Tin thế giới sáng thứ Bảy

Mỹ-Trung Quốc: Tòa Bạch Ốc có thể tổ chức thượng đỉnh Biden-Tập Cận Bình

Thanh Hà

image.png
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong một lần tiếp Joe Biden, khi ấy với tư cách là phó tổng thống Mỹ đến thăm Bắc Kinh ngày 04/12/2013. AP – Lintao Zhang

Trả lời báo chí ngày 17/06/2021, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, Jack Sullivan ngày 17/06/2021 cho biết, chính quyền Mỹ nghiên cứu khả năng tổ chức một buổi làm việc giữa tổng thống Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay tại Ý.

Theo AFP, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho rằng chuyến công du châu Âu của tổng thống Joe Biden đã thành công. Các cuộc gặp thượng đỉnh trong khuôn khổ G7, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), với các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu và nhất là cuộc gặp và hội đàm với tổng thống Nga Vladimir Putin, đã « đặt nền tảng » cho việc chứng minh rằng « các nền dân chủ có thể đem lại những kết quả cho công dân của chính mình và các công dân trên toàn thế giới ».

Vẫn theo ông Sullivan, chuyến công du đầu tiên của nguyên thủ Mỹ cho thấy các nền dân chủ trên thế giới có một tầm nhìn chung « về Trung Quốc ». Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng khẳng định, « tâm điểm trong chính sách đối ngoại của tổng thống Biden »« tạo điều kiện để các nền dân chủ giành lấy phần thắng trong cuộc đọ sức toàn cầu chống lại các chế độ độc đoán » như là Trung Quốc và Nga.

Do vậy, ông Sullivan cho biết, tương tự như thượng đỉnh với tổng thống Putin, Joe Biden đang tính tới việc tổ chức một buổi làm việc trực tiếp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chủ nhân Nhà Trắng quan niệm không có giải pháp nào tốt hơn là « đối thoại trực tiếp giữa các lãnh đạo ».

Washington để ngỏ khả năng thượng đỉnh Mỹ-Trung sẽ diễn ra bên lề thượng đỉnh G20, nhưng cũng không loại trừ khả năng lãnh đạo hai nước lại có một cuộc trao đổi « qua điện thoại ». Điều cần thiết là tạo điều kiện để « trong những tháng tới tổng thống Joe Biden thảo luận với chủ tịch Tập Cận Bình ». Vấn đề còn lại là xác định về « thời điểm và hình thức cuộc họp ».

Vào tháng Hai vừa qua, Joe Biden đã điện đàm với Tập Cận Bình.

Trung Quốc là mối quan tâm « ưu tiên » của Lầu Năm Góc
Cũng trong quan hệ Mỹ-Trung, điều trần trước Ủy Ban Tài Chính tại Thượng Viện hôm 17/06/2021 để bàn về ngân sách quốc phòng Mỹ trong tài khóa 2022, bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin khẳng định : Trung Quốc là một thách thức trong cuộc chạy đua với thời gian của Hoa Kỳ. Điều « rất quan trọng » là Washington phải tập trung nỗ lực để tạo điều kiện huy động các đối tác và đồng minh của Mỹ ở  Ấn Độ -Thái Bình Dương đây là một khu vực mang tính « chiến lược sống còn »

Tuần trước tướng Austin thông báo đã chỉ thị cho một nhóm làm việc đặt Trung Quốc và những hành động tăng cường sức mạnh quân sự của Bắc Kinh là mối quan tâm « hàng đầu » trong chính sách phòng thủ của Hoa Kỳ.

Belarus cửa ngõ vào châu Âu của người nhập cư bất hợp pháp

Thanh Hà

image.png
Cột mốc biên giới giữa Adutiskis, Litva với Belarus. Ảnh chụp ngày 15/06/2021. REUTERS – INTS KALNINS

Chính quyền Litva hôm 17/06/2021 lên án Belarus cố tình mở cửa biên giới cho người tị nạn Trung Đông vào châu Âu. Vilnius tố cáo Minsk sử dụng lá bài nhập cư như một loại « vũ khí » trả đũa Liên Âu trừng phạt chính quyền của tổng thống Loukachenko đàn áp đối lập.

