoa Glaucoma Bệnh viện Mắt TP.HCM, thành viên bên mời thầu, đồng thời là thành viên Hội đồng đánh giá hàng mẫu.

Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.org. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự cho phép của Trí Thức VN.

8 người đều bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, theo khoản 3 Điều 222 bộ luật Hình sự năm 2015, có khung hình phạt từ 10 – 20 năm tù.

Theo cáo trạng, năm 2018, Bệnh viện Mắt TP.HCM (thuộc Sở Y tế TP.HCM) được giao tổ chức thực hiện gói thầu “Mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu năm 2018″.

Để tổ chức thực hiện, ngày 19/1/2018, ông Nguyễn Minh Khải đã chủ trì cuộc họp và quyết định phê duyệt dự toán của gói thầu (gồm 32 phần thầu) có tổng kinh phí 184 tỷ đồng.

Gói thầu được thực hiện bằng nguồn vốn từ viện phí, quỹ Bảo hiểm y tế, dịch vụ khám chữa bệnh và các nguồn thu hợp pháp khác của Bệnh viện Mắt TP.HCM. Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.

Với mục đích can thiệp trái luật vào hoạt động thầu, khi phê duyệt hồ sơ mời thầu, tại quyết định 34 ngày 31/1/2018, ông Khải đã chỉ đạo bổ sung tiêu chí chấm kỹ thuật “Ý kiến đánh giá của Hội đồng đánh giá hàng mẫu trên mẫu dự thầu” để sau đó sử dụng Hội đồng này loại bỏ nhà thầu theo ý muốn cá nhân của ông Khải.

Sau khi mở thầu, các nhà thầu Codupha, Tâm Hợp, Hào Tín đều đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật. Ông Khải đã ký Quyết định số 101 ngày 12/3/2019 thành lập Hội đồng gồm 13 thành viên với mục đích can thiệp, loại nhà thầu Codupha và cho nhà thầu Hào Tín và Tâm Hợp trúng thầu. Sau đó, ông Khải ký Quyết định số 196 phê duyệt nhà thầu Tâm Hợp, Hào Tín đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, còn nhà thầu Codupha không đạt yêu cầu.

Ngày 25/6/2018, ông Khải ký quyết định số 358 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Tâm Hợp, Hào Tín. Sau đó, ông Khải đã ký các hợp đồng mua bán tinh thể với 2 công ty này và thanh toán tiền theo các hợp đồng đã ký, gây thiệt hại cho quỹ Bảo hiểm y tế và người bệnh hơn 14,2 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định ông Nguyễn Minh Khải có vai trò chủ mưu, can thiệp vào quá trình đấu thầu trái pháp luật. Những người còn lại là đồng phạm, cùng Khải thực hiện các hành vi phạm tội.

Phạm Toàn

Quảng Bình: Nữ giám đốc sàn giao dịch tiền ảo FVP Trade chiếm đoạt 16 tỷ bị bắt

Bà Nguyễn Thị Lệ Nhi, người điều hành văn phòng FVP Trade Quảng Bình (mặc áo bò) nghe cơ quan đọc lệnh khởi tố, lệnh tạm giam và khám xét. (Ảnh: bocongan.gov.vn)

Một nữ giám đốc sàn giao dịch tiền ảo đã huy động vốn của nhiều nhà đầu tư với mức lãi suất lên đến 14%, qua đó, chiếm đoạt của 60 người trong và ngoài nước hơn 16 tỷ đồng.

Chiều ngày 31/10, Bộ Công an cho biết Công an tỉnh Quảng Bình đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Lệ Nhi (SN 1984, trú tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) để điều tra về hành vi Sử dụng mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 290, Bộ luật hình sự 2015.

Trước đó, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Bình phát hiện hoạt động kêu gọi đầu tư vào sàn FVP Trade của một số người sống tại tỉnh.

Sau khi xác định đây là hoạt động kêu gọi ủy thác đầu tư tiền ảo trái pháp luật có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Bình quyết định lập chuyên án để điều tra.

