Tin thế giới sáng thứ Ba

Covid-19 : Mỹ gửi tặng 2,5 triệu liều vac-xin cho Đài Loan

Thanh Hà

image.png
Khách Sạn Lớn ở Đài Bắc kết đền thể hiện cảm ơn Mỹ đã viện trợ 750 nghìn liều vac-xin ngừa Covid-19 cho Đài Loan, ngày 06/06/2021. AP – Chiang Ying-ying

Trên mạng xã hội Facebook, đại diện văn phòng ngoại giao Hoa Kỳ tại Đài Loan thông báo 2,5 triệu liều thuốc Moderna chống Covid-19 đang trên đường đến Đài Bắc. Đợt viện trợ y tế này nhằm thể hiện tình liên đới của Mỹ đối với “một nước bạn đáng tin cậy, một thành viên trong gia đình các nền dân chủ trên thế giới”.

Hãng tin Anh Reuters nhắc lại khối lượng hai triệu rưỡi liều vac-xin Moderna nói trên cao hơn gấp ba lần so với khoản viện trợ của Mỹ cho Đài Loan được dự tính ban đầu. Lô thuốc này sẽ đến Đài Loan vào chiều nay 20/06/2021. Tại Washington, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, Ned Price, trên Twitter lưu ý đây là một cử chỉ trợ giúp Đài Loan “vô điều kiện (…) những liều thuốc này không theo đuổi các mục tiêu chính trị hay kinh tế. Vac-xin cung cấp chỉ nhằm cứu mạng người”.

Tuy nhiên theo Reuters, Washington đang chạy đua với Bắc Kinh trên phương diện « ngoại giao vac-xin ». Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ và đã đề xuất viện trợ cho Đài Bắc thuốc thuốc ngừa SARS-CoV-2 nhưng chính quyền của tổng thống Thái Anh Văn đã từ chối lòng tốt của Hoa Lục.

Đài Loan đã đặt mua hơn 5 triệu vac-xin của Moderna, 10 triệu liều của AstraZeneca nhưng tới nay mới chỉ nhận được thuốc một cách nhỏ giọt. Trong khi đó thì đại dịch Covid-19 đang bùng lên trên lãnh thổ Đài Loan, nơi mà đến nay mới chỉ có khoảng 6 % trong số hơn 23 triệu rưỡi dân số được tiêm chủng.

Hôm đầu tháng 6/2021 một phái đoàn gồm ba thượng nghị sĩ Hoa Kỳ trên một chuyến bay quân sự với 750.000 vac-xin đã đáp xuống phi trường ở Đài Bắc. Đó là đợt viện trợ đầu tiên của Mỹ cho Đài Loan. Nhưng theo lời tổng thống Thái Anh Văn trong hai tuần qua, Washington quyết định đẩy mạnh viện trợ y tế cho Đài Bắc.

Đài Loan là nguồn cung cấp linh kiện điện tử và bán dẫn cho Hoa Kỳ. Trong tuần chính phủ Đài Loan thông báo cho phép nhà tỷ phú Quách Đài Minh (Terry Gou) sáng lập viên tập đoàn chip điện tử lớn nhất thế giới Foxconn đàm phán với các đối tác quốc tế để mua vac-xin ngừa Covid-19.

Covid : Ấn Độ bắt đầu tiêm chủng miễn phí cho tất cả cư dân trên 18 tuổi

Trọng Thành

image.png
Ấn Độ khởi động chiến dịch tiêm chủng cho các đối tượng trên 18 tuổi từ ngày 21/06/2021. AP – Rajesh Kumar Singh

Truyền thông Ấn Độ loan tin, toàn bộ cư dân trên 18 tuổi tại Ấn Độ kể từ ngày 21/06/2021 có thể đến tiêm chủng miễn phí tại bất cứ cơ sở chích ngừa nào, không cần phải đăng ký trước. Thủ tướng Narendra Modi thông báo chính quyền trung ương sẽ chịu trách nhiệm mua 75% lượng vac-xin từ các nhà sản xuất để cung cấp miễn phí cho các bang.

