Cúp Bóng đá Châu Âu: Một cuộc tranh tài tràn ngập chiến thuật địa chính trị

Minh Anh

image.png
Sân vận động Ferenc Puskas chật kín người trong trận đấu giữa hai đội tuyển Hungary và Bồ Đào Nha, ngày 15/06/2021, Budapest, Hungary. AP – Laszlo Balogh


Bóng dáng chính trị luôn hiện hữu trong mọi cuộc tranh tài thể thao và Cúp Bóng Đá Châu Âu 2021 sẽ không là một ngoại lệ. Ẩn sau các trận cầu, diễn ra từ ngày 11/6 – 11/7/2021, là những căng thẳng địa chính trị.

Nhân kỳ Euro Cup 2021 này, kênh truyền hình France 24, có cuộc trao đổi với ông Kevin Veyssière, trợ lý nghị sĩ Pháp, tác giả tập sách « 22 câu chuyện lạ thường để hiểu thế giới ». Ông cũng hiện diện thường xuyên trên mạng xã hội Twitter dưới bút danh « FC Geopolitics », nhằm giải mã những thách thức của các trận cầu năm nay. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.

***

France 24 : Cuốn sách của ông đưa ra một quan sát : Đó là một giải bóng đá Euro gắn bó mật thiết với lịch sử của châu Âu. Liệu chúng ta có thể đi xa hơn, nói rằng cuộc tranh tài là người bạn đồng hành thể thao trong quá trình kiến thiết Châu Âu ?

Kévin Veyssière : Đối với một giải Euro, được thiết kế để mừng 60 năm ngày ra đời sự kiện, việc chọn Roma để diễn ra trận khai mạc là không phải tầm thường. Chính ở nơi này Hiệp ước Roma đã được ký kết để thành lập Cộng đồng Than Thép Châu Âu – CECA – năm 1957 – tiền thân của Liên Hiệp Châu Âu.

Phần đầu tiên của tập sách tôi kể lại làm thế nào Cúp Bóng Đá Châu Âu ra đời sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc : Các quốc gia châu Âu tìm cách tập hợp lại với nhau. Nhiều sáng kiến đã được đưa ra ở cấp độ ngoại giao, kinh tế mà cả ở thể thao nữa. Điều đó sẽ dẫn đến việc hình thành Liên Đoàn Bóng Đá Châu Âu (UEFA) năm 1954, theo sáng kiến của ông Henry Delaunay, tổng thư ký Liên Đoàn Bóng Đá Pháp. Ông từng muốn lập một giải Euro từ những năm 1920 nhưng ý tưởng của ông đã không thành công do việc hình thành Cúp Bóng Đá Thế Giới (năm 1930).

UEFA được lập ra trước hết là để chống lại ảnh hưởng của các quốc gia Nam Mỹ, đe dọa thế bá quyền của châu Âu trên phương diện bóng đá với giải đấu Copa America từ năm 1916. Tuy nhiên, chính tờ báo Anh Quốc Daily Mirror đã tạo ra một chuỗi các sự kiện dẫn đến sự ra đời của Cúp Bóng Đá Châu Âu.

Năm 1954, tờ báo này tuyên bố Wolverhampton là câu lạc bộ chơi hay nhất trên thế giới. Đương nhiên, điều đó không làm hài lòng các đối thủ Pháp chút nào. Họ phản công và cho thành lập giải Cúp Vô Địch Các Câu Lạc Bộ, tiền thân của UEFA Champions League (hay còn gọi là Cúp C1 Châu Âu). Thành công phổ biến đến mức giải Bóng Đá Châu Âu thi đấu giữa các đội tuyển quốc gia đã được hình thành sau đó.

Ngay từ khởi thủy, giải Euro đã mang tính xuyên biên giới. Vào thời điểm đó, bức màn sắt vẫn còn tồn tại nhưng UEFA đã quy tụ được các nước Đông và Tây Âu. Bằng chứng là giải Euro cho phép có được một nền hòa bình giữa các quốc gia.

Tập sách của ông nhắc lại rằng theo thời gian, Euro Cup là nơi chứng kiến nhiều biến động lịch sử nhất, khi Tây Ban Nha của Franco từ chối gặp đội Liên Xô, sự tan rã của Nam Tư, việc công nhận nước Croatia… Năm nay, cùng với đại dịch Covid-19, Lịch sử của Euro lại tái hiện trong bóng đá ?