Cuối tháng 7, theo kết quả điều tra ban đầu, cơ quan công an xác định nhóm nghi phạm cùng trú tỉnh Quảng Bình, gồm: bà Nguyễn Thị Lệ Nhi (SN 1984), bà Nguyễn Thị Hằng (SN 1989), bà Nguyễn Thị Tâm (SN 1984), Nguyễn Hoàng Anh Tuấn (23 tuổi), Phan Thị Thanh Tâm (19 tuổi) và bà Trần Thị Hà (SN 1993).

Trong số các nghi phạm, cơ quan công an xác định bà Nguyễn Thị Lệ Nhi là Giám đốc công ty TNHH TMDV Queenlad, điều hành văn phòng FVP Trade Quảng Bình (địa chỉ tại số nhà 39A đường Hùng Vương, thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), 5 nghi phạm còn lại là nhân viên của sàn FVP Trade.

Qua khám xét nơi làm việc của các nghi phạm là phòng FVP Trade Quảng Bình, cơ quan công an thu giữ 3 máy tính xách tay, 6 điện thoại di động, 6 sổ tay, 99 giấy nộp tiền mặt, 1 máy chiếu, 1 camera và nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động của văn phòng FVP Trade.

Theo cơ quan công an, lợi dụng sự kém hiểu biết về công nghệ và thị trường chứng khoán cùng tâm lý muốn làm giàu nhanh chóng của nhiều người, nhóm nghi phạm đã kêu gọi hàng trăm người nộp tiền đầu tư và sàn FVP Trade. Ngoài cam kết mức lợi nhuận lên đến 14%/tháng, các nghi phạm còn tung ra quảng cáo như sàn FVP Trade được cấp giấy phép ASIC của Australia, FCA của Anh để lấy lòng tin của nhà đầu tư.

Cơ quan công an cho biết đường dây này hoạt động chặt chẽ, kín đáo và có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng. Địa điểm hoạt động đặt biển hiệu Công ty TNHH TMDV Queenland nhằm che giấu sự phát hiện của cơ quan công an.

Kết quả điều tra cũng cho thấy các nghi phạm trả tiền hoa hồng đều đặn, có hoa hồng cho người giới thiệu nên số lượng người dân đầu tư nhiều. Có những nạn nhân không biết mình bị lừa, còn vận động, kêu gọi, giới thiệu cho nhiều người khác tham gia.

Bước đầu, Công an tỉnh Quảng Bình xác định hệ thống FVP Trade tại tỉnh này có 225 tài khoản hoạt động trái pháp luật. Với những thủ đoạn như trên, nhóm nghi phạm đã chiếm đoạt tổng số tiền 683.500 USD (tương đương hơn 16 tỷ đồng) của 60 người tham gia, trong đó có một số người ngoại tỉnh và người Việt Nam cư trú tại Campuchia, Đài Loan…

Thiếu tá Trần Anh Tuấn – Trưởng Phòng Phòng An ninh mạng Công an tỉnh Quảng Bình, Phó trưởng Ban chuyên án cho biết đây là loại tội phạm mới, chưa có án lệ, cần nhiều căn cứ để chứng minh. Các nghi phạm hoạt động trên không gian mạng, có sự liên lạc chặt chẽ giữa các văn phòng trên toàn quốc, sử dụng đồng tiền có quy ước riêng, rất cẩn thận với người lạ nên quá trình thu thập các thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra gặp không ít khó khăn.

Hiện Công an tỉnh Quảng Bình đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nhi để điều tra. Năm người còn lại tiếp tục bị điều tra về vai trò liên quan đến vụ án.

Khánh Vy

Cho vay bất chấp rủi ro tài chính, 3 chi nhánh BIDV bị ‘mắc kẹt’ hơn 7.8 triệu USD

Trụ sở ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô (quận Long Biên, TP. Hà Nội). (Ảnh: BIDV Thành Đô/Facebook)

Loạt nhân sự cao cấp tại các ngân hàng BIDV, SHB và HBB hồi năm 2008-2010 đã giải ngân 55 triệu USD cho một công ty nước ngoài vay trong khi giá trị tài sản thế chấp của công ty này thấp, không có năng lực trả nợ đúng hạn. Sau đó, giám đốc công ty này xuất cảnh về Mỹ, nhóm ngân hàng phải bán tài sản thế chấp nhưng vẫn số dư nợ tại BIDV là hơn 7,8 triệu USD (tương đương hơn 360 tỷ đồng).