Các bệnh viện tư đảm nhiệm 25% lượng vac-xin còn lại, với giá được Nhà nước hoàn bù với chi trả tối đa là 150 rupee/liều (tương đương khoảng 2,3 đô la Mỹ).

Theo thủ tướng Ấn Độ, không có chính quyền bang nào phải bỏ tiền mua vac-xin, và tất cả mọi người bất kể giàu nghèo « đều nhận được vac-xin miễn phí ».

Cho đến nay, Ấn Độ mới tiêm khoảng 275 triệu liều vac-xin, và mới chỉ có 4% dân cư là được tiêm chủng đủ liều. Mục tiêu là chích ngừa cho toàn bộ 1,1 tỉ cư dân trưởng thành từ nay đến cuối năm. Trước đợt tiêm chủng toàn dân kể từ hôm nay, kể từ ngày 01/05, Ấn Độ tập trung tiêm cho nhóm cư dân trên 45 tuổi.

Theo báo Ấn Độ India Today, trong lúc thành viên đảng cầm quyền BJP ca ngợi chính sách mới của thủ tướng Modi, thì nhiều người và nhiều phương tiện truyền thông khẳng định việc chính quyền của thủ tướng Modi phải thay đổi chiến lược tiêm chủng diễn ra sau can thiệp của Tòa Án Tối Cao, và đặc biệt là của thẩm phán Dhananjaya Y. Chandrachud, một thành viên Tòa Án Tối Cao. Việc tiêm chủng tại Ân Độ bị chậm lại trong những tháng gần đây một phần chủ yếu là do thiếu vac-xin.

Chính quyền Modi cũng bị nhiều lên án, chỉ trích đã lơi lỏng kiểm soát và thậm chí còn khuyến khích các cuộc tụ hợp đông người, khiến đợt dịch thứ hai bùng lên từ tháng Ba, với các đợt hội lễ, hành hương mùa xuân và nhiều vận động tranh cử. Tổng cộng ít nhất gần 400 nghìn người chết do Covid từ đầu đại dịch đến nay, và từ một tuần nay, trung bình mỗi ngày có thêm khoảng 2.000 người chết do Covid. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh nói chung cũng đã có chiều hướng giảm mạnh do việc siết chặt các biện pháp phòng dịch. Vòa lúc cao điểm của đợt dịch thứ hai, theo số liệu chính thức, mỗi ngày có khoảng 4.000 người qua đời vì Covid.

Chính quyền Modi chọn mở đầu đợt tiêm chủng vào Ngày Yoga Quốc tế
Ngày được chọn để bắt đầu đợt tiêm chủng lớn này trùng với Ngày Yoga Quốc tế. Quyết định này của thủ tướng Modi nhằm quảng bá cho sức mạnh kỳ diệu của yoga. Ngày Yoga Quốc tế được Liên Hiệp Quốc công nhận từ năm 2014, theo đề xuất của chính phủ.

Kể từ đầu đại dịch, cổ vũ cho sức mạnh chữa bệnh của yoga cũng là chủ trương của thủ tướng Modi. Tuy nhiên, từ đầu tháng đến nay, theo AFP, nhiều bác sĩ Ấn Độ đã lên tiếng cực lực chống lại những lạm dụng trong lĩnh vực này, đặc biệt lên án đạo sư Baba Ramdev, thân cận với chính quyền Modi, người đã khẳng định là yoga có thể chăm sóc và giúp chữa khỏi mọi chứng bệnh Covid-19.

Covid-19: Một tỷ liều vac-xin đã được tiêm ở Trung Quốc

Thanh Phương

image.png
Nhân viên y tế tiêm chủng phòng chống Covid-19 cho sinh viên tại đại học Thanh Đảo (Qingdao), tỉnh Sơn Đông (Shandong), Trung Quốc, ngày 30/03/2021. VIA REUTERS – CHINA DAILY

Trung Quốc đã vượt qua một giai đoạn quan trọng trong chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 cuối tuần qua. Theo Ủy ban Y tế Quốc gia, tính đến ngày 20/06/2021, Trung Quốc đã tiêm hơn một tỉ liều vac-xin cho người dân, nhưng cơ quan này không đưa ra tỷ lệ phần trăm dân số được miễn dịch.

Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh:

« Chiến dịch tiêm chủng vac -xin vẫn tăng tốc trong những tuần qua tại Trung Quốc. Việc phát hiện ra những ổ dịch nhỏ ở vùng đông nam của nước này (trong đó có 100 ca  ở  Quảng Đông vào cuối tháng 5/2021) khiến các cơ quan y tế quan ngại. Họ đang bàn về việc xây dựng một “bức tường miễn dịch” với 40 % người dân được tiêm vac-xin từ nay đến cuối tháng, và 80% trước thềm Thế vận hội  2022, theo mục tiêu được đặt ra từ đầu năm.

Chiến dịch tiêm chủng được xác định là sẽ triển khai đồng bộ, đầu tiên là tiêm cho những người có nguy cơ cao (như doanh nhân, cảnh sát, nhân viên siêu thị, nhà hàng, tái xế xe buýt, tắc xi và những người giao hàng, vv.), tiếp đến là ưu tiên cho người cao tuổi, rồi đến người nước ngoài và mới đây thì trẻ em cũng bắt đầu được chích ngừa. Các ủy ban khu phố đã không ngần ngại dán công khai tại cửa ra vào của các tòa nhà tỉ lệ những người dân gương mẫu đã tham gia tiêm vac-xin. Chính quyền các địa phương đang tiếp tục thuyết phục những người còn ngần ngại đi chích ngừa, để Trung Quốc trở thành một nước “không còn Covid” hoặc gần như thế.

Các chiến dịch tiêm chủng cũng đang nhắm đến những công nhân viên trẻ : vào cuối các buổi chiều thứ bảy, chúng tôi đã nhìn thấy các nhân viên mặc áo bờ lu trắng phát gạo và các túi thức ăn cho những người chích ngừa tại một trung tâm thương mại ở Thượng Hải.

Tổng cộng, Trung Quốc đã chế tạo ra được 7 loại vac-xin ngừa Covid 19, trong đó có 4 loại đã được cấp phép đưa vào sử dụng.

Theo một chuyên gia được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn, các nhà máy đang hoạt động hết công suất và có thể sản xuất được 3 tỉ liều năm 2021. Với trung bình 18 triệu liều được tiêm mỗi ngày, Trung Quốc hiện chiếm 1 phần 3 số liều vac-xin được tiêm trên thế giới. »

Mỹ đề nghị một cuộc gặp với Bắc Triều Tiên

Minh Anh

image.png
Đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên Sung Kim phát biểu trong cuộc gặp các đồng nhiệm Nhật và Hàn Quốc tại một khách sạn ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 21/06/2021. REUTERS – POOL

Ngày 21/06/2021, ông Sung Kim – tân đặc sứ Mỹ phụ trách hồ sơ Bắc Triều Tiên tuyên bố Hoa Kỳ đề nghị một cuộc gặp với Bắc Triều Tiên ở « bất kỳ nơi đâu, bất kể lúc nào mà không cần điều kiện tiên quyết ». Washington nóng lòng trông đợi một sự hồi đáp tích cực từ Bình Nhưỡng.

Theo Yonhap, đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên có những phát biểu như trên sau cuộc gặp ba bên với các đồng nhiệm Hàn Quốc và Nhật Bản, Noh Kyu Duk và Takehiro Funakoshi, nhân chuyến công du Seoul năm ngày, bắt đầu từ hôm thứ Bảy 19/06/2021.

