Người ta nói: “Khi ngôn từ bất lực thì bạo lực sẽ lên ngôi”, người ta cũng nói: “Giận quá mất khôn”. Không biết câu nào đúng với những người rất giỏi về ngôn từ nhưng họ luôn chọn dùng bạo lực khi gặp chuyện không như ý? Nhất là những người tin là mình “bình đẳng hơn” những người khác… Và do đâu họ làm như vậy?
Dưới đây là một câu trắc nghiệm về tâm lý tội phạm, tôi được đọc rất là lâu rồi, chắc nhiều người cũng từng đọc? Lý do nhắc lại là vì dù tôi từng đọc rất nhiều câu trắc nghiệm và bài viết về tâm lý tội phạm, nhưng thích và nhớ hoài cái chuyện này. Có lẽ, tôi cũng có “tố chất tội phạm” tiềm ẩn chăng?
Câu hỏi: “Trong đám tang của mẹ, cô con gái út nhìn thấy một anh chàng rất đẹp trai nên đã say mê. Ðáng tiếc thay, sau khi đám tang kết thúc anh chàng này cũng biến mất. Mấy hôm sau, cô gái đó lấy dao đâm chết chị gái mình trong bếp. Tại sao?”
Giải đáp: “Cô em gái đã phải lòng người con trai đó, mong được gặp lại anh ta. Cô cho rằng, chỉ có thể gặp lại anh ta trong tang lễ, nên cô đã giết chị gái của mình. Hy vọng lại gặp chàng trai trong đám tang của chị.”
Tuy là một câu chuyện trên mạng nhưng nó hoàn toàn có thể xảy ra ở ngoài đời, có khi cô gái ngoài đời còn giết người với lý do khó hiểu hơn, không phải là mê chàng trai nào đó mà là mê màu cái… hòm. Vì tâm lý con người rất khó mà lý giải theo một logic chung. Nếu không thì ở Việt Nam đâu có vụ án lạ lùng, kiểu như:
– Chờ mua tô hủ tiếu quá lâu, bực mình, bạn sẽ làm gì? Ði qua tiệm bún bò kế bên «làm một tô»? Ði về nhà nấu mì ăn? Mua lại xe hủ tiếu đó luôn, tha hồ ăn? Không, Nguyễn Hữu Trung (24 tuổi – lúc gây án) đã giải sầu trong lúc chờ hủ tiếu giảm đói bằng cách giết chết một người khách khác trong quán, chỉ vì người này đã “điềm nhiên vuốt tóc” khi Trung nổi nóng.
– Thấy người quen xài điện thoại đẹp hơn mình, bạn sẽ cướp? Bạn sẽ hỏi mượn dùng thử? Bạn sẽ lén làm hư điện thoại – ăn không được phá cho hôi? Bạn sẽ về xin/trộm tiền cha mẹ, mua một cái y vậy? Nguyễn Phạm Quốc Bình (sanh năm 2001, gây án năm 2017), lúc đó tuy chỉ 16 tuổi nhưng lại có cách giải quyết sự việc nhanh gọn hơn rất nhiều người lớn: Ðiện thoại ai đẹp thì mình… giết người đó, để không còn cảm thấy gato (ghen ăn tức ở) với họ nữa. Vì biết đâu, ngoài điện thoại đẹp, nó còn có xe đẹp, nhà đẹp, tương lai đẹp hơn mình?
– Xin số điện thoại chị họ không được, bạn sẽ làm thế nào? Tuyệt giao ngoài đời, lên mạng “block” luôn Facebook người chị đó? Buồn bã khóc một mình? Hoặc đi xin số điện thoại người khác? Ðinh Hnih (sanh năm 1986 – Gia Lai, gây án năm 2020) không dùng những cách trên, chàng ta xách súng ra bắn chị mình. Sau đó, thanh thản cất súng tại vách nhà và nằm ngủ
– Bạn được trời cho giọng hát không đụng hàng cùng sự tự tin vô đối thủ, xui lắm mới có người sánh bằng. Bỗng một ngày, bạn và người “sánh bằng” đó lại gặp nhau, nhưng cái micro thì chỉ có một. Bạn sẽ làm gì, khi họ không chịu nghỉ “tự tin” một chút, nhường cho bạn? Ði mua ngay (hoặc lên mạng book ngay) một cái micro mới, hát thi gan với họ? Ði về nhà bật dàn karaoke mới mua lên, đem dàn loa “chiến” ra trước cửa (hoặc giữa đường) – hướng về phía có “kẻ địch”, vặn volume hết cỡ, và hát? Nghỉ chơi với người đó? Ði lại nguồn điện, cúp cầu dao, không còn ai hát được nữa? Hay thôi, nhường hắn chiếm “diễn đàn” một chút, để bụng, lát hắn về, ta đi nói xấu hắn khắp thành phố (hoặc kêu Du Uyên biên bài nói xấu hắn cho độc giả hải ngoại nghe)? Không, không, không, thời đại gì rồi, sống là không chờ đợi. Nhường hắn lần một thì sẽ có lần hai, lần ba… Người không giành micro nữa chỉ có thể là người không còn hát được, để người thích hát không thể hát được nữa, rất đơn giản, làm hắn không còn thở nữa. Vì vậy, rất nhiều người đã chọn cách này, mỗi năm, số người chết vì giành hát karaoke với “hung thủ” còn nhiều hơn số người thả tim cho hình Du Uyên trên mạng xã hội nữa. Vụ án gần nhất mà tôi đọc trên báo là hồi 24-4-2021, tại Ðồng Nai.