Thông tín viên trong khu vực Hermine Le Clech gửi về bài tường trình :

« Càng lúc càng có nhiều người Syria và Irak vượt biên hàng tháng, như giải thích của bà Egle Samuchovaite, giám đốc chương trình thuộc Hội Chữ Thập Đỏ Litva : « Trong 5 tháng gần đây, đã có khoảng 200 người đến đây, và chỉ riêng tháng 6 vừa qua thì cũng đã có thêm 200 người tị nạn vào Litva. »

Trong tình cảnh mà các trung tâm đón nhận người nhập cư chật chỗ, Litva đã khẩn cấp dựng lên một trại đón nhận người tị nạn. Phần lớn là những toán từ 20 đến 30 người hay là cả một gia đình được đưa về đây.

Vẫn theo đại diện Hội Chữ Thập Đỏ, « một phần ba trong số này là nam giới, một phần ba là phụ nữ và bên cạnh đó là trẻ em, cả trẻ vị thành niên đi một mình hay những người có vấn đề sức khỏe. Chúng tôi lo lắng về khả năng tiếp đón người nhập cư ».

Theo cảnh sát biên phòng Litva, dường như còn khoảng 1.500 người tị nạn đang đợi ở biên giới phía bên lãnh thổ Belarus. Hai quốc gia có đường biên giới chung 500 cây số.

Ông Rolas Pukinskas phụ trách thông tin của cơ quan biên phòng Litva giải thích về hành trình của những người nhập cư qua ngả biên giới giữa Belarus và Litva như sau : « Họ đáp máy bay từ Bagdad hay Istanbul đến Minsk, rồi đi đến biên giới và vượt biên trái phép ở trạm nào đó gần nhất. Chúng tôi hy vọng đường biên giới sẽ được tăng cường bằng các rào cản an ninh, camera giám sát ».

Chính quyền Litva giờ đây chờ đợi cơ quan Frontex của châu Âu trợ giúp và kế hoạch đó được dự trù vào tháng 7 tới đây ».

Lắp đặt hệ thống cáp quang trong vùng Thái Bình Dương : Hoa Vi bị loại

Thanh Hà

image.png
Một gian trưng bày của tập đoàn viễn thông Hoa Vi, Trung Quốc tại cuộc triển lãm ở Bắc Kinh ngày 31/10/2019. AP – Mark Schiefelbein

Hãng tin Reuters ngày 18/06/2021 trích dẫn hai nguồn thạo tin cho biết, vì lý do « an ninh » tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi coi như bị loại khỏi một dự án lắp đặt hệ thống cáp quang ở Thái Bình Dương. Đây là một dự án do Ngân Hàng Thế Giới tài trợ.

Hệ thống cáp quang nói trên nhằm nâng cấp mạng internet và các phương tiện thông tin cho các quốc gia trong vùng Thái Bình Dương. Trong số này có các quốc đảo Nauru, Kiribati và nhóm các quốc gia thuộc khối Federated States of Micronesia tại Nam Thái Bình Dương.

Chi nhánh của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi HMN là một trong số bốn công ty đấu thầu để giành hợp đồng. Giá thành của công ty Trung Quốc này ước tính lên tới 72,6 triệu đô la, thấp hơn đến hơn 20 % so với các đối thủ cạnh tranh như Alcatel ASN của Pháp, Nokia của Phần Lan hoặc NEC của Nhật Bản. Với lợi thế về giá cả nói trên, Hoa Vi chiếm thế thượng phong.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin được Reuters trích dẫn, dự án đã lâm vào bế tắc sau khi Hoa Kỳ báo động về yếu tố « an ninh ». Vấn đề đặt ra là mạng cáp quang nói trên có nguy cơ dễ dàng kết nối vào những đường dây nhậy cảm của Mỹ gần khu vực đảo Guam, một căn cứ quân sự quan trọng của Hoa Kỳ trong khu vực.

