Hiểu Minh
Thêm 88 bệnh nhân COVID-19
Zing – Theo bản tin 12h ngày 10/6, Bộ Y tế công bố Việt Nam có thêm 86 bệnh nhân trong nước và 2 trường hợp nhập cảnh.
Các ca mắc mới được ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (52), TP.HCM (15), Bắc Ninh (10), Hà Nội (4), Hà Tĩnh (2), Lạng Sơn (1), Hải Dương (1), Long An (1). Trong đó, 81 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc vùng đã phong tỏa.
Bắc Giang tiếp tục có thêm bệnh nhân mới trong khu cách ly và vùng phong tỏa, liên quan công nhân làm tại khu công nghiệp.
Các ca mới ở Long An, Hải Dương, Lạng Sơn, Hà Nội, Hà Tĩnh đều là F1 hoặc liên quan bệnh nhân đã được công bố.
Những ổ dịch tại Bắc Ninh ghi nhận bệnh nhân mới là khu công nghiệp Quế Võ (6), khu công nghiệp Khắc Niệm (4).
Trong số 15 bệnh nhân ở TP.HCM, 10 ca liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, 5 người đang được điều tra dịch tễ.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng công bố 2 trường hợp mắc Covid-19 nhập cảnh được cách ly ngay tại tỉnh An Giang và Kiên Giang.
Như vậy, nước ta có tổng cộng 8.106 ca ghi nhận trong nước và 1.617 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 6.536 bệnh nhân.
TP.HCM họp khẩn với PouYuen sau ca nhiễm COVID-19 của công nhân
Zing – Một ngày sau khi ca dương tính với nCoV là công nhân công ty PouYuen được phát hiện, Phó chủ tịch Dương Anh Đức cùng đoàn công tác của TP.HCM đến làm việc với đơn vị này.
Trưa 10/6, đoàn công tác của UBND TP.HCM do Phó chủ tịch Dương Anh Đức làm trưởng đoàn đã tới làm việc với Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Tân Bình). Thành phần tham dự gồm thành viên trong Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP.HCM và đại diện Công ty PouYuen.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh công ty này vừa ghi nhận ca dương tính với nCoV hôm 9/6. Đây là công nhân làm việc tại phân xưởng may ở tầng 5, khu C cùng hơn 500 người khác.
Ca nhiễm là F1 của một bệnh nhân Covid-19. Tối 8/6, 141 người làm cùng ca với nữ công nhân này đã được cho nghỉ việc. Khu vực họ làm việc được phong tỏa, phun khử khuẩn.
Sau khi làm việc, đoàn công tác sẽ kiểm tra việc thực hiện biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại một số khu vực trong phân xưởng của công ty này.Ngành y tế lấy mẫu công nhân PouYuen sau khi phát hiện ca dương tính. Ảnh: Chí Hùng.
Theo thống kê, 50 F1 ngụ tại quận Bình Tân. Các trường hợp còn lại cư trú tại huyện Bình Chánh, quận 6, quận 8, quận 11 (TP.HCM) và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre…
Ngoài số F1 kể trên, hơn 359 F2 làm việc cùng tầng với ca nghi nhiễm cũng được lấy mẫu xét nghiệm, cách ly tại nhà. Để tầm soát, hôm nay, ngành y tế đã lấy mẫu xét nghiệm 3.000 công nhân trong tòa nhà khu C của Công ty PouYuen.
Công ty PouYuen là một trong những doanh nghiệp có quy mô lớn nhất TP.HCM với khoảng 56.000 lao động.
Theo Sở Y tế TP.HCM, tổng số bệnh nhân Covid-19 ghi nhận tại TP.HCM từ ngày 27/4 đến nay là 501 ca. Trong đó, thành phố ghi nhận một ca tử vong là BN5463 và một ca nghi nhiễm nCoV ở Gò Vấp tử vong trên đường chuyển viện đêm 7/6.
Đáng chú ý, ngoài các chuỗi lây nhiễm đã xác định, TP.HCM có 27 bệnh nhân mắc Covid-19 phát hiện từ các ca chỉ điểm qua khám sàng lọc tại bệnh viện, đang được điều tra nguồn lây.
Tính đến 18h ngày 9/6, TP.HCM có tổng cộng 323 điểm phong tỏa.
Từ 0h ngày 31/5, TP.HCM bắt đầu áp dụng Chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) áp dụng Chỉ thị 16.
1 người mắc Covid-19, 8 người thành F1 sau bữa giỗ, phạt 135 triệu đồng
Người lao Động – Dù địa phương đang căng mình phòng chống dịch nhưng 9 người vẫn tập trung ăn giỗ, trong số này 1 người sau đó được xác định mắc Covid-19, những người còn lại phải đi cách ly tập trung.