– Một bữa đẹp trời, bạn mặc chiếc áo “chiến”, lôi con “ngựa chiến” ra, băng băng đến nơi hò hẹn. Còn cách nhà người yêu một con hẻm, vì nhà người yêu ở đường một chiều và bạn quá háo hức để gặp nàng nên bạn chọn cách đi ngược nắng, ngược gió và ngược chiều đến với nàng. Không ngờ, trên con đường ngược chiều bạn đi lại có người dám đi đúng chiều. Bạn đụng vào xe họ. Bạn sẽ làm gì? Ðỡ họ lên và xin lỗi? Bỏ xe chạy lấy người? Ngó xung quanh xem có ai thấy không, nằm xuống đất ăn vạ, vu khống ngược? Không, những cách đó quá xưa rồi, các cách “thời thượng” hiện nay, được nhiều người ở Việt Nam xài là:
- Hỏi người bị đụng: Mày có biết bố mày là ai không mà dám đi đường đúng chiều?
- Móc thẻ “ngành” ra, có thẻ ngành gì thì móc thẻ ngành đó, đưa vào mặt nạn nhân rồi hỏi: Mày có biết bố mày là ai không mà dám đi đường đúng chiều?
- Bốc điện thoại lên, gọi cho “người quen”, kể lại sự việc một cách lệch lạc, rồi quay qua nạn nhân, hỏi: Mày có biết bố mày là ai không mà dám đi đường đúng chiều?
Nạn nhân dám “hó hé”? Ðánh. Nạn nhân đánh trả? Bạn biết rồi đó, các vụ án giết nhau sau tai nạn giao thông nhẹ (vì tai nạn nặng không còn sức giết nhau nữa) dạo gần đây rất phổ biến, còn nhiều hơn số người Du Uyên gato (bởi họ có điện thoại đẹp hơn) nữa.
– Ði máy bay hạng thương gia, giàu có và sang trọng, có chức sắc. Chỉ là, mang hành lý hơi lố so với quy định vài chục ký, vậy mà tiếp viên hàng không chẳng nể mặt, Bạn sẽ làm gì? Giận, không bay nữa? Mua thêm chỗ gửi hành lý? Bỏ hành lý lại sân bay, về Hà Nội ta bán vài lô “chổi đót” mua cái mới? Không, nữ công an Lê Thị Hiền (36 tuổi) đã đi vào lịch sử hàng không Việt Nam bằng màn “song kiếm hợp bích” vừa “tung cước”, bạt tai nhân viên sân bay, vừa la làng la xóm “mày đánh tao điiiii”. Không may cho chị công an, chị sanh ra nhầm thời có internet, nhầm nơi mà nhiều người “có mắt không tròng”, không nhìn ra chị là công an mà né tránh, dám móc camera quay hết toàn cảnh “anh hùng” của chị. Ðể rồi, kể từ 2019, mỗi lần gõ Google bốn chữ «mày đánh tao đi», là tên chị hiện lên hàng đầu.
…
Khi đọc các bài viết về kiến thức đời sống của các tác giả Việt, tôi hay thấy họ trích dẫn câu nói (của ai thì tôi không rõ): “Suy nghĩ tạo hành vi. Hành vi tạo thói quen. Thói quen tạo tính cách. Tính cách tạo số phận.” Nghe qua thì thấy cũng hay nhưng sau nhiều lần suy diễn, tôi bỗng có câu hỏi: Vậy thứ gì đã tạo ra suy nghĩ nhân loài? Nhất là những người hở chút là tạo ra án mạng hoặc những vụ việc “huyền thoại” như trên? Ðể họ biến suy nghĩ đó thành hành động, biến hành động thành thói quen, biến thói quen thành tính cách, biến tính cách thành số phận (vô tù, vô… trí nhớ của người dân)? Ai mà “hiểm độc” quá, thay đổi số phận người ta một cách âm thầm và gián tiếp. (Trong phim Tàu, cái này gọi là giết người không gươm giáo).