Về phía nhà tài trợ là Ngân Hàng Thế Giới, trước mắt định chế tài chính đa quốc gia này cho biết đang tìm kiếm một giải pháp cho những « giai đoạn kế tiếp ». Tiến trình gọi thầu tạm thời bị hoãn lại do không một đối tác nào đáp ứng những đòi hỏi của dự án.

Bắc Kinh đã phản ứng ngay lập tức. Một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói với Reuters, quyết định phải được đưa ra trên cơ sở những yếu tố mang tính thương mại và « không mang tính phân biệt đối xử ».

Iran bầu tổng thống: Ứng viên bảo thủ nhiều khả năng đắc cử, tỉ lệ vắng mặt có thể phá kỷ lục

Trọng Thành

image.png
Ebrahim Raisi, ứng viên phe bảo thủ được cho là có nhiều phần thắng trong cuộc tranh cử tổng thống Iran, diễn ra ngày 18/06/2021. AP – Ebrahim Noroozi

Hôm 18/06/2021, Iran bầu tổng thống. Ứng cử viên phe bảo thủEbrahim Raissi, lãnh đạo tư pháp được coi là nắm chắc phần thắng, do không có đối thủ xứng tầm. Toàn bộ các đối thủ nặng ký đều đã bị loại khỏi danh sách.

Ẩn số chính của cuộc bầu cử hôm nay là số lượng cử tri tham gia. Theo một số thăm dò dư luận hiếm hoi, tỉ lệ cử tri không đi bỏ phiếu có thể vượt mức kỉ lục 57%, trong kỳ bầu cử Quốc Hội Iran năm 2020. Đối lập Iran ở hải ngoại và một số tiếng nói ly khai trong nước kêu gọi tẩy chay bầu cử. Về phần mình, giáo chủ tối cao Iran Ali Khamenei kêu gọi 59,3 triệu cử tri đi bỏ phiếu đông đảo để bầu ra một « tổng thống mạnh ». Tổng thống Iran, trên thực tế, có quyền lực hạn chế, giáo chủ tối cao là người nắm giữ các quyền lực chủ yếu.

Về cuộc bầu cử tổng thống hôm nay, thông tín viên Shiavos Ghazi từ Teheran cho biết thêm :

« Giáo sĩ theo xu hướng bảo thủ Ebrahim Raissi là người có nhiều khả năng đắc cử nhất. Nhân vật này hiện đang đứng đầu hệ thống tư pháp Iran. Ebrahim Raissi có được sự ủng hộ của toàn thể chế độ. Theo một thăm dò dư luận cách nay hai ngày, ứng cử viên này có thể giành được 62% phiếu bầu. Ebrahim Raissi hứa sẽ ưu tiên những người nghèo khổ nhất, và chấn hưng nền kinh tế quốc gia.

Về mặt đối ngoại, ứng cử viên theo xu hướng bảo thủ này tuyên bố ủng hộ một thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc, cùng lúc khẳng định cần phải có một chính quyền mạnh, để có được lợi thế trong các thương thuyết đang được tiến hành hiện nay tại Vienna, nhằm lại sống lại thỏa thuận hạt nhân 2015.

Đối thủ chính của Ebrahim Raissi là chính trị gia theo xu hướng ôn hòa Abdolnasser Hemati. Cách nay bốn tháng, ông Abdolnasser Hemati là thống đốc Ngân hàng Trung uơng. Nhiệm vụ rất khó khăn. Trên thực tế, cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương phải huy động được khối cử tri ôn hòa và cải cách, vốn rất thất vọng về các kết quả kinh tế và xã hội của nhiệm kỳ tổng thống Rohani vừa qua. Lạm phát vượt mức 50%, giá trị của đồng tiền Iran đã sụt giảm mạnh trong những năm gần đây, do các trừng phạt Mỹ.