Chủ tịch huyện Yên Dũng (Bắc Giang) vừa ra quyết định xử phạt hành chính đối với 9 cá nhân tại xã Tiền Phong với tổng số tiền 135.000.000 đồng vì vi phạm phòng chống dịch Covid-19.
Cụ thể, 9 cá nhân vi phạm gồm: Ông Thân V.Ph. (SN 1966), ông Thân V.P. (SN 1970), ông Đào N.B. (SN 1960), ông Nguyễn Đ.M. (SN 1957), bà Nguyễn T.H. (SN 1968), ông Nguyễn V.T. (SN 1963), bà Thân T.L. (SN 1963), bà Thân Th.L. (SN 1953), bà Thân T.L. (SN1960), đều trú tại thôn An Thịnh, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng.
Địa phương này đang áp dụng theo chỉ thị 16 để phòng chống dịch. Những người này không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người (tụ tập ăn uống: Ăn giỗ bố đẻ ông Thân V.Ph. tại nhà ông Ph.).
Căn cứ Quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 18-9-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, Chủ tịch huyện Yên Dũng đã Quyết định xử phạt chính mỗi cá nhân 15.000.000 đồng.
Đáng chú ý, trong số 9 người này có 1 người đang phải cách ly tại nhà và sau đó được xác định mắc Covid-19.
Lãnh đạo huyện Yên Dũng cho biết ca Covid-19 trên có 18 F1, những người này đã được đưa đi cách ly tập trung. “Nếu có thêm ca F0 liên quan thì chúng tôi sẽ khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng để làm rõ, xử lý theo quy định. Hiện chưa đủ điều kiện để khởi tố vụ án” – lãnh đạo huyện Yên Dũng nói.
Chùm COVID-19 chưa rõ nguồn lây tại Hà Nội diễn biến nguy hiểm, F3 thành F0
Thanh Niên – Sáng 10/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội xác nhận, đã xuất hiện thêm 3 trường hợp mắc Covid-19 liên quan tới ổ dịch tại chợ Cửa hàng mới (H.Đông Anh), nâng tổng số ca bệnh tại ổ dịch này lên 10 trường hợp.
Cụ thể, 2 bệnh nhân nam mới được ghi nhận là là T.G.B, 15 tuổi, và T.G.A, 14 tuổi, đều có địa chỉ tại thôn Lương Quy, xã Xuân Nộn, H.Đông Anh, và đều là F1 của bệnh nhân 9519 (được xác định dương tính ngày 9.6. là nam, 14 tuổi, trú tại Lương Quy, xã Xuân Nộn là con và là F1 của bệnh nhân 9139).
Cả hai bệnh nhân này được lấy mẫu xét nghiệm ngày 9/6 và đều dương tính COVID-19.
Bệnh nhân thứ ba là N.H.S, nam, 3 tuổi, địa chỉ tại thôn Kim Tiến, xã Xuân Nộn, là F1 của bệnh nhân 5920 (10 tuổi, là con và là F1 của bệnh nhân 9139 cũng được xác định dương tính với COVID-19 ngày 9/6). Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm ngày 9.6 và cho kết quả dương tính với COVID-19.
Như vậy, cả 3 trường hợp dương tính mới phát hiện trong sáng nay liên quan tới ổ dịch chợ Cửa hàng mới đều là F1 của 2 con bệnh nhân 9139. Bệnh nhân 9139 lại được xác định là F1 của bệnh nhân 8853 (ca bệnh chỉ điểm tại chợ Cửa hàng mới), chỉ “đứng gần” bệnh nhân 8853, nên ở chùm ca bệnh này có thể thấy F3 đã trở thành F0.
Trước diễn biến phức tạp của ổ dịch này, CDC Hà Nội tiếp tục phát đi thông báo tìm người trên địa bàn Hà Nội đã đến làm việc, mua bán, liên quan đến khu vực chợ Cửa hàng mới (thị trấn Đông Anh, H.Đông Anh) từ ngày 16/5 đến 8/6.
Những người đã đến các địa điểm trên, tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn hoặc gọi điện thoại đến số 02438835560 (Trung tâm Y tế H.Đông Anh); hoặc số điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch của ngành y tế Hà Nội 0969.082.115/0949.396.115.
