Chuyên gia: ĐCSTQ ra chính sách dân số như… chăn nuôi lợn

Mạn Vũ

Chính sách một con, nếu gia đình nào sinh thêm, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không ngần ngại ‘vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ’. Chính sách hai hoặc ba con, nếu không đạt chỉ tiêu, rất có thể cán bộ ĐCSTQ sẽ ra sức ‘giúp đỡ’, vậy họ ‘giúp đỡ như thế nào?…

ĐCSTQ coi nhân khẩu như ngành ‘chăn nuôi’

Trong chương trình Viễn khán khoái bình (Nhìn xa bình nhanh) đăng ngày 1/6, học giả Đường Tĩnh Viễn nhìn nhận chính sách dân số của ĐCSTQ còn tệ hơn ngành chăn nuôi lợn. Đường tiên sinh nói rằng:

“Đằng sau chính sách sinh con của ĐCSTQ đã tiết lộ, ‘chính quyền đỏ’ miệt thị và xúc phạm giá trị cuộc sống này.

Ngay cả khi đó là một trang trại lợn, nếu lợn không đẻ, thì người chủ trước tiên phải xem qua hoàn cảnh sống của những lợn mẹ này liệu có bất thường hay không, môi trường của nó có cần cải thiện hay không, chứ không phải cứ bắt lợn đẻ một cách mù quáng.

Trước đây ĐCSTQ thi hành chính sách kế hoạch hoá gia đình ‘đẫm máu’, đến hôm nay lại thay đổi 180 độ. Lối tư duy đằng sau hiện tượng này, trên thực tế chính là ĐCSTQ coi người dân như những ‘chú lợn con’. 

Trong quá khứ có người nói rằng chính sách của ĐCSTQ đối với doanh nghiệp gọi là chính sách ‘chăn nuôi lợn’. Khi lợn béo tốt thì vung đao đồ sát. Đối với người người bình thường mà nói chẳng phải cũng như vậy hay sao. 

Học giả Đường Tĩnh Viễn nhìn nhận chính sách dân số của ĐCSTQ còn tệ hơn ngành chăn nuôi lợn (ảnh minh hoạ: Pixabay).

Thời đầu ĐCSTQ từ chối kinh tế thị trường, xem ‘bần cùng’ làm đúng đắn chính trị. Chính là chỉ có một ‘nồi cơm lớn’ cho nên ĐCSTQ không cho phép sinh nhiều. Nhưng hiện nay ĐCSTQ phát hiện chỗ tốt của kinh tế thị trường, phát hiện lợi ích to lớn của nhân khẩu, phát hiện ‘rau hẹ’ (*) nhiều, gặt mới có thu lợi. Cho nên ĐCSTQ khuyến khích sinh nhiều. Tuy rằng biểu hiện hai chính sách sinh sản trước – sau có khác nhau – thậm chí là mâu thuẫn nhau, nhưng đằng sau là cùng một mục đích: duy trì quyền lợi cho ĐCSTQ”.

Một nhà bình luận chính sự khác là Trần Phá Không tiên sinh, trong Túng luận thiên hạ (Tự do đàm luận thiên hạ) đăng ngày 3/6 đã phân tích rằng: chính sách ba con của ĐCSTQ gói gọn trong 6 chữ đó là: ‘Hoang đường’, ‘vô dụng’ và ‘đáng cười’.

25 ‘ông lão’ quyết định vấn đề sinh sản của 1,4 tỷ người

Trần tiên sinh nói rằng: “Điều hoang đường chính là quyết định này do Bộ chính trị đưa ra vào ngày 31/5, 25 người đàn ông (bao gồm Tập Cận Bình và các cán bộ cao cấp trong nội bộ ĐCSTQ) từ 60-70 tuổi đưa ra quyết định về vấn đề sinh sản của 1,4 tỷ người. Bây giờ chúng ta phải nói là 1,3 tỷ người, bởi vì cuộc điều tra dân số gần đây có nhiều bằng chứng thiếu tin cậy nên tôi cho rằng chỉ 1,3 tỷ người. Những ‘ông lão’ này dựa vào điều gì để quyết định vấn đề sinh sản của 1,3 tỷ người?

Con người là do cha mẹ sinh ra và con người có quyền sinh hay không sinh. Nhưng ĐCSTQ lãnh đạo hết thảy, quản Trời, quản đất, quản cả quyền sinh sản của con người. Từ góc độ này cho thấy rằng chính sách sinh sản của ĐCSTQ là hoang đường. Quyền sinh sản của chúng tôi làm sao các ông quản được đây. 

Thứ hai là vô dụng (không có tác dụng). Vì sao? Bởi vì ban đầu ĐCSTQ quy định rằng chỉ nên sinh một con, nhưng sau đó phát hiện dân số đã suy giảm nghiêm trọng, sức lao động không đủ. Sau đó vào năm 2015 ĐCSTQ bắt đầu chính sách hai con. Kết quả trải qua 5-6 năm đã trở thành ‘vô dụng’, phần vì chi phí nuôi con, phần vì người trẻ còn có gánh nặng cha mẹ già, cho nên người trẻ không muốn sinh con. Chính sách hai con trở nên ‘vô dụng’, vậy thì chính sách ba con liệu có tác dụng chăng?

