Phụng Minh
Tác giả Gabriël A. Moens, giáo sư luật danh dự tại Đại học Queensland đã có bài viết về “phép thử đạo đức” cho các quốc gia dân chủ trong vấn đề eo biển Đài Loan. Sau đây là bài viết của ông đăng trên Epoch Times:
Nhiều hãng thông tấn như The Australian và The Guardian đã đưa tin rằng Thủ tướng Úc, ông Scott Morrison đã nhầm lẫn khi đề cập đến khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ” khi thảo luận về Trung Hoa Dân Quốc, vốn được biết đến nhiều hơn với tên gọi là Đài Loan.
Kể từ năm 1972, chính sách chính thức của Úc, với sự ủng hộ của lưỡng đảng, đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan, vốn bị coi là một tỉnh nổi loạn. Thông cáo chung giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Úc, được ký kết vào đầu những năm 1970, nêu rõ rằng “Chính phủ Úc không công nhận Trung Hoa Dân Quốc là một quốc gia có chủ quyền và không coi nhà cầm quyền ở Đài Loan có vị thế của một chính phủ quốc gia”.
Hiện nay, Đài Loan được 14 quốc gia, chủ yếu ở Nam Mỹ (bao gồm Guatemala, Honduras, Belize, Nicaragua), thành phố Vatican và một số đảo ở Thái Bình Dương, công nhận là một quốc gia có chủ quyền. Nhưng cả Úc và Hoa Kỳ đều tuân thủ chính sách “Một Trung Quốc”.
Luật Chống Ly Khai gây tranh cãi của Trung Quốc được thông qua vào ngày 14/03/2005, Đài Loan không được đề cập trong khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ”. Khuôn khổ này chỉ áp dụng cho Hồng Kông và Ma Cao và gần đây đã bị phá hủy đáng kể khi Bắc Kinh tiếp tục thông qua Luật An ninh Quốc gia vào tháng 07/2020, trong đó dung túng cho việc bắt giữ các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.
Hiện tại, chính sách “Một Trung Quốc” của Úc đã được áp dụng trong khoảng nửa thế kỷ, và cũng thích hợp để chất vấn về khả năng chấp nhận được trong việc duy trì chính sách này, đặc biệt là vào thời điểm Bắc Kinh theo đuổi các mục tiêu địa chính trị và công khai tìm cách thống trị thế giới.
Có nhiều lý do giải thích tại sao việc tiếp tục tuân thủ chính sách “Một Trung Quốc” là có vấn đề và cần được sửa đổi.
Đầu tiên, cần nhấn mạnh rằng Đài Loan chưa bao giờ là một phần của Trung Quốc.
Trung Quốc chỉ cai trị nơi này trong khoảng hai trăm năm từ giữa thế kỷ 17. Nhật Bản chính thức chiếm Đài Loan từ năm 1895 đến năm 1945 và như vậy, nơi này trở thành một hòn đảo “của Nhật Bản”.
Khi Nhật Bản đầu hàng vào tháng 08/1945, nhờ đó kết thúc Chiến tranh thế giới thứ Hai ở Thái Bình Dương, Tưởng Giới Thạch được Liên Hiệp Quốc yêu cầu quản lý Đài Loan. Đài Loan không bao giờ là một tỉnh ly khai hay nổi loạn của Trung Quốc cộng sản. Do đó, câu chuyện kể của Trung Quốc về vấn đề này là sai lầm trầm trọng.
Thứ hai, trong một bài báo tiết lộ của ông Frank Mount, được đăng trên tờ Quadrant Online, lập luận rằng một Đài Loan độc lập là điều cần thiết cho sự tồn tại tiếp tục của Nhật Bản bởi vì “nếu Trung Quốc chiếm đóng Đài Loan, nó sẽ có thể tích lũy đáng kể sức mạnh hải quân và đe dọa nghiêm trọng ở cả phía đông và phía tây của Nhật Bản”.
Ông nói thêm rằng “Trung Quốc muốn Đài Loan vì đây là một liên kết chiến lược quan trọng trong Chuỗi Đảo Đầu Tiên. Nếu Trung Quốc có thể nắm quyền kiểm soát Đài Loan, hải quân của Trung Quốc sẽ có được quyền tiếp cận cấp chiến lược tới Bắc Thái Bình Dương”.
Thứ ba, tham vọng địa chính trị hiện nay của Trung Quốc đang gây bất ổn cho thế giới tự do.
