HUỲNH NGỌC CHIẾN NGƯỜI ĐI, CHUYẾN TÀU SỚM

Cung Tích Biền

Thời nay tuổi thọ cao. Lấy một ngày, sáu giờ sáng tới sáu giờ tối, so với trăm năm, sống ngoài tuổi sáu mươi, tỉ như mới bắt đầu vào chiều. Tiệc tùng trần gian đang vui vầy mà đành đoạn chia tay lúc nhiệt tình còn bốc cao, là sớm vậy. Huỳnh Ngọc Chiến thân yêu của tôi đã…Đi rồi. Bảo Chiến nán lại mần thêm vài ly. Chiến cười. Rất tĩnh tại, thậm là an nhiên, thưa rằng, “Em sang một cuộc vui khác, cũng bạn bè, nắng đẹp, hoa tươi vậy, bình thản nào!” Ừ, thì em đi. Mong con tim bình an nơi một Cõi khác.

Huỳnh Ngọc Chiến

Tôi ít giao du, hà tiện sự gặp gỡ, hiếm khi xuất hiện trước đám đông, nhưng lại rất nhiều bạn. Bạn đồng tuổi cùng trường cùng nghề, nói mần chi. Bạn nhỏ hơn năm, mười tuổi, cũng chuyện bình thường. Đây là bạn nhỏ hơn trên dưới vài chục tuổi, lại thêm một bọn “hoành tráng” nhỏ hơn tôi trên dưới, tròn trèm bốn chục tuổi hơn. Có mống chào đời sau 1975. Bọn ấy phả vào hồn tôi cái lung linh tươi trẻ, kịch liệt liều mạng. Và, có dịp, cứ rực rỡ tự thiêu những muộn phiền, riêng có.

Trong xử thế, tôi chưa từng nghĩ tới cụm từ bạn vong niên. Chỉ là bạn, đồng tâm tình, trong một chia sẻ lịch sử chung của Hôm nay, nên xem nhau như “đồng trang lứa”, bạn của nhau thôi. Bạn thân thiết, xưng nhau anh em. Chúng tôi sống với nhau trong sáng, chân tình, thanh bạch giữa một cuộc sống bấy nay đầy đủ bão giông. Trong số bạn trẻ ấy, có Huỳnh Ngọc Chiến.

Ai cũng bảo, Sàigòn vui quá là vui. Với chúng tôi, sao những chiều nhìn hàng cây đổ bóng, những khuya khoắt chia tay nhau sau ly rượu nồng nàn, trên đường trở về bỗng nghe lòng xao xác. Những bâng khuâng đậm màu dĩ vãng. Bước đi giữa Sàigòn bỗng nhớ một Sàigòn. Có một vỡ tan linh hồn, Sàigòn của giông bão thời cuộc. Dẫu sao, mặt trời vẫn còn kia, quê hương vẫn cái đẹp nghìn năm vốn có, chúng tôi đã cố gắng, trong có thể, tin vào cuộc đời, mỗi người đóng góp một chút gì cho sự nghiệp chung. Trong cái góc khuất, lặng lẽ nhỏ nhoi ấy, Huỳnh Ngọc Chiến cầm bút.

Chiến là một người tài hoa, cư xư khá khiêm cung. Khi đọc một đoạn văn, Chiến có tầm cảm thụ, sự hiểu biết thoát ngoài. Vì, Chiến có một tâm hồn nghệ sĩ, kiến văn rộng, được hưởng một nền văn hóa giáo dục giàu đức hạnh, nuôi dưỡng được nhân tâm, từ khi anh còn ngồi ghế học đường. Về tuổi tác Chiến có nói rõ trong một đoạn viết dưới đây, cũng là tâm trạng của người tuổi trẻ một thời.