Nếu như đặc sứ Mỹ, một mặt bày tỏ hy vọng Bình Nhưỡng phản hồi tích cực « với bàn tay thân thiện » từ Mỹ và hai đồng minh Nhật, Hàn, thì bên cạnh đó, ông cũng lưu ý rằng Hoa Kỳ sẽ hối thúc « tất cả các nước thành viên tại Liên Hiệp Quốc, cụ thể là Hội Đồng Bảo An của Liên Hiệp Quốc, cùng hành động để đối phó với mối họa mà Bắc Triều Tiên đang đặt ra cho cộng đồng quốc tế ».

Sau cuộc gặp riêng với đồng nhiệm Hàn Quốc, ông Sung Kim tái khẳng định « sự hậu thuẫn của Mỹ cho một cuộc đối thoại, hợp tác và một sự cam kết liên Triều đáng kể như những gì Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã từng làm nhân chuyến công du Washington của tổng thống Moon » hồi tháng Năm năm nay.

Về phần mình, đặc sứ Hàn Quốc tuyên bố Seoul sẽ tiếp tục nắm giữ một vai trò « thiết thực » để nối lạo nhanh chóng đối thoại với Bình Nhưỡng thông qua sự phối hợp với Mỹ. Chính phủ Hàn Quốc mong muốn « thiết lập một cơ chế, ở đó các mối quan hệ Liên Triều và Mỹ được củng cố sao cho đôi bên cùng có lợi »

Hoa Kỳ tỏ vẻ lạc quan, Trung Quốc nhắc khéo đồng minh
Đề nghị của ông Sung Kim được đưa ra ba ngày sau khi lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, cho rằng đất nước ông phải « sẵn sàng cho cả đối thoại lẫn đối đầu. ».

Phản ứng đầu tiên này của Bình Nhưỡng về cách tiếp cận mà tân chính quyền Mỹ định thông qua trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, đã được cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Jake Sullivan đánh giá là « thú vị », một « tín hiệu rõ ràng nhất mà Bắc Triều Tiên có thể gởi đến Mỹ » và Washington có thể « thử tiến hành để khởi động các cuộc đàm phán ».

Tại Bắc Triều Tiên, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của chế độ Bình Nhưỡng cho hay, đại sứ Trung Quốc tại Bắc Triều Tiên hôm nay, cũng đã có phản ứng, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự hợp tác giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng cho hòa bình, sự ổn định và thịnh vượng của khu vực. Lời nhắc nhở này được đưa đúng dịp kỷ niệm hai năm chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm Bình Nhưỡng.

Israel gọi tổng thống tân cử Iran là “đồ tể”

Trọng Thành

image.png
Thủ tướng Israel, Naftali Bennett (G) trong phiên họp chính phủ đầu tiên tại Jerusalem, ngày 20/06/2021, đã gọi tổng thống tân cử Iran là “đồ tể AP – Emmanuel Dunand

Chế độ Hồi giáo Iran có tổng thống mới, sau cuộc bỏ phiếu với số cử tri tham gia thấp kỷ lục hôm 18/06/2021. Ngay sau khi có kết quả bầu cử, bộ Ngoại Giao Israel ra thông báo, gọi tổng thống tân cử Iran là « đồ tể », và cảnh báo nguy cơ Iran tăng tốc chương trình hạt nhân quân sự.

Thông báo của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Israel, Lior Haiat, nhấn mạnh : « Ebrahim Raissi, tên đồ tể của Teheran, đã bị cộng đồng quốc tế lên án, vì vai trò trực tiếp trong việc giết hại 30.000 người không qua xét xử ». Thông báo của bộ Ngoại Giao Israel cũng cảnh báo việc bầu lên một « nhân vật cực đoan, kiên quyết đẩy nhanh chương trình hạt nhân quân sự, cho thấy rõ các ý đồ hiểm ác thực sự của chế độ Iran. Điều này sẽ là một nỗi lo lớn của cộng đồng quốc tế ».