Những tham vọng này được chứng minh bằng “chính sách ngoại giao sói chiến” trong mối quan hệ với Úc và Hoa Kỳ; việc sử dụng chính sách ngoại giao vaccine, bao gồm việc tặng hoặc bán vaccine COVID-19 trên khắp thế giới; sự miễn cưỡng ban đầu của Bắc Kinh khi cho phép nhóm chuyên gia điều tra nguồn gốc của virus; Sáng kiến Vành đai và Con đường, khiến một số nước đang phát triển khuất phục trước Trung Quốc một cách hiệu quả; việc thông qua luật pháp để đè bẹp các quyền tự do của Hồng Kông; và nạn lạm dụng nhân quyền ở Tân Cương.
Thứ tư, với tư cách là các nền dân chủ đứng đầu của phương Tây, Úc và Hoa Kỳ có nghĩa vụ đạo đức là phải phản ứng nghiêm túc trước các tham vọng địa chính trị của Trung Quốc. Giữa bối cảnh này, những lời tiên tri của nhà thần học và là mục sư đạo Tin lành người Đức là ngài Martin Niemöller đã nhắc nhở tôi. Khi thảo luận về thất bại trong việc lên tiếng chống lại sự xấu xa của Chủ nghĩa Quốc xã của các nhà lãnh đạo và trí thức Đức trong những năm 1930, ông đã nhận xét một cách thơ mộng: “Ban đầu họ tới bắt những người cộng sản, và tôi đã im lặng bởi tôi không phải là người cộng sản. Rồi họ tới bắt các thành viên công đoàn, và tôi đã im lặng vì tôi không phải là thành viên công đoàn. Rồi họ tới bắt người Do Thái, và tôi đã im lặng bởi tôi không phải người Do Thái. Cuối cùng đến khi họ tới bắt tôi, thì chẳng còn ai để lên tiếng cho tôi nữa“.
Lời nhận xét này là một lời nhắc nhở sâu sắc rằng hành động tà ác chắc chắn sẽ sinh ra nhiều hành động tà ác hơn nữa bởi vì cái ác cần được nuôi dưỡng để duy trì tính hợp lệ [của nó]—có một loại thuyết quyết định mang tính lịch sử về điều này.
Hiển nhiên, không nghi ngờ gì nữa rằng Trung Quốc sẽ phản ứng dữ dội nếu Úc và/hoặc Hoa Kỳ đi trên con đường công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập. Không nghi ngờ gì nữa, chế độ này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất cảng của Úc sang Trung Quốc, cùng với những hậu quả nghiêm trọng, có thể là tàn khốc đối với các lĩnh vực đa dạng của nền kinh tế này.
Nhưng làm thế nào có thể biện minh về mặt đạo đức cho sự thất bại trong việc giải quyết sự thù ghét mang tính quốc tế này đây?
Trong bất kỳ trường hợp nào, việc công nhận Đài Loan sẽ tạo cơ hội cho Úc chuyển hướng và đa dạng hóa hơn nữa nền kinh tế của mình, đây cũng có thể là lợi ích ngoài dự tính mang lại bởi bất kỳ hành động nào đó của Trung Quốc trong vấn đề này.
Ngoài ra, ở mức tối thiểu, Đài Loan nên được mời tham gia vào hoạt động của các cơ quan quốc tế. Nếu cộng đồng quốc tế coi nhẹ bất kỳ nỗ lực hợp pháp nào của Đài Loan trong việc tham gia vào các vấn đề thế giới, thì là họ sẽ tự hại lấy chính mình.
Trong bối cảnh này, thật là hữu ích khi đề cập tới việc theo báo cáo Đài Loan đã gửi một email vào ngày 31/12/2019, để cảnh báo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về một chu trình lây nhiễm virus có thể xảy ra ở Vũ Hán. Nếu những lo ngại này được coi trọng vào thời điểm đó, có lẽ đã có thể ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Tuy nhiên, WHO đã không xem xét yêu cầu cung cấp thông tin của Đài Loan một cách nghiêm túc vì họ không công nhận đây là một quốc gia, một ví dụ rõ ràng về việc triệt hạ người báo tin để làm lợi cho một số ý thức hệ chính trị nhất định.
Trên thực tế Đài Loan là một quốc gia; đất nước này có một nền dân chủ đang vận hành và tự quản. Đó là một người hàng xóm thịnh vượng của Úc cùng với quần chúng đáng tin cậy. Đài Loan nên được các nền dân chủ cùng chí hướng trên thế giới ủng hộ vì, như ngài Martin Niemöller đã nhắc nhở chúng ta rằng, lần tới, chúng có thể sẽ săn đuổi chúng ta đó.