Viện KSND tối cao vừa ra cáo trạng truy tố đối với 7 bị cáo là cán bộ thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) về hành vi Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bốn nhân sự cấp cao thuộc Ngân hàng BIDV bị truy tố gồm: ông Đỗ Quốc Hùng – nguyên Giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô; bà Lưu Thị Bích Thủy – nguyên Phó giám đốc; ông Phạm Anh Tài – nguyên Trưởng phòng tín dụng; ông Nguyễn Văn Hà – nguyên Phó phòng tín dụng; ông Lại Minh Ngọc, nguyên Trưởng phòng thẩm định.

Hai bị can còn lại là ông Lê Vũ Thanh – nguyên Giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Nam Quảng Ninh; ông Đỗ Xuân Khoan – nguyên Phó phòng tín dụng Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Nam Quảng Ninh.

Viện kiểm sát cáo buộc 7 bị can đã làm sai quy định, giúp Công ty Đầu tư và Phát triển Kenmark vay từ Ngân hàng BIDV, SHB và HBB (nay sát nhập vào SHB) hơn 52,8 triệu USD (khoảng 1.229 tỷ đồng) cùng 57 tỷ đồng dù không đủ điều kiện dẫn tới thiệt hại 360 tỷ đồng tại thời điểm khởi tố vụ án, tháng 9/2020.

Theo nội dung cáo trạng, Công ty Kenmark là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài do Công ty trách nhiệm hữu hạn Cheermaster (trụ sở tại Samoa, quốc gia thuộc Nam Thái Bình Dương) thành lập tại tỉnh Hải Dương để thực hiện dự án Khu công nghiệp Việt Hòa – Kenmark (tỉnh Hải Dương) với tổng vốn đầu tư 1.594 tỷ đồng (khoảng hơn 98 triệu USD).

Công ty Kenmark có người đại diện theo pháp luật kiêm Giám đốc là ông Hwang Jonathan Cheng Yu (quốc tịch Mỹ), Chủ tịch HĐQT là ông Hwang Ding Kuo (quốc tịch Đài Loan). Năm 2007, vị giám đốc này gửi đề nghị vay vốn tới Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô với số tiền 69 triệu USD, thời hạn vay là 84 tháng.

Kết quả điều tra cho thấy sau khi Công ty Kenmark có giấy đề nghị vay vốn gửi tới BIDV chi nhánh Thành Đô, ông Đỗ Quốc Hùng, khi đó là Giám đốc BIDV chi nhánh Thành Đô đã ký tờ trình gửi Tổng giám đốc BIDV lúc bấy giờ, đề nghị đồng ý cho tiếp nhận hồ sơ vay vốn và được đồng ý.

Tháng 12/2007, ông Hùng ký quyết định thành lập Tổ thẩm định chung các ngân hàng đồng tài trợ Dự án Việt Hoà – Kenmark.

Công ty Kenmark phụ thuộc vào chủ sở hữu là Công ty Cheemaster. Tài liệu do Trung tâm thông tin tín dụng Ngân hàng Nhà nước (CIC) cung cấp thể hiện Công ty Cheermaster có chỉ số rủi ro cao; không tồn tại văn phòng hoạt động; Giấy phép hoạt động của công ty được sử dụng với mục đích miễn trừ thuế.

Đơn vị bảo lãnh vay vốn cho Công ty Kenmark là Công ty Kenmark Industrial (ở Đài Loan) cũng chỉ có hạn mức tín dụng tối đa là 350.000 USD trong vòng 90 ngày.

