Lê Vy
Washington sẽ sử dụng đòn bẩy của mình tại Liên Hợp Quốc để chống lại ảnh hưởng xấu độc của Trung Quốc, ngăn chặn sự kìm kẹp chiến lược của Bắc Kinh đối với các cơ quan của LHQ và xây dựng một liên minh để điều tra nguồn gốc của COVID-19, cũng như giải quyết tình trạng vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, một quan chức cấp cao của Mỹ nói tại Quốc hội Hoa Kỳ hôm thứ Tư (16/6).
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói với Ủy ban Đối ngoại Hạ viện: “Họ gây ảnh hưởng to lớn ở LHQ, và ảnh hưởng độc hại này cổ súy cho cách tiếp cận độc tài đối với chủ nghĩa đa phương”. “Chúng ta cần phải chiến đấu với điều đó từng bước một.”
Bà Thomas-Greenfield cho biết, Mỹ đang tham gia trở lại vào các vấn đề toàn cầu sau nhiều năm tập trung hơn vào các vấn đề đối nội, và sự vắng mặt này đã cho phép Trung Quốc và các quốc gia độc tài khác giành được ảnh hưởng.
Tuyên bố của bà Thomas-Greenfield ám chỉ đến chính quyền Trump, tuy nhiên nó bỏ qua thực tế rằng 4 năm qua, Trung Quốc đã bị cựu Tổng thống áp đặt các biện pháp cứng rắn chưa từng có, cũng như chỉ đích danh chế độ Bắc Kinh là mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ và thế giới.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc, theo nhiều nhà phân tích, đã bắt đầu từ thời chính quyền Clinton khi ông Bill đã mở đường cho Trung Quốc tham gia vào các thể chế quốc tế bất chấp những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, với suy nghĩ rằng kinh tế phát triển sẽ kéo theo sự thay đổi về nhân quyền. Trong 8 năm thời chính quyền Obama, nước Mỹ sa lầy trong các cuộc chiến chống khủng bố và để mặc cho Trung Quốc thiết lập ảnh hưởng sâu rộng đến mọi thể chế quốc tế.
Trung Quốc đã tích cực tăng cường ảnh hưởng của mình tại cơ quan toàn cầu này, đảm bảo các vị trí lãnh đạo hàng đầu do công dân Trung Quốc nắm giữ, ví dụ như Ban Kinh tế và Xã hội LHQ, Liên minh Viễn thông Quốc tế, Tổ chức Nông lương LHQ cũng như các vị trí cấp dưới trong Ban Thư ký LHQ.
Trung Quốc thậm chí còn có tên trong Hội đồng Nhân quyền LHQ cùng với Nga và Cuba, bất chấp chính quyền cộng sản Bắc Kinh tiếp tục đàn áp tàn bạo người Duy Ngô Nhĩ, Pháp Luân Công cùng các nhóm tôn giáo và người bất đồng chính kiến khác.
Chính quyền Trump đã rút Mỹ ra khỏi Hội đồng Nhân quyền vào năm 2018, cho rằng nó làm việc không hiệu quả và dung túng cho các vi phạm nhân quyền trên diện rộng.
Tuy nhiên, bà Thomas-Greenfield cho rằng nếu Mỹ không đề cao vai trò lãnh đạo của mình tại Liên Hợp Quốc, thì “nhiều vấn đề sẽ không được đưa ra, nhiều kẻ vi phạm nhân quyền sẽ bị bỏ qua.” Bà cho biết vẫn “thường xuyên tham gia vào vấn đề diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ và nêu lên vấn đề đó tại Hội đồng Bảo an,” bà nói với ủy ban Hạ viện.
Lê Vy