Thêm vào đó, ứng cử viên Abdolnasser Hemati đã không huy động được sự ủng hộ của tất cả các đảng phái cải cách và ôn hòa. Đây là một điểm bất lợi lớn. Trong giai đoạn tranh cử, cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương đã đặc biệt nhấn mạnh đến nguy cơ phe bảo thủ kiểm soát toàn bộ các công cụ quyền lực ».

Hồng Kông: Apple Daily tăng gấp 6 số lượng báo phát hành, sau cuộc bố ráp của cảnh sát

Trọng Thành

image.png
Công nhân chuẩn bị các bản sao của tờ Apple Daily tại một cơ sở in ấn ở Hồng Kông ngày 18/06/2021. REUTERS – JAMES POMFRET

Nhật báo Hồng Kông Apple Daily, có lập trường ủng hộ dân chủ do tỉ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai) sáng lập, quyết định không lùi bước. Hôm nay, 18/06/2021, Apple Daily tăng gấp 6 lần số lượng báo phát hành, ngay sau khi cảnh sát Hồng Kông ập vào tòa soạn bắt giữ 5 thành viên chủ chốt của báo, trong đó có tổng biên tập và tổng giám đốc.

Theo AFP, 500.000 ấn bản là số lượng báo Apple Daily được phát hành hôm nay, gấp 6 lần số báo xuất bản thường ngày. Ban biên tập tòa soạn đã làm việc xuyên đêm, dưới sự chứng kiến của phóng viên nhiều phương tiện truyền thông khác, để cho phép số báo kịp ra mắt. Nhiều máy tính và ổ cứng của tòa soạn đã bị lấy đi sau cuộc bố ráp.

Người phụ trách tòa soạn báo Apple Daily quyết định chọn đăng trên trang nhất của số báo hôm nay gương mặt của 5 người bị bắt hôm qua, với một dòng tin ngắn : « cảnh sát thuộc cơ quan an ninh quốc gia khám xét Apple, bắt 5 người, đưa đi 44 ổ đĩa cứng của tòa soạn ». Bên dưới là dòng chữ vàng khổ lớn : « Chúng ta phải tiếp tục ».

« Chúng ta phải tiếp tục ! » chính là câu nói của tổng giám đốc Trương Kiếm Hồng (Cheung Kim-hung), khi ông bị cảnh sát còng tay đưa đi.

Nhiều thông tin tại chỗ cho thấy, dân Hồng Kông đã ồ ạt mua báo. Tại khu phố bình dân Vượng Giác (Mongkok), hàng chục người xếp hàng từ rất sớm để đợi mua báo, trước khi báo đến. Một chủ tiệm báo cho AFP biết, bình thường báo chỉ bán được khoảng 60 tờ, nhưng hôm nay, 1.800 tờ đã được bán sạch, tiệm báo đã đặt thêm 3.000 tờ mới.

Tờ Apple Daily tin tưởng là dân chúng Hồng Kông – vốn tham gia đông đảo vào phong trào đòi dân chủ 2019 – sẽ mua hết lượng báo phát hành hôm nay, để tỏ rõ thái độ với chính quyền Hồng Kông, với Bắc Kinh.

Mỹ, Liên Âu, Anh Quốc lên án
Theo Reuters, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và Anh Quốc đã lên án vụ bố ráp, bắt người tại tòa soạn Apple Daily. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price khẳng định Washington « quan ngại sâu sắc » về việc chính quyền Hồng Kông sử dụng Luật an ninh Quốc gia để trấn áp các phương tiện truyền thông độc lập, và cáo buộc của chính quyền cho rằng Apple Daily « đồng lõa » với nước ngoài hay với một số thế lực bên ngoài gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia là « hoàn toàn do động cơ chính trị ».

Related posts