Bóng đá là môn thể thao được ưa chuộng nhất trên thế giới. Nó có tác động đến mọi lĩnh vực xung quanh ta. Năm nay, với dịch bệnh Covid-19, nhiều chính phủ đã muốn biến mùa Euro năm nay thành chiếc tủ kính cho chính sách chống dịch bệnh và tiêm chủng. Cụ thể, chúng ta thấy thủ tướng Boris Johnson tỏ ra rất tích cực, khi đề xuất tổ chức toàn bộ giải đấu. Ông ấy muốn chứng tỏ rằng chính sách dịch tễ của ông ấy và việc Brexit đều vận hành.

Tại Hungary, thủ tướng Viktor Orban chính trị hóa việc tiếp đón các cổ động viện và trận đấu Euro với tư cách là quốc gia chủ nhà duy nhất có khả năng đón 100% khán giả tại sân vận động. Thế nhưng, Hungary lại là một trong số các nước có tỷ lệ tử vong cao nhất. Ông Viktor Orban đã quen việc thao túng thể thao để quảng bá cho chế độ chính trị của ông ấy.

Trước khi Euro khai mạc, tranh cãi đã dấy lên liên quan đến chiếc áo của đội tuyển Ukraina. Chuyện gì đã xảy ra ?

Việc lộ áo thi đấu của đội tuyển Ukraina đã gây ra nhiều tranh cãi. Trên chiếc áo này, người ta thấy lãnh thổ của Ukraina bao gồm cả bán đảo Crimée và các vùng Donetsk và Lougansk, do phe ly khai thân Nga kiểm soát.

Chính quyền Nga đã nhanh chóng phản ứng cho đấy là một vụ tai tiếng, một cách đặt nghi vấn về sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga và thao túng thể thao. Điều này có thể gây nực cười bởi vì Nga quá quen thuộc với việc pha lẫn thể thao và chính trị như chúng ta đã từng thấy với Thế Vận Hội Mùa Đông Sotchi hay Cúp Bóng Đá Thế Giới năm 2018.

Ukraina sử dụng kỳ Euro này để đưa ra ánh sáng một cuộc xung đột bị lãng quên. Nước này cũng dùng giải đấu để tạo dựng lại mối liên kết sau khi đã bị mất nhiều vùng lãnh thổ những năm gần đây. Dù vậy, sự ngẫu nhiên khi rút thăm cho thấy hai nước có nguy cơ sẽ gặp nhau ở tứ kết, trận đấu dự báo sẽ là dữ dội.

Trong kỳ Euro này, còn có những hồ sơ địa chính trị nào cần theo dõi ?

Trong những trận đấu sắp tới, tôi chú ý nhiều vào cuộc gặp giữa Anh Quốc và Scotland (diễn ra vào thứ Sáu 18/06), trận đấu về Brexit. Cuộc tranh tài diễn ra trên sân Wembley, ngôi đền của nền bóng đá Anh. Nhìn chung, những trận đấu giữa hai láng giềng thường khá nóng bỏng nhưng ở đây, trận cầu sẽ còn sôi sục hơn do vấn đề Brexit. Bởi vì, Scotland đã bỏ phiếu để ở lại với Liên Hiệp Châu Âu. Một chiến thắng của đội Scotland sẽ còn có một ý nghĩa biểu tượng cho nước này.

Người ta cũng có thể nói về tất cả những gì có liên quan đến đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ và những liên hệ với tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Với nguyên thủ Thổ, bóng đá còn là một cách thức để hợp pháp hóa chế độ của ông ấy. Đó cũng là một công cụ để ông Erdogan chứng tỏ với quốc tế rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia hùng mạnh. Tuy nhiên, cũng không nên diễn giải tất cả đều ủng hộ tổng thống. Các cầu thủ trước hết họ ủng hộ quốc gia của họ còn nhiều hơn chính bản thân ông Erdogan.

Ngoài ra, không nên xem đấy là một hình thức công cụ hóa sau mỗi hành vi của các tuyển thủ. Trận đấu giữa PSG và Istanbul Basaksehir bị gián đoạn vì những lời chửi rủa kỳ thị chủng tộc đã cho thấy là các cầu thủ có thể là người đưa ra các sáng kiến. Tương tự, các cầu thủ trong trận bóng giữa Na Uy và Đan Mạch đã mặc những chiếc áo để tố cáo những điều kiện làm việc của người lao động ở Qatar. Các cầu thủ ngày càng sử dụng nhiều đến môn thể thao của họ để đưa ra một thông điệp mà không hẳn có một sự thao túng chính trị nào đó ! 

Related posts