VỘI GIẬN MẤT KHÔN

Nguyễn Thơ Sinh  

Câu hỏi được đặt ra: Bình thường mấy ai tự nhiên lấy súng bắn người khác (huống gì một người đàn ông 29 tuổi lấy súng bắn một đứa trẻ mới lên sáu)? Nhưng câu chuyện tưởng như đùa, hoàn toàn lãng xẹt ấy cuối cùng đã xảy ra. Đáng tiếc thay, nó liên hệ đến một di dân gốc Việt. Nhìn anh, không ai nghĩ anh sẽ là người nổ súng bắn một đứa trẻ mới lên sáu tuổi.

Cổ nhân Việt từng dạy con cháu: Yêu nhau rào giậu cho kín. Đại khái chỉ vì cái hàng rào không được buộc chặt, gà đi lạc, mèo chạy hoang, chó ăn vụng nồi cá kho, nay mất cái chậu, mai thất lạc cái niêu, rồi thì điều ong tiếng ve những lần nhỏ to xầm xì, tiếng chì tiếng bấc, cuối cùng là hàng xóm xích mích. Để rồi một ngày đẹp trời nào đó chuyện hoàn toàn trái ý cuối cùng đã có dịp xảy ra. Nhẹ là văng tục, là nhục mạ nhau, nặng hơn tí nữa là gậy gộc thuổng mác, nặng hơn nữa là nhập viện, là xẻ ván đóng hòm…

Ở Mỹ cũng thế. Không phải ngẫu nhiên thỉnh thoảng bạn vẫn thấy giữa những ngôi nhà rất đỗi yên bình bỗng mọc lên những cái hàng rào. Chẳng là cái gì cả. Thoạt tưởng thế. Nhưng để tránh những phiền toái, hàng rào cứ thế dựng lên cho chắc ăn, không chỉ vừa riêng tư kín đáo, vừa đúng với phép “nước sông không phạm nước giếng”, song nó tránh được những phiền hà, đỡ lôi thôi, đỡ rách việc! Hàng rào (vì thế) nghiễm nhiên trở thành công cụ mang tính phòng cháy nhiều hơn chữa cháy.

Vâng. Người Mỹ cũng như người Việt. Chuyện xích mích lối xóm luôn trong tình trạng có thể xảy ra (như bom nổ chậm). Vì vậy hàng rào không chỉ là một cấu trúc xây dựng vật lý có nhiệm vụ ngăn đôi hai mảnh đất nằm kế sát nhau, song nó còn là biểu tượng khẳng định chủ quyền của một cá nhân sống trên hai mảnh đất ấy. Thậm chí người đi thuê cũng có quyền riêng tư trên mảnh đất họ thuê nhà. Và hàng rào là cấu trúc khẳng định rõ đâu là giới hạn của chủ nhà, thành ra người cà-nghênh-cà-bật không thể sấn sổ bước vào đất người khác bất cứ lúc nào cũng được…

Tất nhiên ở đâu cũng thế, có sự đụng chạm giữa con người là có những phiền toái lôi thôi. Bạn đọc không lạ văn hóa Việt trong quá khứ người ta thường dặn nhau câu “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Điều này phần nào khẳng định được thái độ “dĩ hòa vi quý”, tôn trọng lối xóm của người Việt vì có an cư mới lạc nghiệp; còn như phải sống gần hàng xóm hỡi ôi, nhỏ mọn, xấu tính, thô lỗ cục cằn, khỏe cà khịa… không ai có thể cảm thấy thoải mái được.

