LGT: Vụ đại sứ Phạm Sanh Châu “chỉ đường” cho phi công, trên “chuyến bay đặc biệt” từ New Delhi về Việt Nam, qua bài viết đăng trên báo VnExpress, có tác dụng cho mọi người một trận cười, giúp quên đi dịch bệnh. Những đoạn chọc cười hiện đã được gỡ bỏ. Chúng tôi xin được đăng bài bình luận của nhà báo Mai Bá Kiếm, cũng như đăng lại nội dung bài viết của đại sứ Phạm Sanh Châu, trước khi nó bị cắt bỏ vài đoạn.
***
Hồi nhỏ, ba tôi dắt tôi đi coi phim Ấn Độ ở rạp Long Phụng, hễ phim thần thoại là gặp cảnh “chiếu bay”, giống như máy bay, vị đạo sĩ ngồi trên chiếc chiếu trải dưới đất, thổi kèn là chiếu bay lên, tới nơi là hạ xuống.
Sáng nay, đọc bài “Chuyến bay đặc biệt” trên mục “Góc nhìn” của VNExpress của Phạm Sanh Châu – đại sứ VN tại Ấn Độ, kể chuyện ông ngồi trong khoang máy bay hạng thương gia, mà dùng hai máy điện thoại di động điều khiển máy bay lên xuống, quay đầu như phù thủy ngồi trên “chiếu bay”!
Làm đại sứ ở xứ Thần Thoại, ông tưởng mình thành “người cõi trên”, muốn viết gì thì viết! Ông kể các thảm cảnh người Việt đến Ấn bị kẹt mùa dịch, nhiều lần bị hủy chuyến bay không về VN được.
“Chuyến bay đăc biệt” chở 180 người cất cánh từ phi trường Indra Gandhi đến Tân Sơn Nhất (TSN). Sau khi cất cánh được hai giờ (khoảng nửa chặng đường) thì Đài Kiểm soát Không lưu TSN báo hủy chuyến đáp.
Ông viết: “Sáng 15/6/2021, máy bay đã cất cánh theo giấy phép cũ thì lệnh “huỷ phép cho hạ cánh” ở TP HCM vừa đến. Suốt hai giờ sau đó, tôi gọi cháy cả hai máy điện thoại cho tất cả các mối quan hệ và người quen. Tất cả đều cố gắng giúp tìm địa điểm hạ cánh cho chuyến bay. Trong lúc chưa tìm được điểm đáp, tôi đành yêu cầu máy bay hạ cánh xuống thành phố Kolkata, Ấn Độ khi mới rời New Delhi được hai tiếng”.
ĐẠI SỨ CHỈ ĐƯỜNG PHI CÔNG NHƯ CHỈ XE ÔM!
Thánh thần thiên địa ơi! Điện thoại di động xài tần số UHF (ultrahigh frequency – từ 900 MHz đến 2.100 MHz) trong khi Đài Không lưu TSN xài tần số VHF (veryhigh frequency 30MHz – 300MHz) thì làm sao liên lạc cha nội?
Cửa buồng lái có chốt trong để chống không tặc, phi công cho ông vào buồng lái (như hình Lý Nhã Kỳ khoe ngồi buồng lái) là vi phạm an toàn bay. Vậy, khi Đài Không lưu TSN báo phi công “huỷ phép cho hạ cánh” qua tần số VHF, tại sao ông ngồi ngoài buồng lái mà nghe được, để ông gọi can thiệp muốn cháy máy?
Ông nên nhớ rằng, trước mỗi phi vụ, phi công đều làm kế hoạch bay (flight planning), trong đó có ghi tần số liên lạc và hướng phi đạo đến, và tần số – hướng phi đạo của các phi trường gần kề, nếu phi trường đến cấm đáp, do thời tiết hay sự cố.
Việc đầu tiên khi Đài không lưu TSN báo hủy chuyến đáp, phi công phải “dial frequencies” (chuyển tần số) sang 2 phi trường gần nhất là Cần Thơ và Cam Ranh để xin lệnh đáp.
Không có flight procedures (thủ tục bay) nào cho phép phi công báo điện thoại cho tiếp viên trưởng, để chuyển thông tin đến ông Châu, rồi đại sứ xin chỗ đáp bằng điện thoại. Lại thông qua tiếp viên trưởng, phi công mới biết ông xin nhiều nơi không được, phải nghe lời ông đáp xuống phi trường Kolkata.
Phi công bay xuyên lục địa mà thụ động như thằng xe ôm chạy qua xứ lạ, phải hỏi thăm đường?
Đọc bài trên, chắc chăn hãng bay phải đuổi hai phi công đó. Có lẽ lý do đó, mà VNExpress đã đục bỏ đoạn trích dẫn nói trên!
Trên đời này cái gì cũng có thể giấu được, trừ giấu dốt!
______
Đây là nguyên văn bài “Chuyến bay đặc biệt” của đại sứ Phạm Sanh Châu, đăng trên báo VnExpress trước khi bài bị “đục bỏ”. Những đoạn tô đỏ là những đoạn đã bị VnExpress cắt bỏ.
