ĐƠN DƯƠNG
“Đừng để hoàn cảnh xác định bạn là ai” là lời khuyên mà doanh nhân thành đạt Freddie Figgers muốn truyền lại cho người khác.
Freddie Figgers, nhà phát minh, doanh nhân và triệu phú ngành viễn thông – người mà cách đây hơn 30 năm, được tìm thấy bên cạnh một thùng rác ở gần Quincy, vùng nông thôn Florida.
Đứa con bị bỏ rơi
Hôm ấy, một người qua đường nhìn thấy kế bên thùng rác lớn có đứa trẻ sơ sinh trong cái bọc, liền gọi cảnh sát. Đứa bé trai được chở tới bệnh viện. Hai ngày sau khi được chữa những vết thương nhẹ trên thân thể, đứa bé bị bỏ rơi được đưa vào trại tế bần.
Ở gần đó, vợ chồng công nhân Nathan và Betty Figgers tuy có một cô con gái, nhưng khi nhìn thấy cậu bé mồ côi, họ nhanh chóng nhận về nuôi, dù chẳng dư dả gì. Ông bà lấy họ mình, và đặt tên cho cậu bé là Freddie – Freddie Figgers.
Được cha mẹ nuôi yêu thương, nhưng Freddie vẫn phải trải qua những ngày thơ ấu buồn tủi. Ở trường tiểu học, em bị những đứa trẻ khác bắt nạt, khinh miệt gọi bằng biệt danh “thằng rác rưởi”. Sống trong ngôi làng có chưa tới 10,000 cư dân, mọi người đều biết em là đứa trẻ bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng.
Năm lên tám tuổi, Freddie hỏi cha mình về những gì em nghe bạn bè chế diễu. Câu trả lời của cha, như tát vào mặt cậu học sinh lớp hai: “Con à, con không phải là con ruột của ba mẹ đâu. Bà Fred, mẹ ruột của con, đã vứt bỏ khi con mới chào đời. Ba mẹ đưa con về nuôi, vì không muốn con ở trong trại tế bần.”
Khi nghe cha nói vậy, cậu bé Freddie đau đớn nghĩ trong lòng: “Ừ, mình đúng là đồ rác rưởi.” Nhưng ông Nathan kịp nhận ra nỗi đau của con, ông ôm con trai nuôi vào lòng, thủ thỉ: “Nghe này, con trai của ta, hãy quên đi quá khứ và đừng bao giờ để điều đó ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Từ lâu, con đã là con trai của ba mẹ mà. Hiểu chưa!”.
Đối với Freddie, ba Nathan và mẹ Betty Mae là những người hùng, và là những hình mẫu tuyệt vời nhất. “Tôi thấy cha tôi luôn giúp đỡ mọi người,” Freddie kể, “Ông hay dừng lại bên đường để giúp đỡ một ai đó chẳng hề quen biết, hoặc người vô gia cư. Ai cần gì ông cũng giúp. Ông là người đáng kính, và cũng là mẫu người đàn ông mà tôi muốn trở thành như vậy.”
Bạn xuất thân từ đâu, không quyết định thành công. Tất cả chúng ta đều có thể trở nên vĩ đại, chỉ cần nắm được cơ hội. Có lẽ, không ai hiểu điều đó hơn nhà triệu phú tuổi 30 – Freddie Figgers.
‘Khởi nghiệp’ từ chiếc máy tính Mac bị hỏng
Vào cuối tuần, Freddie hay được ba Nathan chở đi lòng vòng xung quanh khu vực chứa đồ phế thải, xem có gì còn xài được thì đem về. Một lần, Nathan đặc biệt chú ý đến chiếc máy tính. Ông nói với con trai: “Nhìn thì thấy cũ quá, con nhỉ. Vẫn biết “cũ người mới ta” nhưng đồ bỏ thế này, chắc chẳng xài được.”