Trên xứ Mỹ, vẫn còn có những hàng xóm tốt đấy (điều này ta không cãi). Tuy nhiên cảnh gặp phải hàng xóm “ba trời, ba đất” sống rất chán. Có đâu không ra, cỏ mình cắt sạch sẽ, đụng phải ông hàng xóm ăn ở bầy hầy, ẩu, sống tạm bợ, mỹ quan khu nhà quanh đó bị ảnh hưởng lây. Hoặc sống gần mấy vị thích la cà ăn uống tiệc tùng, đêm nào cũng nhạc sống, nhạc chín, loa bùm đánh ầm ỹ nhức óc đinh tai rất phiền toái. Hoặc phải sống gần hàng xóm (gia cảnh khó khăn) nhiều người chen chúc sống trong một căn nhà nhỏ, xe đậu tràn lan ngoài đường, đậu cả lên vệ cỏ, đậu vào những chỗ không được đậu. Hoặc lối xóm là thành phần nghiện hút, nghiện chích. Hoặc gặp phải ông hàng xóm chằn ăn, trăn quấn, đụng cái gì cũng kêu cảnh sát, ca cẩm, càm ràm đủ thứ. Sống gần hàng xóm kiểu đó khiến người ta rất khó chịu, có dịp dọn nhà đi chỗ khác họ nhất định sẽ dọn ngay.

Đầu tháng sáu Tạp chí Oxygen chạy một bài báo có tên Man Shot 6-Year-Old; Attacked Him With A Sledgehammer For Leaving His Bike On Front Lawn, Family Says. Mới đọc, cứ tưởng người đàn ông trong bài báo là người lớn tuổi, da trắng, khó tính, cục cằn, vì quá giận thằng nhóc hàng xóm rắn mắt, biểu hoài không nghe, liệng xe đạp bừa bãi trên sân cỏ nhà ông nên ông mới đem súng ra… bắn!

Nhưng khi đọc kỹ bài báo mới giật mình. Hóa ra đó không phải là một người đàn ông lớn tuổi, da trắng, tự cho mình có những cái quyền đặc biệt quan trọng hơn người khác. Thay vào đó người nổ súng bắn đứa trẻ sáu tuổi là một đồng hương gốc Việt. Nhìn tấm ảnh người ta chụp anh rồi đưa lên mạng mà lòng chợt se lại. Anh trông rất hiền, vẻ mặt không hề có những dấu hiệu nào cho thấy anh là người máu lạnh, thích nổ súng là nổ. Nhìn anh giống như bao người đồng hương Việt Nam khác. Vậy chuyện gì đã xảy ra? Ai có lỗi. Anh có phải là nạn nhân của một câu chuyện lẽ ra cần được nhìn qua lăng kính trên diện rộng trước khi đưa ra những nhận xét vội vã.

Vâng. Đọc sơ qua tít bài báo nhiều người khó tránh kết luận người nổ súng là kẻ xấu còn đứa trẻ sáu tuổi đích thực là một nạn nhân. Tạm không luận chuyện ai xấu, ai tốt, càng không đôi co cãi chày, cãi cối ai đúng, ai sai ở đây; nhưng như người Việt mình hay nói: Bụt trên tòa gà nào mổ mắt! Liệu câu chuyện này có nên được nhìn từ lăng kính khác biệt văn hóa. (Hoặc) người ta có nên nhìn vào vấn đề một cách nghiêm túc hơn, thảo luận kỹ hơn về trách nhiệm tối thiểu đối với chòm xóm chung quanh khác.

Khi những câu chuyện giật gân kiểu này được loan đi, các chi tiết “tình ngay, lý gian” thường dễ khiến người khác kết luận theo cảm xúc cá nhân. Họ dễ nổi giận, dễ qui kết. Họ dễ rơi vào cái bẫy cám dỗ chỉ trích vội vã khi chưa có đủ thông tin chính xác. Thế là ô-tô-ma-tíc, thói thường, chuyện lôi thôi giữa một người lớn và một đứa trẻ, một bên là cây súng lăm lăm trong tay, một bên là thằng nhóc với chiếc xe đạp bỏ quên cho phép họ dễ dàng quở trách người đàn ông gốc Á: Tại sao anh ta sống quá nhỏ nhen ích kỷ, thậm chí hành xử hết sức bất cẩn (nếu không nói là nguy hiểm) khi nổ súng bắn vào tay đứa nhỏ.