***
Chuyến bay đặc biệt
Thứ tư, 16/6/2021, 00:05 (GMT+7)
Tôi viết những dòng này từ sân bay Indra Gandhi, New Delhi đêm 14/6/2021, giữa rất nhiều thấp thỏm.
Chuyến bay đặc biệt từ Ấn Độ về Việt Nam của chúng tôi được cho phép rồi lại hoãn trong suốt mấy tháng qua bởi tình hình dịch phức tạp ở cả Ấn Độ và nước nhà.
180 hành khách đặc biệt được trở về Hà Nội ngày mai là 180 mảnh đời khác nhau, nhưng có một điểm chung: họ không thể chờ thêm được nữa.
Hương gặp Sanjeet lần đầu khi sang Trung Quốc lấy hàng. Hai người bén duyên vợ chồng và chuyển về Quảng Ngãi sinh sống.
Hương sinh đôi hai bé trai kháu khỉnh. Các con tròn ba tuổi, cô quyết định đưa về thăm ông bà nội ở một vùng quê hẻo lánh trên núi cao, cách thành phố Vanarasi, Ấn Độ bốn giờ ô tô.
Dịch bùng phát, vé về Việt Nam cuối tháng 3/2020 của ba mẹ con bị huỷ. Suốt một năm rưỡi, Đại sứ quán lần lượt tổ chức các chuyến bay sơ tán bà con bị mắc kẹt ở Ấn Độ về nước, nhưng hai con của Hương không thuộc diện được về vì các cháu có quốc tịch Ấn Độ.
Do dịch bệnh, chính phủ chỉ cho phép các nhà đầu tư và chuyên gia Ấn Độ vào Việt Nam theo diện bảo lãnh của các công ty trong nước và chính quyền địa phương. Hai con Hương không thuộc đối tượng đó nên giấy miễn thị thực cũng bị tạm hủy.
Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, hai cậu bé không quen với cuộc sống thiếu thốn ở vùng quê nghèo nước Ấn. Ngày nào chúng cũng khóc. Hương nhiều lần làm đơn và gọi điện cho chúng tôi, nhưng đường về vẫn bế tắc. Em tìm được trang cá nhân của tôi và nhắn tin liên tục nhờ giúp đỡ trong suốt một năm qua.
Minh có vợ và hai con ở Phú Quốc. Trước khi qua Nepal, Minh làm nghề đi biển. Đi biển nhiều năm khổ quá, nghe bạn rủ, cậu qua Thái Lan buôn bán hải sản. Làm được hai năm, ông chủ nói bên Nepal có đối tác muốn nhập hải sản, bảo anh bay qua Nepal đem theo lô hàng mẫu để chào cùng 500 USD đi đường.
Ra sân bay Thái, ông chủ check-in chiếc vali “hải sản” cho Minh. Khi qua hải quan Nepal, Minh bị chặn lại. Họ yêu cầu mở vali. Phía dưới mớ hải sản khô là tiền Ấn Độ giả. Minh bị bắt, kết án 8 năm tù.
8 năm sau, anh được trả tự do đúng lúc dịch Covid-19 bùng nổ. Tất cả các chuyến bay về Việt Nam bị hủy. Khi hộ chiếu của Minh sắp hết hạn, tôi phải nhờ Đại sứ Nepal kết nối một phi công cầm hộ chiếu chuyển cho chị Út – Chủ tịch Hội người Việt ở Nepal – để kịp mang đến Đại sứ quán Ấn Độ làm visa quá cảnh Ấn Độ cho anh.
Vợ anh đã bỏ đi. Cha mẹ và hai con anh đang khắc khoải chờ tại quê nhà sau 10 năm không gặp. Họ “không nghĩ còn sống để gặp lại con”.
Trung là Phó tổng giám đốc của Tổng công ty Sông Đà. Đơn vị anh trúng thầu một dự án của chính phủ Nepal ở tỉnh Tanahun để xây con đập có độ cao 150 m cho nhà máy thuỷ điện công suất 140 MW. Đây là dự án trọng điểm của chính phủ Nepal với nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á. Dự án cũng là niềm tự hào của Sông Đà vì đã khắc tên mình trên bản đồ xây dựng quốc tế ngoài Lào và Campuchia.
Tưởng chỉ sang mấy ngày để ký thoả thuận liên danh với công ty Nepal với sự chứng kiến của ADB rồi bay về ngay, nhưng dịch ập đến, mọi chuyến bay bị hủy, Trung và hai đồng nghiệp mắc kẹt tại Nepal nhiều tháng.
Nghe tin có chuyến bay giải cứu, Trung mừng lắm. Anh đi ô tô mất 5 tiếng đến thủ đô Kathmandu, định bay thẳng từ Kathmandu về New Delhi rồi nối chuyến bay về Hà Nội. Không may, chuyến bay quá cảnh duy nhất này lại đến trước chuyến bay giải cứu bốn ngày mà Ấn Độ quy định visa quá cảnh chỉ có giá trị ba ngày.