Sau đó không lâu, một lần đi Goodwill (nơi bán đồ cũ), ông Nathan chợt nhìn thấy một chiếc máy tính MacIntosh bị hỏng. Biết con trai cũng thích máy móc, ông liền chạy ngay ra hỏi nhân viên bán hàng, và trả giá để lấy được chiếc máy cũ xì ấy với giá 24 USD. Người bán đồng ý, thế là ông sung sướng đem máy về nhà cho con trai.
Vốn rất thích mày mò sưu tập radio, đồng hồ báo thức hay VCR mà bố nuôi tích góp được, chiếc máy Mac hỏng chiếm hết tâm trí của cậu bé chín tuổi. Freddie tháo máy ra rồi lắp máy lại. Làm vậy mấy lần thì cậu bé phát hiện, chiếc máy này có thể dùng được, nếu lắp thêm một số linh kiện trong một chiếc radio cũ của cha mình. Cuối cùng, Freddie thành công. Chiếc máy tính hoạt động bình thường. Vào lúc này, cậu bé biết cuộc đời mình sẽ chỉ dành cho công nghệ.
“Đến bây giờ tôi vẫn còn giữ nó”, Freddie Figgers nói về chiếc máy tính đầu tiên ấy. “Nó chính là thứ khơi dậy niềm say mê, hứng thú với công nghệ trong tôi.”
“Tiếng lành đồn xa”, năm 13 tuổi, Freddie được thành phố Quincy thuê đến sửa chữa một số máy tính bị hư. Năm 15 tuổi, Freddie Figgers gầy dựng công ty đầu tiên – Figgers Computers, chuyên sửa chữa máy tính và giúp khách hàng lưu trữ dữ liệu trên các máy chủ do chính em tạo ra.
Vậy là từ đôi bàn tay trắng, Freddie đã làm nên sự nghiệp. Sau khi xây dựng cơ sở dữ liệu cloud database của riêng mình, anh quyết định bỏ học đại học. “Tôi không khuyến khích mọi người đi theo con đường này,” anh nói. “Nhưng cách ấy phù hợp với tôi. Năm 17 tuổi, tôi đã có 150 khách hàng.” Trên thực tế, anh cũng không bỏ học hoàn toàn, mà vẫn theo học một số khóa học ngắn hạn về chuyên môn.
Sáng chế từ những câu chuyện của người thân
Ông Nathan, ba của Freddie mắc chứng Alzheimer. Ông hay bỏ nhà đi lang thang. Có khi chẳng ai biết ông đi đâu. Thấy nguy hiểm quá, Freddie nghiên cứu chương trình theo dõi bằng kỹ thuật định vị toàn cầu (GPS) và sáng chế ra thiết bị định vị, nhét vào giày của cha, để mỗi khi ông đi đâu, anh đều biết. Thậm chí với thiết bị này, anh còn có thể nói chuyện được với cha. Đó là bước ngoặt lớn trong cuộc đời Freddie Figgers. Năm 2012, anh bán chương trình theo dõi GPS này cho một công ty ở Kansas với giá 2,2 triệu USD.
Ông Nathan qua đời ở tuổi 81, vào tháng 1-2014. Lúc sinh thời, ông Nathan luôn muốn sở hữu một chiếc xe bán tải Ford đời 1993 và một chiếc thuyền đánh cá. Nhưng khi Freddie có đủ khả năng để mua cho cha thì đã quá muộn. Freddie tự trách mình: “Tôi quá thất vọng về mình. Tất cả những gì tôi muốn là thấy ba tôi hạnh phúc. Vậy mà tôi lại không làm được.”
Sau đó, Freddie phát minh thêm được một thiết bị thông minh khác, cũng được lấy cảm hứng từ kinh nghiệm cá nhân – một kỷ niệm buồn.
Hồi năm Freddie lên tám, Freddie được ba mẹ cho sang Georgia thăm người ông trẻ – chú của mẹ. Freddie kể: “Khi chúng tôi đến nhà, mẹ và ba tôi đứng gõ cửa lâu lắm, mà chẳng thấy ai trả lời. Sốt ruột, ba kêu tôi trèo qua cửa sổ, rồi mở cửa chính cho ba mẹ tôi vô.”