Đối với giới bảo vệ nhân quyền quốc tế, ông Ebrahim Raissi là hiện thân cho chính sách đàn áp của chế độ Hồi giáo Iran, tên tuổi nhân vật này gắn liền với các vụ sát hại hàng loạt tù nhân cánh tả năm 1988, khi Ebrahim Raissi đảm nhiệm một chức vụ lãnh đạo trong « tòa án cách mạng » Teheran. Tổ chức Amnesty International kêu gọi điều tra Ebrahim Raissi về « tội ác chống nhân loại ». Ebrahim Raissi vốn đã nằm trong danh sách đen các giới chức Iran, bị chính quyền Mỹ trừng phạt về tội « đồng lõa với các xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng ».

Về phần mình, người phát ngôn của bộ Ngoại Giao Mỹ hôm qua khẳng định « cử tri Iran đã bị tước đoạt quyền lựa chọn những người lãnh đạo của mình, thông qua một tiến trình bầu cử tự do và trung thực », nhưng đồng thời cho biết Washington sẽ tiếp tục tham gia vào các thương lượng với Teheran, nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran.

51% không tham gia bầu cử
Về tình hình tại Iran sau bầu cử, thông tín viên Siavosh Ghazi từ Teheran cho biết thêm :

« Tại Teheran và ở nhiều thành phố khác, những người ủng hộ tổng thống đắc cử Ebrahim Raissi đổ xuống đường tối hôm qua, để ăn mừng chiến thắng. Đắc cử với 62% phiếu bầu, tuy nhiên thách thức với tân tổng thống là rất lớn. Trước hết vì 51% cử tri không tham gia bỏ phiếu. 49% cử tri đi bầu là số lượng người đi bầu tổng thống thấp nhất trong lịch sử 42 năm của chế độ Hồi giáo Iran.

Tiếp theo đó, gần 4 triệu cử tri, trong số 29 triệu tham gia bầu cử, đã bỏ phiếu trắng hoặc phiếu không hợp lệ, một dấu hiệu cho thấy mức độ bất bình trong một bộ phận lớn xã hội. Và cuối cùng là lạm phát vượt quá 50% và giá trị của đồng tiền Iran giảm mạnh những năm gần đây.

Trong tuyên bố đầu tiên, tổng thống đắc cử Ebrahim Raissi hứa hẹn chống lại nạn tham nhũng, và ưu tiên các tầng lớp nghèo khổ nhất. Vấn đề là, ngân khố Nhà nước đang trống rỗng. Iran khó xuất khẩu được dầu lửa, và nhất là khó thu được tiền đô la nhờ bán dầu, do các trừng phạt của Mỹ.

Ông Ebrahim Raissi cho biết ủng hộ các thương lượng để làm sống lại thỏa thuận hạt nhân 2015. Nếu đạt được trong những tuần tới, một thỏa thuận như vậy cho phép dỡ bỏ các trừng phạt của Mỹ, và chấn hưng nền kinh tế Iran ».


Họp chính thức tại Vienna

Theo Reuters, Liên Hiệp Châu Âu thông báo các bên liên quan trong Thỏa thuận hạt nhân Iran (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức và Iran) có cuộc « họp chính thức » hôm nay, 20/06/2021 tại Vienna. Theo đại diện Nga Mikhaïl Oulianov cuộc họp mới hôm nay « sẽ quyết định tiến trình tiếp theo ». Các thương lượng về Thỏa thuận hạt nhân Iran diễn ra tại Vienna dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Châu Âu.

‘‘Save the Children’’ báo động : 700.000 trẻ em Rohingya bị tước đoạt mọi quyền căn bản

Trọng Thành

image.png
Một em nhỏ người Rohingya sau khi trại tị nạn bị đốt cháy tại New Delhi, ngày 14/06/2021. REUTERS – DANISH SIDDIQUI

Thảm cảnh của người tị nạn Rohingya Miến Điện theo đạo Hồi, đặc biệt trẻ em sắc tộc thiểu số này, là nỗi ám ảnh lớn của giới bảo vệ nhân quyền quốc tế. Hôm 20/06/2021 là Ngày Tị nạn Thế giới. Hiệp hội Save the Children báo động tình trạng 700.000 em nhỏ người Rohingya đang bị tước đoạt mọi quyền căn bản.