Chúng tôi đã tác động với nước bạn, nhưng không được, Trung phải đi tiếp hành trình 27 tiếng bằng ô tô xuyên qua biên giới trên những con đường quanh co, rất hẹp, rất xấu, đầy ổ gà để về kịp New Delhi.
Trên chuyến bay hôm qua còn có những phụ nữ mang thai, Nguyễn Thị Hương Lan và Tống Khánh Minh. Lan tạm trú tại Delhi, mang thai được ba tháng rưỡi. Nhưng thai càng lớn, Lan càng sút cân vì không ăn được đồ ăn ở đây. Bệnh dịch hoành hành, cô cũng không thể đi khám thai trong khi giai đoạn này rất cần được theo dõi và chăm sóc chu đáo.
Con gái tôi đang mang thai nên tôi hiểu cảm giác căng thẳng của Lan, nhất là nếu nhiễm Covid-19 sẽ nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và con. Lan khao khát làm mẹ vì em đã nhiều tuổi. Đây là lần đầu tiên Lan đến Ấn Độ, mọi thứ đều rất bỡ ngỡ từ giao tiếp, ngôn ngữ đến ăn uống và sinh hoạt. Chồng Lan phải đi làm để mưu sinh, một mình trong căn hộ nhỏ giữa mùa phong toả, Lan càng bức bách. “Cháu chỉ sợ không về kịp Việt Nam khi thai nhi quá lớn”, Lan khóc.
Hoàng Anh Tuấn, 8 tuổi, có khối u nguyên bào tử nằm dưới tiểu não. Bệnh viện Mount Elizabeth Novena, Singapore xác định đây là khối u ác tính thuộc căn bệnh hiếm gặp, cực kỳ nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong rất cao. Em đã được phẫu thuật, điều trị bằng hoá trị và xạ trị. Được các bác sĩ Singapore giới thiệu, gia đình đưa Tuấn sang bệnh viện Apollo Cancer ở Chennai, Ấn Độ để chữa trị.
Sau một năm rưỡi, các bác sĩ thực hiện trị xạ 30 lần với não và cột sống, Tuấn đỡ hơn, nhưng gia đình kiệt quệ về tài chính và sức lực. Họ muốn đưa em về Việt Nam để vừa tránh bị nhiễm Covid-19 vừa giảm chi phí. Chuyến bay này có tính sống còn với em.
Trên đây chỉ là vài mảnh đời tôi đã gặp trong quá trình xúc tiến chuyến bay. Rất nhiều người đã phải di chuyển từ những nơi rất xa như Colombo, Sri Lanka; Dhaka, Bangladesh để quá cảnh Doha, Qatar, Dubai, UAE rồi từ Thimphu, Bhutan; Kathmandu, Nepal đến New Delhi.
Sáng 15/6, máy bay đã cất cánh theo giấy phép cũ thì lệnh “huỷ phép cho hạ cánh ở TP HCM” vừa đến. Tôi hoảng hốt khi thấy máy bay đang bay mà không biết sẽ đáp xuống đâu. Suốt hai giờ sau đó, tôi gọi cháy cả hai máy điện thoại cho tất cả các mối quan hệ và người quen. Tất cả đều cố gắng giúp tìm địa điểm hạ cánh cho chuyến bay. Trong lúc chưa tìm được điểm đáp, tôi đành yêu cầu máy bay hạ cánh xuống thành phố Kolkata, Ấn Độ khi mới rời New Delhi được hai tiếng.
Bây giờ tôi mới hiểu cần năng lực siêu phàm thế nào để buộc một máy bay phải hạ cánh khẩn cấp hoặc chuyển hướng bay. Tôi không ngờ mình có thể làm được việc ấy mặc dù ngay sau đó, tôi đã phải viết thư xin lỗi hãng hàng không.
Sau những nỗ lực của nhiều cơ quan chức năng, giấy phép cất, hạ cánh mới cho chặng Kolkata – Hà Nội – TP HCM – New Delhi và giờ bay mới đã được cấp. Tôi lặng đi vì hạnh phúc.
Có lẽ, không ai nỡ một lần nữa hoãn chuyến bay chở 180 con người đang khắc khoải được trở về Tổ quốc sau khi đã sống sót từ tâm dịch lớn nhất thế giới. Trục trặc trong chuyến bay hoá ra thành may mắn khi tất cả được cách ly tại Thạch Thất, Hà Nội.
Khi cả ba mẹ con đã được phép lên chuyến bay đặc biệt, các cháu được về cùng mẹ trên tinh thần nhân đạo, Hương đã khóc. Còn Minh vừa gửi cho tôi một clip tự quay: “Ơn của Đại sứ em xin mang theo suốt đời”. Trục trặc trong chuyến bay hoá ra thành may mắn khi tất cả được cách ly tại Thạch Thất, Hà Nội.
Sau tất cả, tôi biết rằng, việc đón nhận công dân gặp nạn về nước là cách chúng ta đã cùng nỗ lực để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Phạm Sanh Châu