Freddie làm y như vậy. Vô tới bên trong nhà, thấy có người đang ngồi trên ghế cạnh lò sưởi, cậu bé nghĩ mọi thứ đều ổn. Nhưng khi ông Nathan vào, đến gần người chú thì giật mình gọi vợ: “Betty Mae, ông chết rồi!”
Người đàn ông ấy bị bệnh tiểu đường, rơi vào tình trạng hôn mê và ra đi lặng lẽ không ai hay biết.
Nhớ lại cái chết của ông trẻ, Freddie bắt tay chế tạo một máy đo đường huyết thông minh, chia sẻ tức thì mức glucose cùng với các kết quả kiểm tra sức khỏe điện tử của một người với người thân nhất của họ. Nếu glucose trong máu của một người bất thường, nó sẽ gửi thông báo cảnh báo qua công nghệ Bluetooth.
Nhưng mọi chuyện không bao giờ dễ dàng. Ở nhiều vùng nông thôn trên nước Mỹ, rất nhiều nơi không có mạng 2G hoặc 3G. Ở Quincy vào thời điểm đó, cư dân vẫn đang sử dụng internet quay số (dial-up internet). Vì muốn mang thông tin liên lạc đến những vùng nông thôn, vào năm 2008, Freddie Figgers – người đầu tiên nộp đơn lên FCC (Ủy Ban Truyền Thông Liên Bang) xin giấy phép để thành lập công ty tư nhân về viễn thông – Figgers Communication.
Home – Special Offers – Figgers Communications
Năm 2011, ở tuổi 21, Freddie trở thành nhà điều hành mạng viễn thông trẻ nhất ở Mỹ. Theo NBC News, Figgers Communication là công ty viễn thông thuộc sở hữu tư nhân của người da đen duy nhất trên toàn quốc.
Trong những ngày đầu thành lập công ty, Freddie tự mình làm hầu hết công việc – từ đổ bê tông cho tháp điện thoại di động đầu tiên, đến lắp đặt cáp quang. Anh bắt đầu cung cấp dịch vụ ở các vùng nông thôn phía Bắc Florida và Nam Georgia. Năm 2014, Freddie ra mắt điện thoại thông minh Figgers F1, với thiết bị phát hiện chuyển động và chuyển sang “tình trạng an toàn” trên 10mph, ngăn mọi người nhắn tin khi đang lái xe. Sau đó, anh sáng chế Figgers F3 – thiết bị sạc không dây (Wireless Inductive Charger), thứ đã khiến kiểu sạc cũ trở nên lỗi thời.
“Đừng bao giờ bỏ cuộc!”
Năm tuổi 30, Freddie Figgers có một danh sách dài những điều khiến nhiều người mơ ước: là một nhà phát minh, lập trình viên máy tính và kỹ sư phần mềm, là người Mỹ trẻ nhất nắm giữ giấy phép của Ủy ban Truyền thông Liên bang và là người Mỹ gốc Phi duy nhất sở hữu một công ty điện thoại di động. Figgers Wireless phục vụ gần một triệu khách hàng tại hơn 80 quốc gia. Công ty viễn thông tư nhân này có giá trị hơn 62,3 triệu USD (theo định giá năm 2017), biến anh trở thành triệu phú ở tuổi 30.
Khi được hỏi về bí quyết thành công, Freddie Figgers cho biết anh không bao giờ bỏ cuộc. “Bây giờ mà nói thì các bạn sẽ cảm thấy nói gì chẳng được. Nhưng tôi muốn các bạn nhớ rằng, bây giờ bạn có thể ở trong bóng tôi, nhưng ngày mai trời sẽ sáng.”