Theo các nhân viên tại bệnh viện, viên đạn do người đàn ông gốc Á bắn hôm đó thực ra hết sức nguy hiểm, chỉ cần chệch qua bên phải hay bên trái một chút là đứa trẻ sáu tuổi ấy không còn tồn tại trên mặt đất nữa. Vâng. Một biến cố ngoài ý muốn xảy ra. Một câu chuyện càng gẫm càng thấy nó vô lý, vô duyên. Một đứa trẻ bỏ quên chiếc xe đạp quay lại lấy rồi bị bắn. Người ta phải đưa em đi bệnh viện cấp cứu. Vết thương có thể dẫn đến án mạng, người ta bảo thế; phải chăng do hội chứng thổi phồng, bé xé ra to, cứ làm ầm ỹ trước cái đã những chuyện khác tính sau!

Ban đầu số tiền thế chấp tại ngoại hậu tra (bond) là $10.000, tuy nhiên sau đó người thân của em nhỏ không đồng ý. Họ phản đối với lý do rất có thể trước đó em đã không may mắn bị bắn chết. Chỉ cần viên đạn lệch qua một bên, khả năng em nhỏ trở thành người thiên cổ trước khi học xong bậc tiểu học là hoàn toàn có thể. Cuối cùng số tiền bond thế chấp được đẩy lên mức $100.000.

Tên của người đàn ông gốc Á 29 tuổi là Ryan Le-Nguyen. Một cái tên cung cấp đầy đủ những thông tin cơ bản nhất về nguyên quán gốc gác, đặc biệt đối với những di dân gốc Việt sống ở Mỹ hay người Việt bên nhà. Không ngoa, với bạn đọc, cái tên ấy đã nói khá rõ về gốc gác cội nguồn của anh. Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ. Câu chuyện của anh, gẫm kỹ, chiết tự một chút, nhất định có liên quan đến cộng đồng người Việt chúng ta ở một góc độ nào đó.

Nhìn tấm ảnh của anh được tải lên mạng, người ta càng thấy ngạc nhiên hơn. Anh Ryan Le-Nguyen nhìn rất bình thường, không xâm mình, không bặm trợn hung hăng. Anh là týp người (qua ảnh) không để lại những ác cảm khó ưa. Người ta không thể tin anh là người tùy tiện nổ súng bắn một đứa trẻ sáu tuổi chỉ vì một chiếc xe đạp bị bỏ quên trên sân cỏ. Nhất định phải có những uẩn khúc bên trong.

Trở lại vấn đề, tất nhiên chúng ta sẽ loại bỏ những cảm xúc “bầu ơi thương lấy bí cùng” nặng tính đồng bào, đồng hương, giữ cho tâm trạng cảm xúc được trung thực khách quan nhất. Chuyện gì đã xảy ra khi chúng ta nghe tin anh Ryan Le-Nguyen vướng phải một chuyện chẳng mấy vui vẻ gì. Đúng thế, chẳng ai ngờ một ngày đẹp trời câu chuyện “100% chẳng ai muốn” đã xảy ra. Anh rơi vào cảnh vô phúc đáo tụng đình. Tai tiếng và bao suy nghĩ dây dưa tiêu cực. Ngàn lần không, vạn lần không, anh bạn đồng hương Ryan Le-Nguyen của chúng ta rất có thể chỉ vì một phút mất bình tĩnh…

Trấn Ypsilanti Township của Michigan, một thành phố nhỏ (charter town) sẽ hiền hòa yên bình như lẽ ra nó rất nên được như thế. Thống kê dân số năm 2010 tại đây có khoảng hơn 53.000 dân. Tiểu bang Michigan hiện đang gặp nhiều khó khăn vì kỹ nghệ sản xuất xe hơi gặp nhiều khó khăn. Đã vậy, dân chúng nơi đây tìm cách dọn đi nơi khác. Nhiều khu dân cư biến thành những con phố ma tại nhiều thành phố. Hạ tầng cơ sở bị bỏ bê. Cuộc sống vốn dĩ đã có quá nhiều thứ phải lo đến; gia đình anh Ryan Le-Nguyen nhất định không cần thêm bất cứ sự phiền toái nhức đầu nào khác nữa.