Ngoài ra, Công ty Keanmark lần đầu thành lập ở Việt Nam, chưa có kinh nghiệm kinh doanh. Dự án có 6 nhà đầu tư thứ cấp là 6 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã ký hợp đồng thuê nhà xưởng với Công ty Keanmark. Trong đó, 3 công ty thuộc sở hữu của ông Hwang Ding Kuo.

Cáo trạng cho rằng hồ sơ của Công ty Kenmark không đảm bảo điều kiện vay vốn, không đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết, nhưng ngày 11/12/2007, Tổ thẩm định vẫn đánh giá Công ty Kenmark đáp ứng được các yêu cầu cho vay theo quy định và đề xuất cho công ty này vay tối đa hơn 67 triệu USD.

Sau khi được Tổng giám đốc BIDV phê duyệt cho vay, tháng 2/2008, ông Đỗ Quốc Hùng cùng ông Nguyễn Văn Thắng (khi đó là Giám đốc SHB Quảng Ninh) và bà Hoàng Thu Huyền (Giám đốc HBB Bắc Ninh) đã ký hợp đồng tín dụng cho Công ty Kenmark vay hơn 67 triệu USD. Trong đó BIDV Thành Đô cho vay hơn 39 triệu USD (57,8%), SHB Quảng Ninh cho vay hơn 18 triệu USD (27,4%) và HBB Bắc Ninh cho vay 10 triệu USD (14,8%).

Từ ngày 25/2/2008 – 18/5/2010, các ngân hàng đã giải ngân cho Công ty Kenmark hơn 52 triệu USD (khoảng 1.210 tỷ đồng) và hơn 57 tỷ đồng, chiếm trên 80% giá trị hợp đồng. Trong đó, Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô bị giới hạn mức tín dụng nên “rủ” các chi nhánh Bắc Kạn, Tây Nam Quảng Ninh, Đông Hà Nội cùng cho vay tổng cộng hơn 30 triệu USD.

Cáo trạng cho rằng việc các ngân hàng giải ngân như trên là không đúng yêu cầu về hình thức giải ngân 2 bước theo chỉ đạo của BIDV, vì đến cuối năm 2009, Công ty Kenmark không phát sinh thêm hợp đồng thuê nhà xưởng. Mặt khác, Công ty Kenmark mới cơ bản hoàn thành đầu tư phần hạ tầng kỹ thuật của 13/27 nhà xưởng đã giải ngân, dự án không đảm bảo hiệu quả và khả năng thu hồi vốn vay…

Năm 2009, Công ty Kenmark dừng hoạt động, giám đốc công ty xuất cảnh, rời khởi Việt Nam.

Đến tháng 4/2010, các ngân hàng đã thu gốc và lãi của Công ty Kenmark từ tiền bán đấu giá tài sản đảm bảo được hơn 766 tỷ đồng (tương đương hơn 33 triệu USD).

Tại thời điểm khởi tố vụ án năm 2020, dư nợ gốc của Công ty Kenmark tại BIDV còn hơn 15 triệu USD (khoảng 349 tỷ đồng); SHB còn hơn 6 triệu USD (khoảng 139,68 tỷ đồng).

Trong quá trình điều tra, ông Nguyễn Văn Thắng – nguyên Giám đốc SHB Quảng Ninh đã đại diện các cán bộ ngân hàng nộp lại 6 triệu USD (khoảng 139,68 tỷ đồng); ông Nguyễn Hữu Tiến và ông Nguyễn Chí Thành nộp hơn 1,6 triệu USD (khoảng 37,24 tỷ đồng) nên không bị xử lý hình sự.

Ông Bùi Văn Bổn – nguyên Giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Kạn được xác định chỉ cho vay theo yêu cầu, không tham gia thẩm định nên được áp dụng “chính sách không xử lý hình sự”.

Đến nay, số tiền Công ty Kenmark còn dư nợ không thu hồi được tại 3 chi nhánh BIDV là hơn 7,8 triệu USD (tương đương hơn 180 tỷ đồng).

Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định ông Đỗ Quốc Hùng đã phát hiện Công ty Kenmark và Công ty Cheermaster có năng lực tài chính không rõ ràng, chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án tại Việt Nam. Dự án không khả thi và đảm bảo các điều kiện vay nhưng ông Hùng vẫn ký văn bản đề nghị ngân hàng phê duyệt cho vay đồng thời tham gia phê duyệt giải ngân hơn 12 triệu USD.

Khánh Vy

Hận thù, giết nhầm người vô tội: Bốn thanh niên nhận án từ 9 -11 năm tù

Chợ Phan Rí Cửa, nơi xảy ra vụ án mạng, nạn nhân chết oan vào đêm 6/2/2021. (Ảnh minh họa: Ảnh chụp màn hình/Nguyễn Lê/Google Maps/2019)

Trong đêm, nạn nhân vô tình nằm ngủ trên võng trong chợ Phan Rí Cửa. Nhóm thanh niên từ 15-18 tuổi kéo đến, hại chết nhầm người.

TAND tỉnh Bình Thuận vừa xét xử 4 bị cáo về tội Giết người, gồm: Hồ Thanh Hải (SN 2006), Bùi Trung Hậu (SN 2003), Nguyễn Văn Lâm (SN 2004) và Vũ Văn Minh (SN 2004, cùng ngụ thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).

Theo cáo trạng, khoảng 23h ngày 6/2/2021, trong lúc ngồi chơi với bạn bè, Thanh Hải kể lại chuyện trước đó khi đi bốc vác trong chợ Phan Rí Cửa thì bị Võ Văn Hải (SN 1991, ngụ khu phố Minh Tân 3, thị trấn Phan Rí Cửa) chửi nhiều lần. Sau đó, Hải rủ Lâm, Hậu và Minh cùng tìm anh Võ Văn Hải để trả thù, cả nhóm đồng ý.

Biết anh Võ Văn Hải buổi tối thường ngủ trên võng ngay sạp hàng trong chợ Phan Rí Cửa để giữ hàng hóa, khoảng 0h45 ngày 7/2/2021, cả nhóm đem theo hung khí kéo đến chợ để truy sát anh này.

Khi cả nhóm đến nơi, thấy trên võng có người nằm, nghĩ đó là anh Võ Văn Hải, Thanh Hải dùng cây đao dài chém ngay đỉnh đầu trái của người này, còn Hậu đánh vào giữa đỉnh đầu của nạn nhân bằng cây cơ bida dài 26cm, sau đó cả nhóm bỏ đi. Tuy nhiên, lúc này người nằm trên võng không phải là Võ Văn Hải mà là anh Nguyễn Vũ An (SN 1986, trú cùng địa phương) đã vô tình đến đây nằm ngủ.

Do vết thương quá nặng, mặc dù được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cấp cứu nhưng anh An đã tử vong vào tối cùng ngày. Nhóm thanh niên gây án bị cơ quan công an bắt giữ ngay sau đó.

Viện KSND tỉnh Bình Thuận nhận định hành vi của các bị cáo trên là đặc biệt nghiêm trọng, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống mà Thanh Hải cùng đồng phạm dùng đao là vật sắc bén, dùng cây gỗ là vật rắn chắc chém và đánh vào vùng đầu là bộ phận vùng xung yếu trên cơ thể của người khác để trả thù nên thuộc trường hợp có tính chất côn đồ.

Đối với hai bị cáo không trực tiếp tham gia đánh nạn nhân, Hội đồng xét xử cho rằng bị cáo Lâm đã đưa dao cho bị cáo Thanh Hải chém nạn nhân là có giúp sức về vật chất, còn bị cáo Minh tuy không đánh người nhưng cũng đã giúp sức về tinh thần, lực lượng. Vì vậy, 2 bị cáo Lâm và Minh là đồng phạm trong vụ án nên phải chịu trách nhiệm về hành vi và hậu quả đã gây ra.

Tòa tuyên phạt các bị cáo Hồ Thanh Hải 9 năm tù, Bùi Trung Hậu 11 năm tù, Nguyễn Văn Lâm và Vũ Văn Minh mỗi bị cáo 10 năm tù.

Thạch Lam

Related posts