“Tuổi tác và chủng tộc là những thách thức lớn trên con đường tôi đi. Tôi còn quá trẻ, lại là người da đen. Có quá nhiều rào cản và thử thách. Tôi biết họ muốn thách thức trí thông minh của tôi.” Germain Bebe, COO của Figgers Communications, nhìn nhận kiên trì là một tố chất trong con người của Figgers. “Anh ấy năng động và biết mình cần làm gì. Đó là cuộc chiến 24 giờ mỗi ngày. Anh ấy không còn coi đó chỉ là công việc nữa.”
Ngoài kinh doanh và phát minh, triệu phú tuổi 30 này cũng là người điều hành quỹ Figgers Foundation, tổ chức quyên góp giải quyết nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm nỗ lực cứu trợ sau thảm họa thiên nhiên, học bổng đại học cho học sinh trung học hay hỗ trợ đồ dùng học tập cho giáo viên nghèo. Các chương trình gần đây như tặng xe đạp cho các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em, và các thiết bị y tế đặc biệt cho những nhân viên tuyến đầu trong đại dịch COVID-19.
Truyền cảm hứng và giúp đỡ người khác
“Điều tuyệt vời nhất mà con người có thể làm là truyền cảm hứng đến người khác,” anh cho biết. Bản thân anh cũng được cha mẹ nuôi truyền cảm hứng và năng lượng để anh có thể thoải mái sáng tạo từ khi còn nhỏ. “Ba mẹ chưa một lần nói tôi không phải con của họ. Họ thật đặc biệt. Dù nhận nuôi tôi khi đã lớn tuổi, nhưng ông bà là người đã dạy tôi những điều quý giá. Học được từ ba mẹ, chuyện giúp đỡ mọi người đã trở thành niềm đam mê của tôi.”
Kinh doanh với anh không chỉ là một công việc kiếm ra tiền, mà còn có ý nghĩa cộng đồng. Anh bán máy đo đường huyết không dây. Anh cũng thực hiện dự án tương tự như công nghệ định vị để giúp các gia đình giữ liên lạc với người thân khi phải sống xa họ, hoặc là người vô gia cư.
“Biết đâu đó cũng là tương lai của tôi. Tôi có thể đã là kẻ vô gia cư hay chết cóng bên đường nếu không được người dọn rác tìm thấy,” anh nhớ lại. Sau này, anh biết mẹ ruột của mình là “gái làng chơi” và nghiện ngập ma túy. Anh chưa từng gặp bà, cũng không có ý định ấy, nhưng anh nói đã tha thứ cho bà.
“Bố mẹ nuôi đã cho tôi tình yêu và tương lai. Họ đã làm hết sức mình để biến thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn. Và bây giờ, đó cũng là điều tôi muốn làm.” Năm nay 83 tuổi, mẹ của Freddie, cũng bắt đầu bị bệnh Alzheimer. Freddie nói mẹ mình đã rất tự hào về những gì con trai bà.
Kết hôn với luật sư Natlie Figgers năm 2015, nhà triệu phú cho biết anh đang rất hạnh phúc với mái ấm gia đình cùng vợ chăm con nhỏ. Bé Rose đầu lòng mới hơn 2 tuổi.
“Tôi đang ở nơi hạnh phúc. Điều quan trọng là tôi sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ hạnh phúc của mình. Tôi cũng chỉ là một con người thôi, nhưng tôi tin rằng mình có thể tác động đến nhiều người. Tôi muốn con gái mình biết điều đó.”
Trên trang Facebook cá nhân, Freddie Figgers nhắn nhủ với mọi người: “Đừng so sánh cuộc sống của bạn với người khác. Mọi con đường đều khác nhau. Bạn là người làm chủ vận mệnh của chính mình, và bạn muốn cuộc sống của mình trở thành như thế nào. Vì vậy, đừng đổ lỗi cho người khác vì bạn đang trốn tránh sự thật cho chính mình. Nếu bạn không kiểm soát số phận của mình, người khác sẽ làm.”
Theo BBC, Washington Post, Blackbusiness.