Dịch bệnh giáng cú đánh vào tầng lớp trung lưu Ấn Độ

Ngọc Mai

Ảnh minh họa Youtube.

Năm 1980, Ram Babu chuyển từ làng mình đến thủ đô New Delhi của Ấn Độ để làm công việc rửa xe. Chẳng bao lâu sau, anh học lái xe và làm tài xế xe buýt du lịch. Sau vài thập niên, anh thành lập công ty du lịch của riêng mình, Madhubani Tours and Travels.

Vào tháng 3/2020, một lệnh đóng cửa nghiêm ngặt trên toàn quốc để chống lại đại dịch COVID-19 đã đóng băng hoạt động kinh tế Ấn Độ chỉ trong một đêm. Công việc kinh doanh của Babu sụp đổ, và anh lái xe đưa gia đình trở về quê nhà. 

Anh nói: “Kể từ tháng 3 năm ngoái, chúng tôi đã không kiếm được một đồng rupee nào. Cả ba chiếc xe buýt của tôi đều nằm im hơn một năm. Chúng tôi hoàn toàn suy sụp”.

Nền kinh tế Ấn Độ đang trên đà phục hồi sau cú sốc đợt dịch đầu tiên thì một đợt dịch thứ hai tràn qua đất nước, lây nhiễm hàng triệu người, giết chết hàng trăm nghìn người và buộc nhiều người phải ở nhà. Mặc dù các ca nhiễm đang giảm dần, nhưng nhiều người Ấn Độ vẫn cảm thấy tồi tệ vì các công việc biến mất, thu nhập giảm và bất bình đẳng gia tăng.

Sự bùng nổ của đại dịch đã gây ra cuộc suy thoái tồi tệ nhất [tại Ấn Độ] kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930. Và khi đại dịch dần suy yếu, nhiều nền kinh tế đang phục hồi trở lại. Ngân hàng Thế giới dự đoán tăng trưởng toàn cầu vào năm 2021 ước đạt 5,6%. 

Mahesh Vyas, giám đốc điều hành tại Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE) cho biết: “Virus Corona là đòn mới nhất trong một loạt đòn giáng vào nền kinh tế Ấn Độ trong những năm gần đây. Nhưng những cú sốc do virus gây ra đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và tôi sợ rằng [ảnh hưởng của] nó sẽ còn kéo dài.”

Vyas nói, những người nghèo đang chịu nhiều thiệt hại nhất từ ​​đại dịch. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong vài thập kỷ, tầng lớp trung lưu của Ấn Độ bị tác động lớn như vậy.

Sau 40 năm làm việc chăm chỉ, chủ sở hữu công ty du lịch Babu đã kiếm được khoảng 2.000 đô-la mỗi tháng. Công việc kinh doanh suôn sẻ và anh đã vay tiền để mua thêm xe bus du lịch. Tuy nhiên tháng 5 năm 2020, trong hoàn cảnh không có khách du lịch, anh Babu đã chở vợ con mình về làng Bhugol ở Bihar, một trong những bang nghèo nhất của Ấn Độ, vì anh thậm chí không đủ tiền để thuê một căn hộ khiêm tốn ở thủ đô New Delhi.

Theo ước tính, tầng lớp trung lưu của Ấn Độ dao động từ 200 triệu đến 600 triệu người, nhưng các chuyên gia đều đồng ý rằng sự thịnh vượng của tầng lớp này rất quan trọng để phục hồi nền kinh tế.

Nhà kinh tế Arun Kumar cho biết: “Họ [những người trung lưu] là những người tiêu dùng chính – nếu tiêu dùng của họ không hồi sinh, tăng trưởng sẽ tiếp tục chậm và nền kinh tế sẽ không phục hồi”.

Một phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu Pew, được công bố vào tháng 3, ước tính 32 triệu người Ấn Độ đã bị đẩy ra khỏi tầng lớp trung lưu bởi đại dịch.

Báo cáo xác định tầng lớp trung lưu là những người kiếm được từ 10 đến 20 đô-la một ngày. Tài liệu cũng ước tính số người nghèo của Ấn Độ – những người có thu nhập từ 2 USD trở xuống một ngày – đã tăng 75 triệu người vì cuộc khủng hoảng dịch bệnh. 

Để giảm bớt tác động của dịch bệnh, chính phủ đã cung cấp thêm 266 tỷ đô-la chi tiêu bổ sung vào tháng 5 năm 2020, với hơn 40 tỷ đô la nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các biện pháp như cho vay không cần thế chấp. 36 tỷ USD khác được hứa hẹn giúp tạo việc làm, thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và hỗ trợ sản xuất, nông nghiệp và xuất khẩu.

Nhưng đối với nhiều người, các biện pháp vẫn chưa đủ. Chưa có thông báo cứu trợ nào cho lĩnh vực du lịch, vì vậy Babu vẫn đang phải đóng thuế kinh doanh đối với những chiếc xe du lịch của mình.

Theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ, lệnh đóng cửa năm ngoái đã “khai tử” 120 triệu việc làm. Nhiều người đã quay trở lại làm việc sau khi lệnh giãn cách kết thúc vào tháng 6, nhưng sự phục hồi chủ yếu là các công việc được trả lương thấp trong các lĩnh vực như nông nghiệp và xây dựng.

Theo báo cáo State of Working India 2021 của các nhà nghiên cứu tại Đại học Azim Premji, nhiều người đã phải bằng lòng với công việc bấp bênh hơn nhiều so với trước đây.

Rosa Abraham, một trong những tác giả chính của báo cáo cho biết: “Điều này báo hiệu rằng những người khốn khó đang phải viện đến bất kỳ loại công việc nào, ngay cả khi nó có mức lương thấp hơn đáng kể so với những gì họ từng làm và đi kèm với ít sự bảo vệ hơn”. 

Điều đó đúng với vợ chồng Bijender và Kanika Gautam, chủ sở hữu của phòng thể hình Ultra Bodies Fitness Studio ở ngoại ô New Delhi.

Các phòng tập thể hình là một trong những địa điểm cuối cùng được phép mở cửa trở lại sau lệnh giãn cách năm 2020 và chúng tiếp tục bị đóng cửa trong đợt bùng phát dịch bệnh gần đây nhất. Gia đình Gautam từng phát đạt nhờ phòng thể hình này, tuy nhiên, giờ đây họ phải chuyển sang cung cấp các khóa đào tạo thể dục trực tuyến để trang trải tiền thuê nhà và học phí cho hai đứa con. 

Anh Bijender nói: “Trước đây, chúng tôi không phải đắn đo suy nghĩ về việc tiêu tiền khi cùng con đi chợ hay đi ăn. Nhưng bây giờ, tình hình quá tồi tệ nên bằng cách nào đó chúng tôi chỉ cố gắng sống sót. Chúng tôi không biết liệu có thể duy trì hoạt động kinh doanh của mình hay không”.

Bài viết trích lược từ bài báo “Đại dịch tái phát tạo rắc rối cho tầng lớp trung lưu Ấn Độ” đăng trên AP.

Related posts