Trích:

Khi đất nước thống nhất, thì tôi vừa tròn 20 tuổi. Đủ để cảm nhận được gần như trọn vẹn, một Sài Gòn ngày xưa đắm trong bầu không khí văn hóa phương Tây, một Sài Gòn lãng mạn và vỡ vụn, một Sài Gòn đầy khao khát luôn đi tìm trong nỗi bất lực hoang mang. Tôi cũng đã có một tuổi trẻ đầy khắc khoải ngày xưa. Hiện sinh. Thiền Tông. Hippy. Phản chiến. Một tuổi trẻ hoang mang và lạc lõng. Khi tìm lại mình giữa Sài Gòn ngày trước, khi đi tìm lại cái Tuổi trẻ cô đơn và Tuổi trẻ băn khoăn, tôi đã cảm động bao xiết khi đọc lại đoạn văn sau đây:

“Sàigòn ồn ào nhưng hoang vu, nồng nhiệt nhưng đau đớn. Sàigòn hít thở không khí của những cơn bụi bốc lên từ phương Tây, nói chẳng nói tiếng nói chính mình, cười chẳng tiếng cười phát khởi từ một con tim bình an. Sàigòn có đến hai thứ đêm tối, đêm tối của trời và đêm tối của người. Chúng ta chẳng phải lớn lên để tìm một dấn thân vô trách nhiệm, chẳng phải tự đâm thủng mặt mày của mình để làm dịu bớt cơn đau nhức trong tâm can. Sàigòn là một bàn tay chẳng bao giờ được rửa ráy, với cái bao tay phủ lên kín mít mà người ta lầm tưởng cái bàn tay ấy là bàn tay con thú nào đó. Ôi Sàigòn bạn bè ta đã đi đã về, buồn tủi và bất lực như những chuyến xe vô tri khập khễnh trên con đường hoạn nạn quê hương”. (Cung Tích Biền, truyện ngắn “Trên ngọn lửa,” – 1967).

Đã ba mươi mấy năm trôi qua, nhiều hơn hai lần khoảng thời gian lênh đênh trôi dạt của Thúy Kiều,“cõi người ta” đã trải qua quá nhiều dâu bể. Dâu bể trong cuộc đời. Dâu bể trong hồn người. Cuộc sống hôm nay có quá nhiều biến động. Lịch sử đã trôi theo chiều nghịch lưu với đà gia tốc, nên khoảng cách giữa các thế hệ càng giăng thêm rộng ra, theo dòng chảy thời gian. Những giá trị văn hóa và xã hội hiện nay thay đổi quá nhanh khiến chúng ta hôm nay dễ có cảm giác bị lạc loài trong lịch sử…

[Hết trích].

Nguồn: www.Damau,org, Huỳnh Ngọc Chiến, 8-2008.

**

Cách đây vài chục năm, một chiều, tại nhà hàng sang trọng, Sàigòn, một phòng riêng ấm cúng có máy lạnh vừa đủ cho một bàn dài khoảng 10 khách mời. Khi tôi đến, mọi người đã ngồi đủ. Một thanh niên có khuôn mặt chữ điền, đôi mắt sáng, mái tóc không quăn nhưng đen dày, bồng bồng, anh đón tôi ngay cửa. Và, một giọng Quảng Nam còn din, “Mời Đoại coa vồ”. Tôi vào. Một chiếc ghế đặt ở đầu bàn, nhìn dọc, kiểu ngài chủ tọa. Trịnh trọng rất mực. Lại nói, “Hôm nay ra mắt sách của em. Mời đại ca ngồi chủ xị”. Liếc nhìn, bia rượu ê hề, chỗ bàn riêng một chồng sách mới. Một bó hoa, ai đó tặng. Đó là hôm Huỳnh Ngọc Chiến ra mắt tác phẩm Lý Hạ, quỷ tài – quỷ thi (2001). Dịch từ thơ chữ Hán, của Lý Hạ [李贺—791-817] một nhà thơ danh tiếng thời Trung Đường.

Chiến làm việc rất chăm chỉ. Chỉ sau hơn một thập niên, như mưa mùa đều đặn, Huỳnh Ngọc Chiến cho ra một số tác phẩm, nghiên cứu, dịch thuật.