Trả lời RFI, ông Bhanu Bhatnagar, một thành viên trong ban lãnh đạo hiệp hội Save the Children khẩn thiết báo động :

« Bất kể các em đang sống ở đâu hay tị nạn ở nước nào, tại vùng Nam Á hay đặc biệt tại Đông Nam Á, trẻ em người Rohingya đều phải đối mặt với những kỳ thị trầm trọng, với nguy cơ bị loại trừ, bị từ chối những quyền căn bản nhất. Điều này phải thay đổi ! Nếu không, chúng ta sẽ mất cả một thế hệ trẻ người Rohingya.

Chúng tôi rất lo ngại, bởi người ta từ chối các quyền căn bản nhất với tất cả 700.000 trẻ em Rohingya, quyền được bảo đảm an ninh, quyền được học hành, hay quyền có quốc tịch. Các em có nguy cơ trở thành nạn nhân của các băng đảng buôn lậu. Có những em bị cưỡng bức lao động từ rất sớm, các em gái nhiều khi phải lấy chồng trước khi đến tuổi trưởng thành.

Ví dụ như chúng tôi đã hỏi chuyện một em Rohingya đang sống tại Malaysia. Cậu bé này thậm chí không dám rời khỏi trại tị nạn, vì sợ bị cảnh sát Malaysia bắt giam. Như vậy, hoàn toàn không có việc các em có cơ hội được đi học. Trẻ em người Rohingya sợ phải đi ra ngoài. Các em phải sống trong nỗi sợ thường trực, nỗi sợ gặp hiểm nguy bất cứ lúc nào. »

Malaysia: Thái độ kỳ thị người Rohingya được chính quyền khuyến khích

Trẻ em người Rohingya và người tị nạn Rohingya nói chung đang có mặt chủ yếu tại bốn quốc gia châu Á, Bangladesh, Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Malaysia là nơi lánh nạn của hơn 100.000 người Rohingya, trốn chạy các đàn áp của tập đoàn quân sự Miến Điện. Chính quyền Malaysia cho phép dân Rohingya tạm cư, nhưng không cấp cho họ quy chế tị nạn.

Về nguyên tắc, người Rohingya lánh nạn tại Malaysia không bị bắt bớ, nhưng trong thời gian gần đây, nhiều hiệp hội bảo vệ nhân quyền liên tục đưa ra các cảnh báo về các hành động chống người nhập cư nói chung, và chống người Rohingya nói riêng gia tăng. Trả lời RFI, bà Katrina Maliamauv, giám đốc điều hành của tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International, báo động :

« Chỉ mới đây thôi, đã có việc một số cơ quan nhập cư đưa lên mạng các áp phích chống người Rohingya, và tuần này, bộ trưởng bộ Nội Vụ đã chia sẻ một số hình ảnh cho thấy nhiều người Malaysia được cám ơn vì đã báo với chính quyền về nơi ở của một số người nhập cư. Việc này dường như ngầm đưa ra một thông điệp chung là, chúng tôi bảo vệ các vị, bảo vệ người Malaysia, khi tấn công vào các đối tượng này ».

Bà Hui Ying Tham, đứng đầu tổ chức phi chính phủ Asylum Acces Malaysia, cho RFI biết thêm : « Hiện tại có 1.998 người Rohingya tại trung tâm quản lý nhập cư. Chính quyền nói rằng họ không thể hồi hương những người này về Miến Điện, do tập đoàn quân sự, cũng không thể đưa họ ra khỏi nơi giam giữ, như vậy họ sẽ còn phải ở đây vô thời hạn. Người Rohingya đã là một trong các sắc tộc thiểu số bị truy bức tàn khốc nhất thế giới, đến Malaysia này họ lại tiếp tục phải hứng chịu những lời lẽ thù hận, và các hành động khiến họ phải khiếp đảm, thêm một lần nữa ».

Related posts