Có phải cha mẹ họ? Không, không cha mẹ nào muốn con mình sẽ hở chút là giết người, hở chút là tìm tung tích bố, hở chút là kêu người ta “mày đánh tao đi” cả. Nhưng, họ có thể không dạy con mình trực tiếp, mà họ chỉ âm thầm làm gương cho con thông qua những việc nhỏ nhặt hàng ngày. Mỗi ngày, giờ tan trường, đứng ở ban công nhìn xuống đường, hiếm có khi nào tôi được thấy có người cha/người mẹ nào chở con đi đường vòng, họ bất chấp an nguy mà chở con mình đi ngược chiều, tiết kiệm xăng hay thời gian thì tôi không rõ, nhưng tôi biết chắc chắn là, từ lớp mẫu giáo, trẻ em Việt đã được học về luật giao thông.
Có phải thầy cô họ? Không, không thầy cô nào dám dạy học trò mình: Buồn ai thì trò hãy giết người đó đi. Ai làm trò phật ý thì trò hãy hỏi nó “mày có biết bố mày là ai không?”. Ai thấp cổ bé họng hơn trò, thì trò hãy thách nó “mày đánh tao đi”, xem nó dám đánh không? Nhưng, họ có thể không dạy học trò trực tiếp mà họ sẽ thông qua những bài giảng không có kiến thức, chỉ toàn thù hận, nhồi sọ, ảo tưởng… Làm biến đổi tâm hồn non trẻ từng ngày: Cô Tấm hiền lành cuối cùng đem Cám ra làm mắm, ép mẹ Cám ăn. Lê Văn Tám nhỏ xíu nhưng đã không sợ chết, châm lửa để phá hủy một kho đạn(?) “Bọn Mỹ Ngụy ác ôn”, dù nay nó đang viện trợ chúng ta mỗi năm hàng trăm triệu đô, dù cán bộ ta toàn qua đó trị bệnh rồi ở luôn, dù con ông cháu cha hay con cha cháu ông đều mơ về “giấc mơ Mỹ”, dù… nhưng chúng vẫn ác ôn. Ðâu phải khi không mà mỗi lần nhà nước đổi sách giáo khoa mới, người ta lại được dịp tức giận, vì họ nhận ra, con mình toàn bị dạy cách lừa lọc, gian trá để giải quyết vấn đề, sau khi đọc các bài giảng trong sách. Kẻ tạo ra, truyền tải các cuốn sách như thế, đều mang mác thầy cô/giáo sư cả đấy!
Xã hội/luật pháp? Ðúng là không xã hội/luật pháp nào dung túng cho các hành vi xấu xa cả, ngay cả đó là nước độc tài. Nhưng trên giấy, trên văn bản muốn viết gì viết, viết ra luật biểu tình còn được. Còn thực tế thì hạ hồi phân giải. Luật pháp minh bạch, chặt chẽ thì đâu có nhiều án tham nhũng “khủng” như thế. Dân ta đâu cần ngao ngán như vậy khi nhắc đến mấy chữ “lãnh đạo”, “công an”, “mấy ổng”… Ðâu phải đơn giản mà người ta hay mỉa mai “Công lý ở Việt Nam chỉ là một diễn viên hài” (nay Công Lý lên chức phó giám đốc nhà hát Kịch Hà Nội rồi). Bạn tôi nói: “Cái ác không tự nó ác được mà phải có con người thực hiện nó, từ đó mới có kẻ ác!” Buồn một cái, “kẻ ác” ở đây đa phần là kẻ viết ra các điều luật trị kẻ ác, vậy lấy ai xử đây?
“Thông minh là thiên phú, thiện lương là sự lựa chọn”, mắc gì giữa 8 tỷ người, người ta lại chọn học theo số người xấu chiếm tỷ lệ ít hơn? Nếu cha mẹ họ không làm gương xấu, nếu thầy cô họ không hướng họ tới con đường tội lỗi, không thể quay đầu, nếu xã hội không dung túng, nuôi dưỡng, luật pháp không bao che, để mặc cho tâm hồn xấu xa của họ lớn dần lên? Ðâu phải ngẫu nhiên mà số tội phạm tuổi vị thành niên ngày càng nhiều. Cái gì cũng có lý do của nó. Lý do của toàn cảnh này là gì? Do Việt Tân? Do bọn «tư bản giãy chết»? Do các Vua Hùng? Không, có lẽ là do… dân và vì dân!