Theo bảng liệt kê do chính Chiến, một Tác giả có 28 bài cộng tác với tuần báo mạng Da Màu, ghi như dưới đây.

Tác phẩm đã xuất bản:

• Ca khúc Huỳnh Ngọc Chiến (do tác giả tự in), 1996

• Kim Dung: tác phẩm và dư luận (nhiều tác giả) NXB Văn Học, 2001

• Lý Hạ, quỷ tài quỷ thi , NXB Trẻ, 2001

• Lai rai chén rượu giang hồ – Tiểu luận về Kim Dung ), NXB Văn Học, 2002

• Lịch vạn niên phổ thông (Đối chiếu lịch pháp Đông Tây), NXB Văn hóa Dân Tộc, 2002

• Bút kiếm Kim Dung (viết cùng Dương Ngọc Dũng, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Anh Vũ ), NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2005

• Giáo trình MS Word (viết cùng kỹ sư Trần Quý Phi), NXB Giao Thông Vận Tải, 2004.

• MS Excel từ cơ bản đến nâng cao (viết cùng kỹ sư Trần Quý Phi), NXB Đà Nẵng, 2006.

• Tuyết sơn phi hồ (dịch Kim Dung), NXB Văn học, 2006.

• Phi hồ ngoại truyện (dịch Kim Dung), NXB Văn học, 2006.

• Lai rai chén rượu giang hồ ( Tiểu luận về Kim Dung, tái bản, bổ sung và đình bút ), NXB Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2006.

Nguồn: www.Damau,org, Tác giả Huỳnh Ngọc Chiến

Có thể kể thêm:

– U mộng ảnh (dịch, 2007), dịch Bạch mã khiếu tây phong, Uyên ương đao, Việt nữ kiếm (Kim Dung tinh tuyển, 2007). Đạo Phật và khoa học (dịch, 2009), Chu Dịch thiền giải (dịch, 2012), Trúc thanh tập (tập tiểu luận về Phật giáo, 2012), Di sản phương Đông (dịch, 2014), Phản triết học nhập môn (dịch, 2020), Diệu nghĩa Kinh Lăng Già (dịch, 2020)…

Đặc biệt thể hiện tài hoa và kiến thức sâu rộng nhiều mặt của Huỳnh Ngọc Chiến là tập Lai rai chén rượu giang hồ, tập hợp các tiểu luận về kiếm hiệp Kim Dung, một tập sách được nhiều người đọc, văn phong hấp dẫn, phiêu bồng.

**

Ngoài nghiên cứu văn học và dịch thuật, Chiến có làm thơ, sáng tác nhạc. Đã in một tập ca khúc, Cung Trầm (2012). Hồi cuối năm 2019, những ngày anh trở lại Tam Kỳ, nơi trưởng thành, cũng là nơi trở về an dưỡng dài ngày, anh em đã tổ chức Đêm nhạc Cung Trầm rất ấm cúng tại TP.Tam Kỳ. Đêm vang bóng của một Huỳnh Ngọc Chiến đa tài.

Giới cầm bút, thấy thì thảnh thơi, lãng mạn, rất mực phiêu mộng. Nhưng những ai đã từng, và nên danh đều hiểu ra nỗi nhọc nhằn của nó. Trừ các nhà thơ, tất cả các giới cầm bút khác đều phải cần cù, chăm chỉ, dành dụm thời gian từng ngày từng giờ cho nghề lẫn nghiệp của mình. Không thể rượu chè, bốc phét, huyênh hoang sớm này chiều nọ là có tác phẩm. Nghề nào cũng phải động não. Nhà viết sử, phải đọc hàng nghìn trang tư /tài liệu, từ nhiều phía thắng thua, thành bại, chính tà, thật giả, mới có những trang sách đáng tin cậy, chứng thực cho đời sau. Một nhà nghiên cứu văn học càng khó hơn, đọc và cảm thụ, với sự tinh tế, và kiến văn uyên bác, mới có những trang nghiên cứu phê bình ở tầm cao giá trị. Dịch thuật cũng vậy, tiếng Việt rất phong phú. Ngoại ngữ, lắm trường hợp một từ chỉ cho ra một nghĩa, nhưng khi dịch ra Việt ngữ, cùng một từ ấy có thể cho rất nhiều từ, cùng một nghĩa ấy. Dịch, có xác chữ, ý nghĩa chữ, có bóng có đen, có mặt trước mặt sau, lại cả chữ có “hồn”. Từ đó độ cảm thụ nơi mỗi con người có cao, có thấp.