Thứ ba là đáng cười. Bởi vì ĐCSTQ làm cái gọi là kinh tế kế hoạch, những kế hoạch 5 năm, trong đó còn có danh từ là ‘kế hoạch sinh sản’ (kế hoạch hoá gia đình), thậm chí việc sinh đẻ cũng phải… lên kế hoạch. Đặc biệt là chính sách kế hoạch hoá gia đình sau những năm 1970 được hô hào, triển khai rầm rộ.

ĐCSTQ nói rằng để hạn chế dân số và tiết kiệm lương thực nên mỗi cặp vợ chồng chỉ có thể sinh một con, hơn nữa chính sách này là ‘cưỡng chế thực thi’. Khi cưỡng chế thực thi đã có không biết bao nhiêu chuyện hoang đường xảy ra. Tôi không nói cụ thể, chỉ nói một vài khẩu hiệu khắp thành thị và nông thôn”. 

Những khẩu hiệu khiến người xem ‘tim đập chân run’

Trần tiên sinh kể rằng: “Tôi kể cho mọi người một số khẩu hiệu kế hoạch hoá gia đình. Nào là: ‘Một người vượt sinh, cả thôn tuyệt dục’; ‘Thà máu chảy thành sông cũng không sinh thêm đứa trẻ’; ‘Thà thêm mười ngôi mộ cũng không thêm một đứa trẻ’; ‘Một thai giữ, hai ba bốn thai: sát sát sát’… Bởi vì cưỡng chế kế hoạch hoá gia đình, cưỡng chế tuyệt dục, cưỡng chế ‘chính sách một con’, cho nên nhiều phụ nữ nông thôn thống khổ vì ‘vỡ kế hoạch’, phải tự tử. ĐCSTQ khi đó còn có khẩu hiệu lạnh người: ‘Nếu không uống thuốc (đoạ thai) thì đưa dây thừng’. 

Bây giờ thì ngược lại, một con không đủ phải sinh hai con, sau đó lại xuất hiện biểu ngữ có nội dung mạnh mẽ: ‘Làm mỗi phụ nữ nông thôn mang thai thứ hai là trách nhiệm không thể thoái thác của… Bí thư chi bộ thôn’. Điều này làm người ta liên tưởng đến việc cán bộ đảng viên ở nông thôn rất ‘tạp loạn’. Trưởng thôn, Bí thư chi bộ có ‘quan hệ tình cảm’ với nhiều phụ nữ trong thôn, thậm chí đứa trẻ sinh ra không biết là con của chồng hay cán bộ trong thôn! Đây đã trở thành những vụ bê bối phổ biến ở nông thôn Trung Quốc. 

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu bị phạt nặng 26,5 tỷ đồng vì sinh con thứ ba

Nhân tiện tôi nói về trường hợp của đạo diễn nổi tiếng Trung Quốc – Trương Nghệ Mưu. Vài năm trước ông bị phạt tiền bởi vì sinh con thứ ba cùng với vợ là Trần Đình. Ông bị phạt nặng 7,48 triệu NDT (khoảng 26,5 tỷ đồng) ở thành phố Vô Tích tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Hiện tại vợ của ông là Trần Đình đã lên tiếng. Cô đã đăng một câu trên Weibo rằng: ‘Chúng tôi đã hoàn thành trước kỳ hạn’. Nghĩa là trước đây gia đình cô bị phạt vì sinh con thứ ba, còn bây giờ cô đã ‘hoàn thành nhiệm vụ’.

Nhưng cư dân mạng đã nhắc nhở rằng, ‘số tiền bị phạt liệu có nên lấy lại không’. Câu này đã nhắc nhở chúng ta một điều rất to lớn, chính là chính sách kế hoạch hoá gia đình của ĐCSTQ từ đầu đến cuối là sai rồi, là phản nhân loại, phản nhân tính, phản nhân đạo và phản nhân quyền.

Hàng chục triệu đến hàng trăm triệu trẻ sơ sinh bị sát hại, đặc biệt là các bé gái sơ sinh bị sát hại hoặc bỏ rơi do chính sách dân số của ĐCSTQ, đây là tội ác chống lại loài người, là một vụ thảm sát. Đây là một kiểu diệt chủng khác, có thể được so sánh với Thảm sát Lục Tứ, nạn diệt chủng ở Tân Cương… 

(*) Rau hẹ: Nguyên gốc là Cửu thái – 韭菜. Người Trung Quốc dùng từ này để nói về bàn dân trăm họ, những con người mỏng manh dễ bị thương tổn. Theo cách tư duy trên, nếu ‘rau hẹ’ nhiều quá, để đảm bảo được ‘nồi cơm lớn’, ĐCSTQ có thể dùng… ‘thuốc diệt cỏ’.

Related posts