Mâu thuẫn: Trung Quốc giảm tỷ lệ thất nghiệp nhưng tình trạng thiếu việc làm cho giới trẻ gia tăng

Vũ Dương

Công nhân làm việc trong một nhà máy lốp xe ở Trung Quốc (Ảnh: Internet).

Thông tin từ trang Business Shala cho hay, tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc đã giảm đều đặn kể từ đỉnh điểm dịch bệnh Covid-19 năm ngoái, tuy nhiên tình trạng thiếu việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, và thiếu công nhân sản xuất có tay nghề cao đang cho vẫn còn đang tiếp diễn ở quốc gia này.

Theo như dữ liệu chính thức cho thấy vào tuần trước, tổng tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm là 5% vào tháng 5, nhưng tỷ lệ thất nghiệp đối với những người trong độ tuổi 16-24, bao gồm sinh viên tốt nghiệp, đã tăng cao hơn gấp đôi ở mức 13,8%.

Trong một cuộc khảo sát với 90.000 công ty do Cục Thống kê Trung Quốc công bố hồi giữa tháng 4, gần 44% doanh nghiệp công nghiệp cho biết, trở ngại lớn nhất của họ là thuê nhân công.

Tuần trước, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết khoảng 14 triệu người dự kiến ​​sẽ gia nhập lực lượng lao động thành thị trong năm nay, trong đó 9,9 triệu người là sinh viên tốt nghiệp. Trung Quốc đặt mục tiêu cả năm là có thêm hơn 11 triệu việc làm ở thành thị.

Fu Linghui, phát ngôn viên của NBS, cho biết: “Sinh viên mới tốt nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm và các công ty đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động”.

Đại dịch đã đẩy nhiều công nhân sản xuất, đặc biệt là người nhập cư, vào ngành dịch vụ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng chỉ ra một số yếu tố dài hạn đang làm giảm số lượng lao động cổ xanh: như các công việc sản xuất không thu hút được lao động trẻ, lương thấp, và thiếu đào tạo kỹ năng tại chỗ v.v. .

Bắc Kinh hiện đang tăng cường đào tạo kỹ năng nghề, như một cách để giảm bớt vấn đề cơ cấu trong việc làm, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đề cập vấn đề này tại một cuộc họp hồi đầu tháng. Các quan chức cũng cam kết sẽ mở rộng việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học, cung cấp các dịch vụ tư vấn nghề nghiệp tốt hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho luồng thông tin giữa người tìm việc và người sử dụng lao động.

Bắc Kinh đã đặt mục tiêu đào tạo hơn 50 triệu người vào cuối năm nay, bao gồm lao động nhập cư, học sinh tốt nghiệp trung học, công nhân đã nghỉ hưu và cựu quân nhân đang nhận trợ cấp từ chính phủ.

Theo kế hoạch, lao động có tay nghề cao sẽ chiếm hơn 25% tổng lực lượng lao động vào cuối năm 2021.

Trong một báo cáo được công bố vào tháng Giêng của viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey cho biết: với lực lượng lao động thu hẹp và già đi như hiện nay, giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của Trung Quốc sẽ cần đến từ việc tăng năng suất nhờ các kỹ năng và sự đổi mới được cải thiện. Ước tính đến năm 2030, khoảng 220 triệu công nhân Trung Quốc, tương đương 30% lực lượng lao động quốc gia này, có thể cần phải chuyển sang các công việc có kỹ năng cao hơn.

Related posts