Số người Sài Gòn liên quan COVID-19 vượt 500.000
VnExpress – Đến ngày 10/6, Sài Gòn đã lấy mẫu 6.448 F1, 475.706 các F khác và mở rộng xét nghiệm, liên quan các ca Covid-19 cộng đồng.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), số mẫu xét nghiệm trên được lấy từ ngày 26/5 đến nay. Hiện, còn 533 mẫu tiếp xúc gần chờ kết quả. Trong số mẫu xét nghiệm giám sát, ghi nhận 293.094 mẫu có kết quả âm tính, 182.612 chờ kết quả.
Từ trưa 9/6 đến sáng 10/6, Bộ Y tế công bố 66 trường hợp dương tính với nCoV tại TP.HCM, đều là các ca lây nhiễm cộng đồng, trong đó 21 ca đang điều tra dịch tễ.
Cụ thể, trong 20 tca công bố trưa 9/6, ghi nhận 12 ca liên quan đến nhóm truyền giáo Phục hưng, 8 ca đang điều tra dịch tễ.
Với 20 bệnh nhân công bố chiều 9/6, ghi nhận 13 ca liên quan hội truyền giáo, 7 ca là F1 tiếp xúc gần với các ca dương tính trước đó.
28 bệnh nhân công bố sáng 10/6 gồm 8 ca liên quan đến hội truyền giáo, 5 ca có tiếp xúc gần với các ca dương tính trước đó, 13 ca đang điều tra dịch tễ.
Từ khi Covid-19 xuất hiện đến nay, thành phố ghi nhận 837 bệnh nhân, bao gồm cả người nhập cảnh. Trong đó, 270 ca điều trị khỏi, 565 ca đang điều trị. Hai ca tử vong là bệnh nhân 5463 và 9493.
Thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp truy vết, khoanh vùng dập dịch, lấy mẫu xét nghiệm khẩn khi nhận thông tin ca mắc mới. Ngành y tế cũng mở rộng giám sát các hộ gia đình, các khu vực xung quanh nơi ca mắc cư trú hoặc làm việc.
9.833 người đang cách ly tập trung, 15.796 trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Năng suất các khu cách ly tập trung tiếp tục được mở rộng.
Ngành y tế đang triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 đợt 3 cho các nhóm đã chích mũi một, ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp. Thành phố đã nhận hơn 70.000 liều vaccice từ chương trình tiêm chủng mở rộng trong đợt này, dự kiến sẽ tiêm cho 6 nhóm ưu tiên và hoàn thành trước ngày 15/8.
TP.HCM tiếp tục tổ chức khai báo y tế cho người về từ các địa phương, khu vực có ca nhiễm, bị giãn cách. Triển khai giám sát ngẫu nhiên hành khách từ các tỉnh thành khác đến thành phố tại sân bay Tân Sơn Nhất. Mở rộng xét nghiệm cho người lao động, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống dịch tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, các khu vực nguy cơ cao.
HCDC khuyến cáo người dân trung thực trong khai báo y tế khi đi khám bệnh, tuân thủ quy định khu thực hiện cách ly tại nhà, cách ly tập trung, luôn nhớ thực hiện 5K khi ra khỏi nhà.
TP HCM đang trong đợt bùng phát Covid-19 cộng đồng lớn nhất. Từ ngày 18/5 đến 9/6, thành phố ghi nhận 526 ca Covid-19, hiện đứng thứ 3 cả nước về số ca Covid-19 cộng đồng trong đợt dịch thứ 4 này. Phần lớn các ca liên quan ổ dịch nhóm truyền giáo Phục hưng, được phát hiện từ ngày 26/5.
HCDC ngày 9/6 kêu gọi người dân chủ động khai báo y tế, không để virus lây qua chu kỳ tiếp theo.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xử lý nghiêm việc đốt rơm rạ ngoài đồng
Vietnamplus – Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ngày 9/6 có công văn yêu cầu Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Hồng xử lý nghiêm việc đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp, rơm rạ không đúng quy định.
Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT, được truyền thông nhà nước dẫn lời cho biết, trong thời gian gần đây môi trường không khí tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố lân cận thuộc đồng bằng sông Hồng có xu hướng gia tăng ô nhiễm gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế.
Nguyên nhân chính được xác định do bụi, khí thải từ các hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, sản xuất công nghiệp với lượng thải rất lớn chưa được kiểm soát hiệu quả, thời tiết bất lợi và nguyên nhân không nhỏ từ hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch của người nông dân.
Ông Nhân cũng cho biết hoạt động đốt rơm rạ của người nông dân khu vực nông thôn miền Bắc diễn ra hàng năm được lặp đi lặp lại nhưng chưa có giải pháp triệt để, nên Bộ yêu cầu chính quyền địa phương vận động người dân không đốt rơm rạ ngoài đồng và sẽ xử lý nghiêm việc này.