Huỳnh Ngọc Chiến hiểu ra chỗ vi diệu này, nên càng làm việc nhiều anh càng cẩn trọng. Hầu hết sách tái bản, Chiến đã ra công chỉnh sửa, hiệu đính. Lại khiêm tốn, luôn tìm gặp những người Chiến tin là uyên bác hơn mình để tham vấn, học hỏi. Ngay dịch phẩm U mộng ảnh khi lần đầu phát hành đã thấy nhiều “hạt sạn”, từ khâu biên tập, đến ngay cả những lỗi, tuy nhỏ, của chính người dịch. Chiến đã thành tâm thấy ra và chỉnh sửa ngay. Từ chỗ này, chúng tôi trở thành bạn văn chương thân thiết.

Tất cả những ngoại ngữ mà Chiến, trong chừng mực, tôi cho là đã rất giỏi, Chiến đều tự học. Đọc, dịch được văn bản tiếng Pháp tiếng Anh, chữ Hán. Chiến có bằng Thạc sĩ công nghệ thông tin. Từng dạy nhạc ở một trường trung học trong nhiều năm, cũng do tự học, không từ trường lớp âm nhạc nào. Tôi thường nói với Chiến “Mần cái chi mần một cái thôi. Bá nghệ bá tri vị chi bá láp. Cái chi cũng biết, cũng là nghề của mình là rất ư tùm bậy”. Chiến cười “Kệ mà anh, nhiều cái ao cạn, vẫn hơn một cái cái sâu”. Câu trả lời, rất hài hước, lại thậm là khiêm tốn.

Tôi kể chuyện trên đây để hiểu thêm, Huỳnh Ngọc Chiến, chắc cũng có lúc giận dữ, người mà, đối với tôi, qua bao lần gặp gỡ anh luôn có nụ cười, hài hòa, không bao giờ cãi cọ. Lạ, dân Quảng Nam mà không biết…cãi.

**

Một kỷ niệm đáng nhớ.

Một đôi lần Chiến về Tam Kỳ thường rủ tôi đi cùng. Quê của tôi cũng rất gần Tam Kỳ. Tới nơi, cà phê, nhậu nhẹt với anh em, ra Đà Nẵng tiếp tục cuộc vui vài ba ngày, mới trở vào Sàigòn.

Một lần, tôi thắp nhang trên bàn thờ ông cụ thân sinh của Chiến. Cụ vừa qua đời hơn năm.

Chiều hôm ấy, gặp anh em văn nghệ Tam Kỳ, nhậu tá lả, tán phét chuyện văn chương chữ nghĩa, con cò cái vạc, gái cao cẳng, ông Nguyễn Du. Khuya lơ, hai đứa say khướt, về nhà Chiến, cùng chui vào buồng ngủ khỏe.

Sáng ra, chúng tôi chuẩn bị tới quán nhà vườn uống cá phê ăn sáng, bỗng nghe Chiến bảo, “Mẹ em nói ở nhà ăn sáng uống cà phê, không đi đâu cả”. Mẹ lệnh, thì phải vâng.

Trên bàn, hai ly cà phê, hai tô bún bò bự.

Lúc chúng tôi ăn, bà cụ ngồi ghế đối diện tôi. Một cách kín đáo, nhưng rõ là, bà quan sát tôi rất kỹ lưỡng. Thỉnh thoảng trên khuôn mặt đẹp lão và phúc hậu ấy một nụ cười thầm.

