Âu- Mỹ: Những cái gai trong tuần trăng mật giữa chính quyền Biden với Liên Âu

Thanh Hà

image.png

Liên Âu chuẩn bị thượng đỉnh đầu tiên với tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel hồ hởi quá đáng khi lập lại khẩu hiệu của Nhà Trắng về « Sự trở lại của nước Mỹ » ? Ở hai bên bờ Đại Tây Dương, mọi người đều ý thức được rằng đằng sau vỏ bọc thân thiện bề ngoài, vẫn tồn tại nhiều cái gai trong quan hệ Washington-Bruxelles, ngay cả trong những chủ đề mà đôi bên tưởng chừng ăn ý với nhau.  

Cách nay bốn năm, giới lãnh đạo châu Âu ngỡ ngàng khi tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vỗ tay hoan nghênh Brexit – sự kiện Luân Đôn rời mái nhà chung châu Âu – hay khi ông tuyên bố Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – khối NATO – đã « lỗi thời ». Giờ đây tại Bruxelles, cả NATO lẫn Liên Hiệp Châu Âu đang trải thảm đỏ chờ đón tổng thống Biden. Báo New York Times đánh giá : « chỉ cần Washington xem châu Âu là đồng minh, NATO là một mắt xích then chốt trong chiến lược an ninh » cũng đủ để trấn an Lục Địa Già.  

Không có chuyện tổng thống Biden bị các đồng minh gay gắt chất vấn, để rồi bỏ dở các cuộc họp với lãnh đạo của NATO và châu Âu. Cũng khó có thể hình dung ra cảnh một chính trị gia với gần 50 năm sự nghiệp như tổng thống Biden lại thay đổi ý kiến sau khi đã đồng ý về một bản tuyên bố chung kết thúc hội nghị.  

Tuy nhiên chỉ cần đi sâu vào một số hồ sơ cũng thấy ngay là sẽ khó san bằng những khoảng cách giữa Washington với Bruxelles, ngay cả trên những chủ đề mà đôi bên chia sẻ quan điểm bởi đó chỉ là một sự « tâm đầu ý hợp bề ngoài ».

Một cách cụ thể, NATO và Mỹ cùng muốn chấm dứt can thiệp tại Afghanistan, thế nhưng Bruxelles không quên rằng tổng thống Biden đã « nhanh chóng và  đơn phương » thông báo « đưa chiến binh Mỹ trở về nhà trước thời hạn 11 tháng 9 », sau hai thập niên can thiệp quân sự tại quốc gia Nam Á.  

Về xung khắc thương mại, chính quyền Biden cũng mới chỉ « tạm dừng » các đòn trừng phạt thuế nhập khẩu đánh vào một số mặt hàng của Liên Âu, nhưng đó vẫn là một vũ khí trong tay Hoa Kỳ để mặc cả khi cần, và cũng không loại trừ khả năng vì những mục tiêu chính trị nội bộ của nước Mỹ, Washington sẽ sử dụng loại vũ khí này để kiếm phiếu trước các mùa tranh cử.  

Trên bàn cờ địa chính trị, đành rằng tổng thống Hoa Kỳ thứ 46 chủ trương « tập hợp các nền dân chủ » trước những « mối đe dọa mới của thời đại » mà hai trong số đó là Nga và Trung Quốc, nhưng điều này không có nghĩa là Âu- Mỹ hoàn toàn ăn khớp với nhau trong cách tiếp cận hai vấn đề « cồng kềnh » này.  

Với Trung Quốc chẳng hạn, Bruxelles một mặt đồng ý với những chỉ trích của Washington nhắm vào Bắc Kinh từ cạnh tranh bất bình đẳng đến vế nhân quyền, nhưng Liên Hiệp Châu Âu – dưới áp lực của Đức, bạn hàng số 1 trong Liên Âu của Bắc Kinh – vẫn ký hiệp định đầu tư toàn diện với Trung Quốc bất chấp phản đối của Mỹ. Châu Âu bằng mọi giá muốn tránh bị kẹt giữa hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu trong bối cảnh mà nhiều nhà quan sát gọi là « Chiến Tranh Lạnh phiên bản mới ».  

Còn đối với nước Nga của ông Putin, Âu – Mỹ có chung tiếng nói khi cần bảo vệ nhà đối lập Alexei Navalny đang bị Matxcơva cầm tù. Đôi bên đồng thanh lên án những vụ tấn công tin học được cho là ít nhiều có sự hậu thuẫn của điện Kremlin hay cùng đứng về phía đối lập Belarus trong tầm ngắm của chính quyền Minsk và đằng sau làn sóng đàn áp đó có bóng dáng của nước Nga.  

Nhưng chỉ cần nhìn vào dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 cũng đủ thấy đối thoại Washington –Bruxelles sẽ không dễ: Một khi đường ống dẫn này đi vào hoạt động, Liên Âu sẽ mua thêm khí đốt của Nga mà lơ là với năng lượng của Mỹ. Chính quyền Biden muốn đấu dịu với Liên Âu trên hồ sơ này, thông báo tạm dừng ý định trừng phạt châu Âu bắt tay với Nga. Nhưng lập trường đó sẽ được duy trì trong bao lâu trước những quyền lợi của các nhà sản xuất khí đốt của Mỹ ? Nhà Trắng không quên hạn bầu cử giữa nhiệm kỳ vào mùa thu năm tới.    

Cuối cùng, giới phân tích tình hình chính trị trên Lục Địa Già đã khá ngạc nhiên khi thấy chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel phấn khởi hô to khẩu hiệu « Nước Mỹ đang trở lại » bởi không chắc điều đó có lợi cho Liên Âu.

Trong chiến lược đưa nước Mỹ trở lại vị trí trung tâm của bàn cờ địa chính trị quốc tế, không chắc Washington đã dành cho Bruxelles một chỗ đứng xứng đáng. Một nhà bình luận trên tờ báo Mỹ Politico phân tích: Đương nhiên quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương nồng ấm hơn khi mà tổng thống Biden liên tục nhấn mạnh đến một sự « đoàn kết và liên đới » xuyên đại Tây Dương, luôn khẳng định nước Mỹ « sát cánh với NATO » … Nhưng bên cạnh đó, Trung Quốc mới là « nỗi ám ảnh »« tâm điểm » trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Washington đã xác định rõ ràng: Trung Quốc mới là « mối thách thức toàn thế giới (…) cho thế hệ sắp tới ».  

Rõ ràng châu Âu chỉ là những đồng minh giúp Washington đối phó với Bắc Kinh, « là một trong những mắt xích trong liên minh chống Trung Quốc ». Nói cách khác, vẫn theo tờ báo này, trong chiến lược của Mỹ, châu Âu đã bị « đẩy xuống hàng thứ yếu ».

Liệu cả NATO lẫn Liên Hiệp Châu Âu có sẵn sàng nhận lấy vai diễn « hạng hai » đó hay không ?  Một nhà bình luận của Pháp, Pierre Haski khuyên thận trọng với « Người bạn Mỹ của châu Âu ».

Related posts