Đứa trẻ bị bắn là Coby Daniel, da đen, mới sáu tuổi, nhưng cách nói chuyện tỏ ra lém lỉnh khôn lanh khác thường. Theo lời ông bố của cháu bé là anh Arnold Daniel nhiều lần thấy anh Ryan Le-Nguyen vứt một trong những chiếc xe của gia đình họ. Có lẽ do thấy chiếc xe đạp vứt ngổn ngang trước sân nhiều lần, rồi lời qua tiếng lại, bảo hoài không ai chịu nghe, cuối cùng là cằn nhằn, là to tiếng. Người lớn tức khí, đặc biệt khi trẻ nhỏ không được dạy bảo đàng hoàng tử tế, hàng xóm bất kính, khinh thường nhau, cuối cùng là hiệu ứng giọt nước cuối cùng tràn ly, súng đạn lại quá sẵn, vội giận mất khôn. Đúng là không có cái phiền nào giống cái phiền nào…

Bài báo không đưa ra đầy đủ chi tiết nên người ta không thể minh định cụ thể nguyên do dẫn đến vụ nổ súng. Một viên đạn bắn vào tay, em nhỏ bị thương nay đã bình phục, nhưng cộng đồng trấn Ypsilanti Township không thể như xưa nữa. Rồi gốc gác của người đàn ông gốc Á sẽ được người ta nói đến. Có phải đây là khu chúng cư (nên trẻ tha hồ vứt xe đạp bừa bãi) như vẫn thấy ở nhiều khu chung cư xập xệ khác? Đây là khu mất an ninh (nên người ta phải thủ súng)? Hay chi tiết anh Ryan Le-Nguyen từng lấy búa (sledgehammer) rượt đuổi cậu bé cho thấy mối quan hệ giao hảo chòm xóm trong tình trạng báo động.

Cuối cùng vì ghét nhau nên mối hằn học càng ngày càng đào khoét sâu hơn vào các mối quan hệ. Rồi những tiếng cười châm chọc khả ố. Những hằn học ánh mắt miệt khinh. Những khiêu khích lộ liễu ra mặt. Những nóng máu. Những tức khí. Ghen ăn tức ở. Mỹ đen có quyền không ưa Mỹ vàng cũng như Mỹ vàng không cần phải khách sáo với bất kể loại Mỹ nào. Vì bài báo không cung cấp đầy đủ chi tiết, người đọc, nhất là người Việt từng có nhiều kinh nghiệm với cảnh sống chung đụng, những khu chúng cư phức tạp, những nơi trà trộn người xấu kẻ tốt, vàng thau lẫn lộn, lộn xộn lu xà bù… có quyền nghĩ khác.

Có câu nói: Trẻ con mất lòng người lớn. Cậu bé Coby Daniel rất lém lỉnh. Hãy nghe cậu trả lời phỏng vấn đài TV Fox 2 (nguyên văn) bạn sẽ ngạc nhiên: He tried hitting me with a sledgehammer but that’s not going to work because I’m too fast. [Then he] got a gun and BOOM shot me right here. Có thể chỉ vì những đứa trẻ rắn mắt, không được người lớn dạy bảo tử tế, chúng hỗn, phá phách nghịch ngợm quá đáng khiến hàng xóm nổi giận.

Đã thế ở Mỹ người ta thường quý trẻ con. Xã hội thường kết án những ai gây hại đến trẻ con. Câu chuyện anh Ryan Le-Nguyen có thể còn dấy lên những hệ lụy. Người Châu Á từng bị hiềm tỵ chống đối dạo gần nay, nay mai tại trấn Ypsilanti Township nơi anh Ryan Le-Nguyen sống nói riêng và nhiều nơi khác trên nước Mỹ câu chuyện không đáng có này sẽ tiếp tục lan truyền, nhất là tại các cộng đồng Mỹ gốc Việt và cộng đồng da đen.

Thế mới biết khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống. Có lẽ nói dễ, làm khó. Không phải vô cớ tự nhiên anh Ryan Le-Nguyen tự nhiên nổ súng bắn một đứa trẻ. Nhưng thôi, nói mãi vẫn chỉ là chuyện phỏng đoán già non. Chắc chắn một điều, bài học của anh Ryan Le-Nguyen, mong thay, giá trị của nó cũng là giá trị bài học dành cho nhiều người Việt sống trên đất Mỹ như chúng ta: Vội giận, mất khôn.

Nguyễn Thơ Sinh

Related posts