Hóa ra, đêm qua, bà cụ tưởng lầm tôi là đứa con gái. Da tôi trắng, tóc tôi quăn, lù xù, lại rất dài, phủ cả ót, cả vành tai. Hồi khuya bà thoáng thấy thằng Chiến với “con này” chui vô cùng phòng.

Chiến thức dậy sớm hơn tôi. Lúc Chiến đánh răng rửa mặt xong, bà bảo, “Ngồi đây mẹ hỏi cái này.” Chiến dạ. Và ngồi chỉnh tề. Bà mẹ mắng “ Mày là một thằng con bất hiếu. Cha mày mới qua đời, chưa mãn tang mà mày đã dẫn gái về nhà!”

Cũng may, buổi sớm nay, bà nhìn tôi, quan sát rất lâu, mới hiểu ra. Bà cụ cười nhẹ. Lại rằng, “Thôi, thằng Chiến dẫn ông bạn của mày đi chơi đó đây đi, cho biết Tôm Kỳ. Bữa ni cũng đẹp lắm”.

**

Năm 1975, lúc tôi bước vào độ bốn mươi, Huỳnh Ngọc Chiến vừa hai mươi tuổi. Học sinh, sinh viên Miền Nam thuở ấy đã tiếp cận báo chí, biết đọc sách rất sớm, cả sách báo ngoại ngữ, nguồn sách lại rất phong phú. Từ năm ban tú tài đã tiếp cận triết học. Chung chung là Chiến đã hưởng thụ bao điều tốt đẹp. Đã dần dà hòa mình vào một xã hội văn minh, nhân bản. Đã biết băn khoăn với thời thế. Đối đầu với những vấn nạn siêu hình về thân phận con người trong một đất nước bên bờ vực của hiểm nguy chiến chinh, chia cắt. Rồi Chiến của một thời hòa bình. Của một “Đất nước thống nhất”. Bao là nước chảy qua cầu.

Sống trong một tục lụy lắm nhố nhăng đáng phiền hà, Chiến đã giữ được cõi lòng bình an, tĩnh tại. Chẳng phải tự nhiên mà có. Là do/từ/bởi những suối nguồn tư duy, đạt đạo. Ai trong chúng ta từng tiếp thu ánh sáng từ Đạo Phật, đọc thấu những gì từ Khổng, Lão, Trang, đều biết cái lẽ Vô thường, cái tinh lý của Đạo. Cái Đến đã đến. Cái Đi tự nó đi. Ta chẳng can dự vào việc mau chậm, tối sáng, được mất. Chẳng thể đuổi “Nó” đi, hoặc cầu mong là có “Nó”. Cái Đang-Là, là cái đã được layout cẩn thận từ Lẽ Đạo Tự Nhiên. Thiên hà ngôn tai! Trời đất có nói gì đâu.

Chiến đã lên tàu. Tôi, sân ga đưa tiễn.

Người có tuổi già dài lâu là kẻ bất lực, không hẳn là may mắn. Anh ta thiếu phương tiện tàu nhanh xe tốt. Cho nên trên đường trường, anh ta rất tội nghiệp, luôn tụt hậu. Đi bộ lại chậm. Lận sẵn cái vé tàu, vé tàu trong bóp mà đi hoài, mãi bước đường trần ai, hôm kia bữa nọ. Đau lưng, trặc đầu gối, nhớ nhớ quên quên. Có khi quên là …mình đang còn sống. Hôm nay, tôi ấy ạ, vẫn thẫn thờ, ngậm ngùi buổi tiễn đưa người em thân yêu. Chiến yêu lời ca tiếng nhạc, thơ phú. Mần mấy câu vè thay cho thơ vậy.

Bên kia, trên ấy, Cõi nào?
Cửa đời cánh khép lời chào hư vô
Tiễn đưa sương khói ơ hờ
Một hồn tre trúc nửa bờ tịch liêu
Sao Em nỡ bỏ bóng chiều
Còn đây cỏ lạnh đìu hiu nắng vàng.

Thị Trấn Giữa Đàng

Bồ Đề Cốc, đêm tháng Sáu.

Orange County, California.

Related posts